Ngành giấy hướng tới mô hình kinh tế tuần hoàn
Toàn cảnh Hội thảo: “Đồng xử lý chất thải rắn trong lò hơi tầng sôi tại các nhà máy sản xuất giấy bao bì công nghiệp từ nguyên liệu giấy thu hồi”
Sáng ngày 6/12 tại Hà Nội, Hiệp hội Giấy và Bột Giấy Việt Nam phối hợp với Viện Chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường tổ chức Hội thảo: “Đồng xử lý chất thải rắn trong lò hơi tầng sôi tại các nhà máy sản xuất giấy bao bì công nghiệp từ nguyên liệu giấy thu hồi”.
Ngành giấy Việt Nam mục tiêu Top 10 Châu Á
Theo ông Đặng Văn Sơn – Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam cho biết, ngành giấy là một trong những ngành kinh tế lớn, có tầm quan trọng trong cơ cấu kinh tế nói chung và kinh tế công nghiệp nói riêng. Thật vậy, ngành giấy được cho là ngành phụ trợ quan trọng đối với các ngành khác như: điện tử, may mặc, da giày, thủy sản, đồ gỗ, … góp phần rất lớn thúc đẩy sự phát triển xuất nhập khẩu hàng hóa và thương mại điện tử. Ngoài ra, những sản phẩm giấy cũng là một trong những loại hàng hóa thiết yếu cần thiết trong xã hội, đặc biệt cho văn hóa, giáo dục, y tế, thông tin truyền thông… Sự phát triển của ngành giấy, mức tiêu dùng giấy cũng là một trong những thước đo sự phát triển của một quốc gia nói chung và các ngành kinh tế, xã hội nói riêng.
Tính đến năm 2022, ngành giấy Việt Nam có hơn 500 doanh nghiệp sản xuất, trong đó: hơn 20 doanh nghiệp có công suất lớn chiếm 65% sản lượng và hơn 480 doanh nghiệp công suất vừa và nhỏ chiếm ~ 35% sản lượng. Năng lực sản xuất toàn ngành năm 2022 đạt khoảng 8,2 triệu tấn, sản lượng thực tế 5,7 triệu tấn, tiêu thụ 6,8 triệu tấn, nhập khẩu 1,8 triệu tấn, xuất khẩu 0,8 triệu tấn. Trong đó, giấy bao bì chiếm tỉ lệ trên 80%, còn lại là các loại giấy tissue, in viết, vàng mã và các loại giấy khác.
Nguồn nguyên liệu thô cho sản xuất giấy là dăm gỗ rừng trồng và giấy thu hồi, trong đó giấy thu hồi thu gom trong nước và nhập khẩu vẫn đã, đang và sẽ là nguồn nguyên liệu chủ yếu phục vụ sản xuất của toàn ngành.
Trong định hướng phát triển, đến năm 2030, ngành giấy Việt Nam sẽ trở thành ngành sản xuất lớn ở Khu vực và châu Á, sản lượng giấy và bột giấy đứng thứ 2, giấy bao bì đứng thứ 1 trong Khu vực, trong Top 10 Châu Á, với ước tính khoảng 10 triệu tấn giấy các loại, 9 triệu tấn giấy bao bì, 1 triệu tấn bột giấy và 0,5 triệu tấn giấy vệ sinh.
Tuy nhiên, theo ông Sơn, trong sự phát triển đi lên nhanh chóng của toàn ngành, cũng phát sinh một số vấn đề bất cập cần sớm có giải pháp xử lý, để ngành phát triển nhanh và bền vững, đáp ứng được kỳ vọng của người dân và xã hội. Trong đó, phải kể đến sự bất hợp lý như: Việt Nam là nước sản xuất và xuất khẩu dăm gỗ số một thế giới nhưng lại nhập khẩu phần lớn bột giấy để đáp ứng nhu cầu sử dụng trong nước; phần lớn toàn ngành tập trung vào sản xuất giấy mà không chú trọng đến sản xuất bột giấy, nên chưa tận dụng được lợi thế cạnh tranh về nguồn nguyên liệu xơ sợi dồi dào ở trong nước; tập trung sản xuất giấy chất lượng khá và trung bình, nhưng lại nhập khẩu số lượng lớn giấy cao cấp; giấy thu hồi được sử dụng chủ yếu cho sản xuất nhưng tỷ lệ thu gom trong nước vẫn chưa cao, nên phụ thuộc nhiều vào nguồn nhập khẩu; vấn đề môi trường trong sản xuất ở các làng nghề vẫn chưa được giải quyết thấu đáo, gây ảnh hưởng không tốt đối với toàn ngành, làm cho người dân và xã hội hiểu chưa đúng, chưa đầy đủ về vấn đề bảo vệ môi trường của ngành…
Ngành giấy vẫn luôn luôn xác định bảo vệ môi trường là một trong những nhiệm vụ trọng tâm quan trọng ngay từ khi chuẩn bị đầu tư và trong qua trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Trong đó, việc tái chế, tái sử dụng và xử lý chất thải để tận dụng đưa trở lại quá trình sản xuất, hướng tới kinh tế tuần hoàn là mục tiêu trọng điểm của ngành trong thời gian tới.
