Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc: Cải cách thể chế làm “bệ đỡ” cho doanh nghiệp vượt qua đại dịch

Ngày 11-05-2020
VPPA-Trao đổi với phóng viên TBTCVN về các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp (DN) vượt qua đại dịch Covid-19, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc cho rằng, tiếp sức bằng nguồn lực là hữu hạn, tiếp sức bằng thể chế, bằng niềm tin là vô hạn.

Cộng đồng DN mong rằng cải cách thể chế sẽ được đẩy mạnh trong những tháng tới đây để “yểm trợ” và làm “bệ đỡ” cho DN vượt qua đại dịch và chuẩn bị tâm thế cho giai đoạn phục hồi và phát triển sau này.

* PV: Thưa ông, đại dịch Covid-19 đã gây ra cuộc khủng hoảng y tế  và kinh tế trên toàn cầu. Tại Việt Nam, để ứng phó với đại dịch, Chính phủ đã nhanh chóng đưa ra các biện pháp đúng đắn, kịp thời nhằm kiểm soát dịch bệnh đi đôi với khôi phục kinh tế. Một loạt gói cứu trợ kinh tế đã được Chính phủ đưa ra như giảm lãi suất cho DN, gia hạn thuế và tiền thuê đất, gia hạn thời gian đóng vào quỹ hưu trí, quỹ tử tuất, cho vay lãi suất 0% trả lương DN… Những chính sách này đã có tác động như thế nào đối với DN, thưa ông?

– Ông Vũ Tiến Lộc: Trong điều kiện ngân sách nhà nước khó khăn, Chính phủ đã có những giải pháp khá đồng bộ về tài khóa, tín dụng và an sinh xã hội để hỗ trợ cho DN và người dân trong bối cảnh đại dịch Covid -19.

 Đối với gói an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch Covid-19 trong đó có chính sách hỗ trợ cho người lao động nghèo, lao động mất việc nghỉ không lương và bị tạm hoãn hợp đồng… sẽ có tác động rất hiệu quả đối với các đối tượng được thụ hưởng; đồng thời cũng hỗ trợ được một phần cho DN trong việc thực hiện các chính sách đối với người lao động cũng như các DN đang gặp khó khăn về tài chính.

Ông Vũ Tiến Lộc

Nghị định 41/2020/NĐ-CP gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất, được triển khai thực hiện cũng rất nhanh và đơn giản nên DN nào cũng có thể được hưởng. Chính sách này sẽ giúp cho các DN có thêm một nguồn tiền đảm bảo giải quyết thanh khoản trong ngắn hạn.

Đối với gói tín dụng 285.000 tỷ đồng dùng để giảm lãi suất, khoanh nợ, giãn nợ cũng rất quan trọng với DN. Tuy nhiên, do các ngân hàng cũng là DN nên việc đáp ứng các điều kiện vay đang là thách thức đối với các DN.

Trong thời điểm hiện nay, DN cần nhất là dòng tiền và thanh khoản. Các gói hỗ trợ của Chính phủ đã tập trung giải quyết những yêu cầu này của DN. Vấn đề hiện nay là phải tổ chức thực hiện thật khẩn trương, hiệu quả các gói hỗ trợ này. Nhanh một ngày là DN có thể phục hồi, chậm một ngày DN có thể bị xóa sổ.

* PV: Riêng về các chính sách tài khóa, trong thời gian qua, Bộ Tài chính đã xây dựng và tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định 41/2020/NĐ-CP về gia hạn thuế và tiền thuê đất với tổng kinh phí 180 nghìn tỷ đồng. Ngoài ra, Bộ Tài chính đang nghiên cứu trình cấp có thẩm quyền ban hành và ban hành theo thẩm quyền nhiều quy định về miễn, giảm nhiều khoản thuế, phí dự kiến lên tới 46 nghìn tỷ đồng. Những chính sách này sẽ tác động ra sao, thưa ông?

