Sửa thuế để thúc đẩy hoạt động doanh nghiệp

Chính sách thuế cần hài hòa các mục tiêu

Dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) đang được Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo, dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ tám (tháng 10/2024) và thông qua tại Kỳ họp thứ chín (tháng 5/2025). Trong đó, có một số nội dung thay đổi quan trọng như đề xuất tăng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với sản phẩm rượu, bia và bổ sung mặt hàng nước giải khát có đường vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Liên quan chủ đề đang được rất nhiều doanh nghiệp quan tâm này, ngày 14/8, Báo Đầu tư tổ chức Hội thảo Sửa thuế để thúc đẩy hoạt động doanh nghiệp – Kinh nghiệm thế giới.

Theo quan điểm của các hiệp hội doanh nghiệp, như Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam (VBA), cùng nhiều chuyên gia và doanh nghiệp, đề xuất tăng thuế cần nghiên cứu thực tế, lộ trình khả thi, cân nhắc sức chịu đựng của doanh nghiệp, ngành hàng với lợi ích của sắc thuế, đồng thời đảm bảo sự hài hòa với các quy định, thông lệ của các nước trên thế giới.

Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi có thể làm tăng thu ngân sách nhà nước trong ngắn hạn, nhưng trong trung – dài hạn sẽ làm giảm sức cầu tiêu dùng, giảm doanh thu và lợi nhuận doanh nghiệp, qua đó, giảm thu thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp. Như vậy, tổng hòa về việc tăng hay giảm thu thuế là chưa rõ? Cần đánh giá tác động một cách thấu đáo và toàn diện, để từ đó lựa chọn hướng sửa đổi phù hợp nhất với bối cảnh kinh tế của Việt Nam.

– TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, kiêm Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV

Về thực trạng ngành bia, rượu, nước giải khát hiện nay, giữa bối cảnh kinh tế – xã hội trong nước và thế giới có nhiều bất ổn, biến động, các doanh nghiệp đồ uống có cồn đối mặt với rất nhiều khó khăn. Đại dịch Covid-19, tiếp theo là xung đột ở châu Âu, Trung Đông và nhiều nơi khác đã làm gián đoạn chuỗi cung ứng, đứt gãy nguồn cung nguyên liệu; các lệnh cấm vận về kinh tế, đặc biệt về năng lượng, và vận chuyển dẫn đến giá nguyên vật liệu tăng cao bất thường. Doanh nghiệp ngành bia, rượu nói riêng vẫn đang trong giai đoạn phục hồi và còn phải đối mặt nhiều bất lợi.

Chính sách phòng, chống tác hại của rượu, bia theo Nghị định 100/2018/NĐ-CP càng làm sức tiêu dùng bia sụt giảm rất mạnh. Người tiêu dùng thay đổi xu hướng, giảm thiểu tiêu thụ các sản phẩm có cồn, một phần nhằm tránh bị phạt nặng theo Nghị định 100/2018/NĐ-CP.

Với những khó khăn nêu trên, các doanh nghiệp trong ngành đều ghi nhận doanh thu, lợi nhuận sụt giảm nghiêm trọng trong năm 2023 và đầu năm 2024. Một vài nhà máy bia đã phải tạm dừng hoạt động để tìm giải pháp tối ưu cho tài sản, tối ưu hóa hoạt động sản xuất – kinh doanh.

Nhiều chuyên gia kinh tế kiến nghị, chính sách cần tính toán kỹ, kẻo “lợi bất cập hại”, với hàm ý về việc điều chỉnh chính sách đối với ngành đồ uống có cồn, bao gồm việc chưa nên tăng thuế tiêu thụ đặc biệt trong thời điểm hiện tại.

PGS-TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế cho rằng, nguyên tắc của việc đánh thuế là cần đảm bảo cân bằng, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước và người nộp thuế. Theo các chuyên gia, nguyên tắc quan trọng này đảm bảo nguồn thu cho ngân sách nhà nước, nhưng không được để cho người nộp thuế lâm vào tình trạng khốn cùng. Thực hiện nguyên tắc này, Nhà nước sẽ không tạo ra những cú sốc tăng thuế cho doanh nghiệp, xã hội, cho người lao động. Nếu tổng số thuế phải trả quá lớn, đời sống người dân lao động không được đảm bảo, thì nền kinh tế sẽ bị trì trệ một cách gián tiếp và nguy cơ trốn thuế rất tiềm tàng…

Với tỷ lệ tăng quá cao và tiến độ tăng thuế liên tục hàng năm trong các phương án do Bộ Tài chính đề xuất hiện nay chắc chắn sẽ dẫn đến sự sụt giảm nặng nề về sản lượng và hậu quả sẽ là thất thu thuế. Do đó, cần xem xét, cân nhắc kỹ việc tăng thuế trong bối cảnh kinh tế hiện tại của Việt Nam, nhằm tránh gây sốc cho doanh nghiệp, mà vẫn đảm bảo nguồn thu ngân sách nhà nước.

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng BIDV, kiêm Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV phân tích, bức tranh kinh tế toàn cầu suy giảm, phục hồi chậm sau đại dịch Covid-19, môi trường kinh doanh quốc tế có nhiều rủi ro, bất định và đều tác động khá mạnh đến nền kinh tế Việt Nam do nền kinh tế mở và hội nhập sâu rộng. Tình hình kinh tế, kinh doanh tại Việt Nam 2020-2024 ghi nhận sự phục hồi không đồng đều, hành vi tiêu dùng, lối sống thay đổi, doanh nghiệp còn nhiều khó khăn,  lợi nhuận bình quân toàn ngành đồ uống liên tục giảm (năm 2021 giảm 12%, năm 2022 giảm 6%, năm 2023 giảm 10-12% so với năm liền trước).

Theo TS. Cấn Văn Lực, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi có thể làm tăng thu ngân sách nhà nước trong ngắn hạn, nhưng trong trung – dài hạn sẽ làm giảm sức cầu tiêu dùng, giảm doanh thu và lợi nhuận doanh nghiệp, qua đó, giảm thu thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp. Như vậy, tổng hòa về việc tăng hay giảm thu thuế là chưa rõ? Cần đánh giá tác động một cách thấu đáo và toàn diện, để từ đó lựa chọn hướng sửa đổi phù hợp nhất với bối cảnh kinh tế của Việt Nam.

Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam (VTCA) cho rằng, việc điều chỉnh tăng thuế suất các mặt hàng rượu, bia trong thời gian tới là cần thiết và phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, cần hướng đến chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt hài hòa với các mục tiêu và phù hợp bối cảnh cụ thể. Việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt cao, liên tục có thể không mang lại hiệu quả cao như mục tiêu của thuế tiêu thụ đặc biệt đề ra.

Theo đó, việc tăng thuế làm tăng giá bán, có thể hạn chế sản xuất rượu, bia, song chưa hẳn đạt được mục tiêu giảm tiêu dùng mặt hàng rượu, bia, do thực tế, việc tăng thuế cao có thể dẫn đến hàng nhập lậu tăng. Người tiêu dùng có thu nhập cao chuyển sang uống rượu, bia nhập lậu. Người tiêu dùng ở nông thôn, có thu nhập thấp, nhiều khả năng chuyển sang tự cung, tự cấp và bán lấy lãi bằng cách tự nấu rượu, tự pha chế. Hành vi này vừa không nộp thuế tiêu thụ đặc biệt, vừa không đảm bảo chất lượng sản phẩm, gây ảnh hưởng đến sức khỏe nhân dân.

