Vụ lừa đảo lớn nhất lịch sử ngành điều: Ai chịu trách nhiệm?
Cosco là hãng tàu vận chuyển các container nhân điều bị lừa đảo - Ảnh minh họa
trong công văn hoả tốc Hiệp hội Điều Việt Nam (VINACAS) gửi Đại sứ quán và Thương vụ Việt Nam tại Ý về việc có khoảng 17 doanh nghiệp xuất khẩu nhân điều bị lừa và có nguy cơ mất trắng gần 100 container (cont) hàng, trị giá cả trăm triệu USD.
Tuy nhiên, tại buổi gặp gỡ báo chí tối ngày 9/3, ông Bạch Khánh Nhựt, Phó chủ tịch thường trực VINACAS cho biết, đến chiều ngày 9/3 chỉ có 05 doanh nghiệp đã mất quyền kiểm soát 36 container trị giá 7,025 triệu USD, tương đương khoảng 162 tỷ đồng.
Thiệt hại của vụ lừa đảo tuy đã được thu hẹp nhưng các doanh nghiệp có nguy cơ mất hơn 7 triệu USD là có thật, và là đây vụ lừa đảo lớn nhất được ghi nhận trong lịch sử ngành điều.
Các đơn vị liên đới trong vụ việc này gồm công ty môi giới Kim Hạnh Việt, 5 ngân hàng và các hãng vận chuyển.
QUA TRỌNG TÀI QUỐC TẾ ĐỂ CÓ THỂ ÁP DỤNG BIỆN PHÁP KHẨN CẤP
Theo số liệu ban đầu, có 17 doanh nghiệp ký hợp đồng bán là gần 100 container (cont) và có nhiều lô hàng đã được vận chuyển, một số còn tại cảng đang chuẩn bị lên đường. Song, nhờ sớm phát hiện những dấu hiệu có tính chất lừa đảo các doanh nghiệp đã nhanh chóng ngăn chặn và chỉ có 36 cont hàng bị mất quyền kiểm soát.
Các doanh nghiệp bị hại đều xuất khẩu hàng sang Ý cho những khách hàng mới thông qua công ty môi giới Kim Hạnh Việt, trong đó có 01 công ty ký bán đến 70 cont nhưng đã thu hồi được 43 cont, mất kiểm soát 27 cont. Đến khi các doanh nghiệp này không còn đủ sức tự giải quyết mới có công văn yêu cầu VINACAS hỗ trợ.
Vụ việc càng trở nên cấp bách hơn vì có 2-3 cont hàng đã đến cảng, hơn 30 cont khác vài ngày nữa sẽ đến cảng và hết tháng 3 sẽ cập cảng xong, nhưng doanh nghiệp và ngân hàng không biết bộ chứng từ gốc của các lô hàng ở đâu, trong khi bất kỳ ai có chứng từ gốc đều có thể nhận hàng càng khiến doanh nghiệp đứng ngồi không yên.
Chiều ngày 9/3, VINACAS mời các hãng tàu các hãng tàu có vận chuyển cont điều bị lừa đến văn phòng họp nhưng chỉ có hãng Cosco đến, các hãng khác báo không tham dự được.
Đại diện hãng tàu Cosco cho biết, khi hàng đến cảng và theo thông lệ quốc tế, ai có bộ chứng từ gốc đến nhận hãng tàu sẽ phải giao hàng, nếu không giao có thể bị đưa ra tòa và hãng tàu sẽ thua kiện.
“Văn phòng chính hãng tàu Cosco, các chi nhánh kể cả chi nhánh tại Việt Nam và Ý đều phải làm theo thông lệ quốc tế. Do vậy, chúng tôi tư vấn cho các doanh nghiệp cần đưa vụ việc này lên tòa án và cung cấp chứng từ của người bị hại, bên mua hàng nhưng trong thời gian ngắn khó đáp ứng kịp, nên cần có thời gian bổ sung bộ hồ sơ chứng cứ.
Các doanh nghiệp Việt Nam nên đề xuất các trung tâm trọng tài quốc tế áp dụng biện pháp khẩn cấp”, đại diện hãng tàu Cosco gợi ý.
TRÁCH NHIỆM THUỘC VỀ AI?
Trao đổi với BizLIVE về diễn biến mới nhất của vụ việc này, ông Trần Hữu Hậu – Phó tổng thư ký kiêm Uỷ viên Ban chấp hành VINACAS cho biết, tính tới thời điểm này đã có 01 cont cập cảng bên Ý và có người đem bộ chứng từ gốc đến nhận hàng. Các cont còn lại thì đang trên đường đến Ý.
Tuy nhiên, Tham tán Việt Nam bên Ý sau khi nhận được công văn hỏa tốc của VINACAS đã trực tiếp làm việc với chính quyền địa phương khu vực cảng và Ban quản lý cảng cũng như hãng tàu tạm thời giữ hàng lại chưa giao. Song, theo nguyên tắc thương mại quốc tế ai có bộ chứng từ gốc đến nhận hàng thì hãng tàu phải giao hàng ra. VINACAS cũng đã biết được tên người nhận hàng và là người một người Ý.
Phó tổng thư ký VINACAS cho rằng vụ lừa đảo này có nhiều nghi vấn được đặt ra.
Có thể DHL bị hacker can thiệp và dẫn đến thay đổi bộ chứng từ gốc hoặc một nguyên nhân nào đó chưa xác định được. Tuy nhiên, hãng tàu có thể đặt ngược vấn đề là khi gửi bộ chứng từ đi có thể doanh nghiệp gửi bộ photocopy, nhưng chắc chắn các doanh nghiệp không làm thế vì họ thừa biết một khi đã đưa hàng đi mà gửi bộ chứng từ photocopy thì khó nhận được tiền và thiệt hại sẽ thuộc về doanh nghiệp.
Nếu xem xét phần sai thuộc về ai thì hiện tại mọi người đều cho rằng hãng tàu không sai, ngân hàng Việt Nam cũng không sai, vì khi gửi những bộ chứng từ thì họ gửi DHL. Nếu hãng tàu không sai, ngân ngân hàng Việt Nam không sai thì chỉ có thể ngân hàng bên Ý sai.
Vấn đề đặt ra là liệu ngân hàng bên Ý có móc nối với bọn lừa đảo không? Nếu có và thật sự họ nhận bản photocopy thì họ cũng không sai.
“Do vậy, hướng giải quyết là phải giữ hàng lại cho được và không giao hàng ra cho dù người đến nhận có bộ chứng từ gốc, sau đó phải đưa vụ việc lên tòa án và thông qua tòa án các doanh nghiệp Việt Nam một khi họ cung cấp chứng cứ đầy đủ thì có thể họ sẽ được trả lại hàng. Đó là trình tự mà phía Việt Nam sẽ phải làm trong thời gian tới.
Tuy nhiên, người đến nhận hàng đã có đầy đủ bộ chứng từ gốc mà hãng tàu không giao hàng họ có thể đi kiện khi đó hãng tàu sẽ không dám giữ hàng, và theo thương mại quốc tế hãng tàu hoàn toàn có thể bị kiện.
Song, theo tâm lý kẻ gian – người nhận sẽ không dám đi kiện vì khi đó sẽ bị lộ ra chân tướng lừa đảo, điều này là chắc chắn. Hiện VINACAS đang chuẩn bị phát hành công văn gửi các hãng tàu”, Phó tổng thư ký VINACAS thông tin thêm.
>>> Khơi dậy động lực cải cách, tạo ‘đòn bẩy’ cho phục hồi và phát triển kinh tế
Theo Bizlive
Đăng nhập để bình luận.