Hạn chế túi nilông: Đánh thuế cũng như không!

Ngày 23-09-2019
VPPA-Tăng thuế túi nilông để góp phần bảo vệ môi trường là một trong những giải pháp mà Bộ Tài chính báo cáo. Nhưng chính sách này có vẻ ‘bất lực’ khi giá bán nhiều loại túi nilông còn thấp hơn mức thuế đánh vào nó. Hiện thuế bảo vệ môi trường đối với túi nilông đang áp dụng […]

Tăng thuế túi nilông để góp phần bảo vệ môi trường là một trong những giải pháp mà Bộ Tài chính báo cáo. Nhưng chính sách này có vẻ ‘bất lực’ khi giá bán nhiều loại túi nilông còn thấp hơn mức thuế đánh vào nó.

Hiện thuế bảo vệ môi trường đối với túi nilông đang áp dụng mức kịch khung là 50.000 đồng/kg.

Ví dụ, 1kg túi nilông có giá tại nơi sản xuất là 20.000 đồng nhưng vẫn phải chịu thuế môi trường, nếu ở mức kịch khung là 50.000 đồng, phải có giá bán ít nhất là 70.000 đồng. Nhưng thực tế, giá bán phổ biến chỉ từ 18.000-40.000 đồng/kg.

Giá rẻ như cho

Khu vực bán bao bì nilông bên hông chợ Bà Chiểu (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) sáng 22-9 nhộn nhịp khách hàng đến mua sắm. Hàng loạt loại bao bì nilông đủ kích cỡ, màu sắc và độ dày mỏng được các sạp đóng thành từng tập và bán theo ký.

Với loại bao nilông trong suốt, chiều ngang đáy 12cm, mỗi ký sẽ có hơn 1.300 túi với giá bán chỉ 40.000 đồng/kg. Như vậy tính ra từng túi, giá sẽ rẻ như cho.

Đối với các bao bì còn lại, giá bán sẽ dao động từ 30.000-60.000 đồng/kg tùy theo độ dày mỏng, kích cỡ bao. Theo bà H.C. (chủ cửa hàng tạp hóa tại chợ Bà Chiểu), các loại bao bì màu đen có giá rẻ nhất, chỉ 30.000 đồng/kg và sẽ giảm giá hơn nữa nếu mua số lượng lớn.

Tại một cửa hàng trên đường Lê Quang Sung (Q.6), những bao tải đựng hàng trăm mẫu mã bao bì nilông được chất đống tràn ra vỉa hè.

Bà L.C. (chủ cửa hàng) cho biết bà có đầy đủ các loại bao bì nilông đang sử dụng trên thị trường, giá sỉ “rẻ như cho”: bao xốp, bao kính và bao nilông giá chỉ từ 23.500-55.000 đồng/kg. Những loại bao bì lớn, kích cỡ 60x100cm với độ dày cao, tùy theo số lượng, cửa hàng này bỏ sỉ với giá chỉ khoảng 50.000-60.000 đồng/kg.

Tại Hà Nội, nhiều chợ như Hà Đông, chợ Nam Thành Công, chợ Ngã Tư Sở… giá túi nilông cũng rất rẻ, chỉ từ 18.000-45.000 đồng/kg.

Bà Phạm Thúy Huyền (chủ quầy bán tạp hóa ở chợ Hà Đông) cho biết túi màu xanh lá cây và màu vàng có chất lượng kém giá chỉ 18.000 đồng/kg. Còn loại màu trắng trong là đắt nhất, thường để đồ ăn nóng, giá 45.000 đồng/kg.

Bà Huyền cho hay người dân nhiều khi mua ít tỏi khô, ba quả chanh tươi hay vài ba cây hành lá cũng phải để vào túi nilông. Mỗi ngày doanh thu của bà có 600.000-700.000 đồng nhưng đã dùng mất nửa ký túi nilông rồi.

“Chỉ cho chung xương vào thịt trong 1 túi nilông thôi thì nhiều người mua cũng không thích, thậm chí có người còn cho rằng người bán tiếc cái túi. Nên cứ nói phải hạn chế túi nilông là không dễ” – chị Trương Thị Phúc, bán thực phẩm ở chợ Nam Thành Công, chia sẻ.

Hạn chế túi nilông: Đánh thuế cũng như không! - Ảnh 3.
Dữ liệu: L.THANH – Đồ họa: TẤN ĐẠT

Túi nilông tăng, thu thuế giảm

Theo tiến sĩ Đoàn Xuân Tiên – phó kiểm toán trưởng Kiểm toán Nhà nước, việc hạn chế sử dụng túi nilông là vấn đề rất lớn mà dư luận đặc biệt quan tâm.

