Xanh hóa ngành công nghiệp giấy: Bài 1 – Ngành giấy trước khủng hoảng “kép”

Tiêu thụ của ngành giấy đang chậm lại trong khi công suất lại dư thừa đang đặt ra thách thức lớn không nhỏ cho các doanh nghiệp trong ngành này.

Cung vượt cầu

2023 có thể nói là một năm khó khăn của doanh nghiệp ngành giấy dưới tác động của nguồn cung vượt xa nhu cầu trong khi nhu cầu tiêu thụ suy giảm mạnh. Ông Đặng Văn Sơn – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam cho biết, trong năm 5 trở lại đây ngành giấy của Việt Nam đã có sự phát triển vượt bậc, hiện năng lực sản xuất toàn ngành giấy lớn lên đến khoảng 8 triệu tấn/năm, trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ chỉ ở mức 5,5 – 6 triệu tấn/năm. Hiện nay cả nước có khoảng 500 doanh nghiệp hoạt động sản xuất trong ngành giấy, khoảng 90% sản lượng sản xuất trong nước là các sản phẩm giấy bao bì phổ thông phục vụ cho các ngành sản xuất công nghiệp.

“Việt Nam hiện là đất nước có sản lượng giấy bao bì phổ thông sản xuất nhiều nhất ở khu vực Đông Nam Á”, ông Đặng Văn Sơn cho biết. Dự báo năm 2023 này, tình hình hoạt động của doanh nghiệp trong ngành còn khó khăn hơn do các ngành sản xuất của Việt Nam đang suy giảm.

Cũng theo ông Sơn, cung vượt xa cầu khiến nhiều doanh nghiệp chỉ đang hoạt động khoảng 50% – 60% công suất thiết kế để duy trì sản xuất. Trong khi đó, dự báo năng lực sản xuất ngành giấy đến năm 2025 có thể tăng thêm khoảng 3 triệu tấn nữa; đồng thời tình hình dòng vốn rót vào sản xuất giấy bao bì phổ thông đang tiếp tục gia tăng. “Các doanh nghiệp đang tiếp tục tăng quy mô sản xuất, trong khi doanh nghiệp nước ngoài thuộc lĩnh vực này cũng đang tiếp tục tìm đường đầu tư vào Việt Nam”- ông Sơn nói thêm.

Điển hình như, mới đây, Công ty CP Long Hải Bến Tre đã đầu tư 1,8 ngàn tỷ đồng xây dựng Nhà máy Giao Long 3. Nhà máy này có thể giúp nâng công suất sản xuất giấy của Dohaco hơn gấp đôi vào giữa năm 2025, tương đương 370.000 tấn/năm (tương ứng với 120% công suất hiện tại). Về cơ cấu sản phẩm, ban lãnh đạo lên kế hoạch sản xuất cả những sản phẩm hiện hữu cũng như những dòng sản phẩm giấy bao bì giá trị gia tăng cao hơn.

Hay như Dự án nhà máy bột – giấy VNT19 do Công ty Cổ phần Bột – Giấy VNT19 làm chủ đầu tư. Đến nay, dự án Nhà máy bột giấy VNT-19 đã thực hiện được 75% khối lượng; trong đó đền bù, giải phóng mặt bằng đạt 95%. Dự kiến cuối tháng 12/2023 Nhà máy bột giấy VNT-19 sẽ đưa vào hoạt động thử nghiệm.

Năm 2021, thông qua Công ty TNHH Giấy Kraft Vina, một liên doanh giữa SCG và Rengo (nhà sản xuất carton lớn tại Nhật Bản), SCG quyết định triển khai một nhà máy sản xuất giấy bìa carton mới tại Khu công nghiệp Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc.

Thời điểm đó, Công ty giấy bao bì SCG Packaging của SCG thông báo sẽ đầu tư 11,79 tỷ Baht (khoảng 350 triệu USD) vào nhà máy. Với công suất thiết kế 370.000 tấn giấy bìa carton mỗi năm, dự án dự kiến vận hành thương mại vào đầu năm 2024.

Hiệp hội giấy và bột giấy Việt Nam dự báo, trong 5-10 năm tới, nhu cầu tiêu dùng giấy bao bì dự báo tăng trưởng 14-18%/năm. Do đó, kế hoạch mở rộng sản xuất của các nhà máy giấy bao bì là hướng đi khả quan. Tuy nhiên, phân khúc giấy bao bì cao cấp (tráng phủ) là “khoảng trống” mà ngành giấy cần lắp đầy, thay vì chỉ tập trung vào sản xuất các loại giấy bao bì thông thường.

Loay hoay tìm đầu ra

Tình hình bất ổn của các nền kinh tế trên thế giới do ảnh hưởng lạm phát, xung đột địa chính trị, đồng USD tăng giá, tăng lãi suất cùng các dự báo nguy cơ cao của suy thoái kinh tế toàn cầu…. đã và đang dẫn đến nhiều tác động tiêu cực cho ngành giấy.

Ông Lương Văn Thành – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đông Hải Bến Tre kể: Những tháng đầu năm 2023, đơn hàng của doanh nghiệp đã giảm khoảng 15% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, các sản phẩm bao bì carton giảm hơn 20%.

Lý giải về sự sụt giảm nói trên, ông Thành cho rằng, công ty có 2 dòng sản phẩm chính là giấy công nghiệp và bao bì carton. Các sản phẩm này chủ yếu cung cấp cho các nhà máy, và bao bì cho các doanh nghiệp xuất khẩu trái cây, thủy sản tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp này suy giảm, khiến nhu cầu sử dụng bao bì cũng suy giảm theo.

Không chỉ suy giảm về đơn hàng, mà giá thành sản phẩm cũng giảm mạnh. Nếu trước đây 1 kg giấy có giá 12.000 đồng thì nay chỉ còn 8.000 đồng/kg. “Dự báo những khó khăn này dự báo kéo dài đến hết năm 2023 khi tiêu dùng trong nước và xuất khẩu đều giảm sút”, ông Lương Văn Thành cho biết.

