Phân loại tại nguồn: Yêu cầu cấp bách quản lý chất thải rắn

Ngày 05-06-2020
VPPA-Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) quy định ai xả nhiều chất thải rắn sinh hoạt hơn sẽ phải trả nhiều tiền hơn thay vì tính phí theo đầu người bình quân như hiện nay; cùng với đó người không thực hiện phân loại rác sinh hoạt sẽ phải trả chi phí cao hơn so người thực hiện phân loại.

Phân loại tại nguồn: Yêu cầu cấp bách quản lý chất thải rắn

Theo thống kê của Tổng cục Môi trường, trung bình mỗi năm, tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt cả nước là 25 triệu tấn. Trong đó, chỉ có 30% được xử lý đốt hoặc sản xuất phân hữu cơ, hơn 70% chôn lấp trực tiếp. Trong đó, Hà Nội mỗi ngày phát sinh 6.000 tấn rác, tỷ lệ chôn lấp tới 90% còn TP HCM tỷ lệ chôn lấp cũng lên tới 69%. Tỷ lệ chôn lấp trực tiếp gây ra nhiều vấn đề môi trường và xã hội phức tạp. Việt Nam cũng chưa phân loại được rác tại nguồn nhằm thúc đẩy quá trình tái chế, tái sử dụng.

Công tác quản lý về chất thải rắn sinh hoạt còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra, đặc biệt là vấn đề chất thải rắn sinh hoạt.  Mặt khác, chất thải hầu hết chưa được phân loại tại nguồn; chưa có các cơ chế chính sách thúc đẩy các hoạt động phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, dẫn đến khối lượng phát sinh ngày một nhiều. Cùng với đó, luật hiện hành chưa quy định theo nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền dẫn đến không khuyến khích việc giảm thiểu, tái chế, tái sử dụng chất thải phát sinh, đồng thời không khuyến khích việc phân loại chất thải tại nguồn.

  >>>Thu hẹp đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường

Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) quy định theo hướng ai xả nhiều chất thải rắn sinh hoạt hơn sẽ phải trả nhiều tiền hơn thay vì tính phí theo đầu người bình quân như hiện nay. Cùng với đó người không thực hiện phân loại rác sinh hoạt sẽ phải trả chi phí cao hơn so người thực hiện phân loại.

Cụ thể, dự thảo đưa ra quy định về kinh phí thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) được tính dựa trên khối lượng phát sinh (khoản 6 Điều 79). Bên cạnh đó, luật cũng đưa ra quy định khuyến khích phân loại CTRSH tại nguồn thành 5 loại là chất thải rắn có khả năng tái chế; chất thải thực phẩm, chất thải hữu cơ dễ phân hủy; chất thải nguy hại; chất thải cồng kềnh; và chất thải rắn sinh hoạt thông thường khác (khoản 1 Điều 79).

Dự thảo Luật cũng đã quy định nguyên tắc về việc thu kinh phí thu gom, vận chuyển và xử lý đối với từng loại chất thải sau khi đã được phân loại. Những tổ chức, cá nhân không thực hiện phân loại sẽ phải trả chi phí cao hơn so với những tổ chức, cá nhân thực hiện việc phân loại theo quy định./.

 

Theo VPPA

Bình luận của bạn

Tin liên quan

Tin đã đăng