Dự thảo Nghị định về Luật Bảo vệ môi trường: Bất cập thủ tục cấp giấy phép môi trường
Như Diễn đàn Doanh nghiệp đã thông tin, mặc dù đã chỉnh lý sửa đổi, thế nhưng, Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều Luật Bảo vệ môi trường (Dự thảo) vẫn còn nhiều bất cập. Trong đó, 11 Hiệp hội doanh nghiệp cho rằng, các quy định liên quan đến thủ tục cấp Giấy phép môi trường (GPMT) còn phức tạp, phát sinh thủ tục hành chính, gây khó cho doanh nghiệp.
Cụ thể, theo các Hiệp hội, Dự thảo tích hợp 7 giấy phép thành 1 giấy phép tưởng chừng như “cải cách”, thế nhưng, thực chất đây chỉ là 7 nội dung gộp vào 1 tờ giấy phép, tiềm ẩn nguy cơ gia tăng thủ tục hành chính, khi chỉ một trong 7 nội dung thay đổi thì doanh nghiệp lại phải đi xin cấp lại GPMT.
Chưa kể, hồ sơ cấp GPMT trùng lắp nhiều với hồ sơ ĐTM và không rõ ràng; Quy trình cấp GPMT không quy định thời gian, dễ nảy sinh cơ chế xin – cho, không phải 1 mà có thể tới 2 lần thẩm định và 2 lần kiểm tra thực địa, chỉ thiên về tiền kiểm; Quy định thủ tục cấp lại cũng như cấp mới; Dự án đang hoạt động cũng phải đi xin cấp GPMT như dự án mới…
Đáng nói, việc cấp GPMT trước khi vận hành thử nghiệm khiến nhiều doanh nghiệp phải xin điều chỉnh GPMT sau khi vận hành là những bất cập gây mất thời gian và chi phí.
Bên cạnh những bất cập đã nêu, các Hiệp hội cũng cho rằng, những quy định này không phù hợp với Nghị quyết 68/2020/NQ-CP ngày 12/5/2020 của Chính phủ khi mục tiêu của Nghị quyết: Trong giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2025, cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% số quy định… và kiểm soát chặt chẽ việc ban hành văn bản có quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh… ngăn chặn việc phát sinh những quy định không cần thiết, không hợp lý, không hợp pháp và gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, người dân.
Đồng thời, việc quy định kiểm tra thực địa 2 lần trong quá trình cấp phép cũng không phù hợp với Nghị quyết 19/2018/NQ-CP của Chính phủ, bởi theo tinh thần chỉ đạo: “… chuyển đổi mạnh mẽ cách thức quản lý nhà nước từ chủ yếu tiền kiểm sang chủ yếu hậu kiểm”.
Bên cạnh góp ý, kiến nghị từ các Hiệp hội, tại Báo cáo thẩm định Dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết một số điều Luật Bảo vệ môi trường số 154/BCTĐ-BTP ngày 06/10/2021, Bộ Tư pháp cũng cho rằng, Dự thảo quy định nhiều thủ tục hành chính… cần quy định theo hướng đơn giản hóa về hồ sơ, điều kiện, minh bạch, rút gọn về quy trình thực hiện; Một số thủ tục hành chính phát sinh cả thủ tục kiểm tra là không cần thiết, gây khó khăn cho cá nhân, tổ chức; Thủ tục cấp đổi, điều chỉnh, cấp lại GPMT được thực hiện theo như quy trình thủ tục cấp giấy phép lần đầu là chưa đảm bảo tính hợp lý.
>>> Ngành bao bì thu hút nhiều vốn ngoại
Như Điều 28 Dự thảo quy định về Nội dung của Báo cáo đề xuất cấp GPMT, bao gồm khoản 3 – Nội dung chính của báo cáo đề xuất cấp GPMT: gồm 8 hạng mục; khoản 4 – “Báo cáo đề xuất cấp GPMT đối với dự án nhóm III… phải bảo đảm đơn giản hơn dự án đầu tư, cơ sở nhóm II và chỉ bao gồm một số nội dung chính quy định tại khoản 2 hoặc khoản 3 Điều này”.
Theo các Hiệp hội, quy định này khiến hồ sơ trùng lắp và không rõ ràng, bởi trong số 8 hạng mục của hồ sơ thì đã có 5 hạng mục được doanh nghiệp cung cấp trong hồ sơ xin duyệt ĐTM. Cùng với đó việc “bảo đảm đơn giản hơn” tại quy định của khoản 4 khiến doanh nghiệp không rõ đơn giản thế nào?…
Để tránh trùng lắp, các Hiệp hội kiến nghị, những hồ sơ đã nộp khi xin duyệt ĐTM thì không nộp lại khi xin duyệt GPMT; Quy định cụ thể đơn giản hóa thủ tục cho dự án nhóm III là đơn giản như thế nào, gồm các nội dung gì?
Hay như Điều 29 Hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp GPMT quy định: khoản 1 – “Tài liệu pháp lý khác”; điểm c khoản 3 – “trường hợp cần thiết thành lập đoàn kiểm tra cấp GPMT… hoặc tổ chức kiểm tra thực tế”; khoản 4 – “Trong thời hạn 15 ngày…, kể từ ngày nhận được hồ sơ cấp giấy phép môi trường đã được chỉnh sửa, bổ sung”;…
Trong đó, cộng đồng doanh nghiệp quan ngại, “tài liệu pháp lý khác” cho các dự án đã có báo cáo ĐTM là gì? tiêu chí cho “Trường hợp cần thiết”, dễ dẫn đến cơ chế xin – cho; quy định thời gian thẩm định, thời gian thành lập đoàn kiểm tra, kiểm tra thực tế kể từ ngày nộp giấy phép, dễ nảy sinh tiêu cực vì không phải 1 mà có thể tới 2 lần thẩm định và 2 lần kiểm tra thực địa (thẩm định và kiểm tra thực địa khi thực hiện ĐTM; và thẩm định và kiểm tra thực địa khi cấp GPMT)…
Để giải quyết những tồn tại đã nêu, các Hiệp hội kiến nghị cơ quan soạn thảo cần quy định rõ thời gian thẩm định kể từ thời điểm tiếp nhận, thời gian kiểm tra thực địa, điều kiện cần phải kiểm tra thực địa. Ngay tại thời điểm nộp hồ sơ, nếu đủ thì xác nhận tiếp nhận cho doanh nghiệp; Bãi bỏ kiểm tra thực địa khi cấp GPMT, thay bằng hậu kiểm, kiểm tra đột xuất việc chấp hành các nội dung GPMT được cấp;…
Tương tự, các quy định về trình tự, thủ tục cấp GPMT; Điều 30 về cấp đổi, cấp điều chỉnh, cấp lại GPMT cũng còn nhiều tồn tại gây khó cho doanh nghiệp./.
>>> Trách nhiệm nhà sản xuất trong dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật bảo vệ môi trường
Theo Diễn đàn doanh nghiệp
Đăng nhập để bình luận.