Câu chuyện suy giảm đơn hàng của Công ty CP Đông Hải Bến Tre cũng đang là khó khăn chung của nhiều doanh nghiệp khác. Bà Hoàng Thị Thu Hường – Giám đốc Công ty TNHH sản xuất và phát triển thương mại Đại Thành – cho biết, từ đầu năm đến nay đơn hàng của công ty giảm khoảng 30%. Trong đó, giảm mạnh nhất là giấy phục vụ ngành may mặc quần áo với mức giảm 60%, giấy vệ sinh giảm khoảng 30%….

Riêng với giấy tissue, theo bà Hường, mức tiêu thụ giấy tissue mà doanh nghiệp cung cấp cho các công ty, bệnh viện, trường học… cũng có chiều hướng giảm rõ rệt. Có đơn vị bình thường dùng 100 tấn/ tháng thì giờ dùng 30 – 40 tấn, giảm tới 60 – 70%”, bà Hường lo lắng.

Trên thực tế, ngành giấy hiện đang là ngành phụ trợ cho hầu hết các lĩnh vực sản xuất nên khi các ngành này chịu ảnh hưởng và suy giảm sẽ kéo theo sự sụt giảm trong tiêu thụ giấy. Ông Đặng Văn Sơn, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam cho hay, khoảng 90% sản lượng ngành giấy sản xuất trong nước là các sản phẩm giấy bao bì phổ thông phục vụ cho các ngành sản xuất công nghiệp. Từ tháng 9/2022 tới nay, các doanh nghiệp ngành giấy rất khó khăn do đơn hàng sụt giảm.

“Xuất khẩu giảm gần 12% trong những tháng đầu năm nay, trong đó các ngành như dệt may, giày dép giảm lần lượt 19,3% và 16,3%… khiến việc tiêu thụ sản phẩm giấy bao bì vốn chiếm tới 85% tổng sản lượng toàn ngành giấy cũng bị giảm theo. Trong bối cảnh đó, “hầu hết doanh nghiệp trong ngành chỉ còn duy trì công suất 50 – 65%”, đại diện Hiệp hội Giấy và bột giấy Việt Nam xác nhận.

Việc thị trường tiêu thụ gặp khó khiến doanh thu, lợi nhuận của các doanh nghiệp ngành giấy cũng suy giảm theo. Điển hình như tại Công ty Cổ phần Đông Hải Bến Tre, doanh thu quý 1/2023 đạt 848,4 tỷ đồng, giảm gần 18% so với cùng kỳ năm 2022. Hay Công ty CP tập đoàn HAPACO cũng ghi nhận trong quý 1 doanh thu bán hàng đạt 74,5 tỷ đồng, giảm mạnh 45,2% so với cùng kỳ năm 2022. Còn Công ty cổ phần Sadico Cần Thơ, quý 1/2023, doanh thu đạt 255,8 tỷ đồng, giảm 34,5% so với cùng kỳ năm 2022.

Nguồn: Báo Công Thương & VPPA

Dự trữ bột giấy của các nhà sản xuất trên thế giới trong tháng 4 tăng lên đến 57 ngày cung cấp

Dự trữ bột hóa thương mại của các nhà sản xuất giấy trên toàn cầu đã tăng thêm 4 ngày cung cấp trong tháng 4, đạt tổng cộng 57 ngày cung cấp, theo báo cáo của Hội đồng Sản phẩm Giấy và Bột giấy (PPPC) sáng nay. Lượng giao hàng trong tháng 4 đã giảm 7,4% so với cùng kỳ năm trước, chỉ đạt tổng cộng 3,904 triệu tấn trên toàn cầu.

Dự trữ nguyên vật liệu của các nhà sản xuất giấy trên thị trường toàn cầu đã vượt quá mức cân bằng so với từng tháng trong năm 2023, tiếp tục tăng thêm cả các loại bột gỗ mềm và gỗ cứng, kết thúc tháng 4 với một kho hàng khổng lồ. Ngoài việc tăng thêm 4 ngày so với tháng trước, dự trữ của các nhà sản xuất với 57 ngày cung cấp vượt quá mức 41 ngày cung cấp của tháng 4 năm 2022 thêm 16 ngày.

Dự trữ của các nhà sản xuất bột kraft gỗ mềm tẩy trắng (BSK) trên toàn cầu đã tăng thêm 6 ngày cung cấp trong tháng 4, đạt tổng cộng 54 ngày dự trữ. Dự trữ của các nhà sản xuất bột kraft gỗ cứng tẩy trắng (BHK) cũng đã tăng thêm 2 ngày so với tháng trước, đạt tổng cộng 61 ngày cung cấp vào cuối tháng 4.

Số lượng giao hàng bột giấy trên thị trường toàn cầu trong tháng 4 đã giảm 7,4% so với cùng kỳ năm trước, chỉ đạt 3,904 triệu tấn, đồng thời cũng giảm 13,6% so với tháng trước, theo số liệu của PPPC.

Lượng giao hàng bột giấy tẩy trắng từ gỗ thông trên toàn cầu đạt tổng cộng 1,622 triệu tấn trong tháng 4, giảm 8,1% so với lượng giao hàng cùng kỳ năm trước là 1,781 triệu tấn, và giảm 15,2% so với lượng giao hàng tháng trước là 1,913 triệu tấn.

Lượng giao hàng bột kraft gỗ cứng tẩy trắng trên toàn cầu đạt tổng cộng 2,135 triệu tấn trong tháng 4, giảm 3,5% so với cùng kỳ năm trước là 2,213 triệu tấn, và giảm 12,5% so với tháng 3 là 2,439 triệu tấn.

Tỷ lệ “giao hàng/công suất”, một chỉ số mà một số người coi là một chỉ số quan trọng của nhu cầu, đã giảm mạnh, chỉ còn 79% vào cuối tháng 4 – giảm 9 % so với con số của tháng 3 là 88%. Đồng thời cũng giảm 7% so với tỷ lệ giao hàng/công suất là 86% trong tháng 4 năm 2022, thời điểm mà trì hoãn chuỗi cung ứng ảnh hưởng đến lượng giao hàng và làm suy yếu trầm trọng nhu cầu trong thời gian đó.

