Lãi suất tiết kiệm rầm rộ giảm nhanh, chuyên gia lý giải vì sao lãi vay hạ chậm
Ảnh minh họa
Bắt đầu từ cuối tuần qua, hàng loạt ngân hàng đồng loạt giảm thêm lãi suất huy động với sự dẫn đầu của khối ngân hàng thương mại nhà nước (big 4). Theo đó, lãi suất giảm mạnh ở tất cả kỳ hạn.
Theo đó, tại kỳ hạn 3 tháng, lãi suất tại Vietcombank, VietinBank, BIDV đều chỉ còn 5,1%/năm, thấp hơn 0,3%/năm so với tuần trước. Lãi suất kỳ hạn 6-9 tháng giảm về 5,8%/năm, giảm 0,3-0,4%/năm so với tuần trước, lãi suất kỳ hạn 12 tháng giảm 0,2% về mức 7,2%/năm.
Với nhóm ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân, hàng loạt ngân hàng cũng nhập cuộc giảm lãi suất huy động trong bối cảnh thanh khoản dồi dào, nguồn vốn dư thừa. Từ tuần trước, Techcombank giảm thêm 0,2% lãi suất huy động các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên từ ngày 10/5. VPBank, TPBank cũng giảm lãi suất 0,15-0,2% cho một số kỳ hạn.
Hiện lãi suất huy động cao nhất tại các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân lớn là: 8%/năm (VPBank), 7,6%/năm (Techcombank), 7,5%/năm (MB).
Tại nhóm ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân nhỏ, lãi suất tiết kiệm cao nhất đang thuộc về ABBank với 8,8%/năm, VietABank (8,7%/năm), VietBank và GPBank (8,5%/năm)…
Lãi suất huy động liên tục giảm mạnh từ đầu tháng 2 đến nay, đặc biệt là sau khi Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất điều hành vào ngày 15/3 và 3/4. So với giai đoạn cao điểm hồi đầu năm, lãi suất huy động niêm yết tại các ngân hàng đã giảm khoảng 0,5 – 1,7% ở tất cả kỳ hạn.
Như vậy, lãi suất huy động giảm tới gần 3%/năm so với cuối năm 2022 và đặc biệt giảm mạnh trong hơn 1 tháng qua sau khi Ngân hàng Nhà nước đã 2 lần cắt giảm lãi suất điều hành.
Trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ tiếp tục đưa ra nhiều giải pháp chính sách, một mặt hỗ trợ các ngân hàng giảm lãi suất, mặt khác điều hành để tạo thanh khoản ổn định, tạo niềm tin vững chắc cho thị trường trong việc hỗ trợ các tổ chức tín dụng cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế với lãi suất cho vay hợp lý, tạo thuận lợi cho quá trình phục hồi nền kinh tế. Trên cơ sở đó, mặt bằng lãi suất huy động được dự báo sẽ tiếp tục giảm thêm.
Trong báo cáo phân tích mới đây, Công ty Chứng khoán VnDirect kỳ vọng lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng bình quân hạ về mức 7,0% trong năm 2023 và Ngân hàng Nhà nước có thể giảm thêm lãi suất điều hành nếu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đảo chiều chính sách tiền tệ trong nửa cuối năm 2023.
Mặc dù lãi suất huy động giảm mạnh song lãi suất cho vay chưa giảm nhiều, ngoại trừ nhóm ngân hàng big 4.
Lý giải về câu chuyện lãi vay chưa hạ nhiệt nhanh bằng lãi suất tiết kiệm trong 4 tháng đầu năm, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế cho rằng, trong 4 tháng đầu năm, hệ thống ngân hàng đã phải trả lãi suất tiền gửi rất cao cho các khoản tiền gửi vào quý IV/2022 nay đến kỳ đáo hạn.
Theo TS. Cấn Văn lực, biên lãi thuần (NIM) của các ngân hàng năm ngoái là 3,5%, cao hơn mức 3,2% năm 2021. Tuy nhiên, năm nay, NIM các ngân hàng dự báo sẽ quay về mức năm 2021. Năm nay, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đều yêu cầu giảm lãi suất, hiện nay nhiều ngân hàng thương mại cũng đã tung ra các gói vay lãi suất rẻ, vừa để kích cầu tín dụng, vừa để duy trì mục tiêu lợi nhuận của mình.
Ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước cho biết, lãi suất cho vay trên thị trường hạ cần phải có độ trễ của chính sách do mỗi tổ chức tín dụng trước đó đều phải huy động với lãi suất cao, và mỗi ngân hàng có mức giảm khác nhau tùy thuộc vào giá vốn huy động đầu vào và năng lực tài chính của từng ngân hàng.
Tại báo cáo được Ngân hàng Nhà nước gửi tới Ủy ban Kinh tế Quốc hội mới đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, chênh lệch thu nhập – chi phí của hệ thống các tổ chức tín dụng có xu hướng tăng trong thời gian qua. Tuy nhiên, tốc độ tăng của chênh lệch thu nhập – chi phí thấp hơn tốc độ tăng của tổng tài sản và vốn chủ sở hữu, nên ROA và ROE của hệ thống các tổ chức tín dụng giảm so với năm 2021, đạt mức 1,13% và 14,67% tại thời điểm tháng 12/2022.
Về cơ cấu thu nhập của các tổ chức tín dụng, thu nhập từ hoạt động tín dụng đóng góp chính vào tổng thu nhập của các tổ chức tín dụng (chiếm 79,6% tổng thu nhập). Nguồn thu từ các hoạt động phi tín dụng ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng. Theo đó, tỷ trọng của thu nhập từ hoạt động phi tín dụng so với tổng thu nhập toàn hệ thống có xu hướng tăng dần trong thời gian gần đây.
Tuy nhiên, lãi phải thu từ hoạt động tín dụng cuối năm 2022 tăng 21,4% so với cuối năm 2021, có thể ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh thực tế của các ngân hàng thương mại trong trường hợp các khoản lãi phải thu từ hoạt động tín dụng không thu được theo kế hoạch. Đồng thời, các khoản nợ xấu tiềm ẩn vẫn ở mức cao, các tổ chức tín dụng phải thực hiện trích lập dự phòng đối với các khoản nợ cơ cấu theo lộ trình quy định tại Thông tư số 03/2021/TT-NHNN có thể sẽ làm giảm lợi nhuận tại một số tổ chức tín dụng.
Nguồn: Báo đầu tư
Đăng nhập để bình luận.