Tiềm năng mở rộng và đổi mới ngành bao bì giấy Việt Nam nửa đầu năm 2024
Các công ty nước ngoài đầu tư phát triển ngành bao bì giấy Việt Nam
Số liệu do Tổ chức nghiên cứu thị trường Mordor Intelligence Inc công bố, quy mô thị trường ngành bao bì giấy Việt Nam ước tính đạt 2,6 tỷ USD vào năm 2024 và dự kiến đạt 4,14 tỷ USD vào năm 2029, tăng trưởng với tốc độ CAGR là 9,73% trong những năm 2024-2029.
Diễn biến tích cực của xuất khẩu bao bì giấy Việt Nam
Theo Tổng cục Thống kê, trong tháng 4/2024, kim ngạch xuất khẩu bao bì giấy của nước ta đạt 774 triệu USD, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm trước. Mức tăng trưởng này đã góp phần vào kim ngạch xuất khẩu của hàng hóa Việt Nam trong tháng 4/2024, đạt 30,94 tỷ USD, tăng 8,1% so với tháng liền kề.
Theo Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam, trong năm 2024, dự kiến kim ngạch xuất khẩu ngành bao bì giấy Việt Nam sẽ đạt 1,1 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2023. Các mặt hàng xuất khẩu chính bao gồm các sản phẩm được ưa chuộng trên thị trường quốc tế như thùng carton, giấy kraft, túi giấy và hộp giấy.
Nguồn: VPPA & Viện Công nghiệp Giấy và Xenluylô
Trong tháng 4 năm 2024, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu bao bì giấy lớn nhất của Việt Nam, đạt 142 triệu USD, tiếp theo là Trung Quốc với 108 triệu USD, Nhật Bản ở mức 96 triệu USD. Hàn Quốc và Đức lần lượt đứng thứ 4 và 5 với mức 75 triệu và 62 triệu USD.
Những yếu tố thúc đẩy ngành bao bì giấy Việt Nam
Ngành bao bì giấy Việt Nam phát triển nhờ thương mại điện tử, sự quan tâm từ các nhà đầu tư nước ngoài và lợi thế từ các hiệp định thương mại quốc tế.
Nhu cầu tiêu thụ tăng cao nhờ sự phát triển của thương mại điện tử
Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, thương mại điện tử nước ta đã ghi nhận mức tăng trưởng từ 16 – 30% mỗi năm trong 4 năm qua. Riêng quý đầu tiên năm 2024, tổng giá trị giao dịch hàng hóa (GMV) từ 4 nền tảng thương mại điện tử lớn nhất đã đạt 79,12 nghìn tỷ đồng, bán được 768,44 triệu sản phẩm.
Nguồn: Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số
Sự đi lên của thương mại điện tử đã tác động tích cực đến ngành bao bì giấy Việt Nam, khi mà nhu cầu đóng gói sản phẩm tăng cao. Mỹ phẩm, đồ gia dụng… thường được đóng gói trong bao bì giấy và hộp giấy. Đồng thời, các sản phẩm mua sắm trực tuyến cũng được bảo quản cẩn thận trong thùng carton để vận chuyển.
Dựa trên chiến lược phát triển thương mại điện tử của chính phủ Việt Nam, dự kiến hơn một nửa dân số Việt Nam sẽ tham gia mua sắm trực tuyến vào năm 2025. Dự báo này cho thấy nhu cầu sử dụng bao bì giấy sẽ còn tăng cao trong ngành thương mại điện tử.
Cơ hội từ vốn đầu tư ngoại và hiệp định thương mại quốc tế
Ngành bao bì giấy Việt Nam từ lâu đã nhận được sự thu hút sự chú ý lớn từ các nhà đầu tư nước ngoài. Trong năm 2024, Tetra Pak cam kết mở rộng tại tỉnh Bình Dương, với khoản đầu tư thêm 97 triệu Euro vào nhà máy sản xuất bao bì giấy đựng đồ uống và tổng mức đầu tư lên đến 217 triệu Euro.
SCG Packaging Thái Lan cũng dự định đầu tư hơn 353 triệu USD để xây dựng khu phức hợp mới tại tỉnh Vĩnh Phúc, với khả năng sản xuất thêm 370.000 tấn/năm. Sự mở rộng này nhằm đáp ứng nhu cầu từ thị trường, khẳng định Việt Nam như một trung tâm sản xuất quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Ngoài ra, Việt Nam đã ký kết hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP). Từ đó, ngành bao bì giấy Việt Nam sẽ thuận lợi xuất khẩu sản phẩm đi các nước thành viên và được hưởng thuế suất ưu đãi.
Xu hướng bao bì tái chế hướng tới phát triển xanh của ngành bao bì giấy Việt Nam
Ngành bao bì giấy là một trong những ngành công nghiệp gây ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường. Vì vậy, các nhà máy đang đẩy mạnh đầu tư vào hệ thống sản xuất tiên tiến để tập trung vào việc tái chế bao bì giấy, nhằm bảo vệ môi trường và cải thiện hiệu quả kinh doanh.
Các công ty trong ngành bao bì giấy Việt Nam đang tích cực triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn, tận dụng nguyên liệu tái chế và tập trung vào nghiên cứu cũng như phát triển các công nghệ mới. Việc lựa chọn vật liệu được các doanh nghiệp cân nhắc kỹ lưỡng để đảm bảo đạt chất lượng cao, thân thiện với môi trường và có khả năng tái chế cao nhất.
Xu hướng sản xuất bao bì giấy tái chế ngày càng được lan rộng
Quá trình sản xuất bao bì giấy tái chế tiêu thụ ít năng lượng hơn và thải ra lượng khí nhà kính ít hơn so với sử dụng nguyên liệu mới. Sản xuất giấy tái chế giảm đến 60% lượng năng lượng và 50% lượng nước so với sản xuất từ gỗ nguyên sinh, từ đó làm giảm đáng kể lượng carbon thải ra.
Tái chế 1 tấn giấy có thể tiết kiệm đến 17 cây gỗ trưởng thành, 4.000kWh điện, 270 lít dầu, 26.000 lít nước và 3,5m3 đất để chôn lấp. Cùng với đó là giảm 65% năng lượng để sản xuất giấy mới, 35% khả năng ô nhiễm môi trường và 74% ô nhiễm không khí.
Việt Nam là một trong những quốc gia hàng đầu trong việc cung cấp nhiều lựa chọn thực hiện trách nhiệm tái chế cho các doanh nghiệp. Các cơ quan chức năng đang nỗ lực nhằm tăng cường quản lý tái chế với quy định pháp luật đa dạng.
Trong đó, các yêu cầu theo quy định gồm: công nghệ, thiết bị tái chế phù hợp, có công trình, có giấy phép môi trường, tuân thủ các quy định về quan trắc,… Chất liệu bao bì tái chế sẽ thích hợp sử dụng với nhiều loại sản phẩm hàng hóa khác nhau, từ thực phẩm cho đến đồ điện tử, gia dụng.
Nguồn: viracresearch
Đăng nhập để bình luận.