Như vậy, mục tiêu hạn chế tiêu dùng, đảm bảo sức khỏe cộng đồng khó thực hiện. Do đó, cần cân nhắc, nghiên cứu kỹ thêm tác động của tăng thuế nhanh, cao theo Dự luật đến thị trường, hoạt động sản xuất – kinh doanh, người tiêu dùng, sức khỏe cộng đồng.

“Nên xem xét phương án giãn thời gian tăng thuế suất có lộ trình để các doanh nghiệp có điều kiện xây dựng phương án, chuyển đổi sản xuất – kinh doanh, không bị xáo trộn quá lớn. Ví dụ, năm đầu tăng thuế suất 5%, các năm tiếp theo, thuế suất sẽ tăng theo lộ trình vài năm, thay vì một năm. Khi có chính sách hợp lý, thì sẽ hài hòa hơn các mục tiêu đặt ra của thuế tiêu thụ đặc biệt, tăng thuế không quá đột ngột và có lộ trình để các tổ chức kinh doanh có thời gian chuyển đổi, không ảnh hưởng quá lớn đến các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thương mại, dịch vụ ăn uống, đến thị trường và người lao động trong chuỗi cung ứng liên hoàn này”, bà Nguyễn Thị Cúc nêu quan điểm.

Đánh giá đầy đủ tác động

Đại diện cơ quan quản lý thị trường cũng cho rằng, sự chênh lệch lớn về thuế suất, chi phí tuân thủ… giữa rượu, bia hợp pháp và bất hợp pháp dẫn đến sự chênh lệch giá quá cao giữa sản phẩm hợp pháp và bất hợp pháp. Điều này tạo động lực cho các đối tượng kiếm lời phi pháp, còn người dân sẽ lựa chọn giá sản phẩm rẻ hơn, tiện dụng hơn, mà không quan tâm đến chất lượng. Khi đó, tình trạng bia cỏ, rượu nút lá chuối như trước đây có thể tái diễn.

Ở phía doanh nghiệp, Công ty cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) kiến nghị lùi thời gian điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với sản phẩm bia, rượu, nước giải khát có đường đến năm 2027 để doanh nghiệp có thêm thời gian thích ứng và chuẩn bị cho chính sách thuế mới này.

Nghiên cứu, xem xét lại mức thuế tiêu thụ đặc biệt, đảm bảo mức thuế hợp lý với tình hình thực tế, trên cơ sở đánh giá đầy đủ các tác động một cách toàn diện (sức tiêu dùng, mục tiêu bảo vệ sức khỏe cộng đồng, tác động tới ngân sách, ảnh hưởng đến các doanh nghiệp chịu tác động trực tiếp, tác động kinh tế – xã hội…), cũng như khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) là nên tăng giá bán rượu, bia 10%.

Ngoài ra, theo Sabeco, để tránh gây sốc cho thị trường, trong khi vẫn đảm bảo các mục tiêu chung, Sabeco đề xuất giảm mức tăng thuế tiêu thụ đặc biệt và giãn lộ trình tăng thuế như các lần tăng trước đây (với mức 5% so với mức hiện tại) theo phương án đối với rượu từ 20 độ trở lên và bia áp dụng từ ngày 1/1/2017 đến ngày 31/12/2028 là 70%, từ ngày 1/1/2029 đến ngày 31/12/2030 là 75%, từ ngày 1/1/2031 là 80%; đối với rượu dưới 20 độ từ 1/1/2027 đến ngày  31/12/2028 là 40%, từ ngày 1/1/2029 đến ngày 31/12/2030 là 45%, từ ngày 1/1/2031 là 50%.

“Là doanh nghiệp bia hàng đầu Việt Nam, với hơn 149 năm hình thành và phát triển tại Việt Nam, có hệ thống 26 nhà máy sản xuất bia hoạt động trên toàn quốc và đóng góp tích cực vào ngân sách địa phương, Sabeco khẳng định luôn luôn ủng hộ chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước, Chính phủ, Bộ Tài chính và các bộ, ngành về việc sử dụng thuế tiêu thụ đặc biệt làm công cụ tăng thu ngân sách và hạn chế tác hại của đồ uống có cồn, cũng như duy trì cách tính thuế theo phương pháp tương đối như hiện nay”, đại diện Sabeco chia sẻ.

Bà Trịnh Thị Vân Giang, đại diện Tiểu ban Rượu vang và Rượu mạnh (thuộc Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam – EuroCham) phân tích, việc tăng thuế buộc các doanh nghiệp phải cắt giảm rất nhiều chi phí hoạt động, trong khi ngành rượu vang, rượu mạnh đã và đang đóng góp rất nhiều vào nền kinh tế Việt Nam. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp trong ngành hàng rượu vang và rượu mạnh còn phải đối mặt với những đề xuất và quy định trong thời gian tới, như tăng thuế tối thiểu toàn cầu…

 

Nguồn: Báo Đầu tư

Thủ tướng: “Chỉ bàn làm, không bàn lùi” trong triển khai Nghị quyết 98

Sáng 10/8, tại TP.HCM, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng các Bộ, ngành làm việc với TP.HCM về tình hình kinh tế – xã hội, việc thực hiện Nghị quyết 98/2023/QH15 và họp Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ lần 4.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, TPHCM là đầu tàu của cả nước về kinh tế, tài chính, là hạt nhân của vùng kinh tế trọng điểm phía nam, chiếm khoảng 17% GDP của cả nước, thu ngân sách nhà nước chiếm trên 27% của cả nước.

Về triển khai Nghị quyết 98, Thủ tướng đánh giá qua một năm thực hiện Nghị quyết đã mang lại những kết quả bước đầu tích cực, tạo tiền đề để phát triển TP.HCM nhanh, mạnh, bền vững.

Tuy vậy, Thủ tướng cũng chỉ rõ một số tồn tại, hạn chế trong triển khai Nghị quyết 98, đặc biệt là sự phối hợp giữa các bộ, ngành và TP.HCM có lúc còn thiếu chủ động, thiếu chặt chẽ.

Đối với phương hướng triển khai Nghị quyết 98 trong thời gian tới Thủ tướng yêu cầu, Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo, các bộ, ngành, TP.HCM tiếp tục quán triệt Nghị quyết 98 và trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình để thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp với tinh thần chủ động, tích cực.

“Tư tưởng đã thông, cơ chế đã có, phải có quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt hơn nữa, chỉ bàn làm, không bàn lùi, làm việc có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt điểm việc đó” Thủ tướng chỉ đạo tại hội nghị.

Về các vấn đề kinh tế xã hội, Thủ tướng yêu cầu TP.HCM triển khai cụ thể hóa Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ; Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TPHCM đến năm 2030; Nghị quyết 131 của Quốc hội về tổ chức mô hình chính quyền đô thị TP.HCM và Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội, để hoàn thành mục tiêu đề ra trong năm 2024, với tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 7,5-8%.

Thủ tướng chỉ đạo TP.HCM triển khai đồng bộ các giải pháp kích thích kinh tế, kích cầu đầu tư, tiêu dùng; kiểm soát giá cả. Đồng thời, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, tập trung cho các dự án lớn, trọng điểm.

Kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh; quyết liệt cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.

Đối với các vấn đề mà TP.HCM kiến nghị liên quan đến phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu, Đề án thí điểm phát triển điện gió ngoài khơi, Đề án thí điểm phát triển thị trường tín chỉ carbon… Thủ tướng cho ý kiến chỉ đạo tháo gỡ trong thời gian tới.