Thống kê về bột hóa thương mại trên thị trường toàn cầu đại diện cho 82% công suất toàn cầu và bao gồm dữ liệu từ 17 quốc gia đang sản xuất hiện nay. PPPC đã loại bỏ thống kê bột giấy kraft của ba quốc gia vào năm 2014 do việc đóng cửa nhà máy vĩnh viễn ở Maroc, Na Uy và Swaziland. Dữ liệu vẫn được thu thập từ Na Uy về bột giấy hiệu suất cao, còn được gọi là bột giấy hóa học-nhiệt cơ.

 

Nguồn: Fast Market – Biên dịch và tổng hợp VPPA

Nhóm người biểu tình thuộc cộng đồng vì môi trường Elokapina phong tỏa nhà máy chế biến bột giấy Kymi của UPM ở Phần Lan.

Elokapina đã tổ chức một cuộc biểu tình ngày 2/5/2023, vào lúc 9 giờ sáng để ngăn sự vận chuyển của hàng hóa tại nhà máy chế biến bột giấy Kymi của UPM ở Kuusankoski, Kouvola. Những người biểu tình chặn các tuyến đường bộ và đường sắt đến nhà máy. Những người biểu tình hòa bình đã buộc mình vào nhau, buộc mình vào đường ray và thùng chứa bê tông.

Những người biểu tình đang yêu cầu UPM giảm sử dụng gỗ, tái cơ cấu ngành công nghiệp lâm nghiệp, thanh toán nợ sinh thái tại Uruguay và chấm dứt việc lừa đảo về môi trường. Các nhà hoạt động địa phương và các phong trào dân chủ tại Uruguay cũng đã kêu gọi thay đổi các thực tiễn gây hại về môi trường, xã hội và kinh tế của UPM.

Cuộc biểu tình này diễn ra sau cuộc biểu tình của Elokapina tại trụ sở UPM tuần trước đó. Phong trào đã hứa hẹn sẽ trở nên căng thẳng hơn nếu ban quản lý của công ty không đáp ứng yêu cầu của họ.

Nhóm người biểu tình thách thức sự uy tín của UPM về việc điều hành có trách nhiệm, mà họ cho rằng công ty đã xây dựng thông qua việc lừa dối về môi trường. Việc sử dụng quá mức gỗ của UPM và các tập đoàn bột giấy khác đã dẫn đến sự sụp đổ của các hố chứa carbon ở Phần Lan, điều này sẽ tốn hàng tỷ đồng cho người đóng thuế vì chính phủ Phần Lan sẽ phải mua tín dụng hố chứa carbon. UPM cũng đã gây rối các công đoàn bằng cách chuyển sang các thỏa thuận tập thể theo ngành kinh doanh, điều mà Liên đoàn Công nhân Giấy phản đối thông qua cuộc đình công dài nhất trong lịch sử Phần Lan vào năm 2022.

Các người biểu tình đến từ Elokapina cho rằng việc sử dụng gỗ phải được điều chỉnh theo mục tiêu về khí hậu và môi trường, đồng thời tăng giá trị gia tăng của sản phẩm và bảo vệ quyền lợi của công nhân.

Những người biểu tình cho biết luôn có chỗ cho sự thay đổi, nhấn mạnh rằng các tập đoàn bột giấy đã thu được lợi nhuận kỷ lục trong những năm gần đây. Cùng với việc UPM đã trả cho CEO của công ty 6,5 triệu euro trong năm 2022, gấp 123 lần mức lương của một công nhân.

“Các nhà điều hành của công ty bột giấy đã liều lĩnh tăng sản lượng, gây tổn hại môi trường. Bây giờ, trong khi thị trường yếu, ban quản lý đã sa thải công nhân và đang thảo luận về việc đóng cửa nhà máy. Tại nhà máy Kymi, việc sa thải và sự không chắc chắn đã trở thành phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày. Tái cấu trúc sẽ mang lại công việc ổn định và bền vững,” Tero Mononen, người đang chặn đường sắt, lên tiếng.

“Cùng với sự sụp đổ của các hố chứa carbon, suy giảm đa dạng sinh học và sự trì trệ của thị trường bột giấy, các tập đoàn lâm nghiệp đã đạt đến một đỉnh cao. Ban quản lý UPM phải hành động ngay, hoặc nhà nước sẽ phải can thiệp và xử lý những hành động của họ. Chúng ta cần có sự hướng dẫn công khai mạnh mẽ dựa trên khoa học và nguyên tắc đạo đức cho hoạt động và tái cấu trúc lâm nghiệp trong tương lai,” Myrsky Beloff, người bị khóa trên đường ray bổ sung thêm.

Đế chế thuộc địa tại Uruguay

Nhóm người biểu tình nhấn mạnh rằng UPM là một tập đoàn toàn cầu và hoạt động của họ gây hại trên quy mô toàn cầu. Việc sản xuất hàng loạt bột giấy và sản phẩm bột giấy có tuổi thọ ngắn gây tổn hại môi trường vẫn là ngành kinh doanh cốt lõi của UPM. UPM đã tăng công suất của mình vào những năm 2000, đặc biệt là ở các khu vực miễn thuế thuộc Uruguay, và khoảng 60% sản lượng bột giấy của công ty đã được sản suất tại Uruguay.

Vào tháng 4, UPM đã mở nhà máy bột giấy lớn nhất thế giới tại Uruguay, mặc dù gặp phải sự phản đối từ các phong trào môi trường địa phương. Với nhà máy mới này, bột giấy sẽ trở thành sản phẩm xuất khẩu chính của Uruguay. Người biểu tình lo ngại về tác động của sự sụp đổ của thị trường bột giấy đến nền kinh tế Uruguay. UPM sản xuất bột giấy xuất khẩu trực tiếp tại Uruguay, nơi giá cả đã giảm mạnh.