– Ông Vũ Tiến Lộc: Như tôi đã nói, trong thời điểm này, DN cần nhất là dòng tiền và thanh khoản. Gói hỗ trợ gia hạn thuế và tiền thuê đất, giảm phí sẽ giúp DN có thêm dòng tiền để cầm cự và phục hồi. Tôi đánh giá cao Nghị định 41 khi đã mở rộng đối tượng được gia hạn thuế lên tới 98% tổng số DN đang hoạt động. Điều đó cho thấy, độ phủ sóng của chính sách này gần như tất cả các DN đang khó khăn cần được hỗ trợ. Tuy nhiên, tôi cho rằng số 2% DN còn lại không được hưởng lợi từ chính sách này cũng cần được rà soát mức độ khó khăn và có cơ chế chính sách phù hợp.

Chính sách miễn, giảm thuế sẽ là một “liều kháng sinh” mạnh để DN có sức đề kháng tài chính vượt qua khó khăn. Đây mới chính là sự hỗ trợ lâu dài và bền vững mà các DN nhỏ và siêu nhỏ, các DN bị ảnh hưởng trực tiếp từ Covid-19 thực sự cần.

Mức miễn, giảm phí, lệ phí đã thể hiện sự chia sẻ giữa Nhà nước và người dân, DN trong bối cảnh còn gặp nhiều khó khăn; tuy về ngắn hạn có thể giảm thu ngân sách, nhưng về dài hạn DN kinh doanh thuận lợi sẽ tạo ra nhiều nguồn thu thuế, tạo ra nhiều việc làm và sự phát triển bền vững của nền kinh tế.

Hiện nay, ngân sách nhà nước đang rất hạn hẹp. Vì thế cần phải thực hiện có hiệu quả, đúng địa chỉ. Bên cạnh nâng cao vai trò, trách nhiệm của địa phương, phải nêu cao trách nhiệm của các hiệp hội DN để kết nối và giám sát quá trình thực thi.

* PV: Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, trong bối cảnh đã kiểm soát được dịch bệnh thì nhiệm vụ trọng tâm hiện nay là đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm, đời sống, tăng trưởng. Với vai trò là đại diện, tiếng nói của cộng đồng DN, VCCI có đề xuất gì về các giải pháp khôi phục nền kinh tế, hỗ trợ DN, thưa ông?

– Ông Vũ Tiến Lộc: Hai công cụ quan trọng nhất của Chính phủ vẫn là chính sách tài khóa và chính sách tín dụng. Các biện pháp khác đóng vai trò bổ trợ. Nhưng khi dịch bệnh kéo dài hơn, khả năng thanh toán của phần lớn các DN bị đe dọa, nguy cơ đóng cửa, giải thể tăng lên, thì trọng tâm chính sách là nới lỏng hơn các chính sách tài khóa tiền tệ. Đồng thời tăng cường đầu tư và chi tiêu nhà nước, thậm chí Nhà nước có thể mua lại nợ của các tập đoàn, DN lớn, để tránh đổ vỡ dây chuyền. DN nhỏ và vừa là đối tượng ưu tiên của chính sách, nhưng việc giải cứu các tập đoàn lớn cũng là việc cần làm.

Tăng đầu tư công vào các dự án phát triển cơ sở hạ tầng, trong đó đặc biệt chú trọng những cơ sở hạ tầng của tương lai như công nghệ thông tin, viễn thông và chuyển đổi số… là hướng đi quan trọng vừa để kích cầu vừa tạo lập nền tảng cho giai đoạn phát triển tiếp theo.

Tôi nghĩ rằng, tiếp sức bằng nguồn lực là hữu hạn, tiếp sức bằng thể chế, bằng niềm tin là vô hạn. Cộng đồng DN mong rằng cải cách thể chế sẽ được đẩy mạnh trong những tháng tới đây để yểm trợ và làm “bệ đỡ” cho DN vượt qua đại dịch và chuẩn bị tâm thế cho giai đoạn phục hồi và phát triển sau này. Trong thời đại dịch, trọng tâm công tác của Chính phủ vẫn phải là thể chế.

