Xuất nhập khẩu khối doanh nghiệp FDI chiếm gần 63% kim ngạch cả nước

Ngày 20-08-2019
VPPA-Tổng trị giá xuất nhập khẩu của doanh nghiệp FDI trong 7 tháng đầu năm 2019 đạt trên 182 tỷ USD, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm ngoái… Kim ngạch nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc đạt 42,5 tỷ USD trong 7 tháng qua, tăng mạnh 18,4% so với cùng kỳ năm ngoái và […]

Trong 7 tháng đầu năm 2019, trao đổi thương mại hàng hóa của Việt Nam với tất cả các thị trường đều có mức tăng trưởng khá.

Tổng trị giá xuất nhập khẩu của doanh nghiệp FDI trong 7 tháng đầu năm 2019 đạt trên 182 tỷ USD, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm ngoái… Kim ngạch nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc đạt 42,5 tỷ USD trong 7 tháng qua, tăng mạnh 18,4% so với cùng kỳ năm ngoái và là mức tăng trưởng cao nhất trong số các thị trường mà Việt Nam nhập khẩu. 

Nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm 29,5% tổng kim ngạch

Số liệu mới nhất từ Tổng cục Hải quan cho thấy, trong 7 tháng đầu năm 2019, trao đổi thương mại hàng hóa của Việt Nam với tất cả các thị trường đều có mức tăng trưởng khá.

Cụ thể, xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam với châu Á tiếp tục chiếm tỷ trọng cao nhất (65,3%) trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước.

Trị giá xuất nhập khẩu trong 7 tháng năm 2019 với thị trường này đạt 188,98 tỷ USD, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, trị giá xuất khẩu là 73,72 tỷ USD, tăng 3% và trị giá nhập khẩu là 115,26 tỷ USD, tăng 9,1%.

Đáng chú ý, kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc có mức tăng trưởng cao nhất trong tất cả các thị trường lớn, đạt 42,5 tỷ USD, tăng 18,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhập khẩu từ Trung Quốc cũng chiếm đến 29,5% tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam trong 7 tháng qua.

Thị trường mà Việt Nam nhập khẩu nhiều thứ hai là Hàn Quốc với 26,8 tỷ USD. Nếu so với cùng kỳ năm 2018 thì kim ngạch nhập khẩu của Hàn Quốc giảm nhẹ 0,2%, tuy nhiên vẫn chiếm đến 18,6% tỷ trọng nhập khẩu của Việt Nam trong 7 tháng đầu năm.

Đứng thứ ba là thị trường ASEAN với kim ngạch nhập khẩu đạt 18,8 tỷ USD, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2018 và chiếm 13,1% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam.

Nhật Bản và EU là hai thị trường mà Việt Nam nhập khẩu nhiều thứ tư và thứ năm, với kim ngạch lần lượt là 10,6 tỷ USD và 8,5 tỷ USD, tăng 0,5% và 11,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Xuất nhập khẩu từ doanh nghiệp FDI chiếm gần 63% 

Cũng theo số liệu thống kê mới nhất vừa được Tổng cục Hải quan công bố, tổng trị giá xuất khẩu trong 7 tháng đầu năm 2019 của Việt Nam đạt 289,26 tỷ USD, tăng 8,2% (tương ứng tăng 21,87 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, tổng trị giá xuất nhập khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong tháng 7/2019 đạt 28,38 tỷ USD, tăng 10,2% so với tháng 6.

Tính chung 7 tháng, trị giá xuất nhập khẩu của khối doanh nghiệp FDI đạt 182,19 tỷ USD, tăng 5,4%, tương ứng tăng 9,33 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2018.

Như vậy, trị giá xuất nhập khẩu của doanh nghiệp FDI đang chiếm gần 63% tổng trị giá xuất nhập khẩu của Việt Nam.

Cụ thể hơn, về xuất khẩu hàng hóa của khối doanh nghiệp FDI trong tháng 7 đạt 15,09 tỷ USD, tăng 4,7% so với tháng trước, đưa trị giá xuất khẩu của khối này trong 7 tháng/2019 lên 99,54 tỷ USD, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước.

Các mặt hàng xuất khẩu chính của doanh nghiệp FDI vẫn là điện thoại các loại và linh kiện, máy vi tính sản phẩm điện tử, máy móc thiết bị…

Ở chiều ngược lại, tính đến hết tháng 7/2019, trị giá nhập khẩu hàng hóa của cả nước đạt 143,78 tỷ USD. Trong đó, trị giá nhập khẩu của khối doanh nghiệp FDI trong tháng 7/2019 đạt 13,29 tỷ USD, tăng 17% so với tháng trước.

Còn tổng trị giá nhập khẩu của khối này trong 7 tháng năm 2019 đạt 82,65 tỷ USD, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm 2018.

Một số mặt hàng nhập khẩu chính của khối FDI bao gồm máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng, linh kiện điện thoại…

Tính toán của Tổng cục Hải quan cũng cho thấy, cán cân thương mại hàng hóa của khối doanh nghiệp FDI trong tháng 7/2019 có mức thặng dư trị giá 1,8 tỷ USD.

Tính chung 7 tháng, cán cân thương mại của doanh nghiệp FDI đạt mức thặng dư trị giá 16,9 tỷ USD.

Tổng hợp từ Vneconomy

Bình luận của bạn

Tin liên quan

Tin đã đăng