Với mục tiêu trên, đồng xử lý chất thải rắn bằng lò hơi tầng sôi, nhằm tận dụng nhiệt lượng đưa trở lại quá trình sản xuất, đồng thời xử lý được hầu hết chất thải rắn thông thường phát sinh tại cơ sở sản xuất, giảm chi phí đầu tư và vận hành, tăng cường hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, là vấn đề đang được nghiên cứu kỹ lưỡng, nghiêm túc đang được triển khai áp dụng tại một số nhà máy và đã mang lại hiệu quả và lợi ích rõ rệt.
Hướng tới mô hình kinh tế tuần hoàn
Cũng tại Hội thảo, ông Nguyễn Việt Đức – Chủ tịch Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam cho biết, Phát triển xanh, bền vững và hướng tới Kinh tế tuần hoàn đang được Nhà nước, Chính phủ và nhiều ngành kinh tế đặt làm chiến lược và mục tiêu phát triển trong thời gian tới.
Việc bảo vệ môi trường, hướng tới mô hình kinh tế tuần hoàn đã và đang là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, chủ chốt của ngành công nghiệp giấy, trong đó xử lý, tái chế và tái sử dụng hoàn toàn các chất thải tại nhà máy, là một trong những mục tiêu quan trọng của chiến lược phát triển Ngành trong những năm tới. Trong những năm gần đây, nhằm đáp ứng nhu cầu giấy bao bì làm hòm hộp cho sản phẩm hàng hóa tiêu dùng trong nước cũng như xuất khẩu, ngành công nghiệp giấy đã có sự phát triển vượt bậc về đầu tư công suất mới và gia tăng sản lượng, nhất là về sản xuất giấy bao bì công nghiệp từ nguyên liệu giấy thu hồi.
Cùng với đó, theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020, để phát triển kinh tế tuần hoàn thì các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất cần thực hiện việc thiết lập hệ thống quản lý, thực hiện các biện pháp giảm khai thác tài nguyên, giảm chất thải, nâng cao tái sử dụng, tái chế phế liệu và chất thải… Tại Điều 82 Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường, cho phép việc đồng xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường tại cơ sở sản xuất với điều kiện bảo đảm về công nghệ và bảo đảm các điều kiện về bảo vệ môi trường.
Thực tế hiện nay tại các nhà máy sản xuất giấy, bột giấy nói chung hay các nhà máy sản xuất giấy bao bì từ nguyên liệu giấy thu hồi có một lượng lớn rác thải công nghiệp thông thường cần xử lý. Bình quân để sản xuất ra một tấn sản phẩm giấy bao bì công nghiệp từ nguyên liệu giấy thu hồi thì nhà máy sẽ thải ra khoảng 120kg rác thải, trong đó lượng rác thải có thể thu hồi và tái chế, tái sử dụng chiếm một tỷ trọng lớn.
Với tổng công suất giấy bao bì toàn ngành hiện nay khoảng 7 triệu tấn/năm, và sẽ tăng nhanh trong những năm tới thì lượng rác thải công nghiệp của ngành sẽ đạt tới hàng triệu tấn. Thông thường lượng rác thải này hiện nay nhiều nhà máy đều phải thuê các công ty môi trường xử lý bằng cách chôn lấp, hoặc đốt bỏ. Trong khi đó, cơ sở sản xuất có đủ khả năng và trang thiết bị về công nghệ (lò hơi tầng sôi) để trực tiếp xử lý tại chỗ chất thải này, và đây còn là một nguồn phế liệu cần được tái chế, tái sử dụng, đồng xử lý tại các cơ sở sản xuất để thu hồi, chuyển hóa thành nguồn năng lượng phục vụ trở lại cho hoạt động sản xuất của chính cơ sở đó.
Ông Đức cho rằng, biện pháp đồng xử lý này đã được nhiều nước trên thế giới thực hiện khi sử dụng lò hơi tầng sôi như Bỉ, Thụy Điển, Tây Ban Nha, Trung Quốc… Ngay tại Việt Nam việc sử dụng lò hơi tầng sôi để đồng xử lý chất thải rắn cũng đã được một số nhà máy giấy áp dụng thử nghiệm như: Công ty Giấy Chánh Dương, VinaKraft, Tân Mai, Đông Hải Bến Tre, Hưng Hà… Kết quả kiểm định cho thấy việc đồng xử lý chất thải rắn công ngiệp thường trong lò hơi tầng sôi tại các nhà máy giấy đều đưa ra các chỉ tiêu ô nhiễm đạt quy chuẩn về khí thải, nồng độ bụi… đáp ứng với các chỉ tiêu đối với lò đốt rác thải công nghiệp theo QCVN 30:2012/BTNMT.
Đặc biệt, ngành giấy được đánh giá là ngành sản xuất điển hình, phù hợp nhất với việc thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn, hầu như toàn bộ phế liệu, chất thải rắn từ quá trình sản xuất đều có thể thu hồi, tái chế, tái sử dụng tới 100%. Việc cho phép sử dụng lò hơi tầng sôi đồng xử lý chất thải tại nhà máy sẽ tiết kiệm được tài nguyên, tiết kiệm được chi phí đầu tư và chi phí sản xuất, mang lại lợi ích cho doanh nghiệp và xã hội, góp phần bảo vệ môi trường và hướng tới nền kinh tế xanh, bền vững và mô hình kinh tế tuần hoàn nhiều hơn nữa.
Theo báo Công Thương
Đăng nhập để bình luận.