Ngày Khoa học và công nghệ: Valmet giới thiệu công nghệ mới đến nhà máy giấy tissue

Ngày 16-05-2019
VPPA-Ngày 15/5, Công ty TNHH Valmet Technologies and Services đã tổ chức Hội thảo giới thiệu công nghệ và sản phẩm dành cho nhà máy giấy tissue tại Công ty Giấy tissue Sông Đuống. Đây là một trong những hoạt động Valmet hưởng ứng ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam năm 2019.  Tham […]

Ngày 15/5, Công ty TNHH Valmet Technologies and Services đã tổ chức Hội thảo giới thiệu công nghệ và sản phẩm dành cho nhà máy giấy tissue tại Công ty Giấy tissue Sông Đuống. Đây là một trong những hoạt động Valmet hưởng ứng ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam năm 2019. 

Tham dự hội nghị gồm Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam, đại diện Tổng công ty giấy Việt Nam, cùng các lãnh đạo, khối kỹ thuật của Công ty giấy tissue Sông Đuống.

Tại hội thảo, Valmet đã có bài báo cáo, đánh giá về xu hướng phát triển của sản phẩm giấy tissue trên thế giới; cập nhật các công nghệ mới hiện nay tại các nước ở Châu Á, Bắc Mỹ…

Đặc biệt, các chuyên gia của Valmet đến từ Thụy Điển và Italia cũng giới thiệu các công nghệ mới đã được chứng thực tại các phòng thí nghiệm và ứng dụng tại các nhà máy lớn như hệ thống ép ViscoNip, điều khiển cân bằng hệ thống khí của lô sấy Yankee, hệ thống khử bụi WetDust cùng công nghệ cuộn – cuộn lại…

Ông Trần Trung Kiên, Tổng Giám Đốc Valmet Việt Nam giới thiệu: Valmet hiện cung cấp 5 công nghệ sản xuất Tissue khác nhau, trong đó, công nghệ tiên tiến nhất là sấy TAD (Through Air Drying) được ứng dụng trong sản xuất giấy tissue cao cấp nhất, quá trình sấy chủ yếu được thực hiện ở lô sấy TAD thay vì lô Yankee. Tại lô sấy TAD, hơi được thổi từ bên ngoài xuyên qua tờ giấy vào bên trong lô, cho phép tờ giấy hình thành cấu trúc như hoa văn ngay trong máy giấy, cùng với độ mềm (softness), độ xốp (bulk), khả năng hấp thụ nước (water absorption) cao hơn hẳn so với giấy tissue truyền thống. Ngoài ra Valmet còn cung cấp 3 công nghê lai giữa TAD và truyền thống (DCT) là NTT, QRT, eTAD để đáp ứng các nhu cầu khác nhau của thị trường & nhà sản xuất.

Giấy sản xuất theo công nghệ TAD có đặc tính, khi ngâm vào nước không bở bục, để khô lại trở về kết cấu ban đầu.

Hình minh họa: cấu trúc của giấy Tissue được hình thành ngay trong quy trình sản xuất và không bị mất đi cả khi ngâm ở trong nước.

Đối với công nghệ ép, Valmet giới thiệu công nghệ ép ViscoNip với cơ cấu gần giống như một lô ép giày (Shoe Press) trong các máy xeo chạy bìa nhưng với dải ép mềm, ViscoNip giúp tạo bề mặt ép rộng và đồng đều giúp tăng độ khô sau ép. Công nghệ được Valmet phát triển 10 năm nay và đã cung cấp cho hơn 50 dự án, trở thành tiêu chuẩn của những máy tissue mới. ViscoNip giúp giảm tiêu hao năng lượng, tăng sự đồng đều và chất lượng giấy, và giúp sản xuất, vận hành linh hoạt.

 

Theo ông Phạm Anh Cường, Trưởng phòng Kinh doanh Valmet Việt Nam, các công nghệ hiện nay Valmet cung cấp không chỉ là một hệ thống trọn vẹn mà còn được sản xuất dưới các dạng module riêng lẻ để áp dụng vào các máy giấy đang có tại Việt Nam theo hướng cải tạo, nâng cấp hiện đại hơn.

