Ngành giấy muốn được gỡ “rào” để lớn

Ngày 29-03-2019
VPPA-Rào cản chính sách cũng như sự cạnh tranh gay gắt đang là một thách thức lớn đối với doanh nghiệp ngành giấy. Các Hiệp định thương mại và chiến tranh thương mại đang gây bất lợi cho các mặt hàng Trung Quốc đang đặt ngành giấy Việt Nam trước cơ hội lớn để mở rộng thị trường, gia […]

Rào cản chính sách cũng như sự cạnh tranh gay gắt đang là một thách thức lớn đối với doanh nghiệp ngành giấy. Các Hiệp định thương mại và chiến tranh thương mại đang gây bất lợi cho các mặt hàng Trung Quốc đang đặt ngành giấy Việt Nam trước cơ hội lớn để mở rộng thị trường, gia tăng sản xuất. Tuy nhiên, rào cản chính sách cũng như sự cạnh tranh gay gắt đang là một thách thức lớn đối với doanh nghiệp ngành này.

Ngành giấy và ngành sản xuất nguyên liệu quan trọng có quan hệ mật thiết với nền kinh tế quốc dân và với sự phát triển của xã hội; bao gồm sản xuất bột giấy, giấy (bao gồm giấy và bìa giấy, giấy thủ công), gia công sản phẩm giấy liên quan đến nông nghiệp, lâm nghiệp, hóa chất, máy móc, điện tử, năng lượng, giao thông vận tải và các lĩnh vực khác.

Rào cản chính sách

Theo Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam (VPPA ), trong những năm gần đây, ngành giấy Việt Nam có tốc độ phát triển trung bình khoảng 10-12%/năm, riêng giấy bao bì khoảng 15-17%/năm, trong lĩnh vực này đã có những dự án đầu tư công suất lớn đang hoạt động, với công suất mỗi dự án khoảng 400.000 – 500.000 tấn/năm; một số doanh nghiệp đang dự kiến đầu tư dự án với công suất trên 1.000.000 tấn giấy bao bì/năm.  Sản xuất của ngành giấy đóng góp khoảng 1,5% giá trị GDP, kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD trong năm 2018.

Đầu tư FDI vào ngành giấy Việt Nam đã tăng rất nhanh trong 2 năm 2017, 2018, sản lượng giấy của các dự án FDI hiện chiếm tới gần 50% sản lượng giấy các loại của Việt Nam.

Trong năm 2019, dự báo tiêu thụ giấy và bìa giấy sẽ tăng trưởng khoảng 12%; dự kiến xuất khẩu giấy các loại và thành phẩm từ giấy tăng trưởng 35%, trị giá xuất khẩu đạt khoảng 1,45 tỷ USD, trong đó có nhiều mặt hàng trọng điểm xuất khẩu sử dụng bao bì giấy có dư địa tăng trên 10%, sử dụng giấy và bìa giấy gia công xuất khẩu mạnh do có nhiều năng lực đầu tư mới đưa vào sản xuất trong năm 2019.

Hiện, nút thắt lớn nhất của ngành giấy là giá nguyên liệu đầu vào tăng cao. Nguồn cung giấy phế liệu trong nước không thể đáp ứng được nhu cầu sản xuất của các doanh nghiệp, dẫn đến nhu cầu nhập khẩu số lượng lớn nhằm phục vụ cho sản xuất trong nước.

Theo các doanh nghiệp, tình trạng giá nhập khẩu cao là vì các doanh nghiệp chưa chủ động được nguồn nguyên liệu thô để làm nguyên liệu sản xuất giấy thành phẩm. Bên cạnh đó, ngành chưa có đủ dây chuyền sản xuất bột giấy từ gỗ.

Khó khăn “chồng” khó khăn khi hiện nay quy hoạch ngành giấy đã hết hiệu lực, chưa có chiến lược phát triển ngành, các văn bản liên quan chưa rõ ràng, các dự án đầu tư trong ngành đang thực hiện đều chưa có các căn cứ và cơ sở pháp lý.

Việc này diễn ra trong bối cảnh các dự án đầu tư vẫn diễn ra nên trên thực tế các cơ quan quản lý Nhà nước ở cả trung ương và địa phương không quản lý được, dẫn đến có sự lệch lạc và mất cân đối trong cơ cấu sản phẩm và quy mô công suất cho toàn ngành.

