Bộ Công Thương đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để duy trì sản xuất

Ngày 09-08-2021
VPPA-Cho phép người lao động thực hiện “một cung đường, hai điểm đến” từ nhà đến nơi sản xuất để thay thế phương án “ba tại chỗ” đó là đề xuất của Bộ Công Thương vừa gửi cho Bộ Y tế vào ngày 7/8.

bo-cong-thuong-de-xuat-giai-phap-thao-go-kho-khan-cho-doanh-nghiep-de-duy-tri-san-xuat

Chỉ có 30% doanh nghiệp có thể thực hiện “ba tại chỗ” để duy trì sản xuất. Ảnh: TL

Theo phương án này, thì thay vì “đóng quân” ăn, nghỉ tại nhà máy thì người lao động được về nhà và cách ly tại nhà sau ca làm việc.

Thời khóa biểu của người lao động được sắp xếp bắt đầu 1 ca làm việc người lao động đi thẳng từ nhà đến nhà máy, trên đường đi không được dừng, đỗ bất kỳ nơi nào. Khi vào nhà máy người lao động phải được nhân viên y tế kiểm tra thân nhiệt, thực hiện các quy định về phòng dịch, xét nghiệm định kỳ với sự hỗ trợ của cán bộ y tế địa phương.

Các doanh nghiệp muốn thực hiện theo phương án này doanh nghiệp phải xây dựng phương án cụ thể về phòng chống dịch và có đặt ra giả định tình huống khi có ca F0, F1 xảy ra trong nhà máy thì biện pháp khoanh vùng, truy vết, các ly y tế như thế nào để bộ phận còn lại có thể sản xuất án toàn. Người lao động cũng phải cam kết với doanh nghiệp về di chuyển bằng phương tiện cá nhân giữa nơi ở của gia đình và cơ sở sản xuất, kinh doanh.

Về xét nghiệm SARS-CoV-2, ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp cũng kiến nghị Bộ Y tế đưa ra quy định chuẩn về xét nghiệm cộng gộp mẫu định kỳ, lấy mẫu trực tiếp tại doanh nghiệp để giúp họ giảm chi phí và thời gian.

Đồng thời, các doanh nghiệp cũng đề nghị Cơ quan chức năng cần đưa ra quy định về điều kiện để cho phép doanh nghiệp được hoạt động trở lại tương ứng với các kịch bản khác nhau, chẳng hạn hoạt động 30%, 50%, 70% cho tới 100% công suất như trước khi xảy ra dịch bệnh. Điều kiện hoạt động theo từng kịch bản sẽ tuỳ thuộc vào mức độ đảm bảo an toàn của doanh nghiệp để doanh nghiệp có kế hoạch bố trí lao động, nguồn lực sản xuất thích hợp.

Nhiều doanh nghiệp cũng đề xuất, với trường hợp các địa phương muốn dừng hoạt động sản xuất trên quy mô lớn trong phạm vi toàn bộ khu, cụm công nghiệp thì phải báo cáo Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ và Trưởng ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 xem xét, quyết định. Việc này tránh tình trạng khi thấy có một số bất cập xảy ra, thay vì tìm giải pháp tháo gỡ, hỗ trợ, các tỉnh lại ra quy định dừng thực hiện “ba tại chỗ”, làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới doanh nghiệp đang thực hiện tốt, thực tế điều này đã có xảy ra.

Cùng đó, Bộ Công Thương cũng đề xuất đẩy nhanh việc tiêm vaccine cho người lao động tại các khu công nghiệp, sản xuất, xuất khẩu (dệt may, da giày, chế biến nông sản, thực phẩm…).

Một điểm đáng chú ý là Bộ Công Thương đã đề xuất cho phép các cơ sở y tế triển khai tiêm chủng có thu phí, do doanh nghiệp, cá nhân chi trả dưới sự hướng dẫn và giám sát về chuyên môn của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền; bố trí tổ chức tiêm tại chỗ đối với các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp có đủ điều kiện về y tế nhằm giảm tải cho các cơ sở y tế, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong tổ chức tiêm phòng cho người lao động; đẩy nhanh ứng dụng công nghệ trong triển khai tiêm chủng, khai báo y tế, xét nghiệm… nhằm tiết kiệm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp, tránh việc tập trung đông người không đảm bảo quy định phòng dịch.

“Trường hợp các Hiệp hội, doanh nghiệp đã liên hệ và tìm được nguồn cung vaccine từ nước ngoài, Bộ Công Thương đề nghị Bộ Y tế khẩn trương báo cáo Chính phủ xin cơ chế, hướng dẫn đại diện cộng đồng doanh nghiệp được ký kết các hợp đồng mua vaccine để giúp doanh nghiệp sớm tiếp cận được vaccine trong thời gian ngắn nhất”, Công văn của Bộ Công Thương nêu.

Như Nhadautu.vn đã thông tin, do dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp với các ca nhiễm mang biến thể chủng Delta có tốc độ lây lan cao. Môi trường sản xuất tại nhà máy, xí nghiệp luôn phải tập trung đông người. Trong đó, các nhà máy có sử dụng dây chuyền sản xuất như thủy sản, may mặc, điện tử…việc bố trí công nhân theo vị trí rất khó thay đổi để đảm bảo giãn cách, do đó không may xuất hiện 1 ca F0 trong nhà máy thì nguy cơ lây lan rất cao.

Đề đảm bảo an toàn trong sản xuất, trong nhiều ngày qua đã có nhiều doanh nghiệp áp dụng phương án bố tri cho công nhân vào ở trong khuôn viên nhà máy, tránh cho công nhân tiếp xúc với môi trường bên ngoài. Tuy nhiên, theo đánh giá của các doanh nghiệp phương án này cũng không thật sự an toàn, thực tế đã có nhiều doanh nghiệp sản xuất “ba tại chỗ” vẫn bùng phát dịch.

Nhiều doanh nghiệp phía Nam cho biết, thực hiện “3 tại chỗ” khiến họ phải gánh quá nhiều chi phí, như xét nghiệm hàng tuần, trang bị điều kiện cho công nhân ăn, ngủ, làm việc tại nhà máy tăng 50-100%, trả thêm lương công nhân ở lại nhà máy tăng 30-50%, trả lương và chi phí hỗ trợ người lao động nghỉ việc…

“Ba tại chỗ” chỉ là biện pháp tình thế tạm thời và chỉ có thể kéo dài từ 2-3 tuần với doanh nghiệp vừa và nhỏ. Còn doanh nghiệp lớn thì tối đa 4-5 tuần khi duy trì mô hình sản xuất này”, đó là đánh giá của Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP).

Đại diện các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam như Amcham hay EuroCham cũng đều nêu những bất cập của mô hình “ăn, ở, ngủ” tại chỗ này.

Ông Nguyễn Hải Minh – Phó chủ tịch EuroCham cho biết, khảo sát nhanh các doanh nghiệp thành viên của EuroCham thì chỉ hơn 30% người lao động đồng ý làm việc theo “ba tại chỗ”.

Trong khi đó, đại diện AmCham tại Hà Nội cũng đề xuất Chính phủ Việt Nam cần đưa ra giải pháp, chiến lược chung để doanh nghiệp sống chung với dịch, bởi chưa biết đến khi nào COVID-19 mới kết thúc.

      >>> Bột BEK đạt đỉnh giá tại Brazil; các nguồn cung kỳ vọng vào Trung Quốc

Theo Nhà đầu tư

Bình luận của bạn

Tin liên quan

Tin đã đăng