Hội thảo Ngành Giấy: Tìm giải pháp chính sách phát triển bền vững

Ngày 17-10-2018
VPPA-Ngày 16/10/2018 tại Hà Nội, Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam phối hợp cùng Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức Hội thảo giải pháp chính sách phát triển bền vững ngành giấy Việt Nam. Tham dự hội thảo có đại diện của nhiều cơ quan quản lý nhà nước, […]

Ngày 16/10/2018 tại Hà Nội, Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam phối hợp cùng Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức Hội thảo giải pháp chính sách phát triển bền vững ngành giấy Việt Nam.

Tham dự hội thảo có đại diện của nhiều cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan chức năng, các chuyên gia cao cấp trong ngành, cùng với các cơ quan truyền thông báo chí đến đưa tin. Hội thảo đã nêu bật được vai trò, vị trí quan trọng và cốt yếu của ngành giấy trong nền kinh tế Việt Nam. Hội thảo cũng đã thảo luận và nêu bật được lợi ích và tiềm năng phát triển của ngành giấy Việt Nam khi sử dụng giấy tái chế làm nguyên liệu đầu vào cho sản xuất, đã đề xuất các giải pháp về chính sách quản lý nguồn nguyên liệu giấy tái chế theo tiêu chuẩn quốc tế, tạo điều kiện cho doanh nghiệp giấy trong nước phát triển, mang lại hiệu quả kinh tế bền vững.

 

Hội thảo giải pháp chính sách phát triển bền vững Ngành Giấy Việt Nam (Ảnh VPPA)

Giấy là sản phẩm thiết yếu trong nhiều hoạt động kinh tế, văn hóa và xã hội

Hiện nay, ngành giấy có khoảng 300 doanh nghiệp, trong đó có khoảng 20 doanh nghiệp quy mô sản xuất từ 100 nghìn tấn/năm, còn lại là doanh nghiệp vừa và nhỏ, trong bối cảnh hiện nay, ngành giấy đã có bước phát triển mạnh mẽ với mức tăng trưởng bình quân 11% vào giai đoạn 2000-2007 và 16% vào giai đoạn 2007-2017.

Giấy và các sản phẩm từ giấy có vị trí rất quan trọng, tham gia, phục vụ rất nhiều lĩnh vực khác nhau từ hoạt động nghiên cứu, văn hóa, xã hội, in ấn, hội họa, tiêu dùng tiện dụng (giấy vệ sinh khăn ăn, giấy ăn)… là sản phẩm làm gia tăng giá trị thẩm mỹ cho sản phẩm khác (bao bì), đi kèm cùng nhiều sản phẩm xuất khẩu. Trên thế giới hiện nay xu hướng sử dụng bao bì giấy thay thế cho một số loại bao bì khác đang tăng cao, …

Theo dự báo, nhu cầu giấy của Việt Nam trong thời gian tới có mức tăng trưởng từ 8-10%/năm. Hàng năm Việt Nam vẫn phải nhập khẩu gần 2 triệu tấn giấy phục vụ nhu cầu sử dụng giấy bao bì cho sản phẩm tiêu thụ trong nước và xuất khẩu sẽ có sự tăng trưởng rất lớn điều này cho thấy tiềm năng lớn của lĩnh vực sản xuất này

Bao bì giấy – Sản phẩm không thể thiếu của các ngành hàng xuất khẩu (Ảnh Internet)

Sản xuất, tái chế giấy – ngành công nghiệp xanh, nhiều tiềm năng

Tại Hội thảo, ông Hoàng Trung Sơn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam cho biết ngành Giấy Việt Nam đang tăng trưởng nhanh và theo dự báo sự tăng trưởng này sẽ còn tiếp diễn trong khoảng 10 năm ở mức trên 10%; đặc biệt với giấy bao bì trên 15% .

Chia sẻ tại Hội thảo, ông Nguyễn Việt Đức, Chủ tịch Hiệp Hội Giấy và Bột giấy Việt Nam cho biết, lâu nay ngành giấy luôn bị “mang tiếng” là gây ô nhiễm môi trường, theo ông Đức đây là một nhận định không chính xác, ảnh hưởng đáng kể đến doanh nghiệp giấy trong nước. Trong bối cảnh hiện nay, khi mà nhiều công nghệ, giải pháp kỹ thuật đã được áp dụng vào sản xuất giấy (như việc tuần hoàn tái sử dụng nước hơi, hóa chất…, cũng như thu hồi triệt để các nguồn thải quay lại sản xuất), ngoài ra nguyên liệu cho sản xuất giấy có thể tái tạo (trồng rừng)… Có thể khằng định các chất thải trong quá trình sản xuất giấy hiện nay đều có thể được xử lý triệt để, đảm bảo tiêu chuẩn bảo vệ môi trường (điều này phụ thuộc vào tinh thần trách nhiệm và ý thức tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp).