Thông tin về ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng sức khỏe con người ai cũng được nghe như vi hạt nhựa có trong muối ăn, có trong nước đóng chai, có trong mỹ phẩm, có trong không khí…

Trong khi đó ông Nguyễn Lệ Sơn, phó kiểm toán trưởng Kiểm toán Nhà nước khu vực 4, cho biết trong năm 2018, Kiểm toán Nhà nước đã kiểm toán việc thực hiện giải pháp giảm sử dụng túi nilông khó phân hủy của TP.HCM theo đề án “Tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường do sử dụng túi nilông khó phân hủy trong sinh hoạt đến năm 2020” của Chính phủ. Bên cạnh việc phát hiện các giải pháp hạn chế sử dụng túi nilông, Kiểm toán Nhà nước còn nhận thấy bất cập trong việc thải bỏ, thu gom, tái chế rác thải sản phẩm này.

Cụ thể, ước tính của Sở Tài nguyên – môi trường TP.HCM, trên địa bàn TP trong năm 2017 có 80.000 tấn túi nilông được thải bỏ ra môi trường. Đáng lo ngại, tỉ lệ túi nilông được thu gom, tái chế bởi các công ty xử lý chất thải chỉ đạt 38%.

Đặc biệt, số lượng túi nilông thải bỏ ra môi trường ngày càng tăng và tăng rất mạnh, từ mức khoảng 40 tấn/ngày vào năm 2008 lên 228 tấn/ngày vào năm 2017.

Tuy nhiên, trái ngược với thực tế, ông Sơn cũng nhấn mạnh lượng túi được đánh thuế bảo vệ môi trường nộp vào ngân sách ngày càng giảm, từ 746 tấn năm 2014 xuống 577 tấn năm 2017, giảm 23%. Mặt khác, số lượng túi nilông nhập khẩu cũng tăng rất lớn, gần 250% sau 4 năm, từ năm 2014 là 63,8 tấn lên 220 tấn năm 2017.

Cùng với túi nilông, lượng nhập khẩu hạt nhựa, phế liệu nhựa để về sản xuất túi nilông trên địa bàn trong 3 năm qua cũng tăng mạnh.

Là người trực tiếp kiểm toán chuyên đề này, bà Vinh Nga (Kiểm toán Nhà nước khu vực 4) đặt vấn đề tại sao rác thải túi nilông càng ngày càng tăng, sản xuất ngày càng nhiều mà thuế thu lại ngày càng giảm?

Qua kiểm toán, bà Nga cho biết cơ quan kiểm toán phát hiện điều rất phi lý là giá túi nilông loại cao cấp đang bán trên thị trường chỉ 50.000-60.000 đồng/kg, loại kém chất lượng chỉ hơn 10.000 đồng/kg.

“Chúng tôi tính giá bình quân mỗi ký túi nilông chỉ 26.000 đồng thôi, trong khi riêng thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng này là 40.000 đồng/kg (đây là mức áp dụng năm 2018, còn từ năm 2019 thuế tăng lên 50.000 đồng/kg – PV).

Như vậy, giá bán chỉ bằng 65% mức thu của thuế bảo vệ môi trường. Qua đó cho thấy có kẽ hở rất lớn của pháp luật trong quản lý thuế” – bà Vinh Nga nêu.

Hạn chế túi nilông: Đánh thuế cũng như không! - Ảnh 4.
Túi nilông được sử dụng để đựng rau củ tại các chợ (ảnh chụp tại chợ Bà Chiểu, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) – Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Phải đánh thuế vào người dùng?

Trao đổi thêm với Tuổi Trẻ, bà Vinh Nga cho biết qua kiểm toán cho thấy bất cập chính sách nữa là với những túi mà không có đáy thì không phải chịu thuế.

Thực tế, khi đi mua cà phê mà không uống ngay tại quán, người bán hàng thường để ly trong túi cho khách mang về. Vì túi không có đáy nên không phải chịu thuế.

TS Nguyễn Hoàng Nam (Viện Chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường) dẫn một thống kê chưa đầy đủ về chính sách thuế ở hơn 50 nước của Bộ Tài nguyên – môi trường, có 27 nước đánh thuế vào việc sản xuất, còn khoảng 30 nước đánh thuế vào việc tiêu thụ.

Cụ thể, nếu một người trả tiền mua túi nilông ở siêu thị thì khoản tiền này đã bao gồm thuế túi nilông. Như vậy, việc đánh thuế vào việc tiêu thụ sẽ ngay lập tức điều chỉnh hành vi người dùng, góp phần giảm lượng tiêu thụ sản phẩm này.

