VCCI: Chính sách thuế VAT đang ‘cho không nước khác tiền’

Ngày 10-08-2023
VPPA-Quy định về hàng hóa không chịu VAT đang khiến Việt Nam bảo hộ ngược doanh nghiệp ngoại, đồng thời "cho không" các nước đối tác tiền thuế, theo VCCI.

Bộ Tài chính mới đây muốn thu hẹp đối tượng không chịu VAT, đối tượng chịu thuế 5% khi xây dựng dự án Luật thuế giá trị gia tăng (sửa đổi).

Theo luật hiện hành, những mặt hàng như: nông sản chưa chế biến, giống cây trồng, vật nuôi, phân bón, máy nông nghiệp, tàu cá, thức ăn chăn nuôi, muối, phần mềm máy tính, một số thiết bị, máy móc không phải chịu thuế VAT. Theo đánh giá của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, chính sách này khiến các doanh nghiệp trong nước khó cạnh tranh với hàng hóa nhập khẩu cùng loại.

Không chịu VAT, đồng nghĩa, các doanh nghiệp không được kê khai, khấu trừ thuế đầu vào, bao gồm cả tài sản cố định. Họ buộc phải tính vào chi phí sản phẩm, khiến giá thành tăng, lợi nhuận giảm. Doanh nghiệp cũng không mặn mà đầu tư mua sắm, sửa chữa, nâng cao tài sản cố định. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp, đơn cử như trong ngành phân bón, từng bày tỏ mong muốn được tự nguyện đóng VAT.

Góp ý cho Bộ Tài chính, VCCI cho rằng quy định hiện tại ngoài bảo hộ ngược cho nước ngoài còn “cho không” tiền thuế.

Giả sử có 2 nhà máy sản xuất y hệt nhau (giá nhân công, công nghệ, sản phẩm làm ra) nhóm hàng không chịu thuế, một đặt tại Việt Nam, một ở nước ngoài. Điểm giống nhau là sản phẩm đầu ra của hai bên khi bán tại Việt Nam đều không phải đóng VAT. Điểm khác là nhà máy trong nước không được khấu trừ VAT nguyên liệu đầu vào; còn nhà máy nước ngoài được hoàn thuế khi xuất khẩu ra khỏi nước đó.

Điều này khiến hàng hóa nhập khẩu đang có chi phí thuế thấp hơn hàng sản xuất trong nước. Hàng hóa nhập khẩu có chi phí thuế thấp hơn so với hàng sản xuất trong nước chính là chi phí VAT chưa được khấu trừ kể trên.

Thêm vào đó, hiện các thuế nhập khẩu đã được bỏ gần hết sau khi một loạt FTA đi vào hiệu lực.

Nếu so sánh với thuế nhập khẩu, khi đàm phán các FTA, Việt Nam chỉ chấp nhận hạ thuế nhập khẩu một số mặt hàng với các đối tác theo nguyên tắc “có đi có lại” (các nước khác cũng phải đồng ý mở cửa thị trường). Trong khi đó, theo VCCI, quy định về đối tượng không chịu VAT đã khiến Việt Nam thay vì thu được, đã “cho không” các nước đối tác số tiền thuế rất lớn và “mở toang” thị trường nội địa của rất nhiều mặt hàng.

Việc định hướng thu hẹp phạm vi đối tượng không chịu VAT của dự thảo là cần thiết. Dù vậy, dự thảo mới chỉ đề cập vấn đề này đối với phân bón, tàu cá và máy móc nông nghiệp với giải pháp áp thuế 5%. Các mặt hàng còn lại chưa có giải pháp.

Do đó, VCCI đề nghị Bộ Tài chính tiếp tục rà soát để loại bỏ các mặt hàng thuộc nhóm không chịu thuế theo nguyên tắc: duy trì diện không chịu thuế với hàng hoá, dịch vụ mà Việt Nam không nhập khẩu (hoàn toàn tự sản xuất, cung ứng tiêu dùng trong nước); chuyển sang các mức thuế phù hợp với hàng hoá, dịch vụ có nhập khẩu từ nước ngoài để tiêu dùng.

Về các mức thuế suất, VCCI đưa ra 4 phương án. Phương án 1, chuyển các mặt hàng không chịu thuế sang diện chịu thuế với các mức thuế 5%.

Phương án 2, thuế suất sẽ là 0% hoặc 5%. Trong đó, hàng có tỷ trọng thuế VAT chưa khấu trừ trên 5% thì về mức 5%, dưới 5% chuyển về mức 0%. VAT 0%, nghĩa là hàng hóa vẫn thuộc nhóm phải đóng thuế, chỉ là đang được hưởng thuế suất ưu đãi (khác với hàng hóa không chịu thuế). Theo đó, doanh nghiệp sẽ được khấu trừ và hoàn thuế như các mức thuế suất khác.

Phương án 3, chuyển các mặt hàng không chịu thuế sang diện chịu thuế. Mức thuế mới luôn thấp hơn chi phí thuế trung bình chưa được khấu trừ trong giá thành sản phẩm.

Ví dụ, một mặt hàng có chi phí thuế trung bình chưa được khấu trừ 6% trong giá thành sản phẩm thì nên chuyển sang diện thuế suất 5%; mặt hàng có chi phí thuế trung bình chưa được khấu trừ 4% thì có thể chuyển về mức 3%.

Phương án 4 là cho phép doanh nghiệp trong nước chọn phương pháp tính thuế. Toàn bộ hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng trong nước (không thuộc diện xuất khẩu) được phân loại vào hai nhóm với thuế suất 5% và 10%. Theo đó, chuyển toàn bộ không chịu thuế sang diện thuế suất 5%; không còn diện hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế.

Nhóm hàng hóa, dịch vụ chịu thuế 10% vẫn tiếp tục thực hiện các quy định hiện hành.

Nhóm chịu thuế 5% được bổ sung vào diện cho phép lựa chọn phương pháp tính thuế khấu trừ (doanh nghiệp chịu thuế đầu ra 5% VAT được khấu trừ thuế đầu vào) hoặc phương pháp tính thuế trực tiếp (doanh nghiệp được thuế 0% trên doanh thu nhưng không được khấu trừ thuế đấu vào); Hàng hóa nhập khẩu thuộc nhóm này nộp thuế 5% khi nhập khẩu.

Các doanh nghiệp có chi phí thuế chưa được khấu trừ trong giá thành sản phẩm nhỏ hơn 5% sẽ có xu hướng lựa chọn phương pháp tính thuế trực tiếp; lớn hơn 5% sẽ có xu hướng chọn phương pháp tính thuế khấu trừ.

Trong các đề xuất đưa ra, VCCI ưu tiên phương án 4.

>>https://vppa.vn/loi-kep-tu-giam-2-thue-vat/

Đức Minh

Theo: vnexpress.net

Bình luận của bạn

Tin liên quan

Tin đã đăng