Các nhà hoạt động Uruguay cáo buộc UPM có tư tưởng thuộc địa: công ty khai thác lao động, đất đai và nước của Uruguay nhưng hầu như không trả thuế cho nhà nước. Nguyên liệu cho bột giấy của UPM tại Uruguay dựa trên các vườn bạch đàn độc canh vô cùng lãng phí nước, và công ty đã mua hàng trăm nghìn hecta đất cho các vườn cây này.

“UPM xâm chiếm đất đai của chúng tôi và thu lợi từ tài nguyên tự nhiên của chúng tôi mà không trả thuế, để lại đất nghèo dinh dưỡng và nguồn nước cạn kiệt. Ngày nay, Uruguay không có nước! Điều này chủ yếu là kết quả của những hành động của UPM,” Ana Filippini, người đã chiến đấu chống lại UPM tại Uruguay trong một khoảng thời gian dài.

Cùng với các nhà hoạt động Uruguay, Elokapina đang yêu cầu UPM trả lại nợ sinh thái sau nhiều thập kỷ trồng trọt gây hủy hoại và không trả thuế. Công ty phải bắt đầu trả tiền bồi thường cho việc sử dụng nước để tưới cây trồng và pha loãng khí thải của nhà máy. Công ty cũng phải ngừng mở rộng các vườn cây trồng và trả lại đất đã mua cho các nông dân. Những lợi ích thuế cho các nhà máy bột giấy và cảng bột giấy của UPM phải bị hủy bỏ. Điều này yêu cầu việc chấm dứt và đàm phán lại hiệp định bảo vệ đầu tư giữa UPM và chính phủ Uruguay.

Thực hiện trách nhiệm

Nhóm người biểu tình nhấn mạnh rằng người Phần Lan có trách nhiệm thay đổi hành vi của UPM. Công ty tạo ra lượng thuế lớn cho Phần Lan, và các cổ đông trực tiếp lớn nhất của UPM là các công ty bảo hiểm tiền hưu Phần Lan, Quỹ Tiền hưu Nhà nước và Kela.

“Quỹ tiền hưu Phần Lan và tiền của công chúng đầu tư vào UPM với số tiền hàng trăm triệu euro. Đây là một rủi ro lớn. Ngày càng có nhiều nhà đầu tư nhận ra rằng UPM không cung cấp các giải pháp cho các khủng hoảng môi trường” Jakob Wartiovaara, một người biểu tình cho biết

“Ngành công nghiệp bột giấy được hưởng lợi miễn phí từ quá trình chuyển đổi xanh. Không giống như các ngành công nghiệp khác, nó không được áp dụng giao dịch phát thải, vì vậy nó không phải trả bất kỳ khoản tiền nào cho lượng khí thải của mình. Điều này phải thay đổi: ví dụ, chính phủ Phần Lan có thể làm cho các khoản trợ cấp cho ngành công nghiệp bột giấy phụ thuộc vào việc đáp ứng các mục tiêu về thiên nhiên và khí hậu,” Elina Ilves, một người biểu tình lên tiếng.

Một số hình ảnh tại khu vực biểu tình:

Nguồn: Risi – Biên dịch và Tổng hợp VPPA

Suzano dự kiến tăng giá $30/tấn đối với bột giấy BEK ở châu Á, có hiệu lực từ ngày 1/6/2023

Việc tăng giá, sẽ có hiệu lực từ ngày 1 tháng 6, dựa trên nhu cầu và cho mục đích bổ sung, các nhà máy giấy tích hợp mua bột giấy tăng và giá bán lại có xu hướng cao hơn.

Suzano không tiết lộ giá niêm yết cho châu Á.

Chỉ số FOEX cuối cùng của Trung Quốc, được công bố vào ngày 12 tháng 5, đưa giá gỗ cứng đã tẩy trắng ở mức 474,65 USD/tấn.

Nguồn: Fast market – VPPA biên dịch và tổng hợp

Động thái mới của Ngân hàng Nhà nước

Tuần qua chứng kiến diễn biến đáng chú ý trên thị trường ngoại tệ khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giảm 50 đồng giá mua vào USD tại Sở Giao dịch từ 23.450 đồng/USD xuống còn 23.400 đồng/USD.

Đây là lần đầu tiên kể từ tháng 12/2022, NHNN thay đổi giá chào mua USD tại Sở Giao dịch. Lần gần nhất Nhà điều hành điều chỉnh tỷ giá này diễn ra vào ngày 15/12/2022 khi giá mua USD được niêm yết trở lại sau 3 tháng bỏ trống, đồng thời được tăng lên mức 23.450 đồng/USD từ mức 22.550 đồng/USD áp dụng hồi tháng 9/2022.

NHNN giảm giá chào mua USD sau khi tỷ giá USD liên ngân hàng giảm sâu dưới giá chào mua trước đó 23.450 đồng/USD (tức các ngân hàng bán USD cho nhau với giá thấp hơn giá bán cho NHNN).

Ngoài ra, trong những tháng đầu năm, NHNN đã mua được lượng lớn ngoại tệ bổ sung Dự trữ ngoại hối (trên 6 tỷ USD), đồng thời kết hợp với việc hủy thực hiện bán ngoại tệ theo các giao dịch kỳ hạn cho các ngân hàng với tổng giá trị lên đến 2,24 tỷ USD, từ đó đã góp phần đưa ra và để lại lưu thông một lượng lớn tiền VND tương ứng.

Đối với các giao dịch ngân hàng mua ngoại tệ kỳ hạn với NHNN, NHNN và các tổ chức chức tín dụng cũng đã gia hạn các giao dịch này với tổng trị giá 3,99 tỷ USD, đồng thời các tổ chức tín dụng cũng hủy mua 1,74 tỷ USD từ NHNN.

Các giải pháp nêu trên đã góp phần quan trọng vào việc tạo thanh khoản dư thừa trên thị trường, từ đó bình ổn mặt bằng lãi suất thị trường liên ngân hàng, hỗ trợ ngân hàng giảm lãi suất huy động và giảm lãi suất cho vay đối với nền kinh tế.

