Giá dầu tăng và bài toán cân bằng xanh
Giá dầu thô đã tăng liên tục từ đầu năm 2021, có lúc lên trên 86 USD/thùng. Lần gần đây nhất, giá dầu vượt qua vùng này là giai đoạn tháng 9/2010 – 10/2014, và trước đó là giai đoạn tháng 9/2017 – 10/2014. Đây đều là những giai đoạn nền kinh tế thế giới tăng trưởng mạnh mẽ, khiến cho nhu cầu dầu tăng đến mức các nhà sản xuất không thể đảm bảo đủ sản lượng cung ứng cho thị trường, tạo ra khủng hoảng năng lượng trên diện rộng. Tuy nhiên, nguyên nhân thúc đẩy giá dầu tăng trong năm 2021 có phần khác biệt, ảnh hưởng phức tạp đến nền kinh tế toàn cầu.
CUỘC KHỦNG HOẢNG ĐƯỢC DỰ BÁO TRƯỚC
Khi giá dầu duy trì ở vùng 40 – 50 USD/thùng và tồn kho trên thế giới tăng mạnh do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhiều chuyên gia đã cảnh báo về tình trạng thiếu hụt đầu tư vào các giếng dầu mới. Mỗi năm, sản lượng khai thác từ một giếng dầu giảm từ 10 – 20%, do đó, các công ty dầu mỏ phải liên tục đầu tư vào khai thác các giống mới để duy trì sản lượng, nâng cao công suất. Trong khi đó, do tác động của dịch bệnh Covid-19, các khoản vốn dành cho nhiên liệu hóa thạch ngày càng bị cắt giảm và hiện xuống mức thấp nhất trong vòng 15 năm.
Trước xu hướng chuyển đổi sang năng lượng xanh, các ngân hàng và tổ chức tài chính ngày càng ngần ngại cấp vốn cho các dự án dầu. Trong khi đó, các công ty dầu đại chúng hóa tại Mỹ và Châu Âu cũng quyết định bảo vệ nguồn vốn, không đầu tư để gia tăng sản lượng nhằm tranh thủ vùng giá cao.
Vấn đề càng trở nên nghiêm trọng khi các nước thành viên Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh (OPEC) quyết định giữ lại công suất gần 5 triệu thùng dầu/ngày, thay vì tung ra thị trường. Với ngân sách quốc gia phụ thuộc nhiều vào nguồn thu dầu mỏ, các thành viên OPEC+ được hưởng lợi không nhỏ khi giá dầu duy trì ở mức cao. Phản ứng của nhóm, kết hợp với lựa chọn của các công ty năng lượng tạo ra “tác động kép” đến nguồn cung, khiến cho sản lượng dầu mỏ thiếu hụt hơn 1 triệu thùng/ngày so với nhu cầu trong quý IV/2021, theo Báo cáo thị trường đầu tháng 10/2021 của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA).
Dù dòng vốn đổ vào các loại nhiên liệu sạch ngày càng nhiều, kinh tế thế giới vẫn gắn chặt với các loại năng lượng truyền thống. Cùng với việc các quốc gia phát triển đang dần mở cửa trở lại khi chấp nhận sống chung cùng đại dịch Covid-19, việc sử dụng các loại nhiên liệu hoá thạch nhiều khả năng vẫn duy trì ở mức cao trong năm nay.
Dầu thô – năng lượng được sử dụng phổ biến nhất trên thế giới luôn là tâm điểm trên thị trường tài chính và hàng hóa. Hồi tháng 7/2021, các tổ chức tài chính lớn như Bank of America – các công ty năng lượng Glencore, Vitol còn dự đoán giá dầu đã đạt 100USD/thùng. Tuy nhiên, bước sang tháng 8, triển vọng giá dầu đã trở nên tiêu cực hơn rất nhiều, khi cả ba tổ chức năng lượng uy tín nhất trên thế giới là Cơ quan quản lý thông tin năng lượng Mỹ (EIA), IEA và OPEC đồng loạt hạ dự báo tiêu thụ dầu thế giới trong cuối năm 2021 khi dịch Covid-19 lây lan mạnh tại hầu hết các châu lục và làm giảm triển vọng kinh tế thế giới. Tuy nhiên, kết thúc tháng 8/2021 biến động, giá dầu WTI vẫn đạt 68,5 USD/thùng, tăng hơn 40% so với đầu năm, trong khi giá dầu Brent đóng cửa trên mức 71 USD/thùng, cao hơn so với thời điểm trước khi đại dịch xuất hiện.
