Xuất khẩu dệt may nỗ lực tìm hướng đi mới
Trong bối cảnh kinh doanh nhiều biến động như hiện nay, việc sản xuất và xuất khẩu của các doanh nghiệp cần hết sức linh hoạt
Đã có những tác động rõ ràng
Nếu năm 2023 được các doanh nghiệp dệt may đánh giá là một năm “bất ổn”, do các yếu tố chính trị và kinh tế, thì năm 2024 được dự báo là một năm “bất định”, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Tình hình căng thẳng trên Biển Đỏ khiến nhiều doanh nghiệp xuất khẩu chịu tác động bất lợi, do chi phí vận tải tăng mạnh, thời gian vận chuyển kéo dài.
Ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Công ty May mặc Dony (Dony) chia sẻ, năm 2023, đơn hàng xuất khẩu sang Mỹ suy yếu, nhưng bù lại, đơn hàng từ thị trường Trung Đông của Dony gia tăng. Tuy nhiên, những tác động từ xung đột ở Biển Đỏ bắt đầu hiện diện trong đơn hàng vừa được giao gần nhất của doanh nghiệp.
Cụ thể, Dony xuất khẩu một container hàng sang Jordan từ tháng 12/2023, nhưng đến cuối tháng 2/2024, đối tác mới nhận được hàng. Điều đáng nói là, chỉ khi nhận đủ đơn hàng cũ, thì đối tác tại Jordan mới đặt đơn hàng tiếp theo. Bởi vậy, việc đơn hàng bị kéo dài thời gian vận chuyển đã ảnh hưởng rất lớn đến kế hoạch sản xuất và kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.
“Trước thời điểm xảy ra xung đột ở Biển Đỏ, giá cước vận chuyển sang Trung Đông khoảng 1.550 USD/container 40 feet. Tuy nhiên, sau 20 ngày diễn ra xung đột ở biển Đỏ, giá vận chuyển lập tức tăng lên gần 6.000 USD/container 40 feet. Còn ở thời điểm hiện tại, tuy giá đã giảm, còn 3.000 USD/container 40 feet, nhưng vẫn cao gấp đôi trước đây”, ông Quang Anh nói.
Không chỉ Trung Đông, cước vận chuyển sang Mỹ, Nga… đều tăng giá (tùy khu vực) với tốc độ “chóng mặt”, khiến doanh nghiệp xuất khẩu khó có giải pháp kịp thời, nhưng nếu đơn hàng đã ký kết, thì không thể không vận chuyển theo đúng thời hạn.
Với Công ty TNHH Việt Thắng Jean, việc giá cước vận chuyển tăng gấp đôi, thời gian vận chuyển tăng từ 2 tuần lên 3 tuần đang ảnh hưởng trực tiếp đến mặt hàng thời trang và dòng tiền xoay vòng.
“Ảnh hưởng từ xung đột ở Biển Đỏ có thể kéo dài thời gian giao hàng, sản phẩm thời trang của Việt Thắng Jean nếu đến trễ sẽ không thể bán được, buộc phải vận chuyển bằng máy bay. Theo tính toán, trung bình mỗi sản phẩm vận chuyển đường hàng không tăng thêm 1 USD so với đường biển”, ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch HĐQT Việt Thắng Jean nói.
Tìm giải pháp phù hợp
Đại diện Hiệp hội Da giày – Túi xách Việt Nam và Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho hay, đến thời điểm hiện tại, căng thẳng trên Biển Đỏ chưa tác động quá lớn đến các doanh nghiệp trong ngành. Bởi hầu hết doanh nghiệp đều nhận đơn hàng theo hình thức FOB (doanh nghiệp hoàn thành sản phẩm và đưa ra bến tàu để chuyển hàng cho khách; đối tác, người đặt hàng chịu các khoản chi phí vận chuyển tiếp theo).
Tuy nhiên, nếu tình hình này kéo dài, thì sẽ ảnh hưởng tới các đơn hàng mới, cụ thể là từ quý II/2024 trở đi và những doanh nghiệp xuất nhập khẩu trực tiếp sẽ chịu nhiều tác động.
Ông Trần Văn Quy, Tổng giám đốc Công ty Dệt may Trung Quy chia sẻ, mặc dù đã khai thác hầu hết các thị trường trên thế giới như Mỹ, Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, châu Âu…, nhưng trong giai đoạn khó khăn này, Công ty định hướng khai thác mạnh các thị trường có tín hiệu khả quan, ít bị ảnh hưởng bởi xung đột để hạn chế tăng giá thành phẩm đầu ra. Cùng với đó, doanh nghiệp sẽ đẩy mạnh phát triển thêm nhiều mẫu mã mới và tiếp cận các khách hàng mới…
Không khó để nhận thấy, trong bối cảnh kinh doanh nhiều biến động như hiện nay, việc sản xuất và xuất khẩu của các doanh nghiệp cần hết sức linh hoạt. Nếu quá tập trung vào một thị trường, doanh nghiệp khó lường trước những khó khăn và tác động tiêu cực. Vì vậy, mỗi doanh nghiệp cần nỗ lực đa dạng hóa thị trường, chấp nhận ít lợi nhuận, tốn nhiều thời gian… để đổi lại hoạt động kinh doanh an toàn.
Đơn cử, Công ty Việt Thắng Jean đang đẩy mạnh phát triển thị trường Australia và Canada, kết hợp mở rộng và đầu tư bán hàng trực tuyến tại thị trường nội địa, để giảm ảnh hưởng từ xung đột tại Biển Đỏ.
Khó khăn luôn đi kèm cơ hội, nếu doanh nghiệp nỗ lực xoay chuyển, thích ứng. Đó là trường hợp của Dony. Ông Phạm Quang Anh cho biết, chính xung đột tại Biển Đỏ đã mở ra cho Dony hướng đi mới, tìm được khách hàng mới, tăng đơn hàng tại thị trường mới.
“Sau khi nhiều đơn hàng xuất đi châu Âu và châu Phi bị ảnh hưởng do các hãng tàu phải đi đường vòng, tăng chi phí…, chúng tôi quyết định đẩy mạnh tiếp thị sang các thị trường châu Á, gần đây nhất là Campuchia. Điều không ngờ là chính các thị trường châu Á đang ‘cứu’ kim ngạch xuất khẩu của Dony. Nhờ vậy, năm 2023, doanh số của Dony tăng đến 21%. Năm 2024, Công ty dự tính, doanh số tăng 15%”, ông Phạm Quang Anh kỳ vọng.
Nguồn: Báo đầu tư
Đăng nhập để bình luận.