Khó khăn về đơn hàng, xuất nhập khẩu giảm mạnh
Điện thoại và linh kiện vẫn là mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam
Số liệu vừa được Tổng cục Thống kê công bố, trong tháng Hai, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 49,46 tỷ USD, tăng 6,1% so với tháng trước và tăng 1,8% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, nếu tính chung hai tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 96,06 tỷ USD, giảm 13,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu giảm 10,4%; nhập khẩu giảm 16%.
Đây là thông tin rất đáng chú ý. Bởi hai tháng đầu năm ngoái, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt 110,7 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu đạt 55,2 tỷ USD, tăng 13%; nhập khẩu đạt 55,5 tỷ USD, tăng 17%.
Kinh tế toàn cầu gặp khó khăn, nhu cầu tiêu dùng giảm, dẫn tới đơn hàng giảm chính là nguyên nhân khiến xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam gặp khó. Điều này đã được dự báo trước từ cuối năm 2022, khi đơn hàng xuất khẩu các mặt hàng chủ lực, đặc biệt là dệt may, da giày, thủy sản… giảm mạnh.
Quay trở lại với diễn biến xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam, Tổng cục Thống kê cho biết, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 2/2023 ước đạt 25,88 tỷ USD, tăng 9,8% so với tháng trước và tăng 11% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, tính chung hai tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 49,44 tỷ USD, giảm 10,4% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 11,52 tỷ USD, giảm 21,1%, chiếm 23,3% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 37,92 tỷ USD, giảm 6,6%, chiếm 76,7%.
Trong hai tháng đầu năm 2023, theo Tổng cục Thống kê, có 8 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 69,9% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 3 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 45,9%).
Ba mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 5 tỷ USD bao gồm điện thoại và linh kiện (ước đạt 9,4 tỷ USD, tăng 7,6%); điện tử, máy tính và linh kiện (6,87 tỷ USD, giảm 13,9%); và máy mọc thiếu bị, dụng cụ phụ tùng khác (6,4 tỷ USD, giảm 1,6%).
Trong khi đó, ở chiều ngược lại, Tổng cục Thống kê cho biết, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 2/2023 ước đạt 23,58 tỷ USD, tăng 2,3% so với tháng trước và giảm 6,7% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung hai tháng đầu năm 2023, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 46,62 tỷ USD, giảm 16% so với cùng kỳ năm trước. Nhóm hàng tư liệu sản xuất vẫn chiếm 93,6% tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước.
Về thị trường, theo Tổng cục Thống kê, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 13,1 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 14,6 tỷ USD.
Với kết quả như trên, cán cân thương mại hàng hóa tháng Hai ước tính xuất siêu 2,3 tỷ USD. Tính chung hai tháng đầu năm 2023, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 2,82 tỷ USD (cùng kỳ năm trước nhập siêu 0,3 tỷ USD).
Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 3,69 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 6,51 tỷ USD.
Trong hai tháng đầu năm 2023, xuất siêu sang EU ước đạt 4,8 tỷ USD, tăng 1,8% so với cùng kỳ năm trước; nhập siêu từ Trung Quốc 6,4 tỷ USD, giảm 39,8%; nhập siêu từ Hàn Quốc 4,7 tỷ USD, giảm 27,2%; nhập siêu từ ASEAN 1,5 tỷ USD, giảm 23,9%; nhập siêu từ Nhật Bản 237,2 triệu USD, tăng 4,5%.
Nguồn: Báo đầu tư
Tin liên quan
Tin đã đăng
- HỘI NGHỊ TOÀN THỂ HỘI VIÊN CHI HỘI II – LẦN 2 NĂM 2024 ĐÃ THÀNH CÔNG TỐT ĐẸP VỚI NHIỀU ĐIỂM NHẤN ẤN TƯỢNG
- Ban hành Thông tư hướng dẫn cơ cấu nợ đối với khách hàng bị thiệt hại bởi bão số 3
- Điểm nghẽn thể chế từ những mối lo của doanh nghiệp
- Thủ tướng: Thể chế là ‘đột phá của đột phá’ để khơi thông mọi nguồn lực phát triển
Đăng nhập để bình luận.