Nguồn cung RCP tại châu Á bị ảnh hưởng do thiếu container vận chuyển, OCC tăng giá

Ngày 06-03-2020
VPPA-Thiếu hụt container trong vận chuyển hàng hải quốc tế đã ảnh hưởng rất lớn đến thị trường giấy thu hồi (RCP) châu Á, gây khó khăn cho cả hai phía người mua và bán. Hoạt động vận chuyển bị đình trệ do sự bùng phát Covid-19 đã vượt khỏi biên giới Trung Quốc và […]

Container và vận chuyển đường biển ảnh hưởng rất lớn đến giá giấy thu hồi tại thị trường châu Á.

Thiếu hụt container trong vận chuyển hàng hải quốc tế đã ảnh hưởng rất lớn đến thị trường giấy thu hồi (RCP) châu Á, gây khó khăn cho cả hai phía người mua và bán. Hoạt động vận chuyển bị đình trệ do sự bùng phát Covid-19 đã vượt khỏi biên giới Trung Quốc và lan ra các nước khác, đã làm cản trở các nhà cung cấp ở Mỹ, Châu Âu và Nhật Bản thực hiện hợp đồng cho khách hàng châu Á.

Do vận chuyển đình trệ, nguồn cung nhỏ giọt, người mua châu Á đã phải chuyển sang nhập hàng từ các nước không phải là nguồn cung RCP điển hình, như Hàn Quốc và Philippines. Hiện nay số lượng container cung cấp cho đặt hàng chỉ bảo đảm được khoảng 50% so với nhu cầu, trong khi đó chi phí vận chuyển đã tăng gần gấp đôi.

Giá cước vận tải đường biển đối với RCP từ Âu sang Á đã tăng 300-700 USD/tấn/container 40 feet. Từ Mỹ tăng 200-400 USD/tấn/container 40 feet.

Bên cạnh đó, ba nhà sản xuất giấy bao bì hàng đầu của Trung Quốc, Nine Dragons Paper (Holdings), Lee&Man Paper Manufacturing và Shanying International đang gia tăng tích trữ RCP, đặc biệt là các loại OCC ở Mỹ, Châu Âu và Nhật Bản thông qua các đầu mối thu gom ở nước ngoài của họ, nhằm hỗ trợ cho giá RCP nhập khẩu tại châu Á. Các công ty này chủ yếu thu gom OCC và vận chuyển cho các nhà máy sản xuất bột giấy tái chế đặt tại nước ngoài như ở Malaysia và Myanmar, sau đó xuất khẩu trở lại cho các nhà máy tại Trung Quốc. Tổng công suất của các nhà máy bột giấy tái chế của 3 công ty này ở nước ngoài lên tới gần 1,5 triệu tấn/năm.

Giá OCC tại Châu Á tăng mạnh: Các công ty ở châu Á (không tính Trung Quốc) bao gồm Hàn Quốc, Đài Loan và Đông Nam Á, đang gia tăng nhập khẩu OCC, chuẩn bị cho sản xuất giấy bao bì và xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc, nhằm đón đầu sự bùng nổ nhập khẩu khi các nhà máy tại Trung Quốc đi vào hoạt động bình thường sau dịch COVID-19.

Nhu cầu tiêu thụ gia tăng mạnh mẽ, ​​OCC11 của Mỹ tăng 10 USD/tấn, đạt 150-155 USD/tấn, so với mức giá cuối tháng 2/2020. OCC (95/5) của châu Âu đã tăng 5 USD/tấn, chốt giá ở mức 110-130 USd/tấn, trong khi OCC (90/10) của châu Âu lại giảm 10 USD/tấn ở mức thấp nhất của khung giá, xuống còn 100-110 USD/tấn, do sự thay đổi trong chi phí vận tải đường biển. OCC Nhật Bản đã tăng 15 USD/tấn lên 115-140 USD/tấn.

Hàn Quốc thắt chặt kiểm tra RCP: Tại Hàn Quốc, Bộ Môi trường thông báo sẽ tiến hành kiểm tra hàng hóa RCP trong nước từ ngày 21 tháng 2, với tỷ lệ tạp chất cấm cho phép dưới 0,5%. Với quy định mới này, Hàn Quốc đã được xếp cùng với Trung Quốc và Indonesia, thực hiện quy định mức tạp chất trong RCP dưới 0,5%. Tuy vậy, theo thông tin từ Hàn Quốc thì quy định này đã được ban hành từ tháng 4/2019 nhưng chưa được thi hành.

OCC nhập khẩu tại Trung Quốc tăng giá: Ở Trung Quốc, người mua đã sử dụng hết hạn ngạch nhập khẩu của họ, trong khi giá chào bán cho RCP nhập khẩu tăng vọt từ tuần cuối tháng 2/2020. OCC(12) tăng 20 USD/tấn, lên 170-175 USD/tấn. OCC cao cấp châu Âu đã tăng 10 USD/tấn, lên 130-140 USD/tấn. OCC Nhật Bản đã tăng vọt 20-30 USD/tấn, lên mức 130 USD/tấn.

Giá RCP thu gom trong nước giảm: Cũng từ tuần cuối tháng 2/2020, giá RCP thu gom nội địa Trung Quốc lại có xu hướng giảm, tác động này là do người lao động đã bắt đầu quay trở lại làm việc, hoạt động thu gom đang gia tăng ở Chiết Giang, Giang Tô và Thượng Hải. Giao thông nội địa trước đây bị đình trệ giờ đã dần trở lại bình thường. Cùng với đó, các nhà máy giấy, bìa đang tăng tốc sản xuất nhằm bù đắp khoảng trống trước đó.

Các nhà cung cấp địa phương đang nỗ lực giải phóng tồn kho, bằng cách giảm giá, đẩy mạnh hoạt động thu gom, chuẩn bị cho giai đoạn sau. Do đó, giá OCC nhập khẩu bán lại và OCC Trung Quốc đã qua sử dụng từ đầu tháng 3/2020 đã giảm 100-110 RMB/tấn, đạt mức 2.370-2.850 RMB/tấn (tương đương với 283-344 USD/tấn, sau khi trừ 13% VAT và 150 RMB/tấn chi phí logistics). Tuy vậy, vẫn cao hơn nhiều so với giá nhập khẩu OCC./.

RISI – Fastmarkets

Bình luận của bạn

Tin liên quan

Tin đã đăng