Việt Nam cần phải nghiên cứu, chọn đối tượng nào để đánh thuế phù hợp, hiệu quả nhất trong việc giảm thiểu túi nilông. Nên đánh thuế vào người tiêu dùng sẽ hiệu quả hơn đánh thuế vào người sản xuất, nhưng phải kết hợp nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng, người bán túi như kinh nghiệm quốc tế.

Ngoài ra, việc đánh thuế vào một sản phẩm thì cần phải có những sản phẩm thay thế để người tiêu dùng lựa chọn, cần phải có chính sách thúc đẩy việc sản xuất, tiêu thụ những loại túi thân thiện với môi trường.

Đồng thời, cần phải có lộ trình để tiến tới cấm hẳn túi nilông ở một số lĩnh vực nhất định như nhiều nước châu Âu đã thực hiện.

Ông Lê Đình Thăng, kiểm toán trưởng Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành 3, cho rằng nên rà soát lại các quy định hiện hành và cần thiết phải có Luật xử lý phát thải chất thải, rác thải ra môi trường.

Khi có luật này rồi thì lúc đó chúng ta sẽ có cách xử lý căn cơ, chặt chẽ và nghiêm đối với những hành vi, hoạt động gây ảnh hưởng xấu đến môi trường.

Sản xuất một đường, khai thuế một nẻo

Để làm rõ bất cập trong quản lý thuế đối với hộ sản xuất kinh doanh túi nilông, đoàn kiểm toán đã đề nghị Công ty Điện lực TP.HCM cung cấp sản lượng điện tiêu thụ của các hộ sản xuất túi nilông.

Thật bất ngờ, số tiền điện mà hầu hết các hộ sản xuất túi nilông cao hơn doanh thu tính thuế khoán nhiều lần, cá biệt có hộ có chênh lệch hai chỉ tiêu này lên đến 8 lần. Ví dụ doanh thu kê khai thuế là 100-200 triệu đồng/năm nhưng căn cứ vào tiền điện phải trả để sản xuất túi nilông, doanh thu thực có thể đến hơn cả tỉ đồng.

Việc khoán thuế cho các hộ sản xuất nhỏ lẻ khiến chủ trương đánh thuế cao để đẩy giá túi nilông lên thật cao, qua đó hạn chế sử dụng đã bị vô hiệu hóa. Phần lớn túi nilông được nhiều chợ và các điểm mua bán trên đường phố sử dụng là do các cơ sở nhỏ lẻ sản xuất.

* Tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính):

Thu đủ thuế, giá túi nilông tăng 4-5 lần

thay anh - tsdinhtrongthinh 2(read-only)

Đánh thuế bảo vệ môi trường túi nilông không phải chỉ ở Việt Nam mà hầu hết các quốc gia trên thế giới đều áp dụng. Vì đây là một trong những giải pháp để hạn chế sử dụng sản phẩm có hại và hủy hoại môi trường.

Thuế bảo vệ môi trường là 50.000 đồng/kg trong khi giá bán sản phẩm này trên thị trường chỉ 20.000 đồng/kg, rõ ràng là có vấn đề.

Nếu tính đúng, đủ và giám sát chặt chẽ doanh thu của cơ sở sản xuất kinh doanh túi nilông, nhất là các hộ thuế khoán, chắc chắn giá túi nilông phải gấp ít nhất 4-5 lần hiện nay. Vì ngoài thuế bảo vệ môi trường 50.000 đồng/kg, một ký túi nilông còn bao gồm thuế giá trị gia tăng, chi phí nguyên liệu, máy móc, nhân công, mặt bằng, điện, nước, vận chuyển, vốn… Lúc đó, ý thức sử dụng túi nilông sẽ khác.

Có thể thấy việc sử dụng một lượng túi nilông vô tội vạ như lâu nay có trách nhiệm lớn của ngành thuế. Do đó, cơ quan thuế cần phải nhận trách nhiệm và giám sát chặt chẽ doanh thu sản xuất kinh doanh túi nilông để không thất thoát thuế.L.THANH ghi

* TS Nguyễn Hoàng Nam (Viện Chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường):

Sao lại đánh thuế trên ký?

ts nguyen hoang nam (1) 3(read-only)

Việc đánh thuế bảo vệ môi trường túi nilông với người sản xuất như hiện nay còn tồn tại những nhược điểm. Chỉ khi hệ thống thuế được đảm bảo thực thi chặt chẽ, việc áp thuế mới có hiệu quả bởi việc kê khai số lượng túi nilông sản xuất phụ thuộc phần lớn vào tính tự giác của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, những làng nghề nhỏ vẫn sản xuất túi nilông nhưng việc đóng thuế không phụ thuộc vào sản lượng mà đóng thuế khoán.

