Nghị định bảo vệ môi trường cần hạn chế tối đa tác động đến sản xuất kinh doanh

Ngày 01-10-2021
VPPA-Đó là lưu ý của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đối với Bộ TN&MT trong thông báo vừa phát đi liên quan đến góp ý của các doanh nghiệp, hiệp hội xung quanh dự thảo Nghị định của Luật Bảo vệ môi trường mà Bộ TN&MT đang lấy ý kiến.

nghi-dinh-bao-ve-moi-truong-can-han-che-toi-da-tac-dong-den-san-xuat-kinh-doanh

Hạn chế tối đa ảnh hưởng tiêu cực đến doanh nghiệp

Theo đó, một trong những vấn đề cộng đồng doanh nghiệp quan ngại và góp ý là các quy định về nghĩa vụ thu gom, tái chế rác thải và có trách nhiệm góp tiền vào Quỹ Bảo vệ môi trường. Điều 88, Dự thảo quy định hình thức thực hiện trách nhiệm tái chế gồm hình thức tổ chức tái chế (tự thực hiện hoặc ủy quyền cho bên khác); đóng góp tài chính. Cụ thể, Dự thảo quy định các đơn vị sản xuất kinh doanh kẹo cao su phải đóng 1,5% giá trị lô hàng vào Quỹ Bảo vệ môi trường để hỗ trợ thu gom, xử lý bã kẹo.

Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), quy định này không phù hợp vì việc thu tiền xử lý chất thải trên mỗi sản phẩm sẽ đánh đồng giữa người tiêu dùng có trách nhiệm (thải bỏ đúng cách, đúng chỗ) với người tiêu dùng không có trách nhiệm (đối tượng thải ra các sản phẩm cần thu gom, xử lý). Hiệp hội Kẹo cao su quốc tế cũng lên tiếng bày tỏ sự quan ngại đối với đề xuất của Bộ TN&MT về áp phí trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR), đặc biệt trong thời điểm các doanh nghiệp đang đối mặt với đại dịch COVID-19 đầy cam go.

Trước những băn khoăn lo ngại của doanh nghiệp, Văn phòng Chính phủ ngày 22/9 đã có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đối với Bộ TN&MT về dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.

Văn bản cho biết, thời gian qua, các tổ chức như Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam, Hiệp hội Kẹo cao su Quốc tế, Hiệp hội các Nhà sản xuất ô tô Việt Nam… đã có công văn góp ý về dự thảo Nghị định. Phó Thủ tướng giao Bộ TN&MT chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Tài chính… làm việc, trao đổi với các hiệp hội về các kiến nghị liên quan đến nội dung dự thảo Nghị định.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ này lưu ý các quy định của dự thảo đảm bảo phù hợp với thực tiễn, công tác quản lý nhưng hạn chế tối đa tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, nhất là trong tình hình hiện nay và thời gian tới đại dịch COVID-19 đang tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh, cộng đồng doanh nghiệp nói riêng, nền kinh tế đất nước nói chung.

    >>> Đề xuất mức phí thẩm định cấp giấy phép môi trường

Cần rõ hơn các tiêu chí

Trước đó, trao đổi với Tổng cục Môi trường – đơn vị chủ trì soạn thảo, Bộ Công Thương cũng cho rằng, việc này không giải quyết gốc rễ được vấn đề hạn chế xả thải mà còn làm tăng chi phí sản phẩm khiến đa phần người tiêu dùng phải trả thêm tiền để giải quyết hậu quả do một số ít người gây ra.

Nhận xét về danh mục các sản phẩm thuộc diện đóng góp tài chính để hỗ trợ xử lý chất thải, trong đó có kẹo cao su, Bộ Công Thương bày tỏ, việc quy định cứng nhắc danh mục các sản phẩm kèm theo mức đóng góp và thời điểm thực hiện trách nhiệm hỗ trợ xử lý chất thải tại dự thảo là chưa phù hợp với thông lệ quốc tế.

Bộ này cho biết đã nhận được nhiều văn bản của các hiệp hội ngành hàng như Eurocham, Hiệp hội Thực phẩm Ý… bày tỏ ý kiến về dự thảo quy định. Việc coi “kẹo cao su” và thực phẩm là những sản phẩm độc hại, khó tái chế phải căn cứ trên mức độ tác động về sức khỏe cộng đồng, môi trường, tỷ lệ tiêu dùng trong tổng quy mô về chất thải và tính hiệu quả của các biện pháp đối với việc giải quyết nguyên nhân gốc rễ của vấn đề xả thải.

Hiệp hội Kẹo cao su quốc tế thắc mắc, hiện không có bằng chứng cho thấy rác thải kẹo cao su là một vấn đề rác thải nghiêm trọng trong điều kiện hiện tại của Việt Nam. Ngoài ra, cũng chưa rõ cách tính mức phí đang được đề xuất, trong khi không có bằng chứng cụ thể dựa trên dữ liệu về khối lượng rác thải kẹo cao su và chi phí làm sạch tương ứng tại Việt Nam.

Ông Richard Mann, đại diện của Hiệp hội Kẹo cao su Quốc tế phát biểu: “Ngành kẹo cao su hoàn toàn ủng hộ các mục tiêu bảo vệ môi trường của Chính phủ Việt Nam, nhưng chúng tôi quan ngại rằng Ban soạn thảo Nghị định hiện đang cung cấp bằng chứng chưa chính xác rằng khoản phí dự kiến áp dụng đối nhà sản xuất, nhập khẩu kẹo cao su là phù hợp với thông lệ chính sách EPR trên thế giới. Kẹo cao su không phải là sản phẩm độc hại, mà là thực phẩm được công nhận rộng rãi trên toàn cầu, với nhiều lợi ích sức khỏe được khoa học chứng minh như thúc đẩy khoáng hóa răng, giảm sâu răng và mức độ căng thẳng cũng như các tác dụng y khoa tiềm năng khác”.

Hiệp hội kêu gọi một cuộc thảo luận mở với Bộ Tài nguyên và Môi trường dựa trên bằng chứng khoa học để đánh giá thực trạng tại Việt Nam, để từ đó, có giải pháp, hành động tương ứng hiệu quả nhất.

Chia sẻ vấn đề này, TS Phùng Chí Sỹ (Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam) cũng tỏ ra băn khoăn về tiêu chí lựa chọn các sản phẩm, bao bì (Phụ lục 61). “Liệu có nên đưa tã lót, bỉm, băng vệ sinh vào đối tượng phải đóng góp tài chính hỗ trợ xử lý chất thải không vì đây là đối tượng thường được nhà nước trợ giá? Chúng tôi cũng không rõ tiêu chí lựa chọn “kẹo cao su” để làm gì vì không hiểu tại Việt Nam mỗi năm tiêu thụ được bao nhiêu tấn kẹo cao su”, TS Sỹ nêu vấn đề./.

    >>> Hiệp hội tiếp tục kiến nghị gia hạn lắp đặt Hệ thống quan trắc môi trường tự động và Giấy phép nhập khẩu giấy phế liệu

Theo Báo Mới

Bình luận của bạn

Tin liên quan

Tin đã đăng