Thêm cơ hội phát triển hợp tác đầu tư, thương mại Việt – Trung
Nâng tầm kết nối chiến lược, tạo động lực tăng trưởng mới cho hợp tác hai nước, trọng tâm là thúc đẩy hợp tác thương mại, mở rộng nhập khẩu hàng hóa, nhất là nông sản của Việt Nam, đẩy mạnh kết nối giữa Việt Nam với những chiến lược phát triển lớn của Trung Quốc, kết nối đường sắt, đường bộ cao tốc, đường biển, đường không, thúc đẩy hợp tác tài chính, tiền tệ, chuyển đổi số… Đó là những nội dung được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình tại cuộc hội kiến giữa hai nhà lãnh đạo đầu tuần này, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.
Thời gian qua, hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và Trung Quốc không ngừng đi vào chiều sâu, thực chất và trở thành điểm sáng trong quan hệ hai nước. Kể từ khi thực hiện cam kết trong Hiệp định Thương mại tự do ASEAN – Trung Quốc đến nay, Trung Quốc đã giảm thuế cho hơn 8.000 mặt hàng nhập khẩu từ Việt Nam, mở ra nhiều cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận thị trường rộng lớn.
Số liệu của hải quan Việt Nam cho thấy, năm 2023, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam – Trung Quốc đạt gần 172 tỷ USD; còn theo số liệu của hải quan Trung Quốc là 229,8 tỷ USD. Riêng 2 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất nhập khẩu song phương đạt 27,3 tỷ USD, tăng 28%; trong đó Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc 8 tỷ USD, tăng 7,6%; nhập khẩu từ Trung Quốc 19,3 tỷ USD, tăng 38,8%.
Về đầu tư, năm 2023, Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam 4,47 tỷ USD, tăng 77,5%, đứng thứ 4 trong các quốc gia và vùng lãnh thổ, song dẫn đầu về số dự án mới, chiếm 22,17%. Trong quý I/2024, Trung Quốc dẫn đầu về số dự án có vốn đầu tư nước ngoài mới vào Việt Nam, chiếm 27,8%.
Tại cuộc làm việc với Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cuối tháng 3/2024, Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc cho biết, một số ngành sản xuất, thậm chí chuỗi sản xuất của Trung Quốc đã chuyển sang Việt Nam như dệt may, đồ gia dụng, đồ gỗ… Đầu tư của Trung Quốc sang Việt Nam tăng nhanh chóng, nhất là điện tử…
Theo Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Hùng Ba, lãnh đạo nhiều công ty năng lượng và sản xuất điện lớn của Trung Quốc đã sang Việt Nam khảo sát thị trường. Việc đẩy nhanh chuyển đổi và nâng cấp năng lượng có ý nghĩa rất lớn với sự phát triển bền vững của nền kinh tế Việt Nam, thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa và thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng “0”.
“Các doanh nghiệp Trung Quốc có thể hỗ trợ mạnh mẽ cho Việt Nam trong các lĩnh vực tư vấn chính sách, dịch vụ kỹ thuật chuyển đổi năng lượng và phát triển điện năng, cũng như việc phát triển năng lượng gió, năng lượng mặt trời, lưu trữ năng lượng, năng lượng hydro và các nguồn năng lượng mới khác”, Đại sứ Hùng Ba cho hay.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, Việt Nam khuyến khích các doanh nghiệp Trung Quốc mở rộng hợp tác đầu tư vào các lĩnh vực có thế mạnh, như đổi mới sáng tạo, năng lượng tái tạo, đô thị thông minh, điện tử, công nghiệp phụ trợ… “Bộ Kế hoạch và Đầu tư cam kết đồng hành, hỗ trợ và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Trung Quốc triển khai đầu tư các dự án thành công, hiệu quả, đôi bên cùng có lợi tại Việt Nam”, ông Dũng nói.
Theo các chuyên gia, Việt Nam là cửa ngõ kết nối Trung Quốc với các nước ASEAN theo cả hai hướng đường bộ và đường biển, có lợi thế cạnh tranh nổi bật, hội tụ các điều kiện trở thành điểm đến đầy lý tưởng của các nhà đầu tư nước ngoài, thu hút nguồn FDI thế hệ mới, là điểm đến tiềm năng trong quá trình dịch chuyển và tái cấu trúc chuỗi cung ứng và mạng lưới sản xuất toàn cầu.
Do vậy, chuyến thăm Trung Quốc của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ từ ngày 7 đến 12/4 được kỳ vọng sẽ tạo hiệu ứng lan tỏa, tạo động lực và xung lực mạnh mẽ cho sự phát triển quan hệ song phương.
Nguồn: Báo đầu tư
Đăng nhập để bình luận.