VPPA làm việc với Công ty Nhật Bản về thu gom, tái chế giấy thu hồi

Ngày 14-11-2019
VPPA-Chiều ngày 13/11/2019, tại Văn phòng Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam, đại diện Hiệp hội đã tiếp các chuyên gia Nhật Bản đến từ hai Công ty Hanwa và Shinwa của Nhật Bản, đến làm việc với Hiệp hội để tìm hiểu và dự định đầu tư hệ thống thu gom, phân […]

Chiều ngày 13/11/2019, tại Văn phòng Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam, đại diện Hiệp hội đã tiếp các chuyên gia Nhật Bản đến từ hai Công ty Hanwa và Shinwa của Nhật Bản, đến làm việc với Hiệp hội để tìm hiểu và dự định đầu tư hệ thống thu gom, phân loại, đánh giá chất lượng của giấy thu hồi tại Việt Nam.

Tại buổi làm việc đại diện của Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam đã cung cấp những thông tin tổng quát về thực trạng thu gom, nhu cầu sử dụng và tái chế giấy thu hồi tại Việt Nam cho các chuyên gia Nhật Bản. Phía công ty Hanwa, Shinwa của Nhật Bản cũng mong muốn chia sẻ kinh nghiệm xây dựng hệ thống thu gom, tái chế giấy bao bì và đánh giá chất lượng giấy thu hồi tại Việt Nam.

Hiện nay, Nhật Bản là nước có hệ thống thu gom và tái chế giấy thu hồi đứng hàng đầu thế giới và chính sách của Nhà nước Nhật Bản rất khuyến khích và hỗ trợ cho người dân, các công ty trong việc thu gom và tái chế giấy thu hồi. Tại Nhật Bản, giấy thu hồi không coi là phế liệu mà được coi là nguyên liệu thứ cấp, là một loại tài nguyên.

Trong khi đó, ở Việt Nam chưa có doanh nghiệp chuyên môn nào hoạt động trong lĩnh vực thu gom, phân loại, thẩm định và đánh giá chất lượng của giấy thu hồi. Giấy thu hồi tại Việt Nam đến từ các nguồn như siêu thị, trường học, chung cư, hộ gia đình, các công ty hoạt động gia công sổ, vở, hòm hộp…

Hoạt động thu gom chủ yếu là các cá nhân và đại lý nhỏ lẻ, sau đó tập trung và bán lại cho nhà máy, nơi tiêu thụ. Nhà nước Việt Nam chưa có chính sách đồng bộ, nhằm hỗ trợ và khuyến khích hoạt động thu gom và tái chế giấy thu hồi. Việt Nam chưa có tiêu chuẩn quốc gia về phân loại giấy thu hồi. Người dân Việt Nam chưa có thói quen phân loại rác tại nguồn.

Tỷ lệ thu hồi giấy tại Việt Nam hiện nay vẫn nằm ở mức thấp chỉ đạt trên 40%, thấp hơn mức trung bình của thế giới là 56% và lượng thu gom chỉ đáp ứng chưa tới 50% nhu cầu sử dụng trong khi đó tỷ lệ sử dụng giấy thu hồi trong sản xuất giấy đã lên tới gần 90%.

 

Ông Đặng Văn Sơn, Phó Chủ tich, Tổng thư ký Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam nhấn mạnh: “Ba năm trở lại đây, ngành Công nghiệp Giấy Việt Nam phát triển rất mạnh và đã có tên trong bản đồ Ngành Giấy Đông Nam Á và Châu Á. Dự báo, trong 5 năm tới sẽ vẫn là thời gian tăng trưởng nóng của ngành.

Dự tính đến hết năm 2020, tổng sản lượng của ngành giấy Việt Nam sẽ vượt mốc 5 triệu tấn/năm và sẽ đạt sản lượng 10 triệu tấn/năm trong tương lai gần. Trong đó, giấy bao bì công nghiệp luôn chiếm tới trên 85% tổng sản lượng, giấy thu hồi sẽ vẫn là nguyên liệu chủ yếu để sản xuất giấy bao bì công nghiệp”.

Tương lai ngành giấy Việt Nam nói chung và lĩnh vực thu gom và tái chế giấy bao bì nói riêng đang có những cơ hội rất lớn, trong những năm qua GDP Việt Nam luôn ổn định ở mức trên dưới 7%; Việt Nam là một nước xuất khẩu hàng hóa, nên việc sử dụng bao bì giấy cho hàng hóa xuất khẩu sẽ tăng mạnh, sự dịch chuyển đầu tư của nước ngoài vào ngành giấy bao bì tại Việt Nam… Bởi vậy nhu cầu sử dụng giấy thu hồi thu gom trong nước và cả nhập khẩu cho sản xuất cũng đang gia tăng rất mạnh.

Kết thúc buổi làm việc, hai bên bày tỏ mong muốn được hợp tác và trao đổi thêm thông tin, chia sẻ các chính sách và kinh nghiệm trong quá trình thu gom và tái chế giấy tại Việt Nam giữa các công ty của Nhật Bản với Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam./.

VPPA

Bình luận của bạn

Tin liên quan

Tin đã đăng