Động thái mới của Ngân hàng Nhà nước - Ảnh 1.

Diễn biến tỷ giá mua – bán USD tại Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước. (Nguồn: Wichart)

Việc hạ giá mua USD mới đây có thể khiến NHNN mua được ít ngoại tệ hơn, đồng nghĩa lượng tiền Đồng bơm đối ứng vào hệ thống sẽ có xu hướng giảm đi. Tuy nhiên, điều này cần đặt trong bối cảnh là một lượng lớn tín phiếu 91 ngày (110.700 tỷ đồng) bắt đầu đáo hạn từ tuần qua và sẽ kéo dài đến đầu tháng 6. Số tiền này sẽ góp phần duy trì thanh khoản hệ thống ở trạng thái dồi dào dù NHNN có thể giảm bơm VND qua kênh mua ngoại tệ.

NHNN nỗ lực giảm mặt bằng lãi suất, ổn định tỷ giá

Động thái giảm giá chào mua USD là bước đi mới nhất của NHNN trong hoạt động điều hành chính sách tỷ giá – lãi suất.

Trước đó, trong tháng 3 và tháng 4/2023, NHNN đã có hai đợt giảm lãi suất điều hành, đánh dấu sự đảo chiều về chính sách tiền tệ trong nước.

Sau các động thái của NHNN, từ tháng 3 đến nay, các ngân hàng liên tục giảm lãi suất huy động với mức giảm lên tới 0,5 – 1 điểm % ở tất cả các kỳ hạn. Hiện, hơn một nửa ngân hàng trong hệ thống đã giảm lãi suất huy động 12 tháng xuống dưới mức 8%/năm. Lãi suất cho vay chung của các ngân hàng trong cả hệ thống theo thống kê của NHNN cũng đã giảm 0,5 – 0,65% kể từ đầu năm.

Về định hướng điều hành trong thời gian tới, NHNN cho biết sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến vĩ mô, thị trường, các vụ việc liên quan đến khó khăn, đổ vỡ một số ngân hàng quốc tế, điều hành chắc chắn, chủ động, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối, kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng theo định hướng đề ra,

Tại Hội nghị ngành ngân hàng góp phần tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh vùng Đông Nam Bộ cách đây hơn một tuần, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cũng nhấn mạnh, điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng của NHNN không chỉ là giải quyết một vấn đề, điều hành đạt nhiều mục tiêu đồng thời. Vừa phải tăng trưởng tín dụng, ổn định tỷ giá, giảm lãi suất… do đó NHNN phải theo dõi sát sao, cân nhắc phối hợp các chính sách để đạt được mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô và tiền tệ.

Thống đốc cho biết, NHNN đang tiếp tục theo dõi, việc điều hành chính sách tiền tệ phải đánh đổi giữa các mục tiêu, để duy trì lạm phát thấp, ổn định tỷ giá. Đồng thời, các tổ chức tín dụng là doanh nghiệp đặc thù, có những hoạt động rủi ro lan truyền nên phải hoạt động theo quy định của NHNN nhưng phải đảm bảo an toàn hoạt động hệ thống ngân hàng. Các tổ chức tín dụng cho vay nhưng phải đảm bảo khi người dân rút tiền phải đảm bảo. Các ngân hàng cũng phải cấp tín dụng nhưng phải đảm bảo an toàn hệ thống.

Qua ý kiến phản ánh của địa phương, thời gian tới NHNN sẽ cân nhắc điều kiện nếu được thì sẽ giảm lãi suất điều hành, đồng hành cùng doanh nghiệp và người dân, tiết kiệm chi phí để giảm lãi suất.

Triển Lãm Quốc Tế Công nghiệp Giấy & Bột Giấy Lần Thứ 18 Tại Trung Quốc

Khu vực triển lãm rộng tới 10.000 mét vuông với sự tham dự của 200 đơn vị đến từ hơn 30 quốc gia. Khu triển lãm chuyên đề sẽ trưng bày các sản phẩm mới cũng như giới thiệu về công nghệ tiên tiến của ngành công nghiệp giấy & bột giấy bao gồm các loại bột giấy, giấy, công nghệ sản xuất và hóa chất giấy…

Nguồn: VPPA

>>> Xem thông tin chi tiết tại đây

Xuất khẩu giảm, ngành giấy nêu một loạt kiến nghị giúp vượt qua khó khăn

Vấn đề hoàn thuế giá trị gia tăng cũng đang gặp khó do hầu hết nguồn nguyên liệu mua từ người gom ve chai nên khó chứng minh xuất xứ hàng hóa… Đó là những vấn đề mà ngành giấy đang gặp phải.

Theo Hiệp hội Giấy và Bột giấy (VPPA), ngành giấy đang gặp những khó khăn lớn, đó là xuất khẩu giảm nhưng nhà máy vẫn phải duy trì hoạt động để giữ chân công nhân; Việt Nam xuất khẩu dăm, mảnh gỗ với khối lượng lớn nhưng ngành giất không mở được mở được nhà máy bột giấy do gặp khó khăn trong trong việc xin giấy phép; vấn đề hoàn thuế giá trị gia tăng cũng đang khó; …

Chấp nhận tồn kho cao

Theo ông Hoàng Trung Sơn, Chủ tịch VPPA, trong bốn tháng đầu năm nay tổng sản xuất giấy các loại giảm hơn 12% so với cùng kỳ năm trước. Tổng xuất khẩu giấy các loại giảm 14,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó giấy bao bì giảm tới 19,6%. Nhu cầu tiêu thụ giảm nhưng các doanh nghiệp vẫn cố gắng duy trì sản xuất chấp nhận tăng tồn kho để giữ công nhân. Dự báo tình hình này còn kéo dài đến hết năm 2023 và có thể lâu hơn.

