Cổ phiếu ngành giấy Dohaco, Hapaco… thăng hoa

Ngày 25-08-2020
VPPA-Gần đây một số cổ phiếu ngành giấy ghi nhận những “con sóng” tăng giá mạnh, tạo được sự chú ý với giới đầu tư với thanh khoản tăng đột biến. Động lực tăng giá chủ yếu từ hoạt động kinh doanh tăng trưởng thời gian qua, cùng với những dự án mở rộng mới, bối cảnh ngành vẫn thuận lợi.

Đông Hải Bến Tre (Dohaco, HoSE: DHC) là một doanh nghiệp quy mô lớn trong ngành, đặc biệt là đứng đầu về thị phần giấy Kraft (giấy xi măng) tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long với thị phần khoảng 30%. Cơ cấu doanh thu từ giấy chiếm hơn 75%, còn lại là nguồn thu từ bao bì carton.

Cuối năm 2018, Dohaco vận hành thêm nhà máy Giao Long 1 công suất 60.000 tấn/năm và là nhà máy giấy Kraft lớn thứ 7 cả nước. Đến tháng 9/2019, công ty tiếp tục vận hành thêm thêm nhà máy Giao Long 2 công suất 220.000 tấn/năm, nâng năng lực sản xuất giấy gấp 4 lần. Nhờ sự mở rộng đó, hiệu quả kinh doanh tăng đột biến.

Dohaco liên tục tăng trưởng, được đóng góp thêm sản lượng từ nhà máy Giao Long.

Năm 2019, công ty có doanh thu và lợi nhuận kỷ lục, lần lượt ở mức 1.430 tỷ và gần 182 tỷ đồng. Riêng 6 tháng đầu năm 2020, lợi nhuận tiếp tục gấp 3,6 lần cùng kỳ đạt gần 169 tỷ đồng và cũng là mức lãi bán niên cao kỷ lục.

Với động lực trong kinh doanh, cổ phiếu DHC có mức tăng giá tốt từ vùng 30.000 đồng/cp cuối tháng 3 lên trên 45.000 đồng/cp. Cùng với đó, thanh khoản cổ phiếu tăng cao với hàng triệu cổ phiếu được trao tay mỗi phiên.

Tập đoàn Hapaco (HoSE: HAP) cũng đang gây chú ý với chuỗi tăng trần 12 phiên liên tiếp. Tính đến 21/8, cổ phiếu có giá 6.770 đồng. Thanh khoản đạt mức kỷ lục hơn 6 triệu cổ phiếu, tương đương 11% vốn công ty vừa được sang tay trong phiên gần nhất.

Sự tăng giá của cổ phiếu này đến từ thông tin công ty muốn xây dựng lại thương hiệu HAP của 10 năm đầu tham gia thị trường chứng khoán. Được biết HAP là 1 trong 3 cổ phiếu đầu tiên niêm yết trên sàn chứng khoán cùng với REE và SAM.

Hapaco được thành lập năm 1960 trên cơ sở là Xí nghiệp giấy bìa Đồng Tiến và từng có thời gian dài được biết đến là Nhà máy giấy Hải Phòng, đứng thứ 2 về quy mô sản xuất tại khu vực miền Bắc. Tuy nhiên sau 20 năm hoạt động quy mô doanh nghiệp không có tiến triển lớn, doanh thu hàng năm chưa bao giờ vượt quá 500 tỷ đồng. Nguồn thu của công ty chủ yếu đến từ các nhà máy giấy Hapaco Hải Âu Hapaco Yên Sơn, Hải Hà và Hapaco H.P.P.

Hapaco muốn trở mình với loạt dự án lớn.

Tuy nhiên, HĐQT công ty mới đây đã công bố muốn đầu tư loạt dự án lớn bao gồm bệnh viện đa khoa quốc tế Việt – Hàn với tổng mức đầu tư 2.400 tỷ đồng; dự án trung tâm thương mại quốc tế tại 135 Điện Biên Phủ, TP Hải Phòng; dự án tòa nhà văn phòng cho thuê tại số 9 đường Cầu Bình với mức đầu tư 164 tỷ đồng; cùng các dự án bất động sản khu công nghiệp và khu đô thị khác tại Hải Phòng.

Giấy Việt Trì (UPCoM: GVT) cũng có những bước biến chuyển mạnh sau khi Nhà nước thoái hết vốn cuối năm 2018. Hoạt động kinh doanh tăng trưởng hàng năm là động lực giúp cổ phiếu này tăng mạnh từ vùng 10.000 đồng/cp đầu năm lên khoảng 33.000 đồng/cp như hiện tại.

Năm ngoái công ty sản xuất được 98.500 tấn giấy các loại, tăng 7%. Lợi nhuận sau thuế thu về gần 72 tỷ đồng, tăng 91% và là mức lãi kỷ lục của doanh nghiệp. Lãnh đạo công ty đang có kế hoạch đầu tư nâng công suất dây chuyền giấy toàn công ty lên 150.000 tấn/năm.

Lợi nhuận Giấy Việt Trì tăng mạnh các năm gần đây.

Cổ phiếu Đầu tư Phát triển Thương mại Viễn Đông (HoSE: VID) bất ngờ tăng vọt từ khoảng 3.500 đồng/cp giữa tháng 5 lên mức 10.500 đồng/cp như hiện nay, tức tăng 200% sau 3 tháng giao dịch. Thông tin quan trọng thời gian này là việc chia cổ tức 10% bằng cổ phiếu để tăng vốn lên 309 tỷ đồng.

Công ty trước đây chính là Nhà máy Giấy Viễn Đông và được cổ phần hóa năm 2000. Hiện nguồn thu chính đến từ công ty con Giấy Toàn Lực với doanh thu năm ngoái đạt 1.042 tỷ đồng, tỷ trọng đóng góp 97%. Ngoài ra doanh nghiệp cũng bắt đầu đầu tư sang 1 số ngành nghề khác như mở trường học, trồng chè, sách báo…

Theo Người Đồng Hành

Bình luận của bạn

Tin liên quan

Tin đã đăng