Ở Việt Nam tính thuế theo khối lượng, nhưng số lượng túi, độ dày của túi sẽ khác nhau nên dù 1kg nhưng số lượng túi của mỗi loại sẽ khác nhau, mức độ thải ra môi trường, thời gian phân hủy sẽ khác nhau.

Thái Lan đã có quy định về độ dày túi nên đã có thông tin túi loại dày của Trung Quốc không xuất sang Thái mà chuyển sang Việt Nam bởi chúng ta đánh thuế theo khối lượng.

* TS Hoàng Dương Tùng (nguyên phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường):

Trách nhiệm của ngành thuế

hoangduongtung - ảnh việt dũng 3(read-only)

Nếu thuế được thực thi tốt, túi nilông giá cao hơn, có thể đã hạn chế bớt được tình trạng người bán thì cho tràn lan, nhiều người dùng cứ xài thả ga.

Tôi không bất ngờ trước những thông tin Kiểm toán Nhà nước nói về số thu thuế với túi nilông năm sau giảm hơn năm trước, trong khi số lượng túi nilông đưa ra thị trường ngày càng nhiều hơn.

Việc không thu được thuế bảo vệ môi trường đối với các cơ sở sản xuất túi nilông nhỏ lẻ đã được nêu ra từ lâu. Bộ TN-MT cũng đã nhiều lần có văn bản gửi các tỉnh, thành phố đề nghị chỉ đạo các cơ quan thuế thu thuế bảo vệ môi trường với túi nilông.

Việc thu thuế đối với túi nilông không được bao nhiêu đã được nêu ra tại hội nghị và nhiều vị khách quốc tế cũng rất ngạc nhiên. Họ đặt câu hỏi tại sao có công cụ quản lý về thuế, nếu thu hiệu quả có thể tạo ra nguồn thu dành cho bảo vệ môi trường, nhưng lại thực thi không hiệu quả, đây là trách nhiệm của ngành thuế.

Có thể hộ kinh doanh, sản xuất nhỏ lẻ chỉ có 1-2 máy sản xuất túi nilông, lâu nay họ nộp thuế khoán, nhưng khi có thuế bảo vệ môi trường với túi nilông, khoản thuế này phải được thu.

Thời điểm ban đầu khi túi nilông phải chịu thuế, người bán hàng ở chợ dân sinh cũng không dám công khai phát không cho người mua hàng, vì giá túi nilông họ mua cũng đắt. Sau đó, bên thuế không thu được thuế bảo vệ môi trường với các hộ sản xuất nhỏ lẻ, giá rẻ, người bán hàng ở chợ cho, họ mới dùng túi nilông thoải mái.

Có thể việc kiểm soát số lượng túi nilông các hộ sản xuất ra có khó khăn, nhưng đây không phải là nguyên nhân chính. Phải chăng nguồn thu thuế bảo vệ môi trường với các hộ sản xuất túi nilông không lớn nên cơ quan thuế không quyết liệt, tập trung?

Nếu vậy là một chính sách lớn về bảo vệ môi trường đã bị xem nhẹ, một công cụ tài chính nhằm hạn chế túi nilông đã thực hiện không hiệu quả.

Nhiều người không nhận thấy hết những hậu quả lớn về môi trường khi túi nilông được cho, phát khắp nơi vì quá rẻ. Trong khi đó, với bình quân mỗi hộ sử dụng 7-8 túi nilông/ngày, nếu giảm được 1/2 hoặc 1/3, lượng túi thải ra môi trường sẽ giảm rất nhiều.

Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo mạnh mẽ với các bộ, ngành, địa phương, người đứng đầu nêu gương trong phong trào chống rác thải nhựa, hạn chế sử dụng ngân sách mua sắm đồ nhựa dùng một lần.

Các cơ quan cần gương mẫu ngay từ khâu xây dựng dự toán, loại bỏ ngay mục chi mua sắm với chai nước uống bằng nhựa, túi nhựa đựng tài liệu hội họp.

Đặc biệt, với khối công sở, rất cần khắc phục chuyện lạm dụng “ship đồ”, như việc gọi đồ ăn trưa, hãy xem họ mang đến bao nhiêu đồ nhựa dùng một lần, từ hộp nhựa, cốc nhựa đựng canh, rồi ống hút, túi đựng nilông…

Một bữa ăn có thể tiện lợi nhưng lại rất kinh khủng về rác thải ra môi trường.

Theo Tuổi trẻ

Bình luận của bạn

Tin liên quan

Tin đã đăng