Người đứng đầu Chính phủ tin tưởng rằng, với sự năng động sáng tạo, TP.HCM sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2024 và các nhiệm vụ đã đề ra.

 

Nguồn: Báo đầu tư

Doanh nghiệp lo lãng phí nếu chưa có quy định công nhận các tiêu chuẩn nước ngoài

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật được Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì soạn thảo, dự kiến được trình Quốc hội cho ý kiến vào Kỳ họp thứ 8. Dự thảo Luật được đánh giá là có những sửa đổi, bổ sung có thể ảnh hưởng lớn tới hoạt động của các tổ chức, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ và các tổ chức đánh giá sự phù hợp.

Tại hội thảo “Vai trò của doanh nghiệp trong tham gia xây dựng và áp dụng Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật” được Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội tổ chức vào ngày 7/8/2024, các doanh nghiệp cho rằng, các quy định cần có tính tương thích với các cam kết, tiêu chuẩn quốc tế để tạo thuận lợi cho xuất khẩu.

Đại diện Ban Pháp chế của VCCI cho biết, sau khi lấy ý kiến, các doanh nghiệp nhận xét nội dung một số quy chuẩn chưa rõ ràng, chưa thống nhất nên gây khó khăn khi áp dụng, chẳng hạn quy chuẩn về an toàn cháy cho công trình hay quy chuẩn kỹ thuật kèm điều kiện đầu tư kinh doanh về thóc gạo…

Trong khuôn khổ Hội thảo đã diễn ra Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ giữa VCCI và Ủy ban Tiêu chuẩn Do lường Chất lượng Quốc gia (STAMEQ) về phối hợp và hợp tác giữa hai bên nhằm tăng cường hỗ trợ các hoạt động quản lý nhà nước và hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam thúc đẩy phát triển kinh tế, thương mại, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của Việt Nam.

Các doanh nghiệp cũng cho rằng, còn tình trạng các tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) sai khác rất nhỏ so với tiêu chuẩn nước ngoài, hoặc không thể sử dụng kết quả công bố sự phù hợp của nước ngoài mà phải thử nghiệm lại, tốn kém chi phí… nên các quy định cần phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế, để phù hợp với các cam kết quốc tế về tiêu chuẩn – quy chuẩn kỹ thuật (TBT).

Nói về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI) cho hay, hiện nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) có các cam kết về TBT, theo các nguyên tắc không phân biệt đối xử, không tạo rào cản không cần thiết với thương mại quốc tế; cũng như chỉ áp dụng để đảm bảo về an ninh quốc gia, ngăn ngừa gian lận, bảo vệ sức khoẻ…

Vì thế, bà Trang khuyến nghị, dự thảo Luật sửa đổi cần đưa ra các nguyên tắc, yêu cầu cốt lõi trong trình tự thủ tục xây dựng, công bố, ban hành, áp dụng các TBT cũng như các biện pháp quản lý các tổ chức đánh giá sự phù hợp…

Từ góc độ doanh nghiệp, đại diện Công ty Canon Việt Nam cho hay, dự thảo chưa có quy định về việc công nhận, thừa nhận các tiêu chuẩn, quy chuẩn nước ngoài mà vẫn phải có thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau.

Đại diện Canon Việt Nam phân tích, Việt Nam đang tích cực tham gia vào các FTA và các tổ chức kinh tế quốc tế, thì việc áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế là một điều tất yếu để hàng hóa Việt Nam có thể tiếp cận các thị trường lớn trên thế giới, đồng thời giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng được các yêu cầu của thị trường quốc tế. Do vậy, việc áp dụng các tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật nước ngoài có sẵn sẽ tránh việc xây dựng quá nhiều tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật không cần thiết, gây lãng phí.

Hơn nữa, việc thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau vẫn phải có nhiều thủ tục giữa các bên, gây mất thời gian, chi phí và không bao trùm được hết. Trong khi ở các khu vực phát triển như EU, Mỹ, Nhật, Trung Quốc các tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật đã được xây dựng và áp dụng rộng rãi, đảm bảo nghiêm ngặt về chất lượng, nên việc áp dụng sẽ góp phần nâng cao hơn chất lượng của các sản phẩm này ở Việt Nam.

Vị này dẫn ví dụ, so sánh tiêu chuẩn VietGAP của Việt Nam và tiêu chuẩn JGAP của Nhật Bản thì JGAP có những yêu cầu nghiêm ngặt hơn về kỹ thuật, quy trình sản xuất. JGAP còn được công nhận rộng rãi trên thị trường quốc tế, đặc biệt là thị trường khó tính như EU.

Cùng với những vấn đề trên, các doanh nghiệp còn kiến nghị cơ quan chức năng cần xây dựng hệ thống tiếp nhận ý kiến, góp ý và phản hồi trực tuyến về tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật để nắm bắt nhanh ý kiến, sửa đổi phù hợp với điều kiện thực tiễn của doanh nghiệp…

Thứ trưởng Phan Thị Thắng: Công nghiệp chế biến, chế tạo khẳng định vai trò dẫn dắt

Sản xuất công nghiệp tiếp đà khởi sắc

Tại họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 5/8, trả lời câu hỏi của phóng viên về tiến độ phục hồi và tăng trưởng của ngành công nghiệp, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng cho biết: Trong 7 tháng đầu năm 2024, tình hình phục hồi công nghiệp của nước ta có rất nhiều điểm sáng đáng ghi nhận.

Cụ thể, các chỉ số quan trọng đều tăng mạnh như: Chỉ số PMI tháng 7/2024 ngành sản xuất đạt 54,7 điểm, tăng 4 tháng liên tục và là mức cao nhất kể từ tháng 11/2018; Tốc độ tăng sản lượng sản xuất công nghiệp tháng 7 cao hơn tháng 6 và đạt mức cao nhất kể từ tháng 3/2011; Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) sau 7 tháng tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước, là mức lũy kế cao nhất kể từ tháng 2/2024 đến nay, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng tới 9,5%.

Sản xuất công nghiệp cơ bản tăng trưởng trên diện rộng ở 60/63 địa phương trong tháng 7, chỉ có 3 địa phương ghi nhận giảm. Một số địa phương có mức tăng trưởng cao như Khánh Hòa, Bắc Giang, Hải Phòng, Quảng Ninh,…

Chỉ số tiêu thụ lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo tăng cao giúp kéo giảm chỉ số tồn kho so với cùng kỳ năm trước.

Một số sản phẩm công nghiệp chủ lực tăng cao so với cùng kỳ năm trước như thép thanh, thép góc; vải dệt từ sợi tự nhiên; thép cán; phân hỗn hợp NPK; điện sản xuất,…

Những kết quả tăng trưởng của công nghiệp nói chung và công nghiệp chế biến, chế tạo nói riêng nêu trên đã phản ánh một bức tranh rất tích cực của nền sản xuất trong nước.

“Có thể thấy được sản xuất công nghiệp đang phục hồi mạnh mẽ so với năm 2023, đang có đà tiếp tục tăng trưởng tích cực. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đã trở lại đóng vai trò dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế”, Thứ trưởng Phan Thị Thắng đánh giá.

Sản xuất công nghiệp cơ bản tăng trưởng trên diện rộng ở hầu hết các địa phương trên cả nước, đặc biệt là các địa phương có vai trò trọng điểm trong phát triển công nghiệp.

Năng lực sản xuất của các doanh nghiệp công nghiệp trong nước đã khôi phục rất tích cực và sẵn sàng để tận dụng những cơ hội tiếp cận các thị trường mới trong thời gian tới.

