Việt Nam “vô địch” xuất khẩu dăm gỗ: Mừng hay lo?
Australia, nhà cung cấp dăm gỗ lớn nhất trên thế giới trong gần 20 năm qua đã phải nhường vị trí này cho Việt Nam…
Năm 2011, xuất khẩu dăm gỗ thiết lập kỷ lục với 5,4 triệu tấn, đưa Việt Nam trở thành nước xuất khẩu mặt hàng này lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, ngành sản xuất giấy và chế biến gỗ đã cùng lên tiếng lo ngại việc ồ ạt xuất khẩu dăm gỗ sẽ càng làm tăng áp lực thiếu nguyên liệu cho các ngành này.
Xuất khẩu dăm gỗ bạch đàn và gỗ keo lai Việt Nam đã tăng gấp hơn 10 lần trong một thập kỷ vừa qua. Năm 2001, cả nước chỉ xuất khẩu 400.000 tấn dăm gỗ nhưng đến năm 2011, đã tăng thêm 5 triệu tấn so với khởi điểm. Lượng xuất khẩu trong năm 2011 cao hơn 36% so với năm 2010 và tăng gấp ba lần kể từ năm 2007.
Australia là nhà cung cấp dăm gỗ lớn nhất trên thế giới trong gần 20 năm qua đã phải nhường vị trí này cho Việt Nam với các lô hàng chiếm khoảng 20% lượng giao dịch trên toàn cầu năm 2011.
Theo nhận định của các chuyên gia, việc mở rộng công suất bột giấy tại Trung Quốc là nguyên nhân dẫn đến việc gia tăng mạnh mẽ số lượng các đồn điền gỗ cứng và các cơ sở chế biến dăm mảnh ở Việt Nam. Mặt hàng này được xuất khẩu chủ yếu qua khu vực cảng Hải Phòng và dọc các cảng miền Trung.
Tại rất nhiều cảng ở khu vực miền Trung như Kỳ Hà (Quảng Nam), Dung Quất (Quảng Ngãi), Chân Mây (Thừa Thiên – Huế)… thường xuyên có các tàu hàng rời, cập cảng chỉ để vận chuyển dăm gỗ đi các thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc. Với nguồn cung trong nước hạn chế, Trung Quốc sẽ tiếp tục dựa vào các nước láng giềng để cung cấp gỗ nguyên liệu trong tương lai.
Đại diện các hộ nông dân trồng rừng tỉnh Đắk Lắk cho biết, do thiếu vốn nên họ phải khai thác cây gỗ sớm, băm ra để lấy gỗ dăm xuất khẩu thay vì trồng thêm vài năm để lấy gỗ xẻ có giá trị cao hơn gấp nhiều lần. Một tấn gỗ dăm trên thị trường có giá 500.000 đồng, trong khi 1 tấn gỗ xẻ cho giá cao gấp 4 lần. Việc xuất khẩu ồ ạt dăm gỗ không chỉ ảnh hưởng đến tổng cầu nguyên liệu gỗ trong tương lai mà còn ảnh hưởng đến cả ngành chế biến gỗ và sản xuất giấy.
Với ngành sản xuất giấy, dăm gỗ là một dạng nguyên liệu thô, có giá trị thấp hơn rất nhiều nếu chọn hướng xuất khẩu nguyên liệu giấy và bột giấy.
Theo ông Vũ Ngọc Bảo, Tổng thư ký Hiệp hội Giấy và bột giấy Việt Nam, các nhà máy giấy trong nước đang phải nhập khẩu nguyên liệu bột giấy với giá cao gấp 9-10 lần giá dăm xuất đi. Trong khi giá xuất khẩu dăm gỗ của Việt Nam sang Trung Quốc và Nhật Bản chỉ khoảng 110-120 USD/tấn thì giá nhập khẩu bột giấy lại ở mức trung bình 900-1.000 USD/tấn. Đây là ví dụ rõ nét về thực trạng “xuất thô, nhập tinh” mà ngành giấy đã lên tiếng từ hàng chục năm qua.
Dù lượng dăm gỗ xuất khẩu khổng lồ như vậy nhưng giá trị kim ngạch thu về hàng năm chỉ đạt khoảng 300 triệu USD còn số tiền phải chi ra để nhập khẩu lượng bột giấy lên tới 700 triệu USD/năm.
Mới đây, Công ty cổ phần giấy An Hòa (Giấy An Hòa) đã kiến nghị tăng thuế xuất khẩu dăm mảnh lên 20% thay vì 5% như hiện nay, tạo điều kiện cho sản xuất bột giấy trong nước có nguyên liệu. Ông Bảo cho rằng, đề nghị mà Giấy An Hòa đưa ra là hợp lý, các doanh nghiệp sản xuất bột giấy trong nước có thể mua được nguyên liệu gỗ trong nước phục vụ sản xuất.
Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ Tp.HCM (Hawa) cũng kiến nghị Bộ Tài chính áp thuế xuất khẩu đối với mặt hàng dăm gỗ với lý do xuất khẩu dăm gỗ quá nhiều đã gây tác động xấu đến ngành chế biến gỗ trong nước và cần phải hạn chế tình trạng này.
Hawa cho rằng, ngày càng nhiều các doanh nghiệp chế biến ván sàn gỗ công nghiệp làm từ dăm gỗ hoặc từ cây gỗ ngắn ngày băm nhỏ nên nhu cầu nguồn nguyên liệu dăm gỗ càng lớn. Bên cạnh đó, nhiều khách hàng châu Âu, Hàn Quốc đang yêu cầu các sản phẩm dăm gỗ, gỗ vụn đóng thành tấm để làm chất đốt cho công nghiệp cũng như dân sinh. Các đơn hàng này cho lợi nhuận cao trong khi công nghệ chế biến đơn giản.
Do nguồn nguyên liệu bị xuất khẩu ồ ạt khiến giá loại nguyên liệu này trong nước tăng cao. Chính phủ cần có quy hoạch đối với các cụm khai thác vùng nguyên liệu và chế biến để tận dụng nguyên liệu dăm gỗ, gỗ vụn trong khâu cưa xẻ để sản xuất ván sàn có giá trị cao hơn rất nhiều so với xuất thô nguyên liệu.
Tuy nhiên, các công ty lâm nghiệp và giới trồng rừng có quan điểm trái ngược với ngành giấy và chế biến gỗ. Công ty FPA Bình Định vừa có văn bản kiến nghị về việc “Không tán thành đề xuất hạn chế xuất khẩu dăm gỗ” gửi đến Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổng cục Lâm nghiệp, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam.
Theo văn bản này, việc hạn chế xuất khẩu dăm gỗ lúc này sẽ gây khó khăn đột ngột cho các doanh nghiệp sản xuất dăm gỗ từ rừng trồng, gây thiệt hại cho người dân, các đơn vị trồng rừng và làm giảm động lực phát triển rừng. Hiện nay, việc thu mua sử dụng sản phẩm gỗ rừng trồng của các hộ dân, các doanh nghiệp trồng rừng trong nước chưa nhiều, chủ yếu tiêu thụ thông qua các nhà máy sản xuất dăm gỗ và ván nhân tạo các loại.
Theo Báo cáo tổng hợp quy hoạch công nghiệp chế biến gỗ Việt Nam năm 2011 của Cục Chế biến thương mại nông, lâm, thủy sản và nghề muối (Bộ Nông nghiệp và Phát triể nông thôn), hiện năng lực sản xuất ván nhân tạo các loại của cả nước ước đạt khoảng 1 triệu m3 sản phẩm/năm (tương đương 2 triệu m3 nguyên liệu/năm). Nếu hạn chế xuất khẩu dăm gỗ, lượng nguyên liệu dư thừa, nhất là gỗ nhỏ dưới 10 cm (cành ngọn, gỗ cong vênh, cây gãy đổ do bão hàng năm…) sẽ phải đốt bỏ, gây lãng phí và ô nhiễm môi trường.
Mặt khác, đề xuất áp thuế và áp dụng hạn ngạch đối với dăm gỗ xuất khẩu là không hợp lý. Việc đánh thuế sẽ tác động trực tiếp và gây thiệt hại cho người dân, cho các đơn vị trồng rừng trên cả nước. Nhờ bán được giá gỗ khá cao mà người dân và các đơn vị trồng rừng giữ được rừng, tạo nguồn thu để trồng rừng mới và có điều kiện tiếp cận, triển khai chứng chỉ rừng và quản lý rừng bền vững…
Đồng tình nâng thuế xuất khẩu dăm mảnh lên cao hơn mức 5% song một vị chuyên viên Vụ Công nghiệp nhẹ (Bộ Công Thương) cho rằng, cần phải tính toán mức thuế để cân đối lợi ích của người trồng rừng bởi cung vẫn đang vượt quá nhu cầu sản xuất bột giấy và làm gỗ công nghiệp.
Giải pháp xuất khẩu gỗ rừng thông qua dăm mảnh hiện nay chưa thể là lối thoát cho người trồng rừng. Về lâu dài, cần thúc đẩy xây dựng, nâng công suất các nhà máy sản xuất bột giấy và lĩnh vực chế biến ván dăm để tiêu thụ hết lượng dăm gỗ sản xuất trong nước.
Đăng nhập để bình luận.