Hiện nay, nguồn nguyên liệu các doanh nghiệp thu mua trong nước hầu hết từ người thu gom ve chai, nên rất khó chứng minh nguồn gốc để hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT). Cùng với đó, các doanh nghiệp giấy nhập khẩu gần 3 triệu tấn giấy phế liệu/năm, vì là giấy phế liệu nên gặp nhiều vướng mắc khi làm thủ tục nhập khẩu. Trong khi bên bán chỉ cho một tuần lưu container, lưu bãi nhưng thủ tục hải quan đôi khi kéo dài hơn do liên quan đến kiểm định chất lượng, dẫn đến tăng chi phí lưu container, lưu bãi có khi phải tái xuất gây thiệt hại rất lớn cho doanh nghiệp.

Năm 2022, Việt Nam xuất khẩu dăm, mảnh gỗ đạt 15,8 triệu tấn, trị giá hơn 2,8 tỷ USD, tăng gần 16,2% so với năm 2021, nhưng ngành giấy phải nhập khẩu tới hàng trăm ngàn tấn bột giấy, đặc biệt là nhập khẩu hơn 2,8 triệu tấn giấy phế liệu, do có quá nhiều khó khăn trong việc xin giấy phép mở nhà máy sản xuất bột giấy.

“Việt Nam xuất khẩu dăm, mảnh gỗ với khối lượng, còn ngành giấy thì nhập khẩu bột giấy và giấy phế liệu, nhưng xin giấy phép mở nhà máy bột giấy thì vô cùng khó khăn. Đang có một cái nghịch lý, vì vậy, VPPA đề nghị bộ, nganh liên quan hỗ trợ ngành giấy trong việc mở nhà máy bột giấy.”, Chủ tịch VAAP nói.

Xuất khẩu giảm, ngành giấy nêu một loạt kiến nghị giúp vượt qua khó khăn

Xuất khẩu giảm, ngành giấy nêu một loạt kiến nghị giúp vượt qua khó khăn

Tạo thuận lợi tối đa cho các doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh cũng như xuất khẩu

Đối với đề xuất của Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt nam, Bộ trưởng Bộ Công thương đề nghị Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính), khẩn trương xem xét tháo gỡ những khó khăn vướng mắc liên quan đến hoàn thuế VAT.

“Bởi đây là việc mà doanh nghiệp nào, hiệp hội nào cũng phản ảnh, đồng thời tiếp tục nghiên cứu tham mưu cho Quốc hội, chính phủ giảm, giãn, hoãn một số loại thuế tạo thêm nguồn lực cho các doanh nghiệp phát triển, tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp trong thủ tục thông quan tại các cửa khẩu một cách thuận lợi”, ông Diên nói.

Bà Mạnh Thị Tuyết Mai, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách – Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) cho biết, liên quan đến chính sách hoàn thuế VAT các hiệp hội ngành hàng, vấn đề này Thủ tướng Chính phủ đã có cuộc họp với các hiệp hội, Bộ Tài chính cũng có tham dự cuộc họp và đã tiếp thu ghi nhận.

“Tổng cục Thuế sẽ họp với các Ủy ban của Quốc hội rà soát các quy trình quản lý chính sách thuế liên quan đến hàng giá trị gia tăng, đảm bảo hướng dẫn tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp một cách nhanh nhất kịp thời nhất, nhưng phải đảm bảo đúng quy định của pháp luật”, bà Tuyết Mai thông tin.

Liên quan đến thời gian lưu kho, lưu bãi để kiểm tra chất lượng và kiểm dịch, ông Phùng Tới Hà, Phó trưởng phòng Cục giám sát quản lý về Hải quan (Tổng cục Hải quan) cho biết, vấn đề này liên quan đến vụ chuyên ngành chứ không phải thuộc về hải quan.

“Tuy nhiên, về thủ tục hải quan, Tổng cục Hải quan đang dự thảo và đang đi đến bước cuối cùng để sửa đổi Nghị định 08, cũng như Thông tư 3839 liên quan đến kiểm soát hải quan trong các văn bản quy phạm pháp luật, để tạo thuận lợi tối đa cho các doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh cũng như xuất khẩu”, ông Phùng Tới Hà nhấn mạnh.

Nguồn: Nguyễn Huyền – Nhipsongkinhdoanh.vn & VPPA

Lãi suất tiết kiệm rầm rộ giảm nhanh, chuyên gia lý giải vì sao lãi vay hạ chậm

Bắt đầu từ cuối tuần qua, hàng loạt ngân hàng đồng loạt giảm thêm lãi suất huy động với sự dẫn đầu của khối ngân hàng thương mại nhà nước (big 4). Theo đó, lãi suất giảm mạnh ở tất cả kỳ hạn.

Theo đó, tại kỳ hạn 3 tháng, lãi suất tại Vietcombank, VietinBank, BIDV đều chỉ còn 5,1%/năm, thấp hơn 0,3%/năm so với tuần trước. Lãi suất kỳ hạn 6-9 tháng giảm về 5,8%/năm, giảm 0,3-0,4%/năm so với tuần trước, lãi suất kỳ hạn 12 tháng giảm 0,2% về mức 7,2%/năm.

Với nhóm ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân, hàng loạt ngân hàng cũng nhập cuộc giảm lãi suất huy động trong bối cảnh thanh khoản dồi dào, nguồn vốn dư thừa. Từ tuần trước, Techcombank giảm thêm 0,2% lãi suất huy động các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên từ ngày 10/5. VPBank, TPBank cũng giảm lãi suất 0,15-0,2% cho một số kỳ hạn.

Hiện lãi suất huy động cao nhất tại các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân lớn là: 8%/năm (VPBank), 7,6%/năm (Techcombank), 7,5%/năm (MB).

Tại nhóm ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân nhỏ, lãi suất tiết kiệm cao nhất đang thuộc về ABBank với 8,8%/năm, VietABank (8,7%/năm), VietBank và GPBank (8,5%/năm)…

Lãi suất huy động liên tục giảm mạnh từ đầu tháng 2 đến nay, đặc biệt là sau khi Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất điều hành vào ngày 15/3 và 3/4. So với giai đoạn cao điểm hồi đầu năm, lãi suất huy động niêm yết tại các ngân hàng đã giảm khoảng 0,5 – 1,7% ở tất cả kỳ hạn.