Niềm tin của các doanh nghiệp sản xuất trong nước cũng như các doanh nghiệp nước ngoài được củng cố mạnh mẽ nhờ những tín hiệu tích cực trong tăng tưởng sản xuất công nghiệp các tháng đầu năm 2024 vừa qua.

Về nguyên nhân để đạt được những kết quả nêu trên, có 5 nguyên nhân:

Thứ nhất, hiệu quả từ các biện pháp hỗ trợ của Chính phủ, các chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ trong giải ngân vốn đầu tư công, triển khai các dự án công nghiệp trọng điểm.

Thứ hai, kết quả thu hút, giải ngân vốn FDI khả quan giúp tăng thêm năng lực cho sản xuất trong nước.

Thứ ba, Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương đồng hành cùng các Hiệp hội, doanh nghiệp tận dụng tốt các cơ hội mang lại từ các FTA mà Việt Nam đã ký kết trong bối cảnh thị trường thế giới phục hồi, các đơn hàng xuất khẩu tăng trưởng tích cực trong các ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như dệt may, da – giày, điện tử, chế biến thực phẩm.

Thứ tư, các kết quả nổi bật trong công tác đối ngoại về kinh tế, đặc biệt với các đối tác thương mại lớn của nước ta như Mỹ, Trung Quốc… giúp củng cố niềm tin của nhà đầu tư, doanh nghiệp.

Thứ năm, năng lực của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp trong nước, được cải thiện nhờ tác động tổng hợp từ các chính sách hỗ trợ của Chính phủ (tín hiệu mới tích cực khi doanh nghiệp trong nước tăng trưởng xuất khẩu gần gấp 2 lần doanh nghiệp FDI) và niềm tin đó được củng cố nhờ môi trường kinh tế vĩ mô trong nước ổn định và xu hướng phục hồi của thị trường thế giới.

Đồng bộ các giải pháp phát triển công nghiệp

Đề cập đến thách thức mà nền kinh tế nói chung và sản xuất công nghiệp nói riêng sẽ phải đối diện, Thứ trưởng Phan Thị Thắng nêu rõ 4 nguyên nhân, cụ thể:

Thứ nhất, mặc dù đã được cải thiện nhiều, tuy nhiên nội lực của các ngành sản xuất trong nước vẫn còn yếu. Những điểm nghẽn lớn của công nghiệp trong thời gian dài vừa qua vẫn chưa được khắc phục một cách hiệu quả. Nền sản xuất vẫn phụ thuộc lớn vào các yếu tố bên ngoài, đặc biệt là phụ thuộc vào khu vực FDI. Giá trị gia tăng của các ngành công nghiệp trong nước còn thấp. Công nghiệp hỗ trợ kém phát triển. Chưa có nhiều sản phẩm công nghiệp nội địa có hàm lượng công nghệ cao.

Thứ hai, sản xuất công nghiệp phục hồi chưa toàn diện. Trong 7 tháng đầu năm 2024, còn 3/63 địa phương có IIP giảm. Một số ngành sản xuất chủ lực vẫn giảm so với cùng kỳ – như điện thoại thông minh, tivi, ô tô, sắt thép thô, bia hơi… Một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực (giày dép, gỗ, điện thoại các loại và linh kiện…) mặc dù phục hồi tích cực song vẫn chưa về lại mức đỉnh của cùng kỳ năm 2022.

Ngoài ra, trong những tháng cuối năm cũng như các năm tiếp theo, bối cảnh trong và ngoài nước còn nhiều biến động cũng đặt ra nhiều thách thức cho các ngành sản xuất trong nước.

Thứ ba, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp và khó lường. Căng thẳng địa chính trị, cạnh tranh nước lớn ngày càng gia tăng, sự phục hồi của các đối tác thương mại lớn còn chậm, rủi ro gián đoạn chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất toàn cầu. Hoạt động xuất nhập khẩu vẫn tiếp tục phụ thuộc vào một số thị trường, mặt hàng và khu vực FDI. Một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực sang các thị trường lớn (EU, Mỹ) tiếp tục phải đối mặt với các áp lực về điều tra phòng vệ thương mại, các rào cản kỹ thuật.

Thứ tư, trong nước, thị trường bất động sản vẫn phục hồi khá chậm. Thị trường trong nước tăng trưởng thấp hơn cùng kỳ. Chỉ số giá trong nước chịu áp lực tăng sau khi thực hiện một số chính sách mới.

Do đó, Bộ Công Thương cho rằng cần phải có nhiều giải pháp đồng bộ, dài hạn và vững chắc mới có thể bảo đảm tăng trưởng ổn định, bền vững cho các ngành công nghiệp.

Thứ trưởng Phan Thị Thắng cho biết, thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ triển khai 4 nhóm giải pháp để tiếp tục thúc đẩy sản xuất công nghiệp.

Thứ nhất, tiếp tục chủ động triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đã được Chính phủ thông qua, từ đó tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp – đặc biệt trong các ngành xuất khẩu chủ lực như dệt may, da – giày và các ngành nền tảng như ô tô, cơ khí, thép…; thúc đẩy đưa vào vận hành các dự án sản xuất công nghiệp mới nhằm phục vụ cho xuất khẩu và tiêu dùng trong nước, tạo thêm năng lực cho phát triển sản xuất và nguồn hàng cho xuất khẩu.

Thứ hai, tập trung tham mưu hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật, chiến lược phát triển một số ngành công nghiệp nền tảng, ưu tiên làm cơ sở cho các nguồn lực tăng trưởng mới trong các ngành công nghiệp trong ngắn hạn cũng như trong dài hạn.

Thứ ba, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả các chương trình làm việc với các địa phương và các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp hiện có nhằm khôi phục và phát huy đà tăng trưởng của công nghiệp tại các địa phương và vùng kinh tế trọng điểm.

Thứ tư, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp tục tận dụng cơ hội từ các dự án đầu tư công lớn và các chính sách khôi phục thị trường bất động sản của Chính phủ; khuyến khích việc tăng cường mua sắm hàng hóa sản xuất trong nước, hạn chế tối đa việc sử dụng sản phẩm và nguyên liệu nhập khẩu mà trong nước đã sản xuất được; đẩy mạnh tìm kiếm các thị trường mới cho các ngành hàng xuất khẩu chủ lực như dệt may, da – giày, điện tử…

Chí Tâm

LỄ KÝ KẾT THỎA THUẬN HỢP TÁC TOÀN DIỆN GIỮA CÔNG TY CỔ PHẦN HHP GLOBAL VÀ VIETINBANK TIÊN SƠN

Tham dự Lễ ký kết, có Ông Nguyễn Như Đôn – Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam – Chi nhánh tỉnh Bắc Ninh; Ông Đào Đình Khoa – Phó Tổng biên tập Báo Bắc Ninh – Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội DN Nhỏ và Vừa Tỉnh Bắc Ninh; Ông Nguyễn Công Kiên – thành Ủy viên – Phó chủ tịch UBND Thành phố Từ Sơn; Ông Nguyễn Đình Vinh – Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam, Ông Nguyễn Tuấn Hải – Giám đốc Ban Khách hàng doanh nghiệp lớn, Bà Nguyễn Thị Hường – Giám đốc VietinBank Tiên Sơn; Bà Nguyễn Thị Thu Thuỷ – Chủ tịch HĐQT, Bà Trần Thị Thu Phương – Tổng Giám đốc HHP cùng các cán bộ chủ chốt và các đối tác, khách hàng thân thiết của hai đơn vị.

