Doanh nghiệp lo lãng phí nếu chưa có quy định công nhận các tiêu chuẩn nước ngoài

Ngày 09-08-2024
VPPA-Theo các doanh nghiệp, việc sửa đổi luật liên quan đến tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật cần lưu ý quy định về thoả thuận thừa nhận kết quả đánh giá sự phù hợp nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.

Hội thảo "Vai trò của doanh nghiệp trong tham gia xây dựng và áp dụng Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật” . Ảnh: HD

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật được Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì soạn thảo, dự kiến được trình Quốc hội cho ý kiến vào Kỳ họp thứ 8. Dự thảo Luật được đánh giá là có những sửa đổi, bổ sung có thể ảnh hưởng lớn tới hoạt động của các tổ chức, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ và các tổ chức đánh giá sự phù hợp.

Tại hội thảo “Vai trò của doanh nghiệp trong tham gia xây dựng và áp dụng Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật” được Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội tổ chức vào ngày 7/8/2024, các doanh nghiệp cho rằng, các quy định cần có tính tương thích với các cam kết, tiêu chuẩn quốc tế để tạo thuận lợi cho xuất khẩu.

Đại diện Ban Pháp chế của VCCI cho biết, sau khi lấy ý kiến, các doanh nghiệp nhận xét nội dung một số quy chuẩn chưa rõ ràng, chưa thống nhất nên gây khó khăn khi áp dụng, chẳng hạn quy chuẩn về an toàn cháy cho công trình hay quy chuẩn kỹ thuật kèm điều kiện đầu tư kinh doanh về thóc gạo…

Trong khuôn khổ Hội thảo đã diễn ra Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ giữa VCCI và Ủy ban Tiêu chuẩn Do lường Chất lượng Quốc gia (STAMEQ) về phối hợp và hợp tác giữa hai bên nhằm tăng cường hỗ trợ các hoạt động quản lý nhà nước và hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam thúc đẩy phát triển kinh tế, thương mại, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của Việt Nam.

Các doanh nghiệp cũng cho rằng, còn tình trạng các tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) sai khác rất nhỏ so với tiêu chuẩn nước ngoài, hoặc không thể sử dụng kết quả công bố sự phù hợp của nước ngoài mà phải thử nghiệm lại, tốn kém chi phí… nên các quy định cần phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế, để phù hợp với các cam kết quốc tế về tiêu chuẩn – quy chuẩn kỹ thuật (TBT).

Nói về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI) cho hay, hiện nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) có các cam kết về TBT, theo các nguyên tắc không phân biệt đối xử, không tạo rào cản không cần thiết với thương mại quốc tế; cũng như chỉ áp dụng để đảm bảo về an ninh quốc gia, ngăn ngừa gian lận, bảo vệ sức khoẻ…

Vì thế, bà Trang khuyến nghị, dự thảo Luật sửa đổi cần đưa ra các nguyên tắc, yêu cầu cốt lõi trong trình tự thủ tục xây dựng, công bố, ban hành, áp dụng các TBT cũng như các biện pháp quản lý các tổ chức đánh giá sự phù hợp…

Từ góc độ doanh nghiệp, đại diện Công ty Canon Việt Nam cho hay, dự thảo chưa có quy định về việc công nhận, thừa nhận các tiêu chuẩn, quy chuẩn nước ngoài mà vẫn phải có thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau.

Đại diện Canon Việt Nam phân tích, Việt Nam đang tích cực tham gia vào các FTA và các tổ chức kinh tế quốc tế, thì việc áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế là một điều tất yếu để hàng hóa Việt Nam có thể tiếp cận các thị trường lớn trên thế giới, đồng thời giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng được các yêu cầu của thị trường quốc tế. Do vậy, việc áp dụng các tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật nước ngoài có sẵn sẽ tránh việc xây dựng quá nhiều tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật không cần thiết, gây lãng phí.

Hơn nữa, việc thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau vẫn phải có nhiều thủ tục giữa các bên, gây mất thời gian, chi phí và không bao trùm được hết. Trong khi ở các khu vực phát triển như EU, Mỹ, Nhật, Trung Quốc các tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật đã được xây dựng và áp dụng rộng rãi, đảm bảo nghiêm ngặt về chất lượng, nên việc áp dụng sẽ góp phần nâng cao hơn chất lượng của các sản phẩm này ở Việt Nam.

Vị này dẫn ví dụ, so sánh tiêu chuẩn VietGAP của Việt Nam và tiêu chuẩn JGAP của Nhật Bản thì JGAP có những yêu cầu nghiêm ngặt hơn về kỹ thuật, quy trình sản xuất. JGAP còn được công nhận rộng rãi trên thị trường quốc tế, đặc biệt là thị trường khó tính như EU.

Cùng với những vấn đề trên, các doanh nghiệp còn kiến nghị cơ quan chức năng cần xây dựng hệ thống tiếp nhận ý kiến, góp ý và phản hồi trực tuyến về tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật để nắm bắt nhanh ý kiến, sửa đổi phù hợp với điều kiện thực tiễn của doanh nghiệp…

Bình luận của bạn

Tin liên quan

Tin đã đăng