Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam tiếp, làm việc với Đại học công nghệ Hoa Nam, Trung Quốc

Ngày 17-09-2019
VPPA-Ngày 16 tháng 9 năm 2019, tại Văn phòng Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam, Ông Đặng Văn Sơn – Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Giấy và Bột Giấy Việt Nam đã thay mặt Hiệp hội đón tiếp và làm việc với đoàn công tác của Trường Đại học Công […]

Ngày 16 tháng 9 năm 2019, tại Văn phòng Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam, Ông Đặng Văn Sơn – Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Giấy và Bột Giấy Việt Nam đã thay mặt Hiệp hội đón tiếp và làm việc với đoàn công tác của Trường Đại học Công nghệ Hoa Nam Trung Quốc.

Tại buổi gặp hai bên đã thảo luận và trao đổi một số vấn đề của ngành công nghiệp giấy Việt Nam và Trung Quốc. Ngành Giấy Trung Quốc có quy mô và ưu thế về tất cả mọi lĩnh vực: nghiên cứu, sản xuất, thiết bị, đào tạo nhân lực, thị trường…, trong khi đó Ngành công nghiệp Giấy Việt Nam còn quá nhỏ bé so với Trung Quốc, phần lớn các thiết bị, máy xeo, dây chuyền sản xuất của các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay đều được mua tại Trung Quốc. Việc nghiên cứu và gia tăng hợp tác với ngành giấy Trung Quốc sẽ tạo cơ hội phát triển cho cả hai bên.

Đại học công nghệ Hoa Nam có tiềm năng rất lớn và kinh nghiệm trong việc hợp tác đào tạo với các nước trong khu vực và trên thế giới về chuyên ngành giấy. Đại học Hoa Nam có nhiều chế độ học bổng dành cho các sinh viên nước ngoài như: Đại học, Thạc sỹ, Tiến sỹ… Chuyên Ngành giấy của Đại học Hoa Nam có hai hệ đào tạo chủ yếu là 2 năm và 4 năm. Thông qua hỗ trợ của Chính phủ, hàng năm Đại học Hoa Nam đã đón và cấp nhiều học bổng cho các sinh viên nước ngoài theo học tại đây.

Tại Việt Nam, Đại học Bách khoa Hà Nội đang hợp tác với nhiều nước trong việc trao đổi đào tạo sinh viên. Mong muốn giữa Đại học Hoa Nam và Đại học Bách khoa sẽ thiết lập mối quan hệ hợp tác, trao đổi đào tạo sinh viên. Đại học Bách khoa Hà Nội cũng có thể xem xét tiếp nhận sinh viên Trung Quốc tới học tập. Hai bên cùng đề nghị xem xét loại hình đào tạo Thạc sỹ kỹ thuật chuyên ngành giấy cho các kỹ sư công nghệ giấy Việt Nam.

Việc hợp tác trong lĩnh vực đào tạo, không chỉ thực hiện riêng đối với các sinh viên của Đại học Bách khoa Hà Nội mà còn nhiều đối tượng khác của Ngành giấy cũng cần được nâng cao trình độ, bổ túc tay nghề. Đó là các cán bộ, kỹ sư từ các nhà máy, viện nghiên cứu, trường nghề của ngành giấy Việt Nam, Đại học Hoa Nam có thể mở các lớp đào tạo, bổ túc ngắn hạn khoảng 3-6 tháng cho các nghiên cứu viên, kỹ sư chuyên ngành giấy của Việt Nam.

Sinh viên Việt Nam nếu học tại Hoa Nam thì sẽ được tiếp cận với hệ thống cơ sở thực hành, sinh viên có thể vừa học lý thuyết vừa thực hành ngay trong nhà xưởng thực nghiệm. Qua xem xét tình hình thực tế thì thấy có sự chênh lệch, khác nhau về trình độ của kỹ sư, nghiên cứu viên ngành giấy giữa hai nước Việt Nam và Trung Quốc, nên cần thiết phải xem xét việc mở lớp riêng cho sinh viên Việt Nam, và có thể sẽ mở lớp tại Việt Nam và mời chuyên gia, giáo sư từ Đại học Hoa Nam sang giảng dạy.

Hai bên sẽ trao đổi, thảo luận về các hướng hợp tác, các điều kiện và điều khoản  hợp tác thông qua e-mail trước khi ký Biên bản ghi nhớ thỏa thuận hợp tác (MOU) về lĩnh vực đào tạo giữa: Đại học công nghệ Hoa Nam với Hiệp hội Giấy VN và Đại học Bách khoa Hà Nội về việc đào tạo sinh viên chuyên ngành giấy tại Đại học Hoa Nam, việc mở các lớp bổ túc ngắn hạn… Hy vọng năm học 2020 sẽ bắt đầu thực hiện việc tuyển chọn và gửi sinh viên đi đào tạo.

Ngoài lĩnh vực hợp tác đào tạo, hai bên còn thảo luận một số vấn đề về hợp tác phát triển dịch vụ công nghệ khác trong ngành giấy như  hợp tác đầu tư sản xuất các loại giấy đặc biệt tại Việt Nam, thành lập một phòng thí nghiệm chuyên ngành giấy tại Việt Nam■

VPPA

Bình luận của bạn

Tin liên quan

Tin đã đăng