Các đại biểu tham dự Lễ ký kết Thỏa thuận Hợp tác toàn diện giữa HHP và Vietinbank Tiên Sơn

Tại Lễ ký kết, Bà Nguyễn Thị Hường – đại diện VietinBank Tiên Sơn khẳng định, Vietinbank sẽ đáp ứng toàn diện các nhu cầu về vốn tín dụng, luôn đồng hành cùng Công ty Cổ phần HHP GLOBAL để các dự án của HHP được triển khai, vận hành, khai thác và đi vào hoạt động ổn định, hiệu quả. Trước mắt VietinBank Tiên Sơn đã tài trợ gần 1.900 tỷ đồng để HHP triển khai đầu tư hai dự án Nhà máy giấy tại Hải Phòng và Phú Yên, cũng như đảm bảo nguồn vốn ngắn hạn phục vụ sản xuất kinh doanh tại Công ty mẹ (Công ty Cổ phần HHP GLOBAL) và Công ty con (Công ty CP Giấy Hoàng Hà Phú Yên). Đồng thời, với Thỏa thuận Hợp tác toàn diện lần này, hai bên cùng cam kết tận dụng và phát huy thế mạnh trên các lĩnh vực hoạt động và kinh doanh của mỗi bên để xây dựng phát triển nền tảng vững chắc, tăng cường mối quan hệ hợp tác về nhiều mặt để đảm bảo lợi ích và cùng nhau thúc đẩy sự phát triển của cả hai bên.

 Bà Nguyễn Thị Hường – Giám đốc VietinBank Tiên Sơn phát biểu tại Lễ ký kết

Đáp lại, Bà Trần Thị Thu Phương – Tổng Giám đốc HHP sau phần chia sẻ về hành trình phát triển, tăng trưởng cũng như định hướng chiến lược phát triển bền vững, hướng tới chuyển đổi xanh, cam kết thực hành ESG của HHP GLOBAL đã khẳng định rằng, với sự hợp tác toàn diện, sự đồng hành của VietinBank, HHP sẽ có đủ điều kiện để đưa các dự án đi vào vận hành đúng tiến độ, đảm bảo sản xuất kinh doanh đạt hiệu quả ổn định, duy trì sự tăng trưởng bền vững. Chính nhờ vậy mà HHP có đủ điều kiện để hiện thực hóa Khát vọng bay xa: VÌ MỘT THẾ GIỚI XANH – HẠNH PHÚC – THỊNH VƯỢNG của mình, trở thành Hệ sinh thái xanh, phát triển bền vững top đầu trong lĩnh vực sản xuất giấy tại Việt Nam. Đồng thời HHP cũng cam kết thực hiện mọi trách nhiệm của mình với VietinBank, và hơn thế nữa là sự đồng hành, hỗ trợ, thậm chí là tìm kiếm khách hàng cho VietinBank để hai bên cùng nhau phát triển, mang lại nhiều giá trị hơn cho cộng đồng và xã hội.

Bà Trần Thị Thu Phương – Tổng giám đốc HHP phát biểu tại Lễ ký kết

Tiếp theo, nghi thức ký kết Thỏa thuận Hợp tác toàn diện đã diễn ra trang trọng trước sự chứng kiến của các vị Lãnh đạo cấp cao tham dự sự kiện.

Nghi thức ký kết Thỏa thuận Hợp tác toàn diện đã diễn ra trang trọng trước sự chứng kiến của các vị Lãnh đạo cấp cao tham dự sự kiện

Lễ ký kết Thỏa thuận hợp tác toàn diện giữa Công ty Cổ phần HHP GLOBAL và Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam – Chi nhánh Tiên Sơn đã diễn ra thành công tốt đẹp, một lần nữa khẳng định sự hợp tác sâu sắc, toàn diện giữa hai đơn vị, khẳng định sự cam kết cùng đồng hành để tạo ra nhiều giá trị không những cho hai bên mà còn cho các đối tác khách hàng, cho cộng đồng và toàn xã hội./.

Một số hình ảnh đẹp tại buổi Lễ ký kết

Ông Nguyễn Như Đôn – Giám đốc Ngân hàng Nhà nước tỉnh Bắc Ninh tặng hoa chúc mừng

Ông Đào Đình Khoa – Phó Tổng biên tập Báo Bắc Ninh tặng hoa chúc mừng

Ông Nguyễn Công Kiên – thành Ủy viên – Phó chủ tịch UBND TP. Từ Sơn tặng hoa chúc mừng

Ông Nguyễn Đình Vinh – Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam tặng hoa chúc mừng

Ông Chen Wei – đại diện Tập đoàn Sumec tặng hoa chúc mừng

Các khách hàng thân thiết của VietinBank Tiên Sơn tặng hoa chúc mừng

 

Nguồn: HHP Global & VPPA

Giải quyết vướng mắc liên quan dự án Nhà máy Bột – Giấy VNT19

Dự án đầu tư Nhà máy Bột – Giấy VNT19 do Công ty Cổ phần Bột – Giấy VNT19 làm chủ đầu tư. Được xây dựng tại xã Bình Phước, huyện Bình Sơn với tổng diện tích khoảng 117 hecta. Dự án đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường tại Quyết định số 2270 ngày 07/9/2015. Tính đến nay, khối lượng công việc dự án đã thực hiện khoảng 90%, trong đó tiến độ giải phóng mặt bằng là 98%. Hiện dự án vẫn còn nhiều vướng mắc về thủ tục pháp lý trong giao đất, cho thuê đất đối với diện tích còn lại. Các vướng mắc liên quan công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng để xây dựng đường dây 110kV cấp điện Nhà máy Bột – Giấy VNT19, tuyến thoát nước mưa, tuyến thoát nước thải sau xử lý. Người dân chưa đồng tình với việc thi công và xả nước thải ra vịnh Việt Thanh.


Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền yêu cầu chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Bột – Giấy VNT19 chuẩn bị các điều kiện để đẩy nhanh tiến độ, đưa dự án đi vào hoạt động đúng như dự kiến là cuối quý IV năm 2024. Triển khai các giải pháp một cách thống nhất, đồng bộ và theo đúng quy định của pháp luật. UBND huyện Bình Sơn chủ trì phối hợp với chủ đầu tư và các sở, ngành liên quan làm việc, rà soát các nội dung liên quan đến dự án để báo cáo UBND tỉnh. Đặc biệt, chú ý đến các thủ tục pháp lý liên quan đến vấn đề môi trường của dự án. Sở Tài nguyên & Môi trường chủ trì làm việc với địa phương, chủ đầu tư, Ban Quản lý Khu Kinh tế Dung Quất và các khu công nghiệp tỉnh giải quyết từng vấn đề cụ thể liên quan đến lĩnh vực đất đai. Trên tinh thần phù hợp với điều kiện thực tế, tạo điều kiện tốt nhất hỗ trợ cho chủ đầu tư hoàn thiện các thủ tục pháp lý. Xử lý các vướng mắc một cách linh hoạt, hài hòa và đạt hiệu quả cao.

Thời sự tối 19h45 ngày 29/7/2024, Thảo Linh, Ngọc Điệp
quangngaitv.vn

Chủ tịch nước Tô Lâm làm Tổng Bí thư

Thông cáo của Văn phòng Trung ương Đảng phát ngay sau hội nghị cho biết căn cứ các quy định của Đảng, trên cơ sở định hướng giới thiệu nhân sự của Bộ Chính trị, Trung ương đã thảo luận dân chủ, thống nhất rất cao với số phiếu tuyệt đối 100% bầu ông Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước giữ chức Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 13.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm. Ảnh: Giang Huy

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm. Ảnh: Giang Huy

Phát biểu sau khi nhậm chức, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm khẳng định kế thừa và phát huy những thành quả cách mạng mà cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các thế hệ lãnh đạo đi trước đã gây dựng.