Thế giới sẽ khác đi, các chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ được định hình lại, công nghệ biến đổi, do đó cần chuẩn bị tâm thế và nền tảng cho việc vượt vượt qua thách thức và tận dụng cơ hội phục hồi kinh tế sau khủng hoảng là việc cần làm ngay trong những tháng sắp tới đây.

Ngoài ra, DN muốn vươn ra thị trường thế giới thì phải coi việc thực hiện kế sách “bám sâu rễ, bền gốc” ở thị trường nhà mình là quan trọng. Quy mô của một thị trường gần 100 triệu dân với một nền kinh tế tăng trưởng nhanh và tiến trình công nghiệp hóa diễn ra mạnh, tầng lớp trung lưu bùng nổ, chính là nguồn tài nguyên lớn nhất cho sự phát triển của DN và nền kinh tế Việt Nam. Đặc biệt, khi DN khó khăn về thị trường tiêu thụ, thì việc đẩy mạnh cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” sẽ là hành động thiết thực hậu thuẫn cho DN Việt.

* PV: Xin cảm ơn ông!

Gần 200 nghìn tỷ đồng giãn, giảm thuế, phí, lệ phí

Trước tình hình dịch Covid-19, Bộ Tài chính đã chủ động đề xuất các giải pháp về chính sách tài khoá để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh. Trong đó, đề xuất thực hiện gia hạn, miễn, giảm các loại thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất với tổng mức khoảng 200 nghìn tỷ đồng.

Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 41/2020/NĐ-CP về việc gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 cho khoảng 98% doanh nghiệp (DN) với số tiền khoảng 180.000 tỷ đồng.

Đồng thời, thực hiện miễn thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng khẩu trang y tế, vật tư và thiết bị y tế khác. Điều chỉnh Biểu thuế xuất nhập khẩu ưu đãi trong lĩnh vực da giày, dệt may, chế biến nông, lâm sản, thủy sản, hỗ trợ phát triển cơ khí, công nghiệp phụ trợ, công nghiệp ô tô. Dự kiến   giúp giảm nghĩa vụ nộp NSNN của các doanh nghiệp năm 2020 trên 6.000 tỷ đồng.

Bộ Tài chính đề xuất Chính phủ để trình Quốc hội tại kỳ họp tới đây quyết định ưu đãi thuế thu nhập DN để hỗ trợ DN nhỏ và siêu nhỏ ngay từ 1/7/2020. Dự kiến áp dụng thuế suất 15 -17% tùy thuộc vào quy mô doanh thu và số lượng lao động của DN. Có khoảng 700 nghìn DN được hưởng lợi, qua đó giảm nghĩa vụ nộp NSNN năm 2020 khoảng 7,8 nghìn tỷ đồng (cả năm là 15,6 nghìn tỷ đồng).

Ngoài ra, Bộ Tài chính đề xuất nâng mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân. Dự kiến, tổng số thu nhập người lao động được giữ lại để chi tiêu thêm nhờ việc điều chỉnh này trong năm 2020  khoảng 10,3 nghìn tỷ đồng.

Bộ Tài chính còn rà soát để cắt giảm nhiều loại phí, lệ phí cho DN và người dân trên các lĩnh vực như: nông nghiệp, y tế, miễn lệ phí môn bài, lệ phí đăng ký DN, du lịch, xây dựng… tổng số phí, lệ phí cắt giảm trong thời gian còn lại của năm 2020 khoảng 500 tỷ đồng.

 

* Bà Phan Thị Thanh Xuân – Tổng thư ký Hiệp hội Da – Giày – Túi xách Việt Nam (Lefaso):

DN mong sớm nhận được các khoản hỗ trợ   

Trước diễn biến phức tạp và ngày càng gia tăng tại các nước có thị trường xuất khẩu chủ đạo như Mỹ và EU, tổng số đơn hàng bị hủy của toàn ngành tại các thị trường ước tính chiếm đến khoảng 70%. Cũng theo ước tính của Hiệp hội Da – Giày – Túi xách Việt Nam đến nay, hầu hết DN đứng trước nguy cơ đóng cửa, điều đó sẽ ảnh hưởng tới khoảng 1,2 triệu lao động trong ngành.