Trình bày khá chi tiết các phân tích từ thực tế sản xuất giấy tại Việt Nam cũng như thế giới ông Sơn chỉ ra giấy thu hồi đóng vai trò quan trọng trong ngành công nghiệp giấy của các nước phát triển, thế giới không coi giấy thu hồi là phế liệu mà coi đây như một nguồn nguyên liệu trong sản xuất và Việt Nam cũng không thể nằm ngoài xu hướng này. Không những thế, theo ông Sơn tái chế giấy còn là ngành công nghiệp xanh vì từ nghiên cứu thực tế đã cho thấy tái chế 1 tấn giấy thu hồi tương đương với tiết kiệm được 17 cây gỗ trưởng thành, 4.000kWh điện, 270 lít dầu, 26 lít nước và 3.5 m3 đất (chôn lấp), tái chế giấy tiết kiệm được 65% điện năng cần sử dụng (để sản xuất giấy mới) đồng thời giảm ô nhiễm nước đến 35%…

Cụ thể, ông Sơn cho biết hiện tại nhiều nước như Nhật Bản, Mỹ… thu gom và tái chế giấy đã trở thành ngành sản xuất đóng góp đáng kể vào GDP. Riêng đối với Trung Quốc giấy thu hồi đã trở thành nguồn nguyên liệu chính cho ngành công nghiệp giấy của nước này. Chỉ ra thực trạng thu gom giấy trong nước hiện nay: Tỷ lệ thu hồi thấp, chưa tới 40% (trung bình thế giới là 56%, Nhật Bản là 82%); người dân chưa có thói quen phân loại rác tại nguồn; chưa có chính sách hỗ trợ đồng bộ khuyến khích việc thu hồi và tái chế giấy… (chỉ đáp ứng chưa tới 50% nhu cầu sản xuất giấy tái chế). Theo ông Sơn, việc nhập khẩu giấy thu hồi làm nguyên liệu sản xuất của Việt Nam là cần thiết, đáp ứng nhu cầu sử dụng giấy đang tăng nhanh (tuy nhiên phải bảo đảm tuân thủ các quy định hiện hành)… đồng thời Việt Nam cần có những có chính sách thu gom phù hợp để tăng lượng giấy thu hồi trong nước, giảm nhập khẩu.

Tìm giải pháp và cơ chế quản lý phù hợp cho Ngành Giấy

Mặc dù có vai trò trọng yếu trong phát triển công nghiệp, tuy nhiên tại Việt Nam hiện nay nguyên liệu giấy thu hồi và việc nhập khẩu nguyên liệu này còn nhiều thách thức. Dựa trên các phân tích, nghiên cứu từ kinh nghiệm trong quản lý nhập khẩu phế liệu giấy từ nhiều nước trên thế giới, tại Hội thảo ông Phạm Đình Thưởng – chuyên gia phân tích chính sách cho rằng, bên cạnh tăng cường kiểm soát tuân thủ nhập khẩu giấy phế liệu và xử lý môi trường, cần cân nhắc thận trọng biện pháp tạm ngừng nhập khẩu, cấm nhập khẩu giấy phế liệu… vì nếu loại bỏ nguồn nguyên liệu giấy tái chế chắc chắn sẽ khiến các doanh nghiệp giấy lao đao, ảnh hưởng đến sự phát triển chung của toàn Ngành, kéo theo đó việc này cũng sẽ gây ra những phản ứng dây chuyền đến chuỗi các ngành công nghiệp khác như công nghiệp bao bì, xuất khẩu các sản phẩm.

“Việt Nam cần tham khảo chính sách quản lý nhập khẩu giấy phế liệu của các nước khác, đối chiếu với tình hình phát triển kinh tế và nhu cầu của Việt Nam để đưa được ra chính sách phù hợp với thông lệ quốc tế. Việc các cơ quan nhà nước có liên quan tham vấn các doanh nghiệp để có quan điểm khách quan hơn để dần hình thành và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý này là hoàn toàn cần thiết” ông Đậu Anh Tuấn, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, khuyến nghị.

Hội thảo cũng kiến nghị rà soát, chỉnh sửa tiêu chuẩn chuẩn giấy tái chế nhập khẩu vào Việt Nam được quản lý và cân nhắc như tiêu chuẩn một nguồn nguyên liệu sản xuất, đồng thời kiến nghị thay đổi tên gọi nguyên liệu này từ “ giấy phế liệu” thành giấy thu hồi, sử dụng làm nguyên liệu cho sản xuất…

Ban tổ chức Hội thảo, đại diện các cơ quan chức năng và doanh nghiệp tham dự hội thảo (Ảnh VPPA)

VPPA tổng thuật

Bình luận của bạn

Tin liên quan

Tin đã đăng