Như vậy, lãi suất huy động giảm tới gần 3%/năm so với cuối năm 2022 và đặc biệt giảm mạnh trong hơn 1 tháng qua sau khi Ngân hàng Nhà nước đã 2 lần cắt giảm lãi suất điều hành.

Trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ tiếp tục đưa ra nhiều giải pháp chính sách, một mặt hỗ trợ các ngân hàng giảm lãi suất, mặt khác điều hành để tạo thanh khoản ổn định, tạo niềm tin vững chắc cho thị trường trong việc hỗ trợ các tổ chức tín dụng cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế với lãi suất cho vay hợp lý, tạo thuận lợi cho quá trình phục hồi nền kinh tế. Trên cơ sở đó, mặt bằng lãi suất huy động được dự báo sẽ tiếp tục giảm thêm.

Trong báo cáo phân tích mới đây, Công ty Chứng khoán VnDirect kỳ vọng lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng bình quân hạ về mức 7,0% trong năm 2023 và  Ngân hàng Nhà nước có thể giảm thêm lãi suất điều hành nếu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đảo chiều chính sách tiền tệ trong nửa cuối năm 2023.

Mặc dù lãi suất huy động giảm mạnh song lãi suất cho vay chưa giảm nhiều, ngoại trừ nhóm ngân hàng big 4.

Lý giải về câu chuyện lãi vay chưa hạ nhiệt nhanh bằng lãi suất tiết kiệm trong 4 tháng đầu năm, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế cho rằng, trong 4 tháng đầu năm, hệ thống ngân hàng đã phải trả lãi suất tiền gửi rất cao cho các khoản tiền gửi vào quý IV/2022 nay đến kỳ đáo hạn.

Theo TS. Cấn Văn lực, biên lãi thuần (NIM) của các ngân hàng năm ngoái là 3,5%, cao hơn mức 3,2% năm 2021. Tuy nhiên, năm nay, NIM các ngân hàng dự báo sẽ quay về mức năm 2021. Năm nay, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đều yêu cầu giảm lãi suất, hiện nay nhiều ngân hàng thương mại cũng đã tung ra các gói vay lãi suất rẻ, vừa để kích cầu tín dụng, vừa để duy trì mục tiêu lợi nhuận của mình.

Ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước cho biết, lãi suất cho vay trên thị trường hạ cần phải có độ trễ của chính sách do mỗi tổ chức tín dụng trước đó đều phải huy động với lãi suất cao, và mỗi ngân hàng có mức giảm khác nhau tùy thuộc vào giá vốn huy động đầu vào và năng lực tài chính của từng ngân hàng.

Tại báo cáo được Ngân hàng Nhà nước gửi tới Ủy ban Kinh tế Quốc hội mới đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, chênh lệch thu nhập – chi phí của hệ thống các tổ chức tín dụng  có xu hướng tăng trong thời gian qua. Tuy nhiên, tốc độ tăng của chênh lệch thu nhập – chi phí thấp hơn tốc độ tăng của tổng tài sản và vốn chủ sở hữu, nên ROA và ROE của hệ thống các tổ chức tín dụng giảm so với năm 2021, đạt mức 1,13% và 14,67% tại thời điểm tháng 12/2022.

Về cơ cấu thu nhập của các tổ chức tín dụng, thu nhập từ hoạt động tín dụng đóng góp chính vào tổng thu nhập của các tổ chức tín dụng (chiếm 79,6% tổng thu nhập). Nguồn thu từ các hoạt động phi tín dụng ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng. Theo đó, tỷ trọng của thu nhập từ hoạt động phi tín dụng so với tổng thu nhập toàn hệ thống có xu hướng tăng dần trong thời gian gần đây.

Tuy nhiên, lãi phải thu từ hoạt động tín dụng cuối năm 2022 tăng 21,4% so với cuối năm 2021, có thể ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh thực tế của các ngân hàng thương mại trong trường hợp các khoản lãi phải thu từ hoạt động tín dụng không thu được theo kế hoạch. Đồng thời, các khoản nợ xấu tiềm ẩn vẫn ở mức cao, các tổ chức tín dụng phải thực hiện trích lập dự phòng đối với các khoản nợ cơ cấu theo lộ trình quy định tại Thông tư số 03/2021/TT-NHNN có thể sẽ làm giảm lợi nhuận tại một số tổ chức tín dụng.

Nguồn: Báo đầu tư

Từ 1/7/2023: Tăng mức lương cơ sở lên 1,8 triệu đồng/tháng

Cụ thể, từ ngày 1/7/2023, áp dụng mức lương cơ sở 1,8 triệu đồng/tháng cho 9 nhóm đối tượng dưới đây:

1. Cán bộ, công chức từ Trung ương đến cấp huyện quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 4 Luật Cán bộ, công chức năm 2008 (sửa đổi, bổ sung tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức năm 2019).

2. Cán bộ, công chức cấp xã quy định tại khoản 3 Điều 4 Luật Cán bộ, công chức năm 2008 (sửa đổi, bổ sung tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức năm 2019).

3. Viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định tại Luật Viên chức năm 2010 (sửa đổi, bổ sung tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức năm 2019).

4. Người làm các công việc theo chế độ hợp đồng lao động quy định tại Nghị định số 111/2022/NĐ-CP của Chính phủ về hợp đồng đối với một số loại công việc trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập thuộc trường hợp được áp dụng hoặc có thỏa thuận trong hợp đồng lao động áp dụng xếp lương theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.

5. Người làm việc trong chỉ tiêu biên chế tại các hội được ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí hoạt động theo quy định tại Nghị định số 45/2010/NĐ-CP của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội (sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 33/2012/NĐ-CP).

6. Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ, công nhân, viên chức quốc phòng và lao động hợp đồng thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam.

7. Sĩ quan, hạ sĩ quan hưởng lương, hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ, công nhân công an và lao động hợp đồng thuộc Công an nhân dân.

