Có cần thiết áp dụng giá điện hai thành phần?

Ngày 25-01-2024
VPPA-Việc nghiên cứu áp dụng giá điện hai thành phần theo công suất và điện năng tiêu thụ được cho sẽ mang lại nhiều lợi ích, thế nhưng, giải pháp này, liệu có phù hợp để đưa vào thực tiễn?

Bộ Công Thương vừa có văn bản giao EVN nghiên cứu giá điện hai thành phần - Ảnh minh họa: ITN

Theo đó, Bộ Công Thương vừa có văn bản giao Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) nghiên cứu giá điện hai thành phần theo công suất và điện năng tiêu thụ, để tiến tới thay thế việc áp dụng giá điện một thành phần (tiền điện trả theo điện năng tiêu thụ) hiện nay.

Cụ thể, EVN được giao đánh giá tác động các nhóm khách hàng dùng điện trong trường hợp Việt Nam thí điểm áp giá điện này. Việc áp dụng này trên cơ sở tính toán, so sánh với cơ chế giá bậc thang cho khách dùng điện sinh hoạt và theo cấp điện áp với sản xuất, kinh doanh.

Đồng thời nghiên cứu, đề xuất về cơ chế, lộ trình và đối tượng áp dụng giá điện hai thành phần để từ đó xem xét, trình Thủ tướng quyết định.

Lý giải cho đề xuất đã nêu, Bộ Công Thương cho biết, kinh nghiệm quốc tế cho thấy hầu hết các nước trong khu vực và trên thế giới đều áp dụng giá điện hai thành phần.

“Việc áp dụng giá điện hai thành phần sẽ đưa ra tín hiệu đúng cho cả bên sản xuất điện và bên tiêu thụ điện để nâng cao hiệu quả kinh tế từ việc phân bổ và sử dụng nguồn lực hợp lý”, Bộ Công Thương chia sẻ.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc nghiên cứu và áp dụng giá điện hai thành phần đem lại nhiều lợi ích – Ảnh minh họa: ITN

Cũng theo Bộ Công Thương, việc áp dụng thêm giá công suất, bên cạnh việc tính lượng điện năng tiêu thụ, cũng sẽ góp phần khuyến khích khách hàng sử dụng điện hiệu quả. Từ đó nâng cao hệ số phụ tải điện và tiết kiệm được tiền điện, giúp giảm việc đầu tư công suất nguồn và mở rộng lưới điện. Đặc biệt, với những khách hàng đăng ký công suất lớn hơn so với thực tế nhu cầu sử dụng, ngành điện sẽ thu hồi được cả chi phí đầu tư.

“Do vậy, việc áp dụng giá điện hai thành phần sẽ đem lại lợi ích cho cả khách hàng, còn đảm bảo thu hồi được chi phí đầu tư của ngành điện”, Bộ Công Thương đánh giá.

Xoay quanh vấn đề đã nêu, nhiều ý kiến cũng cho rằng, nếu Việt Nam áp dụng giá điện theo hình thức này sẽ có lợi cho cả người dùng điện lẫn doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh điện.

Thông tin với báo chí, chuyên gia năng lượng – TS Nguyễn Huy Hoạch nhìn nhận, áp dụng giá điện hai thành phần sẽ là bước đột phá về chính sách giá điện. Giá điện hai thành phần bao gồm giá công suất và giá điện năng đã được nhiều nước áp dụng, gần đây nhất là Trung Quốc. Nếu áp dụng, nhà cung cấp điện có thể đưa ra một gói sản phẩm tương ứng biểu giá điện bán cho khách, như cách chúng ta mua gói cước điện thoại trong mỗi tháng, tùy thuộc nhu cầu sử dụng.

“Chẳng hạn, với khách hàng sản xuất, đăng ký mua gói công suất là 1.000 kW, sử dụng 4.000 kWh trong 1 tháng sẽ có mức giá khác khách hàng đăng ký công suất 2.000 kW, nhưng cũng chỉ sử dụng 4.000 kWh”, vị chuyên gia này bày tỏ.

Cũng theo vị chuyên gia này, do lâu nay giá điện được tính bằng công suất sử dụng, nên nhiều nhà sản xuất đăng ký công suất rất cao, khiến ngành điện phải đầu tư lưới, trụ nhiều để đáp ứng nhưng thực tế sử dụng lại không cao như công suất đăng ký. Ví dụ, doanh nghiệp chế biến ngành thủy hải sản thường có nhu cầu sử dụng điện rất lớn vào mùa cao điểm, nên khi đăng ký, họ thường đăng ký công suất lớn. Dựa vào số liệu này, ngành điện phải đầu tư trạm biến áp có công suất tương đương công suất doanh nghiệp đăng ký. Thế nhưng, vào mùa thấp điểm, nhu cầu sử dụng điện sản xuất giảm mạnh, ngành điện vẫn phải trả tiền cho chi phí duy trì vận hành, chạy công suất nền… dù khách hàng không sử dụng. Nhà phát điện, chủ đầu tư điện dù không bán được điện vẫn phải trả tiền công suất điện…

“Chính vì vậy, việc đăng ký công suất quá cao, lượng điện dùng lại thấp, gây thiệt hại cho đầu tư hạ tầng điện. Giá công suất thấp hơn rất nhiều so với giá điện năng tiêu thụ, nhưng nhất thiết phải được tính toán rõ ràng nhằm bảo đảm công bằng, minh bạch trong giá điện”, TS Nguyễn Huy Hoạch nêu quan điểm.

Còn theo chuyên gia kinh tế – PGS.TS Ngô Trí Long, vấn đề giá điện hai thành phần được nêu ra từ hơn chục năm trước, bây giờ mới nghiên cứu là hơi chậm. Chính sách này cần sớm hình thành và phát triển ngay trong năm nay mới bảo đảm tính ổn định của thị trường năng lượng. Quan trọng hơn trong giá điện hai thành phần là khắc phục được tình trạng bù chéo trong giá điện và một số hạn chế khác liên quan về giá điện hiện nay như mua cao bán thấp, thiếu công bằng trong cách tính theo thang bậc…

Bên cạnh đó, quy định giá điện hai thành phần giúp giảm được chi phí đầu tư hệ thống điện rất nhiều. Đặc biệt, tại các khu vực hộ gia đình, doanh nghiệp sử dụng điện ổn định, phụ tải ở mọi thời điểm sẽ ổn định ở mức thấp, không bị tăng cao công suất vào giờ cao điểm. Với người tiêu dùng, giá điện hai thành phần giúp giảm giá mua điện bằng cách tăng thời gian sử dụng điện, giá điện tính theo công suất chỉ khuyến khích việc tiết kiệm công suất mà không tính đến việc tiết kiệm điện năng. Trong khi đó, giá điện theo điện năng lại khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm điện năng tiêu thụ mà không tính đến lượng công suất liên quan.

“Thế nên, giá điện hai thành phần có ưu điểm là khắc phục được nhược điểm của mỗi loại giá nêu trên, góp phần làm hệ thống điện phát huy hiệu quả sử dụng, mang lại lợi ích cho cả khách hàng sử dụng điện và ngành điện”, vị chuyên gia này bày tỏ.

 

Nguồn: Báo diễn đàn doanh nghiệp

Bình luận của bạn

Tin liên quan

Tin đã đăng