Ông Tô Lâm cam kết “duy trì sự đoàn kết, thống nhất và cùng tập thể Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quyết tâm lãnh đạo, chỉ đạo toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13 đã đề ra, tổ chức thành công Đại hội 14, đưa đất nước vững bước phát triển trong giai đoạn mới”.

Trước đó, Bộ Chính trị đã phân công Chủ tịch nước Tô Lâm chủ trì công việc của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Công an, được Quốc hội bầu giữ chức Chủ tịch nước nhiệm kỳ 2021-2026 ngày 22/5. Trên cương vị người đứng đầu Nhà nước, ông đã công du Lào và Campuchia, thể hiện thông điệp “ưu tiên cao nhất” mối quan hệ với hai láng giềng.

Tiếp đó, ông chủ trì lễ đón Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Phủ Chủ tịch. Trong hội đàm, Chủ tịch nước Tô Lâm và Tổng thống Putin chứng kiến lễ ký kết 11 văn kiện của hai bên, trong đó có kế hoạch triển khai dự án xây dựng Trung tâm Khoa học và Công nghệ Hạt nhân tại Việt Nam.

Ông Tô Lâm 67 tuổi, quê huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Ông là Ủy viên Trung ương Đảng ba khóa 11, 12, 13; Ủy viên Bộ Chính trị hai khóa 12, 13; đại biểu Quốc hội hai khóa 14, 15. Đầu năm 2019, ông được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng thăng quân hàm lên đại tướng, trở thành người thứ tư trong lịch sử công an nhân dân mang quân hàm cao nhất.

Tiểu sử tân Tổng Bí thư Tô Lâm. Đồ họa: Khánh Hoàng

Tiểu sử tân Tổng Bí thư Tô Lâm. Đồ họa: Khánh Hoàng

Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam là chức danh lãnh đạo cao nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam. Điều lệ Đảng quy định Ban Chấp hành Trung ương bầu Bộ Chính trị và bầu Tổng Bí thư trong số Ủy viên Bộ Chính trị.

Theo quy định 214, Tổng Bí thư phải bảo đảm đầy đủ tiêu chuẩn chung của Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đồng thời cần có những phẩm chất, năng lực: Có uy tín cao trong Trung ương, Bộ Chính trị, trong toàn Đảng và nhân dân; là trung tâm đoàn kết, quy tụ và phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của toàn Đảng, toàn dân và sức mạnh thời đại để thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”…

Tổng Bí thư phải kinh qua và hoàn thành tốt nhiệm vụ ở chức vụ bí thư tỉnh ủy, thành ủy hoặc trưởng ban, bộ, ngành Trung ương; tham gia Bộ Chính trị trọn một nhiệm kỳ trở lên; trường hợp đặc biệt do Ban Chấp hành Trung ương quyết định.

 

Phạm Dự 

VNexpress.net

Bộ Công thương nói về việc Mỹ chưa công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường

Điều này có nghĩa rằng doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vào thị trường Hoa Kỳ sẽ còn tiếp tục bị phân biệt đối xử trong các vụ điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp của Hoa Kỳ, chi phí sản xuất thực tế của doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục không được công nhận mà phải sử dụng “giá trị thay thế” của một nước thứ ba để tính toán biên độ bán phá giá.

Bộ Công Thương Việt Nam khẳng định, nếu Bộ Thương mại Hoa Kỳ xem xét hồ sơ và thực tiễn tại Việt Nam một cách khách quan, công bằng thì đã có thể thừa nhận thực tế rằng Việt Nam đã là một nền kinh tế thị trường như 72 nền kinh tế khác đã công nhận, trong đó có các nền kinh tế lớn như Anh, Canada, Mexico, Australia, Nhật Bản, Ấn độ, Hàn Quốc, New Zealand…

Hơn 20 năm qua, nền kinh tế Việt Nam đã trải qua những thay đổi và phát triển vượt bậc. Việt Nam đã ký kết và đưa vào thực thi thành công 17 hiệp định thương mại tự do, trong đó có những hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, tiêu chuẩn cao với Liên minh châu Âu, các nước CPTPP, Liên Hiệp Vương quốc Anh với nhiều cam kết sâu rộng, toàn diện từ cắt giảm thuế tới nâng cao tiêu chuẩn lao động, bảo vệ môi trường, đảm bảo phát triển bền vững, mua sắm chính phủ, minh bạch hoá… Những thay đổi này đã được làm rõ trong hơn 20.000 trang thông tin, tài liệu mà Bộ Công Thương Việt Nam gửi tới Bộ Thương mại Hoa Kỳ, chứng minh sự tiến bộ mạnh mẽ của Việt Nam trên tất cả sáu tiêu chí mà Bộ Thương mại Hoa Kỳ đưa ra khi xem xét công nhận một quốc gia có nền kinh tế thị trường.

Các bản lập luận mà Bộ Công Thương cung cấp cho Bộ Thương mại Hoa Kỳ cũng chứng minh một cách đầy đủ, nhất quán về mức độ thực hiện sáu tiêu chí này của Việt Nam ít nhất là ngang bằng và thường tốt hơn so với mức độ thực hiện của các quốc gia khác đã được công nhận nền kinh tế thị trường; và thực tế tương đương hoặc tốt hơn các quốc gia đã luôn được coi là nền kinh tế thị trường.

Bộ Công Thương cảm ơn 41 tổ chức, cá nhân, hiệp hội doanh nghiệp, thương mại Hoa Kỳ đã bày tỏ ý kiến ủng hộ mạnh mẽ việc công nhận Việt Nam là một nền kinh tế thị trường, trong đó có những tổ chức, cá nhân đại diện cho các doanh nghiệp Hoa Kỳ như Hiệp hội Nông nghiệp quốc gia Hoa Kỳ (NASDA), Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ (AmCham), Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ – ASEAN (USABC), Hiệp hội các nhà bán lẻ Hoa Kỳ và mong sẽ tiếp tục nhận được sự đồng hành của các tổ chức, cá nhân nói trên.

Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ nghiên cứu, phân tích các lập luận trong Báo cáo đánh giá nền kinh tế Việt Nam của Bộ Thương mại Hoa Kỳ, để bổ sung, hoàn thiện lập luận để gửi hồ sơ yêu cầu Bộ Thương mại Hoa Kỳ xem xét lại quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam nhằm cụ thể hóa mối quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Hoa Kỳ, qua đó thúc đẩy hợp tác kinh tế thương mại, đầu tư song phương, mang lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp và nhân dân hai nước.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương sẽ đồng hành cùng các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ trong các vụ việc điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp để đảm bảo lợi ích cao nhất cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.

Nhã Mi

An ninh Tiền tệ

Van Neles và Liansheng: kiểm soát dòng chảy xuất sắc trong ngành sản xuất giấy và bột giấy

Thiết bị kiểm soát dòng chảy thường vận hành trong môi trường khắc nghiệt, là nơi có các yêu cầu rất cao về độ tin cậy và độ bền của van. Để đáp ứng những thách thức này, Valmet cam kết cung cấp giải pháp dòng chảy và thiết kế tùy chỉnh để đáp ứng yêu cầu sản xuất đặc biệt trong ngành giấy và bột giấy.

