Ngành giấy lao đao trước tác động của cuộc chiến thương mại
Việc xuất khẩu chủ yếu vào một thị trường lớn là Trung Quốc khiến ngành giấy đang lao đao.
Năm 2018, ngành giấy xuất khẩu đạt 1,4 tỷ USD, nhưng có tới 1 tỷ USD thu được từ xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc…
Chính việc xuất khẩu chủ yếu vào một thị trường lớn là Trung Quốc khiến ngành giấy đang lao đao trước tác động từ cuộc chiến tranh thương mại Mỹ – Trung. Doanh nghiệp lớn sản xuất cầm chừng, còn doanh nghiệp nhỏ đứng trước nguy cơ đóng cửa.
TS. Đặng Văn Sơn, Phó chủ tịch – Tổng thư ký Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam (VPPA) thừa nhận, từ đầu năm tới nay, đây là thời điểm khó khăn nhất của ngành giấy. Trong 6 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu các sản phẩm từ giấy sang các thị trường mới đạt 516 triệu USD.
87% là các sản phẩm giấy làm bao bì
Phân tích nguyên nhân, ông Sơn cho biết, Việt Nam xuất khẩu giấy sang Trung Quốc chủ yếu là giấy bao bì. Trung Quốc là thị trường đa dạng, địa lý gần, thương nhân Trung Quốc lại sang tận Việt Nam thu gom nên dễ làm, do đó các doanh nghiệp Việt Nam chỉ chú tâm vào thị trường Trung Quốc.
Việc Mỹ áp thuế 25% lên 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc và từ 1/9, áp thêm mức thuế 10% lên 300 tỷ USD hàng hóa và sản phẩm còn lại từ Trung Quốc xuất sang Mỹ sẽ khiến xuất khẩu của Trung Quốc giảm mạnh. Điều này đồng nghĩa với nhu cầu nhập khẩu giấy làm bao bì cũng giảm theo.
Hiện lượng giấy tồn kho của các doanh nghiệp giấy trong nước đang lên cao. Cộng thêm áp lực cạnh tranh về giá bán và khách hàng với doanh nghiệp FDI đang khiến các doanh nghiệp loay hoay.
Giai đoạn 2016-2017, Trung Quốc chuyển đổi mô hình sản xuất, không sản xuất giấy bao bì nên các nhà máy đóng cửa, doanh nghiệp Trung Quốc chuyển sang Việt Nam đầu tư sản xuất bao bì để xuất ngược trở lại Trung Quốc. Điều này làm sản lượng giấy bao bì được sản xuất tại Việt Nam tăng nhanh, doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam càng chật vật trên thị trường Trung Quốc.
Nói về việc tìm cơ hội xuất khẩu các sản phẩm giấy khác ngoài giấy bao bì, ông Sơn cho rằng, giấy in, giấy viết quy mô sản xuất của chúng ta nhỏ, không đủ để phục vụ nhu cầu trong nước. Còn với giấy bao bì cao cấp tráng phủ, giấy copy cấp cao, giấy in tráng phủ, các loại giấy đặc biệt chưa có doanh nghiệp nào ở Việt Nam sản xuất kể cả doanh nghiệp FDI.
Một nghịch lý, giấy bao bì cao cấp giá trị gia tăng cao hơn nhưng doanh nghiệp FDI không làm, họ đầu tư cũng vào đúng phân khúc mà doanh nghiệp Việt Nam đang làm. Vì vậy, hàng năm số lượng lớn các loại giấy bao bì cao cấp chủ yếu vẫn phải nhập khẩu, khoảng 2 tỷ USD/năm, cho đóng gói hàng hoá xuất khẩu cao cấp hoặc tiêu dùng trong nước.
Ngành giấy hiện nay mới chủ yếu tập trung vào giấy làm bao bì, hòm và hộp cacton chiếm tỷ trọng đến 87%. Mặt khác, đội ngũ doanh nghiệp giấy của chúng ta đông đảo nhưng nhỏ và yếu, khoảng 300 doanh nghiệp (chưa kể các cơ sở sản xuất giấy làng nghề) nhưng cũng chỉ chiếm 50% năng lực sản xuất của toàn ngành, 50% còn lại là của 6 doanh nghiệp FDI. Doanh nghiệp Việt Nam nhỏ, chủ yếu dưới 30.000 tấn/năm, đầu tư manh mún, công nghệ, thiết bị lại cũ và lạc hậu…
Quy hoạch phải là kim chỉ nam cho phát triển
Để giải bài toán trên, trước mắt ông Sơn chỉ rõ 2 biện pháp bắt buộc phải làm. Đó là, hiệp hội đang tham khảo ý kiến của doanh nghiệp để cùng doanh nghiệp tìm các thị trường mới như Cuba, Mỹ La tinh. Đó là những thị trường trước kia doanh nghiệp đã xuất khẩu nhưng doanh nghiệp không chú trọng tới số lượng, thì giờ phải chú trọng hơn về kim ngạch.
Đồng thời, xem lại các FTA song phương, đa phương. Trên cơ sở đó phân tích và tìm kiếm khách hàng mới. “Dù điều này không dễ dàng vì châu Á hiện nay vẫn là thị trường tiêu thụ giấy và bột giấy lớn nhất thế giới nên việc tìm thị trường sang các nước trên là cả một vấn đề”, ông Sơn nói. Trước kia chúng ta là nước tiêu thụ sản phẩm giấy của Indonesia, Thái Lan, Malaysia, châu Âu, Mỹ, Nhật, Hàn Quốc… nay lại tìm cách xuất ngược sang họ thì đúng là bài toán khó.
Về dài hạn, đại diện VPPA cho rằng, cần tính tới một chiến lược phát triển ngành giấy bài bản. Bất cập hiện nay là vốn đầu tư cho một nhà máy giấy rất lớn, ít nhất phải 100 tỷ đồng trở lên, chưa kể vốn lưu động… Nếu đầu tư dây chuyền sản xuất giấy 100 ngàn tấn, mất khoảng 1.000 tỷ đồng – con số khá lớn, nên đa số doanh nghiệp Việt Nam chỉ dám đầu tư dưới 30 ngàn tấn.
Sản xuất từ dăm gỗ ra bột giấy mang lại lợi nhuận lớn nhất thì doanh nghiệp không đầu tư vì đầu tư bột giấy có nhiều rủi ro, tỷ trọng đầu tư lớn. Vì vậy, theo ông Sơn, Nhà nước cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ để ngành giấy phát triển. Cụ thể, Nhà nước cần có chính sách trong ưu đãi về đất đai, nhập khẩu nguyên liệu – giấy thu hồi, tiếp cận gỗ nguyên liệu làm bột giấy…
Những ưu đãi này hiện các doanh nghiệp FDI đang được hưởng nhiều hơn các doanh nghiệp trong nước. Hơn nữa, hiện quy hoạch ngành giấy dù đã có nhưng chỉ là khuyến cáo với các địa phương chứ không phải là điều kiện pháp lý buộc các địa phương phải thực hiện.
Do đó, ông Sơn khuyến nghị, Nhà nước cần có định hướng chiến lược phát triển rõ ràng về ngành giấy, không nên để phát triển tự phát như hiện nay. Quy hoạch phải là kim chỉ nam cho ngành và các địa phương thực hiện.
Theo Vneconomy
Đăng nhập để bình luận.