Như hệ thống ép ViscoNip có thể dùng cho tất cả các máy giấy hiện nay Việt Nam đang dùng. Tùy theo sản phẩm cuối cùng mà khách hàng mong muốn, Valmet sẽ nghiên cứu và đề xuất ra giải pháp để thay đổi một phần nhỏ cấu hình máy hay lưới, vẫn dùng lô ép cũ để kết hợp với lô ViscoNip nhằm tăng phần khô cho toàn bộ tờ giấy bất chấp bề mặt lô cũ cong, biến dạng.

“Với các công nghệ mới này, ngoài tăng độ khô cho giấy còn giúp tiết kiệm năng lượng lên đến 16%”, ông Phạm Anh Cường nhấn mạnh.

Độ khô sau ép của một máy thực tế ở EU sau khi được cải tiến với ViscoNip, mỗi 1% cải thiện ở độ khô tương ứng với 4% tiết kiệm năng lượng sấy, cùng tính đồng đều của giấy, đặc biệt ở 2 bên mép giấy.

Tại buổi hội thảo, các chuyên gia Valmet đã trả lời nhiều câu hỏi do đội ngũ cán bộ kỹ thuật của các đơn vị tham dự đặt ra, đồng thời cung cấp các giải pháp hỗ trợ các công nghệ hiện đang dùng nhằm tăng hiệu suất trong sản xuất giấy tissue.

Đại diện Công ty giấy tissue Sông Đuống đánh giá cao lợi ích của buổi hội thảo và những công nghệ mới Valmet giới thiệu. Với kế hoạch nâng cấp nhà máy đã được Tổng công ty giấy Việt Nam phê duyệt, hy vọng sẽ áp dụng được các công nghệ mới vào sẽ giúp nâng cao hiệu quả sản xuất và chất lượng sản phẩm giấy tissue.

Cùng ngày, Valmet đã có các buổi làm việc cùng ông Đặng Văn Sơn – Tổng thư ký Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam tại văn phòng Hiệp hội.

Ông Đặng Văn Sơn đánh giá, Tập đoàn Valmet đã có những đóng góp vào sự phát triển của ngành giấy Việt Nam thông qua các sản phẩm công nghệ đổi mới, hiện đại, giúp ngành giấy tăng năng suất sản xuất, tiết kiệm năng lượng, chất lượng giấy nâng cao đáp ứng nhu cầu thị trường.

Phát biểu tại buổi gặp, ông Trần Trung Kiên, Tổng Giám đốc Valmet Việt Nam cho hay, Valmet luôn ghi nhận sự hợp tác hiệu quả của Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam cùng các đơn vị thành viên của Hiệp hội. Sự hỗ trợ của Hiệp hội đóng vai trò hết sức quan trọng để Valmet đồng hành cùng phát triển với ngành công nghiệp giấy.

Đồng thời, Valmet đánh giá cao các hoạt động của Hiệp hội và sẽ tích cực tham gia các hoạt động, nhất là hai sự kiện lớn của ngành là Hội nghị toàn thể hội viên – Hội thảo kỹ thuật ngành công nghiệp giấy năm 2019 vào tháng 7 và Hội nghị FAPPI 34th  vào tháng 11 tại Đà Nẵng.

“Trong thời gian tới, chúng tôi mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của Hiệp hội để kết nối, thúc đẩy phát triển giữa Valmet  và các thành viên trong Hiệp hội, đặc biệt là các nhà máy sản xuất giấy tissue”, Tổng giám đốc Valmet bày tỏ.

Ông Đặng Văn Sơn khẳng định đoàn sẵn sàng hỗ trợ Valmet cũng như các doanh nghiệp ngành giấy nhằm mục đích tiếp cận công nghệ mới, cải tiến các công nghệ cũ lạc hậu, phát triển ngành ngày càng mạnh và bền vững./.

VPPA tổng hợp

Bình luận của bạn

Tin liên quan

Tin đã đăng