Theo các tin tức mới nhất, Ủy ban Kỹ thuật JTTC thuộc Opec+ dự báo, thị trường sẽ tiếp tục thiếu hụt khoảng 900.000 thùng dầu/ngày trong giai đoạn cuối năm 2021, ngay cả trong trường hợp nhóm giữ mức tăng sản lượng hàng tháng thêm 400.000 thùng/ngày. Ủy ban này cũng điều chỉnh thặng dư năm 2022 từ 2,5 triệu thùng/ngày xuống 1,6 triệu thùng/ngày khiến cho tồn kho các nước OECD duy trì trạng thái thấp hơn trung bình 5 năm cho đến hết tháng 5/2022.
Việc Trung Quốc dỡ bỏ phần lớn các rào cản phong toả chỉ sau một thời gian ngắn kiểm soát dịch bệnh khiến cho nhu cầu thu mua của quốc gia nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới gia tăng trở lại sau 5 tháng giao dịch trầm lắng, và chính phủ nước này kiên quyết giữ mục tiêu tăng trưởng kinh tế giúp triển vọng thị trường nhiên liệu trở nên tích cực hơn nhiều.
Với tiến trình tiêm chủng vắc-xin Covid-19 được đẩy mạnh, cộng với các gói kích thích kinh tế tiếp tục được bơm ra, có thể kỳ vọng xác suất giá dầu tăng sẽ cao hơn. Mặc dù mốc 100 USD/ thùng không còn thực tế, nhưng một số tổ chức như Goldman Sachs cho rằng vùng giá 80 USD/thùng vẫn là cột mốc khả thi.
GIÁ KHÍ TỰ NHIÊN ĐƯỢC ĐẨY MẠNH BỞI CẢ CUNG LẪN CẦU
Khi các quốc gia thúc đẩy mục tiêu giảm thiểu khí thải carbon, khí tự nhiên ngày càng trở nên nổi bật như một nhiên liệu hóa thạch “sạch”. Lượng khí thải tạo ra ít hơn so với than và dầu thô, trong khi mức giá để đầu tư khai thác và thiết lập các mạng lưới sử dụng lẫn thiết bị tương thích của hộ gia đình tương đối rẻ so với các năng lượng tái tạo.
Trên thực tế, cơ sở hạ tầng xanh đòi hỏi nhiều vốn và lao động hơn từ 1,5 – 3 lần so với hydrocacbon. Vì vậy, không ngạc nhiên khi nhu cầu của Châu Âu đối với khí tự nhiên tăng vọt trong năm nay, nhất là khi Liên minh Châu Âu đang thúc đẩy các dự luật bảo vệ môi trường mới với mục tiêu cắt giảm 55% lượng khí thải CO2 trong năm 2030. Nhiệt độ cao bất thường trong mùa hè 2021 khiến cho nhu cầu khí tự nhiên để vận hành hệ thống điều hoà tại Châu Á tăng mạnh, khiến cho sản lượng dành cho Châu Âu – khu vực tiêu thụ khí tự nhiên lớn thứ 2 trên thế giới – bị thắt chặt. Sự kết hợp của các yếu tố này tạo đà cho giá khí tự nhiên gia tăng.
Giá khí tự nhiên lên mức cao nhất trong 3 năm cũng đã thúc đẩy đà tăng của giá than – sản phẩm thay thế cho các nhà máy điện, trong khi nguồn cung từ Úc – quốc gia khai thác than lớn nhất thế giới gặp gián đoạn vì dịch Covid-19. Từ đầu năm 2021. đến nay, giá than tại Sàn Giao dịch hàng hóa ICE đã tăng hơn 110%, mạnh hơn nhiều mức tăng của dầu thô. Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV) đánh giá, giá than có thể tiếp tục tăng trong một thời gian nữa khi cả hai nguyên nhân chính chưa được giải quyết.