Do đó, các DN da giày rất quan tâm đến các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, nhất là các chính sách về gia hạn tiền thuế, tiền thuê đất, các gói hỗ trợ tài chính. Hiện các DN cũng đang thực hiện kê khai theo yêu cầu của cơ quan thực thi để chờ xét duyệt hỗ trợ, nhằm nhanh chóng nhận được các khoản hỗ trợ về tài chính trong tháng 5 để DN có dòng tiền trang trải.

Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, việc tiếp cận các chính sách hỗ trợ của nhiều DN vẫn còn khó khăn, vẫn còn nhiều DN chưa có thông tin về các văn bản hướng dẫn, đầu mối thực thi… Do đó, chúng tôi rất mong các cơ quan chức năng liên quan sớm hướng dẫn thủ tục để DN đăng ký các gói hỗ trợ kịp thời và có một đầu mối để hỗ trợ giải quyết khó khăn, vướng mắc cho DN.

* TS. Đặng Văn Sơn – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam:

Chính sách hỗ trợ giúp doanh nghiệp ngành giấy giảm áp lực

Sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy được Bộ Tài chính bổ sung vào danh sách các ngành hàng được gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất, theo Nghị định 41/2020/NĐ-CP ngày 8/4/2020.

Qua khảo sát các DN trong ngành cho thấy, chính sách của Chính phủ đưa ra rất chi tiết, cụ thể nên khi DN áp dụng cũng dễ dàng, minh bạch, không phải chuẩn bị quá nhiều giấy tờ, phương thức chứng minh thiệt hại…

Cụ thể, hầu hết các DN ngành giấy được gia hạn 5 tháng tiền thuế VAT phát sinh tháng 3, 4, 5, 6 và tiền thuê đất. Chính sách này đã giúp DN giảm các áp lực, khó khăn trong giai đoạn do dịch Covid-19 gây ra, nhất là DN ngành giấy có đầu ra lớn. Số tiền đó được DN tận dụng để đầu tư sản xuất kinh doanh, chi trả lương cho người lao động…

Các DN rất mong muốn Chính phủ, Bộ Tài chính xem xét kéo dài thời gian gia hạn thuế GTGT. Đây là điều rất cần thiết và hỗ trợ thiết thực đến doanh nghiệp trong ngành giấy.

* Ông Trương Văn Cẩm – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam:

DN đang tích cực tận dụng “phao cứu sinh”

Theo thống kê, ngay trong tháng 5 và tháng 6 sắp tới, DN dệt may gặp nhiều khó khăn trong việc xuất khẩu hàng hóa, kéo theo sản xuất bị suy giảm, tính toán cho thấy, việc làm của gần 50% lao động sẽ bị ảnh hưởng.

Để giảm thiểu tổn thất, hỗ trợ DN, chúng tôi đã đưa ra một số giải pháp cho các DN về việc tìm kiếm các đơn hàng xuất khẩu sản phẩm phòng dịch, như: khẩu trang, quần áo y tế dùng vải kháng khuẩn, quần áo dùng một lần từ vải không dệt… Đồng thời, các đơn vị áp dụng chế độ làm việc linh hoạt, giảm giờ làm, làm việc luân phiên để vừa đảm bảo hoạt động sản xuất, đảm bảo việc làm, thu nhập cho người lao động. Tuy nhiên, hiện nay đầu ra của các sản phẩm phòng dịch cũng đang gặp khó khăn do thị trường nội địa đã bão hòa, thị trường xuất khẩu thì yêu cầu cao về tiêu chuẩn và không phải DN nào cũng có thể đáp ứng để xuất khẩu.

