Diễn đàn “Định hướng đầu tư phát triển bền vững ngành công nghiệp giấy Việt Nam”

Ngày 21-03-2019
VPPA-Ngày 21/3/2019, Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam (VPPA) phối hợp cùng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức Diễn đàn “Định hướng đầu tư phát triển bền vững ngành công nghiệp giấy Việt Nam”. Diễn đàn đã thu hút sự tham gia của nhiều doanh nghiệp, cơ […]

Ngày 21/3/2019, Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam (VPPA) phối hợp cùng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức Diễn đàn “Định hướng đầu tư phát triển bền vững ngành công nghiệp giấy Việt Nam”.

Diễn đàn đã thu hút sự tham gia của nhiều doanh nghiệp, cơ quan quản lý chức năng nhà nước ở trung ương và địa phương, chuyên gia cấp cao trong ngành. Diễn đàn đã thảo luận về vai trò trọng yếu của ngành giấy đối với nền kinh tế, lợi ích và tiềm năng phát triển của ngành, định hướng đầu tư phát triển bền vững, đồng thời đề xuất các giải pháp về chính sách quản lý nguồn nguyên liệu, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, mang lại hiệu quả kinh tế bền vững.

Sản xuất giấy: ngành công nghiệp với nhiều tiềm năng phát triển bền vững.

Tại hội thảo, các chuyên gia chỉ rõ, ngành công nghiệp giấy và bột giấy là một trong những ngành công nghiệp quan trọng trên thế giới, có ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế và xã hội toàn cầu. Phát triển bền vững là xu thế tất yếu và đang trở nên phổ biến trên phạm vi toàn cầu cũng như ở Việt Nam, ngành giấy Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng này. Hoạt động sản xuất giấy có trách nhiệm sẽ mang lại nhiều lợi ích cho môi trường, con người, nền kinh tế địa phương và đất nước.

Trong cuộc sống, giấy là sản phẩm thiết yếu và ngành sản xuất giấy giữ vai trò trọng yếu, đóng góp đáng kể cho sự phát triển kinh tế Việt Nam. Với việc đẩy mạnh phát triển sản xuất, ngành tạo công ăn việc làm cho hàng vạn lao động tại các doanh nghiệp sản xuất, đồng thời cộng hưởng để phát triển các ngành kinh tế khác: trồng rừng và khai thác gỗ rừng trồng của lâm nghiệp, phủ xanh đất trống đồi trọc và hỗ trợ người trồng rừng; tạo điều kiện thuận lợi cho các ngành chế biến phát triển. Đối với xã hội, ngành giấy cung cấp nhiều sản phẩm cho mục đích đa dạng: hoạt động văn hoá xã hội, hoạt động giáo dục hay hoạt động sản xuất, nghiên cứu và cung cấp nhiều sản phẩm cho người tiêu dùng.

Ở Việt Nam, ngành công nghiệp giấy đang tăng trưởng mạnh mẽ thông qua việc các doanh nghiệp áp dụng các công nghệ tiên tiến, tuân thủ nghiêm ngặt các yêu cầu về các sản phẩm thân thiện với môi trường. Bên cạnh đó, Việt Nam là nước xuất khẩu, hoạt động xuất khẩu tăng trưởng cao cũng đã và đang kéo theo sự gia tăng mạnh về nhu cầu giấy làm bao bì. Đây là sản phẩm phụ trợ cho các ngành hàng khác, đặc biệt là đối với các ngành có tỷ trọng xuất khẩu cao.

Tuy nhiên, ngành giấy đang phải đối mặt với nhiều thách thức, như chính sách quản lý trong nước còn nhiều điểm chưa khuyến khích phát triển ngành, sự cạnh tranh khốc liệt trong thị trường nội địa và xuất khẩu, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, sự phát triển mạnh mẽ của truyền thông kỹ thuật số dẫn đến sụt giảm nhu cầu sử dụng giấy in báo, nhưng lại làm tăng trưởng mạnh mẽ giấy bao bì, hộp giấy (do buôn bán online và giao hàng qua mạng).

Trong những năm gần đây, ngành giấy Việt Nam có tốc độ phát triển trung bình khoảng 10-12%/năm, riêng giấy bao bì khoảng 15-17%/năm, trong lĩnh vực này đã có những dự án đầu tư công suất lớn đang hoạt động, với công suất mỗi dự án khoảng 400.000 – 500.000 tấn/năm; một số doanh nghiệp đang dự kiến đầu tư dự án với công suất trên 1.000.000 tấn giấy bao bì/năm. Với nhu cầu lớn đáng kể và vai trò đa dạng đối với kinh tế, sản xuất của ngành giấy đóng góp khoảng 1,5% giá trị GDP, kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD.

