TP.HCM đã chạm đáy về tăng trưởng, nhưng cũng khó tăng tốc ngay
Tại phiên họp của UBND TP.HCM về tình hình kinh tế – xã hội 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm 2023, diễn ra vào chiều 29/6, TS. Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ Quốc gia đánh giá: Thời điểm này mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng tâm thế đã vui vẻ hơn 3 tháng trước. Vì kinh tế quý II đã phục hồi và Thành phố có Nghị quyết 98 thay thế Nghị 54 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.
Ông kể, khi nhận được báo cáo tình hình phát triển kinh tế – xã hội 6 tháng của Thành phố, ông đã suy nghĩ khá nhiều. “Những số liệu kinh tế quý II của TP.HCM cho thấy, Thành phố đã chạm đáy về tăng trưởng và đang từ đáy đi lên. Tuy nhiên, nhanh hay chậm vẫn còn tùy thuộc vào các giải pháp thời gian tới”, TS. Trần Du Lịch nhận định.
Trong quý II, TP.HCM ghi nhận những chỉ số tích cực, như tăng trưởng quý II đạt 5,87%, cao hơn mức tăng trưởng của cả nước là 4,14%. Đặc biệt, ông Lịch cũng nhắc đến mức tăng của công nghiệp ghi nhận là 2,59%, dịch vụ tăng 4,96%, so với mức tăng trưởng âm trong quý I.
TS Trần Du Lịch cho rằng, quý II/2023 tăng trưởng không phải do nỗ lực của Thành phố đã làm trong những tháng qua mà tăng trưởng này là do sự chòi đạp của thị trường. Ảnh: Ngô Tùng |
TS. Trần Du Lịch cũng điểm lại những kết quả chưa đạt được, trong đó ngành xây dựng giảm 8,45%, ngành kinh doanh bất động sản giảm 11,58%. Lý do ông nêu ra hai ngành này vì muốn thúc đẩy tăng trưởng trong 6 tháng cuối năm 2023 thì phải tập trung thúc đẩy ngành xây dựng và thị trường bất động sản.
Tuy vậy, theo ông Lịch, không có một giải pháp nào của chính quyền tạo tăng trưởng nhất thời hết, bởi từ chính sách đến thực tiễn luôn luôn có độ trễ.
“Quý II tăng trưởng không hoàn toàn do nỗ lực của Thành phố trong những tháng qua, mà tăng trưởng này là do sự “chòi đạp” của thị trường, của doanh nghiệp. Còn những gì chúng ta làm là phục vụ cho những cái lâu dài hơn, vì không có một chính sách nào tác động ngay được”, ông nói.
Vị chuyên gia này cũng cho rằng, Thành phố đang đối diện nhiều khó khăn do những bất ổn của nền kinh tế thế giới. Hiện nay, “dự báo không chỉ trì trệ mà còn trì lạm, tức là vừa trì trệ, vừa lạm phát”.
Còn trong nước, nền kinh tế hiện nay tiếp tục khó lường, thị trường xuất khẩu giảm, “nỗ lực chính phủ rất tốt nhưng doanh nghiệp trong nước đang trong tình trạng đình đốn, đang bào mòn dần nguồn lực của họ. Thậm chí, tín dụng tăng cũng không phục vụ nỗi, khi tăng trưởng tín dụng đến nay mới đạt 3,36%”, ông Lịch phân tích.
Ngoài những khó khăn chung, ông Trần Du Lịch cũng cho rằng, Thành phố có khó khăn riêng. “Bộ máy hiện nay còn phải làm những công việc hiện tại, nhưng đồng thời phải giải quyết những tồn đọng trong quá khứ và xây dựng những đầu việc trong tương lai”, ông nói và cho rằng khối lượng công việc thực sự rất lớn.
Với những thách thức đã đưa ra, ông Lịch cho rằng, nếu đặt mục tiêu tăng trưởng cả năm cho Thành phố từ 7,5 – 8% thì rất khó, bởi tăng trưởng ngắn hạn chủ yếu phụ thuộc vào thị trường, còn chính sách thường có độ trễ nhất định nên những giải pháp cần hướng đến mục tiêu tăng trưởng trong năm sau.
“Trong chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội TP.HCM giai đoạn 2022 – 2025, thành phố đặt mục tiêu năm 2022 là phục hồi và năm 2023 là tăng tốc. Nhưng có lẽ chúng ta nên lỡ hẹn 1 năm, để tăng tốc trong năm 2024”, ông Lịch nói. Lý giải cho đề xuất này, TS. Trần Du Lịch cho rằng, riêng trong năm nay, cần đặt ưu tiên hỗ trợ thị trường, lựa chọn những giải pháp hỗ trợ, tạo hệ sinh thái cho doanh nghiệp phát triển.
GRDP 6 tháng đầu năm 2023 của TP.HCM tăng 3,55% so với cùng kỳ |
Trước mắt, ông Lịch cho rằng, cần nhanh chóng đưa Nghị quyết 98 thay thế Nghị quyết 54 của Quốc hội. Tuy nhiên, ông cũng chỉ ra cái khó lớn nhất là làm sao nâng cao năng lực các cấp, bởi việc này liên quan đến tổ chức, còn người.
Một điểm nữa là tập trung tháo gỡ những dự án. Hiện nay, các dự án đầu tư công hay đầu tư tư nhân đều ngưng trệ nhiều năm, nhất là các dự án bất động sản. Chính quyền phải tháo gỡ thì mới tăng được cung, còn lực cầu thì cần phải có những chính sách khác đề kích cầu.
“Các dự án bất động sản đang cần phải tháo gỡ quyết liệt. Hiện nay, hai điểm nghẽn lớn là điều chỉnh quy hoạch và định giá đất”, ông Lịch nói và đồng thời cho rằng, Thành phố cũng cần nhanh chóng hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ thuế, gỡ vướng phòng cháy chữa cháy.
Đặc biệt, ông cũng khuyến nghị Thành phố tiếp tục thực hiện các đợt khuyến mãi nhằm kích cầu tiêu dùng, bởi đây là yếu tố cực kỳ quan trọng cho tăng trưởng cuối năm.
Nguồn: baodautu.vn
Đăng nhập để bình luận.