Trong bối cảnh đó, các chính sách hỗ trợ của Chính phủ chính là “phao cứu sinh” cho cộng đồng DN. Theo khảo sát, một số DN chia sẻ đã nhận được thông báo của phía ngân hàng và hoàn thiện hồ sơ để vay vốn, qua đó, DN có được dòng tiền về để thanh toán, chi trả các chi phí sản xuất, đầu tư nhà xưởng, duy trì sản xuất. Đồng thời, các DN cũng đang làm việc với các ngân hàng về việc triển khai các biện pháp hỗ trợ về khoanh nợ, giãn nợ, gia hạn trả nợ, hạ lãi suất cho vay.

* Ông Nguyễn Văn Toàn – Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE):

Chính phủ đã làm tốt việc bảo vệ nguồn thu

Thuế là nguồn thu chính của mọi quốc gia nên việc nuôi dưỡng nguồn thu, bảo vệ nguồn thu là hết sức quan trọng. Với tình hình dịch Covid-19 tác động nặng nề như hiện nay thì quan trọng nhất là bảo vệ nguồn thu, tức là bảo vệ người dân, bảo vệ DN. Do vậy, những chính sách hỗ trợ của Chính phủ đề ra là tương đối kịp thời, toàn diện cho cả người dân và DN, nhất là những biện pháp như giãn thuế, cho nợ thuế, tiền thuê đất, gói tín dụng từ các ngân hàng.

Hiện tại, cũng còn hơi sớm để đánh giá được tác động của các chính sách hỗ trợ mà Chính phủ đã thực hiện. Nhưng tôi cho rằng, Chính phủ đã làm tốt việc bảo vệ nguồn thu của mình. Có thể thấy trước mắt, đó là một liều thuốc tinh thần rất tốt cho DN, nhất là khi DN khó khăn, đang trên bờ vực phá sản thì có thể tận dụng những cơ hội hỗ trợ của Nhà nước để trụ lại tiếp tục hoạt động. Tức là họ thấy rõ ràng rằng mình không bị Chính phủ bỏ rơi nên có thêm niềm tin vào Chính phủ. Một điều hết sức quan trọng và ấn tượng khác là Việt Nam là một trong những quốc gia xử lý dịch bệnh tốt nhất thế giới. Điều đó đã nâng uy tín của Chính phủ Việt Nam, uy tín của môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam. Đó cũng là một lợi thế rất lớn để hỗ trợ các DN khẩn trương hồi phục sau đại dịch.

* Ông Tô Hoài Nam – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam:

Những trợ lực cần thiết, kịp thời cho doanh nghiệp

Trong bối cảnh khó khăn, Chính phủ đã có rất nhiều chính sách hỗ trợ cần thiết, kịp thời cho DN. Đặc biệt, tôi cho rằng, với chính sách hỗ trợ về thuế theo Nghị định 41/2020/NĐ-CP về gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất, sẽ có khoảng 98% số DN sẽ được hưởng lợi từ chính sách này. Đồng thời, việc gia hạn nộp thuế được thực hiện rất đơn giản, thuận tiện và được thực hiện theo nguyên tắc hậu kiểm đã tạo nhiều thuận lợi cho DN.

Cộng đồng DN đánh giá, các chính sách hỗ trợ về thuế của Bộ Tài chính là giải pháp hỗ trợ thiết thực, giúp cho DN có nguồn vốn tạm thời và tương đối khá để có thể trang trải các chi phí và duy trì sự tồn tại trong bối cảnh khó khăn bởi dịch bệnh. Hơn thế nữa, những chính sách này còn có ý nghĩa khích lệ, động viên DN nỗ lực nhanh chóng ổn định sản xuất, tiếp tục phát triển khi dịch bệnh lắng xuống và quan trọng hơn đó là niềm tin của cộng đồng DN vào sự đồng hành của Chính phủ, của Nhà nước, trên cơ sở đó DN càng thêm nỗ lực vượt khó để cùng Chính phủ hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội đã đề ra…

Theo Thời báo Tài chính Việt Nam

Bình luận của bạn

Tin liên quan

Tin đã đăng