8. Người làm việc trong tổ chức cơ yếu.

9. Người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn và tổ dân phố.

Nghị định chỉ rõ, mức lương cơ sở dùng làm căn cứ: Tính mức lương trong các bảng lương, mức phụ cấp và thực hiện các chế độ khác theo quy định của pháp luật đối với các đối tượng quy định; tính mức hoạt động phí, sinh hoạt phí theo quy định của pháp luật; tính các khoản trích và các chế độ được hưởng theo mức lương cơ sở.

Tiếp tục thực hiện cơ chế tài chính, thu nhập đặc thù đối với các cơ quan, đơn vị đang thực hiện các cơ chế tài chính, thu nhập đặc thù ở trung ương được cấp có thẩm quyền quy định đối với một số cơ quan, đơn vị hành chính nhà nước cho tới khi thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban chấp hành Trung ương khóa XII.

Mức tiền lương và thu nhập tăng thêm hằng tháng tính theo mức lương cơ sở 1,8 triệu đồng/tháng kể từ ngày 1/7/2023 theo cơ chế đặc thù bảo đảm không vượt quá mức tiền lương và thu nhập tăng thêm bình quân năm 2022 (không bao gồm phần tiền lương và thu nhập tăng thêm do điều chỉnh hệ số tiền lương theo ngạch, bậc khi nâng bậc, nâng ngạch).

Chính phủ trình Quốc hội xem xét điều chỉnh mức lương cơ sở phù hợp khả năng ngân sách nhà nước, chỉ số giá tiêu dùng và tốc độ tăng trưởng kinh tế của đất nước.

Nghị định số 24/2023/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2023.

Nguồn: Nhịp sống kinh tế & cafef

Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng: Cần cứu doanh nghiệp từ sớm, từ xa

Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh khi trao đổi với PV báo Tiền Phong sau bài phát biểu với nhiều thông tin gây chú ý tại phiên họp thứ 23, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2022, tình hình triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2023.

Thưa Bộ trưởng, sau báo cáo tình hình kinh tế – xã hội năm 2022 và những tháng đầu năm 2023 có nhiều thông tin đưa ra tuy “sốc” nhưng phản ánh đúng thực trạng hiện nay, ông có nhận được phản hồi gì từ cộng đồng doanh nghiệp?

Tôi không nhận được ý kiến gì xung quanh phát biểu này từ họ, chỉ có các cụ về hưu động viên.

Nhưng thực tế quá rõ, nhìn thẳng vào vấn đề để quyết liệt hơn với những giải pháp đưa ra, thưa ông?

Thực tế là như thế nhưng không ai nói. Hiện nay rất khó khăn, doanh nghiệp khánh kiệt. Tôi hay nói đùa, đừng để nhìn thấy quan tài, khiêng ra đồng mới nhỏ lệ. Lúc đó sẽ không kịp. Chúng ta nên cứu từ sớm, từ xa. Cứu doanh nghiệp bởi chính họ là cứu cánh cho nền kinh tế. Doanh nghiệp sống khỏe, nền kinh tế mới khỏe. Doanh nghiệp hắt hơi, vỡ nợ sẽ dẫn tới nhiều hệ lụy. Cho nên cần tập trung tháo gỡ cho họ từ thủ tục hành chính đến hỗ trợ vốn vay.

Bộ ngành, địa phương đá qua đá lại, đá lên đá xuống

Vậy Bộ KH&ĐT có biện pháp nào tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp một cách hiệu quả, thưa ông?

Chính phủ đưa ra nhiều giải pháp như giãn hoãn thuế, miễn giảm thuế, các nghị quyết về bất động sản, tiền tệ… Thế nhưng, chính sách tiền tệ của mình chặt quá nên nhiều doanh nghiệp khó tiếp cận. Nếu không nới room tín dụng cho nền kinh tế thì sẽ còn rất khó khăn. Dòng tiền như mạch máu, máu mà không chảy, ngưng lại là chết.

Hẳn là ông nhận được nhiều phản ánh của cộng đồng doanh nghiệp?

Bộ KH&ĐT đã họp với doanh nghiệp và không những thế, họ phản ánh qua nhiều kênh khác nhau trước tình trạng khó khăn. Tôi không tiện nêu tên những doanh nghiệp đó. Có chủ tịch tập đoàn lớn nói với tôi, phải bán bớt tài sản để duy trì uy tín thương hiệu, trả lương nhân viên, nộp tiền thuế… Nhưng đau nhất là bán giá trị, có khi chỉ còn một nửa, toàn doanh nghiệp nước ngoài vào mua bán và sáp nhập. Doanh nghiệp khổ lắm.

Thế nhưng khủng hoảng đang là câu chuyện toàn cầu, đâu riêng nước nào, thưa ông?

Sáng 9/5, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhắc lại việc năm 2022, khi TPHCM gửi, hỏi (bộ) 584 văn bản và Bộ đã trả lời 604 văn bản. Tuy nhiên, các vấn đề hỏi này đều thuộc thẩm quyền của TPHCM.

Ảnh hưởng khủng hoảng là chuyện bình thường. Doanh nghiệp không vay được tiền chấp nhận bán tài sản, bán lỗ để có dòng tiền quay vòng trong hoạt động.

Khổ cái là, doanh nghiệp tích cóp được đồng nào thì phải bán tống bán tháo, mất hết. Những doanh nghiệp lớn, chúng ta cần bảo vệ, phải giữ cho họ. Đây là thông lệ của nhiều quốc gia, dùng hết cách để cứu doanh nghiệp lớn. Trường hợp hết thuốc chữa, cơ quan chức năng mới để doanh nghiệp phá sản.

Chính phủ đã thực hiện nhiều giải pháp và đã tháo gỡ một phần. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán đã gỡ một phần; chính sách điều hành tiền tệ… Tuy vậy, lãi suất vẫn cao quá, gần 10%, chưa kể trả phí ngoài; trong khi ở nước ngoài chỉ trên 6%. Doanh nghiệp đã kêu suốt. Đơn hàng bị cắt giảm, thị trường giảm sút, thu hẹp…

Cám ơn ông!

Theo Đình Thắng – Tiền phong & Cafef