‘Siết’ nhập khẩu phế liệu, khó khăn cho các doanh nghiệp ngành giấy

Ngày 04-09-2018
VPPA-Tại cuộc họp Tổ Điều hành thị trường trong nước thường kỳ tháng 8 diễn ra mới đây, ông Đặng Văn Sơn – Tổng thư ký Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam cho biết, việc “siết” nhập khẩu phế liệu thời gian qua đã gây ảnh hưởng lớn đến tình hình sản xuất […]

Tại cuộc họp Tổ Điều hành thị trường trong nước thường kỳ tháng 8 diễn ra mới đây, ông Đặng Văn Sơn – Tổng thư ký Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam cho biết, việc “siết” nhập khẩu phế liệu thời gian qua đã gây ảnh hưởng lớn đến tình hình sản xuất của các doanh nghiệp ngành giấy bao bì.

Ông Đặng Văn Sơn cho hay, trong khoảng 2 – 3 tháng qua, do quy định “siết” nhập khẩu các loại phế liệu nói chung nên tình hình nhập khẩu giấy loại từ nước ngoài về để làm nguyên liệu sản xuất giấy bao bì giảm mạnh. Đây là một trong những loại giấy xuất khẩu quan trọng nên việc này gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Việc siết nhập khẩu giấy loại thu hồi đã gây thiệt hại nhiều đến ngành giấy vì hiện doanh nghiệp đang phải nhập khẩu 100% giấy loại thu hồi làm nguyên liệu sản xuất giấy bao bì. Theo số liệu các doanh nghiệp hội viên Hiệp hội Giấy và Bột giấy đưa lên, các doanh nghiệp đã thiệt hại hàng trăm tỷ đồng tiền lưu công, lưu kho. Tình hình sản xuất của các doanh nghiệp giấy trong và ngoài hiệp hội cũng giảm nhiều trong những tháng gần đây. Cụ thể, trong tháng 8, sản xuất của ngành giấy giảm 2%, chủ yếu là giấy bao bì; giấy bao bì xuất khẩu cũng giảm 8%, chủ yếu do tình hình nhập khẩu phế liệu căng thẳng.

Chưa kể, việc siết chặt nhập khẩu giấy loại thu hồi sẽ khiến việc tranh mua tranh bán loại nguyên liệu này ngày càng căng thẳng, phần thắng dần nghiêng về các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) vì họ có tiềm năng tài chính để giành đơn hàng. Doanh nghiệp giấy trong nước chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, không thể đủ sức cạnh tranh và rất khó mua loại giấy này về sản xuất. “Nếu không có giải pháp tháo gỡ khó khăn, rất có thể ngành sản xuất giấy bao bì sẽ không còn chỗ cho doanh nghiệp trong nước” – ông Sơn cho biết.

Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam đã làm nhiều văn bản gửi các cơ quan chức năng, kiến nghị tháo gỡ khó khăn về thủ tục hành chính nhập khẩu giấy loại thu hồi phục vụ sản xuất giấy bao bì cho ngành giấy. Bởi từ trước đến nay, ngành giấy làm rất tốt công tác bảo vệ môi trường và sản phẩm giấy loại này thực tế là nguyên liệu sạch.

Chia sẻ về những kiến nghị của Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam, ông Trần Duy Đông – Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho hay, vừa rồi Bộ trưởng Bộ Công Thương đã kiến nghị với Thủ tướng về vấn đề siết nhập khẩu phế liệu. Bởi việc siết nhập khẩu một số loại phế liệu để bảo vệ môi trường là đúng, nhưng có rất nhiều loại phế liệu thực sự là nguyên liệu quan trọng cho sản xuất mà không gây ảnh hưởng đến môi trường, trong đó có giấy loại phế liệu để sản xuất bao bì.

“Dù tên gọi là giấy loại phế liệu nhưng thực tế, đây là nguyên liệu hoàn toàn sạch. Ví dụ, đây có thể là giấy in một mặt, sau khi cắt tỉa những phần đã sử dụng, cho ra sản phẩm cuối cùng là những mảnh giấy trắng phau, không hề là nguyên liệu bẩn, ảnh hưởng đến môi trường. Nếu siết nhập khẩu loại phế liệu này sẽ ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp ngành giấy” – ông Trần Duy Đông lý giải.

Trước đó, vào giữa tháng 7, Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam cũng có kiến nghị gửi Bộ Công Thương về việc Tổng cục Hải quan yêu cầu lấy mẫu kiểm định hàng phế liệu nhập khẩu đã khiến doanh nghiệp khó khăn. Cụ thể, kiến nghị của Hiệp hội này cho rằng, Tổng cục Hải quan ban hành 2 công văn số 3438 ngày 18/6 và số 3738 ngày 26/6, trong đó yêu cầu hàng hóa nhập khẩu là phế liệu phải lấy mẫu gửi Cục Kiểm định Hải quan để thực hiện phân tích đánh giá sự phù hợp quy chuẩn kỹ thuật môi trường nhưng thời gian lấy mẫu, thời gian trả kết quả giám định lại không được quy định cụ thể. Như vậy, chỉ một mặt hàng giấy phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất vừa phải có giấy chứng nhận phù hợp quy chuẩn kỹ thuật môi trường của một tổ chức giám định do Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ định, vừa phải được Cục Kiểm định Hải quan kiểm định theo cùng quy chuẩn này.

Quy trình trên đã làm tăng thời gian chờ đợi thông quan của lô hàng, gây ách tắc hàng hóa tại cảng, tăng chi phí lưu kho, lưu bãi và các chi phí khác của doanh nghiệp. Đặc biệt, quy định này làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, gây lãng phí lớn, làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam so với các sản phẩm cùng loại của nước ngoài trên thị trường trong và ngoài nước.

Theo báo Công thương

Bình luận của bạn

Tin liên quan

Tin đã đăng