Phát hiện thêm ‘chiêu’ gian lận, giả mạo xuất xứ Việt Nam

Ngày 03-03-2020
VPPA-Hải quan phát hiện tình trạng trộn lẫn hàng hóa có nguồn gốc nhập khẩu với hàng được sản xuất trong nước để xuất khẩu nhưng trên tờ khai xuất khẩu lại ghi xuất xứ Việt Nam. Cơ quan chức năng ghi nhận có tình trạng doanh nghiệp đăng ký tờ khai nhập khẩu tại […]

Hải quan phát hiện tình trạng trộn lẫn hàng hóa có nguồn gốc nhập khẩu với hàng được sản xuất trong nước để xuất khẩu nhưng trên tờ khai xuất khẩu lại ghi xuất xứ Việt Nam.

Cơ quan chức năng ghi nhận có tình trạng doanh nghiệp đăng ký tờ khai nhập khẩu tại một chi cục hải quan nhưng xuất khẩu tại một chi cục hải quan khác để tránh việc phát hiện hàng hóa nhập khẩu không trải qua quá trình sản xuất, không đáp ứng tiêu chí xuất xứ theo quy định hoặc hàng hóa nhập khẩu nguyên chiếc nhưng khi xuất khẩu ghi xuất xứ Việt Nam.

Hoặc trộn lẫn hàng hóa có nguồn gốc nhập khẩu với hàng hóa được sản xuất trong nước để xuất khẩu nhưng trên tờ khai, bao bì ghi xuất xứ Việt Nam.

Hay xuất khẩu hàng hóa có nguồn gốc nhập khẩu nhưng chỉ thực hiện công đoạn gia công, sản xuất, lắp ráp đơn giản, không đáp ứng tiêu chí xuất xứ theo quy định.

Có trường hợp doanh nghiệp nhập khẩu, xuất khẩu hàng hóa có mã số HS đầu vào và đầu ra trùng nhau, hoặc vừa nhập khẩu hàng hóa là nguyên liệu/bán thành phẩm về để sản xuất hàng hóa xuất khẩu vừa nhập khẩu hàng hóa cùng loại với hàng hóa xuất khẩu.

Thậm chí có doanh nghiệp ngoài việc xuất khẩu sản phẩm may mặc từ nguyên liệu nhập khẩu còn nhập khẩu nguyên liệu sản xuất hàng nội thất (ván ép, mặt đá, chậu rửa…).

Theo Tổng cục Hải quan, tình trạng nhập khẩu hàng hóa từ nước ngoài nhưng trên hàng hóa không thể hiện nhãn hiệu, xuất xứ hoặc nhãn mác gắn trên bao bì, hàng hóa nhập khẩu và hướng dẫn sử dụng được ghi bằng tiếng Việt vẫn phổ biến.

Để tránh nguy cơ trở thành điểm trung chuyển hàng hóa nhằm hợp pháp hóa hành vi chuyển tải bất hợp pháp, Tổng cục Hải quan yêu cầu cục hải quan trực thuộc kiểm tra, xác định xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, kiểm soát chặt chẽ tại khâu làm thủ tục hải quan và xử lý vi phạm theo quy định (nếu có), trong đó quan trọng nhất là phải xác định rõ doanh nghiệp có hoạt động gia công, lắp ráp, sản xuất hàng hóa xuất khẩu đáp ứng tiêu chí xuất xứ theo quy định hay không.

Nếu doanh nghiệp chỉ nhập khẩu linh kiện về sản xuất, lắp ráp, gia công công đoạn đơn giản, sau đó xuất khẩu sản phẩm không đáp ứng tiêu chí xuất xứ theo quy định thì không được khai xuất xứ Việt Nam trên tờ khai xuất khẩu, bao bì, hàng hóa khi xuất khẩu, mà yêu cầu phải thực hiện khai xuất xứ theo đúng nguồn gốc của hàng hóa nhập khẩu.

Đặc biệt, việc hủy tờ khai hải quan phải được thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục quy định, kể cả việc xác minh thông tin đối với các lô hàng nhập khẩu đã được phía Trung Quốc cấp C/O nhưng không có hàng hóa nhập khẩu nhằm tránh trường hợp hàng hóa đã xuất khẩu khỏi lãnh thổ Trung Quốc nhưng không biết có nhập khẩu hàng hóa vào Việt Nam hay không.

Theo Tuổi trẻ

Bình luận của bạn

Tin liên quan

Tin đã đăng