Ông Hoàng Trung Sơn, Phó chủ tịch VPPA cho biết, ngành giấy còn không được bảo hộ do hầu hết thuế nhập khẩu các loại giấy là 0%, trong khi Trung Quốc hiện vẫn duy trì thuế suất nhập khẩu 7% với hầu hết các loại giấy. Thị trường nguyên liệu giấy thu hồi (phế liệu) lệ thuộc nhiều vào tình hình và chính sách của Trung Quốc.

Theo số liệu được công bố tại Diễn đàn “Định hướng đầu tư phát triển bền vững ngành công nghiệp giấy Việt Nam”, mỗi năm Việt Nam sản xuất 3,5 triệu tấn giấy. Trong đó, giấy in 350.000 tấn, giấy bao bì 2,5 triệu tấn, tissue 195.000 tấn còn lại là các loại giấy khác. 3 năm gần đây, năng lực sản xuất giấy Việt Nam tăng mạnh với 29,7%, nhập khẩu tăng 6,6% và xuất khẩu tăng 79,3%.

Chỉ cần đầu tư bằng chính sách

Để gỡ khó khăn đang gặp phải, VPPA kiến nghị cần tiến hành xây dựng định hướng phát triển ngành giấy Việt Nam giai đoạn 2020-2030; nhanh chóng xây dựng quy hoạch phát triển vùng trọng điểm rừng trồng nguyên liệu giấy phục vụ sản xuất công nghiệp quy mô lớn.

Để ngành giấy Việt Nam có đủ năng lực để vươn ra với thị trường quốc tế các doanh nghiệp cần sự bứt phá, biến thách thức thành cơ hội cạnh tranh.

Trên thực tế, những Hiệp định thương mại chỉ là cơ hội, nếu các doanh nghiệp chủ động gia tăng được năng lực cho mình với chiến lược kinh doanh phù hợp thì thì có thể làm chủ thị trường “sân nhà” và có thể hưởng lợi từ “sân khách”. Đồng thời, cần nâng cao được năng lực quản trị, con người (nhà quản trị và nhân lực tham gia lao động).

Theo đó, VPPA cho rằng, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu xây dựng chính sách hỗ trợ tạo điều kiện để hình thành doanh nghiệp quy mô lớn; thu hút và tập trung các chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp có dự án đầu tư có quy mô công suất trên 300.000 tấn/năm đối với bột giấy từu gỗ và lớn hơn 200.000 tấn/năm đối với các sản phẩm giấy trong nước chưa sản xuất được.

VPPA cũng kiến nghị Quốc hội xây dựng và sớm ban hành “Luật khuyến khích sử dụng nguồn tài nguyên tái chế” để nâng cao tỷ lệ thu gom, tái chế trong nước, giảm dần về việc nhập khẩu phế liệu giấy và phế liệu nói chung làm nguyên liệu sản xuất.

Hiện nay, hầu hết các nước trên thế giới và khu vực như Hàn Quốc, Thái Lan, Indonesia… đều coi phế liệu giấy là loại hàng hóa thông thường (không coi đó là phế liệu), nên được phép nhập khẩu và không cần khai báo, xin phép.

Theo tiến sỹ Vũ Ngọc Bảo, nguyên Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký VPPA, hiện việc đầu tư vào ngành công nghiệp giấy Việt Nam của các doanh nghiệp chưa bài bản, chiến lược đầu tư chưa rõ ràng theo phong trào, đầu tư còn manh mún, không tập trung, quy mô nhỏ, công nghệ thiết bị cũ; chủ đầu tư là các doanh nghiệp nhỏ và vừa (chiếm khoảng 90% số lượng và 60% năng lực sản xuất), năng lực tài chính hạn chế; liên kết doanh nghiệp trong ngành yếu, không hình thành được các doanh nghiệp sản xuất quy mô lớn.

Do đó, để thu hút đầu tư từ những nguồn vốn lớn cũng cần đẩy nhanh tiến độ cổ phần các doanh nghiệp nhà nước, liên doanh với nước ngoài nhằm tạo điều kiện cho ngành giấy tiếp cận với công nghệ hiện đại. Từ đó thu hút các dự án đầu tư nước ngoài sản xuất giấy sử dụng công nghệ cao và đầu tư vào các sản phẩm giấy trong nước chưa sản xuất được.

Theo Khoa học & Đời sống

Bình luận của bạn

Tin liên quan

Tin đã đăng