Thủ tướng chỉ thị “5 tăng, 5 giảm” để thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế

Ngày 03-05-2024
VPPA-Đầu năm 2024, các tín hiệu tiếp tục cho thấy nền kinh tế đang phục hồi trên tất cả các lĩnh vực nhưng dự báo tình hình kinh tế thế giới còn rất nhiều khó khăn, đòi hỏi quyết tâm, nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11/2023. (Ảnh: VGP)

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 2/5/2024 về triển khai nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ năm 2024, tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô.

Năm 2023, đất nước ta đạt được những kết quả tích cực trên hầu hết các lĩnh vực: Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; đồng tiền Việt Nam cơ bản ổn định, nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài, bội chi ngân sách trong tầm kiểm soát… Đầu năm 2024, các tín hiệu tiếp tục cho thấy nền kinh tế đang phục hồi trên tất cả các lĩnh vực. Những thành quả này có được là nhờ nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, với sự đồng lòng, ủng hộ của người dân, doanh nghiệp.

Năm 2024 là năm tăng tốc, bứt phá, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với việc thực hiện thắng lợi Kế hoạch 5 năm 2021 – 2025. Trong bối cảnh dự báo tình hình kinh tế thế giới còn rất nhiều khó khăn, để đạt được mục tiêu đề ra đòi hỏi quyết tâm, nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị với phương châm “5 tăng” gồm: (i) Tăng khả năng tiếp cận và hấp thụ tín dụng, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các động lực tăng trưởng truyền thống và các động lực tăng trưởng mới; (ii) Tăng cường tháo gỡ vướng mắc pháp lý và chất lượng tín dụng; (iii) Tăng cường phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa Nhà nước, ngân hàng, doanh nghiệp và năng lực quản trị điều hành của ngân hàng, của thị trường tài chính; (iv) Tăng công khai, minh bạch về lãi suất huy động, cho vay và chống tín dụng đen; (v) Tăng cường giám sát, kiểm tra và phòng ngừa rủi ro, chống tham nhũng, tiêu cực.

Đồng thời, thực hiện “5 giảm” gồm: (i) Giảm lãi suất cho vay ở mức hợp lý; (ii) Giảm chi phí giao dịch, hoạt động; (iii) Giảm thủ tục hành chính; (iv) Giảm phiền hà, sách nhiễu; (v) Giảm tiêu cực, lợi ích nhóm, “sân sau”…; “5 tăng tốc, bứt phá” gồm: (i) Tăng tốc bứt phá về số hóa; (ii) Tăng tốc bứt phá chất lượng dịch vụ; (iii) Tăng tốc bứt phá về chất lượng nguồn nhân lực; (iv) Tăng tốc bứt phá về hạ tầng ngân hàng; (v) Tăng tốc bứt phá về phục vụ sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân, góp phần tăng trưởng kinh tế.

Quan điểm chỉ đạo điều hành xuyên suốt là: (i) Bám sát tình hình và yêu cầu thực tiễn, phản ứng chính sách kịp thời, hiệu quả; (ii) Không chủ quan, kiên trì, kiên định, kiên quyết thực hiện được các mục tiêu chiến lược đề ra; (iii) Không ngừng đổi mới, chủ động, linh hoạt, sáng tạo, nhanh chóng “xoay chuyển tình thế”, “chuyển đổi trạng thái”; (iv) Giữ vững đoàn kết, thống nhất, chung sức, đồng lòng.

Các bộ, cơ quan, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tập thể, cá nhân liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao, triển khai ngay và thực hiện tốt các nhiệm vụ, công việc sau đây:

1. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam:

a) Quán triệt và quyết liệt triển khai đầy đủ, hiệu quả các giải pháp, nhiệm vụ theo các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị; các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, nhất là các Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 05 tháng 01 năm 2024, Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 05 tháng 01 năm 2024 và các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo Chính phủ về điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng, tỷ giá, lãi suất, thị trường vàng…, các Công điện số 1426, 23 về các giải pháp quản lý thị trường vàng, Công điện số 18 về điều hành tăng trưởng tín dụng năm 2024.

b) Theo dõi sát tình hình thế giới, trong nước để dự báo và điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, nhất là điều hành hài hòa, hợp lý giữa lãi suất và tỷ giá. Điều hành tăng trưởng tín dụng hiệu quả gắn với ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng và hệ thống tổ chức tín dụng.

c) Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát và giám sát chặt chẽ việc cấp tín dụng của các tổ chức tín dụng, thực hiện ngay công tác thanh tra, kiểm tra đối với thị trường vàng, hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh vàng, các cửa hàng, đại lý phân phối và mua bán vàng miếng, kiện toàn hệ thống thanh tra, kiểm tra bảo đảm thông suốt, gắn kết từ Trung ương đến địa phương, hiệu lực, hiệu quả.

d) Kịp thời rà soát, xây dựng, hoàn thiện các văn bản hướng dẫn Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 để triển khai thực hiện đồng bộ từ ngày 01 tháng 7 năm 2024 khi Luật các Tổ chức tín dụng có hiệu lực thi hành.