Song, cam kết của Valmet không chỉ dừng lại ở sản phẩm. Ngoài các dòng van tiên tiến, Valmet còn cung cấp cho khách hàng dịch vụ và hỗ trợ kỹ thuật toàn diện. Điều này bao gồm bảo trì thường xuyên để đảm bảo vận hành thiết bị tốt nhất, từ đó bất kỳ sự cố nào cũng được giải quyết kịp thời. Sự hỗ trợ toàn diện này giúp Valmet trở thành đối tác kiểm soát dòng chảy đáng tin cậy trong ngành sản xuất giấy và bột giấy, cung cấp cho khách hàng hiệu suất tuyệt vời và giải pháp lâu dài.

Lựa chọn quan trọng của nhà máy Liansheng

Đến nhà máy Liansheng, dòng van Neles là lựa chọn đáng tin cậy trong tất cả các khu vực sản xuất quan trọng, bao gồm hệ thống hơi nước và ngưng tụ, khâu chuẩn bị nguyên liệu và các ứng dụng chủ chốt khác. Trong hệ thống làm lạnh bằng hơi nước, tất cả các khâu chính liên quan đến ngưng tụ hơi nước đều dựa vào van Neles. Trong các khu vực sản xuất bột giấy có thành phần ăn mòn và xói mòn, van Neles cung cấp sự kiểm soát dòng chảy chắc chắn.

Ảnh: Valmet

“Từ lần đầu tiên chúng tôi sử dụng van Neles vào năm 2008, các sản phẩm kiểm soát dòng chảy của Valmet hầu như không gặp lỗi, chứng minh khả năng ổn định và đáng tin cậy tuyệt vời. Qua hàng thập kỷ, so với các sản phẩm từ nhà sản xuất khác, sản phẩm của Neles đã hoạt động khá tốt, đặc biệt là bộ định vị và bộ tác động. Bộ định vị Neles NE7 và Neles ND9000 điều khiển van thông minh luôn được xem là sản phẩm tiêu chuẩn trong ngành”, Liu Mingchao, Quản lý thiết bị đo kiểm và điện trong dự án White Cardboard của Liansheng nói, bày tỏ sự tin tưởng vào chất lượng sản phẩm van Valmet. “Xét về chất lượng van nói chung, van bướm Neles có thiết kế đĩa lệch tâm chuẩn. Có nhiều sản phẩm van trên thị trường cho rằng có độ lệch tâm ba, nhưng rất ít van thực sự đạt được thiết kế tâm ba chính xác như vậy. Đây là ưu điểm vượt trội của Neles”

Ảnh: Valmet

Van Neles không thể thiếu trong hoạt động vận hành

Đây là trải nghiệm sâu rộng dựa trên ứng dụng thực tế trong hơn một thập kỷ qua. Về việc Liansheng kiên quyết sử dụng van Neles, Liu Mingchao chia sẻ: “Xuyên suốt quy trình của Liansheng, sản phẩm của Neles hoạt động tốt và là sản phẩm duy nhất có tỷ lệ hư hỏng rất ít. Ngược lại, sản phẩm từ các nhà sản xuất khác thường gặp nhiều vấn đề trong quá trình sử dụng. Liansheng tự tin lựa chọn van Neles vì van đã cho thấy hiệu suất và độ tin cậy tuyệt vời. Kiểm soát dòng chảy Valmet cung cấp cho nhà máy Liansheng môi trường vận hành hiệu quả, mượt mà và ổn định, khiến cho van Neles trở thành một phần quan trọng và không thể thiếu trong hoạt động vận hành của Liansheng”.

Ảnh: Valmet

“Liansheng kiên quyết sử dụng sản phẩm Neles trong toàn bộ nhà máy”

Hiệu suất đáng tin cậy qua nhiều năm

“Các giải pháp kiểm soát dòng chảy Valmet từ lâu đã được tin tưởng trong ngành giấy và bột giấy. Chúng tôi luôn tự tin vào sản phẩm kiểm soát dòng chảy Valmet, đặc biệt đối với vận hành dây chuyền bột giấy, nơi có yêu cầu cao về kiểm soát chính xác nồng độ bột. Chúng tôi kiên quyết sử dụng sản phẩm Neles trong toàn bộ nhà máy. Nhất là trong các ứng dụng quan trọng như đầu ra của máy đo nồng độ trung bình, chúng tôi nhận thấy rằng hiệu suất van của các nhà sản xuất khác thường thay đổi sau một năm hoặc mười tám tháng sử dụng. Tuy nhiên, van Neles luôn duy trì hiệu suất kiểm soát tốt thông qua hiệu chuẩn tự động trong chu kỳ bảo trì định kỳ của chúng tôi” Zong Tao, Giám sát thiết bị đo kiểm và điện trong dự án Liansheng, nhấn mạnh sự tin vào sản phẩm kiểm soát dòng chảy Valmet, “Chuyên môn và đổi mới công nghệ liên tục của Valmet trong kiểm soát dòng chảy ngành giấy và bột giấy đã tạo nên những sản phẩm vượt trội về khả năng kiểm soát độ chính xác, tính ổn định và đáng tin cậy, khiến cho Valmet dẫn đầu trong ngành”.

Liu Mingchao, Quản lý thiết bị đo kiểm và điện của dự án White Cardboard tại Liansheng

Lựa chọn của Liansheng dựa trên niềm tin sâu sắc vào giải pháp kiểm soát dòng chảy Valmet. Ở đây, van Neles không chỉ là một phần của thiết bị mà còn là sự hỗ trợ không thể thiếu cho hoạt động vận hành suôn sẻ của nhà máy. Niềm tin này dựa trên dịch vụ tuyệt vời của Neles đối với Liansheng, tạo ra các giải pháp kiểm soát dòng chảy hiệu quả, ổn định và đáng tin cậy cho dự án Liansheng, đảm bảo môi trường sản xuất an toàn và bền vững. Trong mọi quá trình, Valmet – và van Neles – là đối tác đáng tin cậy của Liansheng, giúp nhà máy đạt được sản xuất suôn sẻ và kinh doanh thành công bền vững.

 

Theo Valmet & ATZ Solutions

Vượt qua thách thức khan hiếm nước trong sản xuất giấy tissue

Việc tiếp cận nguồn nước sạch gần nhà máy giấy tissue của Faderco và công ty con WARAK tại Algeria đang ngày càng khó khăn do các hiện tượng nhiệt độ cao, lượng mưa không đủ và mực nước tại các giếng và đập giảm sâu. Để đối phó với tình hình này, Faderco đã có một số sáng kiến cho nhà máy của họ để tìm ra cách họ vượt qua thách thức khan hiếm nước.

Một vị trí mới độc đáo trong công ty: Người quản lý nguồn nước

Khi khởi động nhà máy đầu tiên vào năm 2015, nguồn nước không phải là một vấn đề. Tuy nhiên qua thời gian và trong dự án nhà máy thứ hai, rõ ràng khu vực này đang có nguy cơ giảm mực nước. Để giải quyết nỗi lo lắng cấp bách này, Faderco đã quyết định tạo ra một vị trí nhân sự mới trong tổ chức, người chỉ tập trung vào việc quản lý nguồn nước.

