“Khai tử” hóa đơn và đơn thuốc giấy

Ngày 24-12-2019
VPPA-Đó là các thông tin được đưa ra từ Vụ trưởng Vụ chính sách (Tổng cục Thuế) và Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế.  Hóa đơn điện tử kiêm giấy tính tiền Theo ông Ông Lưu Đức Huy – vụ trưởng Vụ chính sách (Tổng cục Thuế) trong bài phỏng […]

Đó là các thông tin được đưa ra từ Vụ trưởng Vụ chính sách (Tổng cục Thuế) và Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế. 

Hóa đơn điện tử kiêm giấy tính tiền

Theo ông Ông Lưu Đức Huy – vụ trưởng Vụ chính sách (Tổng cục Thuế) trong bài phỏng vấn trên Báo Tuổi trẻ, từ ngày 1-11-2020, sẽ chính thức chấm dứt sử dụng hóa đơn giấy và chuyển sang dùng hóa đơn điện tử (HĐĐT) trên phạm vi cả nước.

Bên bán và bên mua hàng hóa, dịch vụ sẽ thỏa thuận để lựa chọn phương thức giao, nhận HĐĐT như qua email, fax, tin nhắn…

Đối với hàng hóa tiêu dùng ở siêu thị, cửa hàng thuốc tân dược… hay các dịch vụ lưu trú khách sạn, nhà hàng… thì HĐĐT là giấy tính tiền được in ra từ máy tính tiền có kết nối chuyển dữ liệu về cơ quan thuế.

Khách thanh toán tiền mua hàng tại siệu thị tại TP.HCM

Đối với các hộ kinh doanh nhỏ, nhất là ở các chợ đều không có máy tính nên việc phát hành HĐĐT kết nối với cơ quan thuế là khó khăn.

Chính vì vậy, Tổng cục Thuế đang nghiên cứu phối hợp với các công ty cung cấp các ứng dụng phần mềm để các hộ kinh doanh chỉ cần có điện thoại thông minh để tải phần mềm, app về để khởi tạo HĐĐT.

HĐĐT không được kỳ vọng có thể là chìa khóa vạn năng, có thể chống được tuyệt đối việc gian lận, trốn thuế. HĐĐT giúp quản lý tốt hơn và tiết kiệm chi phí in ấn, lưu trữ hóa đơn của doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Không đơn thuốc giấy

PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế chia sẻ tại hội thảo truyền thông nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh vừa tổ chức tại Hà Nội: Khi có đơn thuốc điện tử Quốc gia, người dân sẽ không còn cần dùng đơn thuốc giấy và sổ y bạ như trước đây. 

Theo vị này, vì bất cập trong việc kê đơn thuốc nên cơ quan quản lý nhà nước rất khó kiểm soát đơn thuốc, không biết bác sĩ có đủ thẩm quyền kê đơn không, nhà thuốc có bán thuốc theo đơn không, người bệnh có sử dụng đơn thuốc quá hạn để mua không, tình trạng đơn thuốc viết tay rất khó đọc hoặc lạm dụng kê đơn, kê thêm mỹ phẩm, thực phẩm chức năng…

Do đó, Bộ Y tế quyết tâm xây dựng đề án kê đơn thuốc điện tử, liên thông toàn bộ đơn thuốc tất cả các cơ sở y tế trên cả nước, đang được thí điểm tại 2 tỉnh Hưng Yên và Hà Tĩnh. 

Toàn bộ đơn thuốc đã kê của 2 tỉnh này đều đã được gửi lên đơn thuốc điện tử quốc gia và các cấp quản lý; các cơ sở cũng cũng nhận được đơn thuốc qua hệ thống điện tử và tiến hành bán thuốc theo đơn.

Toàn bộ thông tin về người kê đơn, tên bệnh nhân, bác sĩ kê đơn sẽ được hiện đầy đủ trên dữ liệu đơn thuốc điện tử quốc gia

Sau khoảng 1 năm thí điểm, Bộ Y tế sẽ triển khai áp dụng đồng thời ở các cơ sở khám chữa bệnh công và tư nhân trên phạm vi toàn quốc.

Bộ Y tế kỳ vọng đề án này sẽ khắc phục được tình trạng tái bán các loại thuốc chỉ được bán khi có đơn, đặc biệt là kháng sinh và các thuốc kiểm soát đặc biệt để tránh tình trạng kháng kháng sinh đang tăng nhanh tại nước ta.

Hiện tại, Bệnh viện đa khoa khu vực Long Khánh là bệnh viện đầu tiên tại Đồng Nai triển khai bệnh án điện tử thay thế bệnh án giấy.

Bệnh án điện tử sẽ trực tiếp kết nối với các phần mềm xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh của bệnh viện, điều dưỡng không còn phải in phiếu ra như trước mà chỉ cần dựa vào bệnh án điện tử để đưa bệnh nhân đi làm xét nghiệm. Điều dưỡng không cần ghi chép lại thông tin mà chỉ cần kiểm tra thông tin của bệnh nhân trên bệnh án điện tử xem đã đầy đủ chưa.

Khi dùng bệnh án điện tử, bác sĩ, điều dưỡng có thêm nhiều thời gian để giao tiếp, tương tác với bệnh nhân, hiểu bệnh nhân và có những chia sẻ qua lại nhằm đem đến sự hài lòng cho người bệnh.

VPPA tổng hợp

Bình luận của bạn

Tin liên quan

Tin đã đăng