đ) Đẩy mạnh công tác truyền thông về các cơ chế, chính sách về điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng; trong đó chú trọng đến các chính sách mới, các chính sách tác động trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp như chính sách tỷ giá, tín dụng, lãi suất, tiết kiệm, vay vốn, thanh toán… bằng các hình thức truyền thông đa dạng, phong phú, đảm bảo tính minh bạch, phù hợp với các cam kết quốc tế và quy định của pháp luật.

e) Chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các bộ, ngành có liên quan đánh giá kết quả thực hiện và đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09 tháng 6 năm 2015 và Nghị định số 116/2018/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2018 của Chính phủ về chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn phù hợp với thực tế, đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững.

f) Chỉ đạo các tổ chức tín dụng:

– Triển khai tích cực các giải pháp tăng trưởng tín dụng, hướng tín dụng vào sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, đảm bảo an toàn, hiệu quả và kiểm soát rủi ro thanh khoản.

– Tiếp tục tiết giảm chi phí, phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay ở mức hợp lý; thực hiện nghiêm túc việc công bố công khai, minh bạch lãi suất cho vay bình quân để doanh nghiệp, người dân thuận lợi trong việc lựa chọn ngân hàng cho vay có lãi suất thấp, phù hợp yêu cầu sử dụng vốn tín dụng.

– Dành thời gian, công sức tập trung rà soát, phân loại các dự án bất động sản để kịp thời có giải pháp tín dụng phù hợp đối với từng doanh nghiệp, từng dự án đủ điều kiện; có giải pháp tín dụng phù hợp đối với các dự án BOT, BT giao thông khả thi, hiệu quả, lĩnh vực xăng dầu; tiếp tục triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách…

– Tăng cường cho vay phục vụ đời sống, tiêu dùng, đẩy mạnh triển khai cho vay qua các hình thức điện tử, trực tuyến. Đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ tín dụng ngân hàng phù hợp từng phân đoạn khách hàng và thị trường, loại hình, nhu cầu sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã, nhất là các nhu cầu vay vốn chính đáng, hợp pháp phục vụ đời sống, tiêu dùng của người dân.

– Đẩy mạnh triển khai các chương trình, đề án, chính sách tín dụng như: Chương trình tín dụng 30.000 tỷ đồng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản; Chương trình tín dụng góp phần thực hiện Đề án “Phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” theo Quyết định 1490/QĐ-TTg ngày 27 tháng 11 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ; Chương trình 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo lại chung cư cũ để góp phần thực hiện Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”…

– Tích cực, chủ động triển khai có hiệu quả, thiết thực chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp bằng các hình thức phù hợp.

– Tiếp tục triển khai chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư số 02/2023/TT-NHNN ngày 23 tháng 4 năm 2023, đảm bảo kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp và người vay vốn gặp khó khăn, đồng thời không để trục lợi, làm sai quy định và sai lệch bản chất, nợ xấu.

– Phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của các tổ chức tín dụng nhà nước; tăng cường trách nhiệm xã hội, đạo đức kinh doanh của tổ chức tín dụng trong việc chia sẻ, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp theo quan điểm “Lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”.

2. Bộ Tài chính:

a) Tiếp tục điều hành chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm, phối hợp đồng bộ, hài hòa, linh hoạt, chặt chẽ với chính sách tiền tệ và các chính sách kinh tế vĩ mô khác để thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

b) Khẩn trương rà soát, hoàn thiện các quy định liên quan đến chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, phát triển thị trường chứng khoán trở thành kênh huy động vốn trung, dài hạn hiệu quả của doanh nghiệp.

c) Phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung triển khai các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.

