Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Xử lý nghiêm tình trạng đội lốt hàng Việt

Ngày 16-07-2019
VPPA-Đẩy mạnh xuất khẩu, có giải pháp ngăn chặn tình trạng đội lốt hàng Việt, tập trung phát triển du lịch… là những giải pháp được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ ngành, địa phương nỗ lực thực hiện từ nay đến cuối năm. Kết luận hội nghị trực tuyến đánh giá […]

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kết luận hội nghị - Ảnh: V.DŨNG

Đẩy mạnh xuất khẩu, có giải pháp ngăn chặn tình trạng đội lốt hàng Việt, tập trung phát triển du lịch… là những giải pháp được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ ngành, địa phương nỗ lực thực hiện từ nay đến cuối năm.

Kết luận hội nghị trực tuyến đánh giá nhiệm vụ 6 tháng đầu năm và bàn giải pháp 6 tháng cuối năm chiều 4-7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh một loạt giải pháp để đạt được chỉ tiêu, nhiệm vụ đặt ra của cả năm.

Biểu dương các kiến nghị của địa phương, Thủ tướng đánh giá nhiều kiến nghị rất xác đáng. Do đó, ngay sau cuộc họp này, các bộ trưởng xem xét để có giải pháp xử lý giải quyết theo thẩm quyền. Không để tình trạng ý kiến của địa phương được nghe mà không có trả lời.

Đánh giá tình hình kinh tế 6 tháng cuối năm còn có nhiều khó khăn trong bối cảnh chính trị, kinh tế thế giới có diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, để tăng trưởng kinh tế 6 tháng cuối năm đạt kết quả cao, đúng mục tiêu cả năm, Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành, địa phương tập trung đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công.

Đây là điểm nghẽn, hiện nay giải ngân vốn đầu tư phát triển mới đạt gần 28%, vốn ODA đạt rất thấp so với kế hoạch. Do đó, tất cả bộ trưởng, chủ tịch tỉnh, lãnh đạo các cơ quan thuộc Chính phủ phải kiểm điểm ngay và cần lập tổ công tác giải quyết vấn đề này.

“Chế tài là sẽ điều chuyển vốn từ những bộ, ngành địa phương làm chậm cho các địa phương, bộ ngành khác” – Thủ tướng nhấn mạnh.

Phải có giải pháp ngăn chặn nạn đội lốt hàng Việt

Đẩy mạnh xuất khẩu là một giải pháp mà Thủ tướng lưu ý cần phải tập trung để đảm bảo tăng trưởng 6 tháng cuối năm cũng như cả năm.

Theo đó, ông giao các bộ ngành, địa phương nghiên cứu các giải pháp đa dạng hóa các mặt hàng xuất khẩu vào thị trường Mỹ để bảo đảm tăng trưởng xuất khẩu bền vững.

Đặc biệt, các bộ ngành phải thường xuyên rà soát xuất xứ của hàng Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ, tránh gian lận xuất xứ. Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ việc tạm nhập tái xuất để lách thuế, hạn ngạch.

Xử lý nghiêm và công bố công khai các hành vi gian lận thương mại, vi phạm các quy định về xuất xứ hàng hóa, chất lượng, cạnh tranh không lành mạnh làm mất uy tín sản phẩm nông, lâm, thủy sản Việt Nam.

Thủ tướng cho biết ít phút trước đây, ông vừa ký đề án tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ.

Bộ Công Thương, Bộ Công an, Ban chỉ đạo 389 quốc gia… cần vào cuộc kiên quyết xử lý những vi phạm. Các địa phương như Hà Nội, TP.HCM cần chú ý vấn đề này.

Thủ tướng đánh giá nhiệm vụ 6 tháng cuối năm rất nặng nề. Do đó, trong nghị quyết kỳ họp này sẽ giao cho từng bộ, ngành. Đó là đối với rủi ro thương mại, cần theo dõi đánh giá, cập nhật tác động của chiến tranh thương mại, đưa ra giải pháp kịp thời, bên cạnh việc tập trung phát triển thị trường trong nước thì có chương trình tận dụng các FTA đã ký.

Chúng ta có 13 FTA, đặc biệt CPTTP, đây là thị trường thúc đẩy xuất khẩu. Thủ tướng cho biết Chính phủ sẽ thành lập tổ công tác đặc biệt đón làn sóng FTA mới vào Việt Nam. Bộ Công thương, Tài chính, Kế hoạch – Đầu tư và các địa phương phải làm việc này.

Cần loại bỏ tình trạng một cửa mà nhiều khóa

Một vấn đề nữa mà Thủ tướng yêu cầu là các bộ ngành phải tiếp tục rà soát cắt giảm điều kiện kinh doanh không rõ ràng, bất hợp lý để tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh, cải thiện thực chất hơn môi trường kinh doanh.

Phấn đấu đến năm 2020 có trên 1 triệu doanh nghiệp thì phải sửa đổi chính sách nhanh hơn như kiểm tra chuyên ngành, xử lý tình trạng nhũng nhiễu của cán bộ. Cần loại bỏ tình trạng một cửa mà nhiều khóa.

Theo ông, kinh tế là một dòng chảy không được dừng. Giải quyết các tồn tại là trách nhiệm của chính phủ kiến tạo. Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương phải điều chỉnh, sửa đổi chính sách cho phù hợp để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân.

Nếu có tình trạng cơ quan quản lý làm sơ sơ, sáng vác ô đi, tối vác ô về sẽ ảnh hưởng đến phát triển kinh tế – xã hội. Không giải quyết vấn đề này thì chúng ta sẽ bị tụt hậu.

Để đảm bảo tăng trưởng bền vững cho năm nay và những năm sau, Thủ tướng lưu ý là tìm cách thu hút các nhà đầu tư công nghệ cao, thân thiện với môi trường, có định hướng thu hút FDI, tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân phát triển.

Mặt khác, người đứng đầu Chính phủ đề nghị phải có giải pháp phát triển du lịch, chú trọng khách quay lại lần 2, lần 3. Du lịch không được tác động xấu bởi tình trạng quá tải sân bay, rác thải nhựa…

“Quan điểm chỉ đạo điều hành nhất quán của Chính phủ là kiên quyết không lùi bước trước những khó khăn, thách thức. Kiên định với nhiệm vụ, mục tiêu đặt ra của cả năm. Dứt khoát không có điều chỉnh bất cứ chỉ tiêu nào” – Thủ tướng quán triệt lãnh đạo các bộ, ngành và địa phương.

Theo Tuổi trẻ

Bình luận của bạn

Tin liên quan

Tin đã đăng