Định hướng đầu tư phát triển ngành công nghiệp giấy Việt Nam

Hội thảo nhấn mạnh, định hướng đầu tư phát triển ngành công nghiệp giấy rất quan trọng. Trong đó, hướng đến đáp ứng nhu cầu tiêu dùng thị trường trong nước cả về số lượng và chủng loại và xuất khẩu. Ưu tiên đầu tư các dự án quy mô lớn, công nghệ tiên tiến, hiện đại, tiết kiệm nguyên liệu, nhiên liệu và năng lượng, bảo vệ môi trường. Đưa ngành công nghiệp giấy Việt Nam trở thành ngành công nghiệp mạnh, đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.  Đáp ứng nhu cầu trong nước đối với các loại giấy thông thường, xuất khẩu bột giấy, giấy bao bì và giấy tissue. Sử dụng hợp lý tài nguyên, bảo vệ môi trường sinh thái, di tích lịch sử văn hoá, cảnh quan và bảo đảm các yêu cầu về an ninh, quốc phòng. Ưu tiên phát triển các dự án đầu tư mở rộng nâng công suất và các dự án mới có quy mô lớn, bảo vệ tốt môi trường.

Phế liệu giấy – nguồn nguyên liệu trọng yếu trong sản xuất giấy: Giấy tái chế là nguyên liệu đầu vào trọng yếu của ngành công nghiệp giấy, có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ môi trường, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên. Việc tái sử dụng phế liệu giấy làm nguyên liệu mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp và xã hội như giảm khai thác tài nguyên, giảm đi việc chặt phá rừng. Sản xuất giấy từ giấy tái chế giúp giảm tiêu thụ năng lượng, chất thải rắn, nước thải và khí thải so với sản xuất từ giấy từ bột nguyên sinh.

Riêng với các doanh nghiệp, việc tận dụng phế liệu để sản xuất giúp giảm chi phí do giá thành phế liệu thấp, giảm thiểu chi phí xử lý môi trường. Hiện nay, nguồn cung giấy phế liệu trong nước không thể đáp ứng được nhu cầu sản xuất của các doanh nghiệp, dẫn đến nhu cầu nhập khẩu số lượng lớn nhằm phục vụ cho sản xuất trong nước.

Theo ước tính sơ bộ, tỷ lệ thu gom giấy tại Việt Nam chỉ đạt dưới ngưỡng trung bình thế giới, khoảng dưới 40% trước khi đưa vào phân loại và xử lý.

Hiện nay hầu hết các nước trên thế giới và khu vực (trừ Trung Quốc) như Hàn Quốc, Thái Lan, Indonesia… đều coi phế liệu giấy là loại hàng hóa thông thường, không coi đó là phế liệu mà coi đó là sản phẩm được phép nhập khẩu và không cần khai báo/xin phép. Chính phủ các nước này chỉ thực hiện kiểm soát ngay tại nhà máy sản xuất về các hoạt động đảm bảo an toàn môi trường, xử lý nước thải, khí thải, chất thải rắn,v.v.

Hiện nay, quy hoạch ngành giấy đã hết hiệu lực, chưa có chiến lược phát triển ngành, các văn bản liên quan chưa rõ ràng cụ thể, cơ sở cho các nhà đầu tư còn thiếu nên các dự án đầu tư trong ngành giấy Việt Nam đang thực hiện đều chưa có các căn cứ và cơ sở pháp lý. Tuy vậy nhưng các dự án đầu tư vẫn diễn ra và có quy mô rất lớn, nên trên thực tế các cơ quan quản lý nhà nước ở cả trung ương và địa phương không quản lý được, dẫn đến có sự lệch lạc và mất cân đối trong cơ cấu sản phẩm và quy mô công suất cho toàn ngành.

Trong phiên thảo luận, nhiều đại biểu là các chuyên gia và đại diện doanh nghiệp đầu ngành đã phát biểu về quy phạm pháp luật hướng tới mục tiêu tạo điều kiện cho ngành giấy phát triển nhưng đồng thời vẫn quản lý hiệu quả. Bên cạnh đó, chúng ta cần tham khảo chính sách quản lý nhập khẩu giấy phế liệu từ các quốc gia khác, tính toán cân đối với sự phát triển kinh tế trong thời điểm hiện tại của Việt Nam để đưa ra được định hướng chính sách phù hợp.

Với mục tiêu nâng cao hiểu biết về vai trò, tiềm năng và thách thức của ngành sản xuất giấy đối với sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh mới, cũng như phân tích hệ thống chính sách quản lý hiện hành tại Việt Nam đối với ngành sản xuất giấy và đề xuất khuyến nghị để hoàn thiện môi trường pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển bền vững, Diễn đàn “Định hướng đầu tư phát triển bền vững ngành công nghiệp giấy Việt Nam” do Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam (VPPA) và Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) phối hợp đồng tổ chức là nơi gặp gỡ giữa các chuyên gia cấp cao trong lĩnh vực sản xuất giấy, pháp lý và kinh tế, đại diện các cơ quan quản lý nhà nước ở trung ương và địa phương, các doanh nghiệp trong ngành, nhằm thảo luận và cung cấp các thông tin đa chiều mang tính khoa học và xác thực cao về hoạt động của ngành công nghiệp giấy Việt Nam./.

VPPA

Bình luận của bạn

Tin liên quan

Tin đã đăng