Ngành Giấy: Gắn nghiên cứu với thực tiễn

Ngày 09-07-2020
VPPA-Với mục đích nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận… các doanh nghiệp (DN), đơn vị nghiên cứu trong ngành giấy đã tích cực đẩy mạnh ứng dụng, nghiên cứu khoa học và công nghệ.

Ngành Giấy: Gắn nghiên cứu với thực tiễn

Hoạt động nghiên cứu khoa học của Viện Công nghiệp Giấy và Xenluylô

Theo Tổng công ty Giấy Việt Nam (VINAPACO), từ kết quả nghiên cứu đã giúp cho sản phẩm giấy viết của VINAPACO chống lem với tất cả các loại mực có mặt trên thị trường. Từ năm 2013 đến nay, các sản phẩm giấy bị lem mực đã bị loại bỏ hoàn toàn trên thị trường ngành giấy, giúp giảm tổn thất do giấy bị trả lại. Cụ thể, 1 năm trước khi áp dụng sáng kiến, mỗi năm, khách hàng khiếu nại trả lại giấy do bị lem trung bình khoảng 500 tấn. Các sản phẩm bị trả lại phải quay lại dây chuyền để tái sản xuất. Chi phí cho sản xuất lại tốn thêm khoảng 3,18 triệu đồng/tấn.

Bên cạnh đó, nhờ điều chỉnh và thay đổi các điều kiện công nghệ trong quá trình sản xuất, đã giúp tổng công ty giải quyết được hiện tượng giấy bị bụi xanh dạng sợi. Trước khi áp dụng sáng kiến, tổng lượng giấy do nguyên nhân bụi xanh dạng sợi phải xử lý quay trở lại dây chuyền khoảng 1.380 tấn, chi phí cho việc sản xuất lại khoảng 4,2 tỷ đồng/1 tấn.

Phát huy vai trò là đơn vị hàng đầu nghiên cứu phát triển công nghệ trong ngành giấy, thời gian qua, Viện Công nghiệp Giấy và Xenluylô (Bộ Công Thương) đã nâng cao hiệu quả trong nghiên cứu khoa học; gắn các nhiệm vụ khoa học và công nghệ với yêu cầu thực tế của sản xuất, tăng cường ứng dụng chuyển giao các kết quả nghiên cứu vào sản xuất.

Viện đã phối hợp với các DN, viện nghiên cứu, trung tâm… trong ngành và các ngành liên quan thực hiện nghiên cứu về công nghệ sinh học, công nghệ cao, công nghệ môi trường áp dụng vào sản xuất, để nâng cao chất lượng sản phẩm bột giấy và giấy như bột giấy sinh học từ rơm lúa, bột tái chế, giấy in, giấy thấm, giấy bao bì, giấy bao gói thực phẩm, giấy tissue; nghiên cứu giải pháp tiết kiệm năng lượng để giảm giá thành sản phẩm, tăng năng suất, chất lượng.

   >>> Lộ trình tăng mức phí bảo vệ môi trường với nước thải công nghiệp

Đặc biệt, trước việc sản xuất giấy là ngành công nghiệp tiêu thụ nhiều năng lượng (điện, hơi), chiếm khoảng 18 – 25% giá thành sản phẩm, Viện Công nghiệp Giấy và Xenluylô đã triển khai đề tài “Nghiên cứu công nghệ tạo chế phẩm enzyme trợ nghiền từ vi khuẩn – xạ khuẩn chịu nhiệt và ứng dụng trên dây chuyền sản xuất giấy tissue”. Kết quả của đề tài góp phần giảm năng lượng điện tối đa cho quá trình nghiền bột giấy, nâng cao năng suất chạy máy. Ngoài ra còn đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh học trong quá trình sản xuất giấy tại Việt Nam, tiến tới định hướng phát triển bền vững.

Đó là những minh chứng điển hình cho thấy tầm quan trọng của nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ. Đây là tiền đề cho sự phát triển, góp phần cung ứng ngành công nghiệp giấy về quy trình công nghệ, sản phẩm mới có tính ứng dụng mang lại nhiều lợi ích về kinh tế như giảm chi phí sản xuất…

Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả hoạt động khoa học và công nghệ, các DN, viện nghiên cứu trong ngành giấy kiến nghị Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương hỗ trợ một phần kinh phí cho phát triển nhân lực khoa học và công nghệ chất lượng cao đáp ứng được yêu cầu phát triển, hội nhập; tạo điều kiện hỗ trợ về cơ sở vật chất phục vụ cho nghiên cứu phát triển và ứng dụng triển khai, nhất là trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0…

Ngành Giấy: Gắn nghiên cứu với thực tiễn

Theo Công Thương

Bình luận của bạn

Tin liên quan

Tin đã đăng