Nghiên cứu chế phẩm sản xuất bột giấy: Xác lập quy trình công nghệ mới

Ngày 30-09-2020
VPPA-Việc áp dụng sản phẩm của đề tài “Nghiên cứu tạo chế phẩm sinh học để phân hủy nhựa cây trong dăm mảnh gỗ keo, bạch đàn làm nguyên liệu sản xuất bột giấy thân thiện môi trường tại Việt Nam” giúp giảm hóa chất phân tán trong quá trình sản xuất…

Nghiên cứu chế phẩm sản xuất bột giấy: Xác lập quy trình công nghệ mới

Nghiên cứu tạo chế phẩm sinh học để phân hủy nhựa cây

Ngành công nghiệp giấy những năm qua đã có đóng góp lớn cho nền kinh tế, chiếm khoảng 1,5% GDP cả nước, kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD (năm 2018). Những bước tiến mạnh mẽ dự báo ngành giấy sẽ tiếp tục đóng vai trò là một trong những ngành công nghiệp trọng điểm của đất nước.

Tuy vậy, sản xuất giấy chất lượng cao và ít tác động môi trường còn gặp khó khăn. Đặc biệt, nhựa cây có thể gây ra những vấn đề nghiêm trọng trong sản xuất giấy và bột giấy. Nhựa cây không chỉ làm giảm độ tinh sạch, chất lượng giấy thành phẩm nói chung mà còn gây hư hao máy móc, do cặn nhựa vướng vào kéo theo các tạp chất gây hại.

Thêm vào đó, nhựa cây càng nhiều lượng hóa chất sử dụng để làm sạch nguyên liệu càng lớn. Khi lượng nước tẩy rửa này thải ra môi trường sẽ làm ô nhiễm nguồn đất, nước; lâu dần gây suy thoái cục bộ quanh các khu sản xuất. Theo nghiên cứu của Viện Công nghệ sinh học (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), thiệt hại về kinh tế của nhựa cây gây ra đối với quá trình sản xuất bột giấy chiếm 1-2% giá thành.

Để khắc phục vấn đề này, Bộ Công Thương đã giao Viện Công nghệ sinh học thực hiện đề tài “Nghiên cứu tạo chế phẩm sinh học để phân hủy nhựa cây trong dăm mảnh gỗ keo, bạch đàn làm nguyên liệu sản xuất bột giấy thân thiện môi trường tại Việt Nam”. Đề tài thuộc Đề án Phát triển và Ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực công nghiệp chế biến đến năm 2020.

Tiến sĩ Phan Thị Hồng Thảo – Chủ nhiệm đề tài – cho biết, để loại bỏ bớt nhựa cây có nhiều phương pháp: Hóa học hoặc sử dụng chế phẩm sinh học. So với hóa học, phương pháp sử dụng chế phẩm sinh học được ưa chuộng hơn, vì ưu điểm loại bỏ sạch nhựa, an toàn cho môi trường. Mục tiêu chung của đề tài là tạo được chế phẩm sinh học, ứng dụng để loại bỏ nhựa cây trong nguyên liệu dăm mảnh gỗ cứng, phục vụ cho sản xuất bột giấy thân thiện môi trường.

   >>> Quyết định số 28/2020/QĐ-TTg: Danh mục phế liệu được phép nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất

Mục tiêu cụ thể, tạo được chế phẩm sinh học có khả năng phân hủy nhựa cây đạt hiệu quả loại bỏ nhựa trên 50%; xây dựng quy trình công nghệ sản xuất chế phẩm sinh học công suất 50 kg/mẻ, để phân hủy nhựa cây trong dăm mảnh nguyên liệu. Đồng thời, đưa ra được quy trình công nghệ và mô hình thiết bị sử dụng chế phẩm sinh học để phân hủy nhựa cây trong dăm mảnh nguyên liệu sản xuất bột giấy thân thiện môi trường tại Việt Nam.

Đánh giá hiệu quả kỹ thuật của quy trình công nghệ, tiến sĩ Phan Thị Hồng Thảo cho hay, nhóm thực hiện đề tài đã xác lập được quy trình công nghệ sử dụng chế phẩm sinh học phù hợp để xử lý dăm mảnh (keo, bạch đàn) trên quy mô công nghiệp, và ứng dụng bảo quản dăm mảnh tại Phân xưởng nguyên liệu – Nhà máy giấy – Tổng công ty Giấy Việt Nam.

Kết quả cho thấy, hàm lượng nhựa trong nguyên liệu sau khi xử lý bảo quản với chế phẩm sinh học giảm 50,85% (bạch đàn) và 50,61% (gỗ keo) so với mẫu nguyên liệu ban đầu. Đối với mẫu đối chứng không sử dụng chế phẩm sinh học, ở cùng một thời gian bảo quản mức giảm tương ứng là 19,91% (bạch đàn) và 17,96% (gỗ keo).

 

Theo Công Thương

Bình luận của bạn

Tin liên quan

Tin đã đăng