Rafik Khelifa, Giám đốc sản xuất tại hiện trường ở WARAK, giải thích rằng: “Nguồn nước như một nguyên liệu thô, có xơ sợi dài, ngắn, và nước. Nước rất quan trọng cần quản lý nước một cách cẩn thận. Ngày nay, người quản lý nguồn nước đã có một nhóm riêng để giám sát nguồn nước đầu vào và đầu ra”

Mực nước thấp đáng kể

Với mực nước thấp đáng kể trong các giếng sâu, nhà máy buộc phải giảm mức tiêu thụ nước xuống. Họ liên tục tìm cách đóng nguồn nước và tái sử dụng nước thải nhiều nhất có thể từ nước thải đã qua xử lý tại các nhà máy. “Giải pháp tốt nhất cho nhà máy là vận hành không cần nước” – Ông Billel Boulenouar, Quản lý dự án tại WARAK nói “Thật không may, điều đó không thực tế”

Khó khăn lớn nhất của việc hạn chế sử dụng nước sạch là làm sao để không gây tác động tiêu cực đến quy trình. Ở nhà máy đầu tiên, họ cố gắng đóng hoàn toàn nguồn nước, dẫn đến việc sử dụng hóa chất tăng lên. Sau cùng, họ nhận thấy rằng chất lượng giấy bị biến đổi và khả năng vận hành bị ảnh hưởng tiêu cực. Lúc này, họ buộc phải mở hệ thống và xả nước có một số chất không mong muốn trước khi có thể bắt đầu lại nguồn nước mới. Điều lý tưởng nhất là có một loại chức năng tương tự như “quả thận” để lọc các hạt, cho phép họ đóng mạch nước trong thời gian dài hơn. Nhiều người muốn biết liệu các hóa chất được thêm vào có ảnh hưởng đến mục tiêu bền vững chung của công ty?

Theo báo cáo từ nhóm tại hiện trường, mặc dù việc tăng cường sử dụng hóa chất không phải là tình huống lý tưởng, tuy nhiên không có chất thải nào phát sinh thêm.

Tận dụng nguồn nước bỏ đi

Ngày nay, họ đã đạt đến mức phải cố gắng tái sử dụng càng nhiều nguồn nước bỏ đi càng tốt. Kết quả là lượng nước sạch được thêm vào quá trình này khá ít. Ngoài ra, Faderco đang cố gắng tận dụng nước từ quy trình và giảm tiêu thụ nước bằng mọi cách có thể. Một số phương pháp kể đến là phục hồi khả năng chống thấm nước và đóng nguồn nước làm lạnh.

Vậy làm thế nào để xử lý lượng nước dư thừa không thể tận dụng lại trong quy trình? “Chúng tôi sử dụng nó cho bãi cỏ và cây cối xung quanh nhà máy để tạo nên một mảng xanh. Chúng tôi cũng sử dụng nó để làm sạch cơ sở vật chất. Bạn có thể thấy, nó góp phần tạo ra một môi trường tốt xung quanh đây” – Khelifa nở một nụ cười nói.

Cũng có thể tận dụng phế liệu bỏ đi như một nguồn nguyên liệu thô có giá trị. Boulenouar giải thích: “Chúng tôi đã làm việc với các nhóm cung cấp dịch vụ cộng đồng, nơi kết nối với hàng nghìn công ty khởi nghiệp để khám phá cách tái sử dụng những phế phẩm tạo ra các hoạt động kinh doanh mới. Ví dụ: Trình bày các loại phế phẩm chúng tôi có, và điều này đã mở ra các một cuộc thảo luận về sáng kiến trong nông nghiệp và nhựa sinh học”

Giảm tiêu thụ nước trong sản xuất giấy tissue

Có nhiều cách để giảm tiêu thụ nước trong sản xuất giấy tissue ngày nay. Thách thức là duy trì mức giảm này qua thời gian mà không gây ảnh hưởng cho hiệu suất của máy. Các nhà máy có thiết kế và sản xuất tương tự không nhất thiết phải có mức giảm như nhau trong thời gian dài do chất lượng nước sạch đầu vào. Valmet có thể hỗ trợ đánh giá độc lập cho từng nhà máy, nhờ vậy chúng tôi đã đạt được mức giảm đáng kể trong việc thách thức hệ thống làm lạnh truyền thống, loại đệm kín trong quy trình xử lý, nguồn nước sử dụng pha loãng hóa chất, và làm thế nào để tái sử dụng nước.

Valmet đã nỗ lực giảm lượng nước tiêu thụ trong sản xuất giấy tissue qua nhiều thập kỷ. Ví dụ, mức tiêu thụ nước của công nghệ Valmet Advantage DCT200 dòng giấy lụa đã giảm khoảng 80% từ những năm 90.

Faderco là công ty lớn trong ngành chăm sóc cá nhân trong nước và khu vực, và công ty đã đạt mức tăng trưởng bền vững trong 30 năm qua.

“Ngày nay, lượng nước sạch thêm vào quá trình khá ít”

Khám phá cách giảm lượng nước sử dụng

Faderco cũng phối hợp chặt chẽ với cộng đồng để tìm ra giải pháp tái sử dụng nước từ chính quyền đô thị. Họ hiện đang khám phá nhiều cách khác nhau và tìm kiếm các yếu tố như khoảng cách từ các cơ sở xử lý và mức chất lượng của nước đã qua xử lý. “Dự án vẫn đang diễn ra, chúng tôi vẫn đang thu thập, phân tích dữ liệu để cân nhắc các giải pháp tốt nhất. Điều này đòi hỏi một vài kỹ thuật cao, nhưng nếu chúng tôi có thể tìm ra cách thì sẽ rất tuyệt vời” – Boulenouar nói.

Khi được hỏi liệu họ có nhận được sự hỗ trợ nào từ các nhà cung cấp và các tổ chức khác trong quá trình tạo ra một quy trình hoàn chỉnh hơn hay không, Boulenouar trả lời rằng: “Khan hiếm nước không phải là vấn đề chỉ xảy ra ở khu vực của chúng tôi. Nguồn nước có sẵn và nhà máy thân thiện với môi trường là chủ đề được bàn luận phổ biến. Ở một mức độ nào đó, chúng tôi vẫn thiếu dữ liệu, tuy nhiên họ vẫn sẵn lòng”

Khi nhu cầu nước sạch đang ngày càng gia tăng, doanh nghiệp và cộng đồng phải hợp tác cùng nhau để theo đuổi việc quản lý nguồn tài nguyên có trách nhiệm. Không có khu vực nào dễ thấy rõ hơn những khu vực đang phải đối mặt với tình trạng khan hiếm nước, nơi mà các ngành công nghiệp đối mặt với nhu cầu cấp thiết: giảm tiêu thụ nước hoặc đối mặt với hậu quả. Câu chuyện của Faderco về giải quyết tình trạng khan hiếm nước là nguồn cảm hứng để định hình lại cách chúng ta vận hành, hướng đến tương lai an toàn nước nhiều hơn. Khelifa kết luận: “Việc quản lý tài nguyên nước có trách nhiệm là một phần cơ bản trong giá trị của công ty. Chúng tôi cam kết bảo vệ nguồn nước và giảm thiểu tác động đến môi trường.”

Chất lượng nước có thể ảnh hưởng đến nhà máy giấy tissue như thế nào

Nước có chất lượng tốt rất quan trọng:

  • Tránh sự ăn mòn bất thường trong máy và trên xi lanh Yankee
  • Giữ quá trình hóa học trong giới hạn hoạt động
  • Tránh các hạt mài mòn trong máy móc và vòng đệm của máy móc

Nước có chất lượng kém có thể gây ra:

  • Tích tụ chất không hòa tan
  • Vấn đề về lớp phủ Yankee
  • Nguy cơ xuống cấp sản phẩm – và có mùi hôi 
  • Dễ gây rối loạn quá trình

 

Theo Valmet & ATZ Solutions