3. Bộ Xây dựng:

a) Khẩn trương rà soát, sửa đổi hoặc trình cấp thẩm quyền ban hành các văn bản hướng dẫn Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản; tinh thần là giảm cấp trung gian, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, kịp thời tiến độ triển khai Luật.

b) Phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các bộ, ngành và địa phương có giải pháp thiết thực, hiệu quả triển khai Đề án xây dựng 01 triệu căn nhà ở xã hội; triển khai quyết liệt, hiệu quả Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11 tháng 3 năm 2023 của Chính phủ; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy giải ngân gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng.

4. Bộ Kế hoạch và Đầu tư:

a) Tiếp tục phát huy hiệu quả hoạt động của Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa.

b) Tiếp tục đẩy mạnh triển khai các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, đơn giản hóa quy trình đầu tư và thủ tục hành chính để tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp.

5. Bộ Công Thương:

a) Tiếp tục đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, sản phẩm, chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất; củng cố và mở rộng thị phần hàng hóa Việt Nam tại các thị trường truyền thống, tạo bước đột phá mở rộng thị phần tại các thị trường mới, còn tiềm năng.

b) Tổ chức các chương trình khuyến mại trên phạm vi toàn quốc để phối hợp với các địa phương tăng cường kết nối cung cầu, kích cầu tiêu dùng trong nước, thúc đẩy phát triển thị trường trong nước.

c) Về việc xây dựng cơ chế mua bán điện trực tiếp, kế hoạch triển khai Quy hoạch điện VIII: Bộ Công Thương khẩn trương xây dựng nghị định của Chính phủ quy định cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện với khách hàng sử dụng điện lớn theo kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 112/TB-VPCP ngày 22 tháng 3 năm 2024 và ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại văn bản số 1943/VPCP-CN ngày 25 tháng 3 năm 2024, trình Chính phủ trong tháng 5 năm 2024.

d) Tổ chức triển khai kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII đã được phê duyệt trong Quyết định số 262/QĐ-TTg ngày 01 tháng 4 năm 2024, đồng thời phối hợp với các địa phương hoàn thiện phụ lục các kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII, trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 10 tháng 5 năm 2024.

6. Bộ Công an:

a) Phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẩn trương có các giải pháp ngăn chặn, xử lý tình trạng sở hữu chéo, thao túng tại các tổ chức tín dụng, bảo đảm an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng và an ninh tài chính, tiền tệ.

b) Đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện Đề án 06, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, trong đó trọng tâm là triển khai Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 23 tháng 02 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ.

7. Bộ Tài nguyên và Môi trường:

a) Khẩn trương trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy định chi tiết Luật Đất đai, Luật Tài nguyên nước; rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Khoáng sản, nhất là quy định liên quan thủ tục với mỏ vật liệu xây dựng thông thường bảo đảm phù hợp với thực tiễn, đúng quy định pháp luật.

b) Xây dựng, hoàn thiện Hệ thống thông tin về đất đai, phối hợp với Bộ Xây dựng để kết nối với Hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản.

8. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến thủ tục công bố, hợp quy thuốc thú y; theo dõi chặt chẽ diễn biến thị trường, chủ động chỉ đạo các giải pháp linh hoạt tháo gỡ khó khăn, bảo đảm sản xuất, thúc đẩy, tiêu thụ, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản.

9. Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:

a) Phối hợp chặt chẽ và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tín dụng, người dân, doanh nghiệp trong hoạt động ngân hàng, nhất là hoạt động tín dụng và các dịch vụ thanh toán.

b) Ưu tiên nguồn lực tháo gỡ khó khăn trong hoạt động phục vụ sản xuất kinh doanh, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp dưới các hình thức phù hợp; tập trung ngăn chặn nạn tín dụng đen…

c) Phối hợp với Bộ Tài chính triển khai các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.

d) Chỉ đạo, tạo điều kiện hỗ trợ vốn uỷ thác cho Ngân hàng Chính sách xã hội để thực hiện tốt các chương trình tín dụng thuộc 03 Chương trình mục tiêu quốc gia.

10. Các tổ chức kinh tế và người dân:

a) Thực hiện sản xuất kinh doanh đúng pháp luật, linh hoạt, thích ứng trong mọi hoàn cảnh, tiếp tục đổi mới công tác quản trị, nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác.

b) Phối hợp chặt chẽ với các tổ chức tín dụng để tăng khả năng tiếp cận tín dụng, sử dụng hiệu quả vốn tín dụng, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh đảm bảo thực hiện đầy đủ quyền lợi và trách nhiệm của người vay vốn.

 

Nguồn: Báo đầu tư

Bình luận của bạn

Tin liên quan

Tin đã đăng