TÁC ĐỘNG CỦA GIÁ DẦU ĐẾN THỊ TRƯỜNG THẾ GIỚI VÀ TRONG NƯỚC
Với vai trò là nhiên liệu chính cho các hoạt động sản xuất, giá dầu tăng đang gây sức ép lên nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là các nước phụ thuộc nhiều vào nhiên liệu nhập khẩu, do nguy cơ lạm phát tăng cao. Trong Báo cáo triển vọng kinh tế thế giới phát hành đầu tháng 10/2021, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã hạ triển vọng tăng trưởng GDP năm 2021 với một loạt quốc gia phát triển, trong đó nổi bật là Mỹ, Trung Quốc, Anh, Đức… Đây cũng chính là những nước nhập khẩu nhiều năng lượng nhất thế giới. Trong khi đó, kinh tế nhóm nước xuất khẩu, dẫn đầu là Nga và Ả Rập Saudi, đều được kỳ vọng sẽ tăng tốc trong cuối năm, hưởng lợi từ giá nhiên liệu tăng.
Đối với thị trường hàng hoá, giá dầu có tác động lớn nhất đến giá kim loại, gần 50% chi phí sản xuất các mặt hàng sắt thép, nhôm, đồng đến từ giá nhiên liệu. Do đó, giá các mặt hàng này trên cả thị trường tương lại lẫn thị trường hàng vật chất phần nào được hỗ trợ theo giá dầu.
Tuy nhiên, tác động của giá dầu đến sắt thép khá đặc biệt, do quốc gia sản xuất và tiêu thụ thép chính trên thế giới là Trung Quốc chịu ảnh hưởng đặc biệt nặng nề từ khủng hoảng năng lượng. Giá các mặt hàng năng lượng, trong đó có dầu thô, tăng cao khiến cho các nhà máy sản xuất thép Trung Quốc buộc phải hạn chế sản lượng để kiểm soát chi phí đầu vào, khiến tình trạng thiếu hụt thép diễn ra trên diện rộng. Bên cạnh đó, các nhà sản xuất thép – lĩnh vực phát thải khí CO2 lớn – đang phải buộc phải cắt giảm hoạt động trong nỗ lực giảm thiểu ô nhiễm môi trường của nước này. Tính từ đầu năm đến cuối tháng 10/2021, nhập khẩu sắt của Trung Quốc đã vượt 2% so với định mức, các công ty bắt buộc phải giảm thu mua trong 3 tháng cuối năm. Do đó, đà tăng của sắt bị hạn chế.
Mặc dù giá quặng sắt đã phục hồi từ đáy tháng 9/2021, nhưng mức tăng thấp hơn rất nhiều các kim loại cùng nhóm như đồng và nhôm. Các nhà sản xuất thép của Việt Nam dự báo vẫn tiếp tục hưởng lợi từ diễn biến này.
Khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng tại Trung Quốc cũng chiến cho giá một mặt hàng thiết yếu khác tăng cao, đó là phân bón. Là một trong những quốc gia sản xuất và xuất khẩu phân bón hàng đầu thế giới, việc nước này buộc phải giảm sản lượng chiến cho giá phân bón trên thị trường thế giới tăng cao. Tính bình quân, giá phân bón ở nhiều nước trên thế giới đã tăng gấp đôi so với đầu năm. Giá thế giới tăng phần nào thúc đẩy các doanh nghiệp phân bón Việt Nam gia tăng xuất khẩu.
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu phân bón của nước ta đạt trên 900.000 tấn, tăng 32,5% so với cùng kỳ năm 2020. Các tổ chức lớn như IEA cho rằng, phải đến đầu năm 2022 thị trường năng lượng mới ổn định trở lại. Chi phí cho phân bón chiếm tới hơn 20% giá thành sản xuất, trong khi tính từ đầu năm đến nay, giá các mặt hàng này đã tăng từ 60 – 80%. Đây sẽ là một thách thức với phát triển nông nghiệp bền vững, bởi khi giá hàng hóa tăng vọt rất dễ khiến người nông dân tìm đến những sản phẩm kém chất lượng như phân bón dởm, phân bón bị pha trộn./.
>>> Logistics vẫn khó khăn, giá OCC tăng mạnh ở Đông Nam Á
VPPA
Đăng nhập để bình luận.