Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên (VBF) năm 2023: Doanh nghiệp tiếp tục kêu vướng

Doanh nghiệp du lịch sốt ruột

“Chúng tôi khuyến nghị Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền mở rộng chính sách miễn thị thực cho tất cả các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) cũng như có lộ trình rõ ràng và thủ tục công khai, minh bạch để thực thi chính sách này”.

Đây là một trong những khuyến nghị của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) gửi tới VBF 2023, trực tiếp là gửi tới Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Cùng với đó, EuroCham cũng khuyến nghị cấp visa miễn thị thực với thời hạn 14 ngày và có thể tăng lên tối đa 21 ngày, hoặc cấp visa tại sân bay với phí định trước không quá 20 USD/người đối với Australia và New Zealand.

Lý giải cho khuyến nghị này, EuroCham cho rằng, Australia, New Zealand cũng như các quốc gia thuộc EU là thị trường tiềm năng, có sức chi lớn (100 – 150 USD/ngày), đối với du lịch Việt Nam.

Đáng nói là, sau Covid-19, hành vi của du khách đã thay đổi, họ đi du lịch với tần suất ít hơn, nhưng dành nhiều thời gian hơn tại mỗi điểm đến. Do đó, thời gian miễn thị thực thông thường không đủ để phục hồi ngành du lịch.

“Chúng tôi khuyến nghị Việt Nam kéo dài thời hạn miễn thị thực lên 30 ngày để bắt kịp xu hướng mới trong du lịch, từ đó nâng cao khả năng thu hút khách đến Việt Nam, nhằm tối đa hóa lợi nhuận có thể đạt được từ du khách quốc tế”, EuroCham bày tỏ quan điểm.

Phòng Thương mại Australia tại Việt Nam (AusCham) cũng đồng quan điểm khi đề nghị miễn thị thực cho người mang hộ chiếu Australia giống như 25 quốc gia đã được miễn thị thực cho du lịch ngắn hạn khi xuất/nhập cảnh và quá cảnh Việt Nam.

“Nhu cầu hồi sinh ngành du lịch, kích hoạt lại lĩnh vực khách sạn là cần thiết để thu hút chi tiêu của khách du lịch, kích thích ngành du lịch đang kiệt quệ”, AusCham nhấn mạnh.

Các doanh nghiệp nhóm ngành khách sạn, du lịch cũng khuyến nghị quan tâm tới thị trường khách du lịch Trung Quốc và Ukraine, hai thị trường vốn có lượng khách khổng lồ, nhưng Việt Nam chưa có chính sách tương xứng để thu hút du khách từ các thị trường này.

Đặc biệt, EuroCham kiến nghị Chính phủ thành lập Hội đồng Du lịch Việt Nam – chịu trách nhiệm chính về hoạt động truyền thông, quảng bá du lịch Việt Nam. Hội đồng sẽ đảm bảo rằng, du lịch là một ngành kinh tế mũi nhọn, thông qua việc xây dựng quan hệ hợp tác, cập nhật chính sách du lịch và hỗ trợ các bên liên quan tại nước ngoài.

Nhiều quy định làm khó doanh nghiệp

Gửi ý kiến tới Bộ Xây dựng và Bộ Công thương trước thềm VBF 2023, EuroCham đề cập tình trạng thủ tục khác nhau, không nhất quán trong cách giải thích của các địa phương về thủ tục cấp phép xây dựng cho dự án điện mặt trời áp mái (RTS). Thậm chí, có cơ quan chức năng từ chối tiếp nhận hồ sơ do chưa hiểu hết các yêu cầu, tiêu chí kỹ thuật.

Việc thiếu hướng dẫn rõ ràng về cấp phép xây dựng cho các dự án điện mặt trời áp mái được cho là lý do chính. Theo EuroCham, để giải quyết, Bộ Xây dựng và Bộ Công thương cần phối hợp để ban hành quy trình, hướng dẫn cụ thể trên toàn quốc về cấp phép xây dựng cho các dự án điện mặt trời áp mái (RTS) dưới 1 MW và trên 1 MW.

Trong số các ý kiến, kiến nghị mà các hiệp hội doanh nghiệp gửi tới VBF 2023, những vướng mắc liên quan đến quy trình, thủ tục, sự khác biệt trong thực thi của các địa phương như với trường hợp của các dự án RTS khá lớn.

Cũng liên quan đến dự án RTS, các doanh nghiệp cho biết, việc có được giấy phép phòng cháy, chữa cháy (PCCC) mất rất nhiều thời gian, dù Cục Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ (Bộ Công an) đã có công văn hướng dẫn thẩm định, phê duyệt thiết kế PCCC hệ thống điện mặt trời mái nhà từ tháng 9/2020. Tuy nhiên, cơ quan PCCC địa phương hướng dẫn thủ tục không nhất quán, theo cách hiểu của họ, khiến quá trình thẩm định kéo dài.

Việc thay đổi quy định về PCCC cũng làm khó các doanh nghiệp khi mở rộng nhà máy đang hoạt động. Trong kiến nghị gửi tới Bộ Công an và Bộ Công thương, Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KorCham) cho biết, đang có phát sinh khi giấy phép PCCC và giấy phép hoàn công đã được cấp khi xây dựng nhà máy ban đầu mâu thuẫn với quy định hiện hành.

“Khi mở rộng nhà máy, doanh nghiệp bị buộc phải thực hiện quy định hiện hành đối với cả nhà máy đã xây dựng trước đây và vẫn đang trong quá trình vận hành. Khi áp dụng quy định, có nhiều trường hợp áp dụng cách diễn giải tùy tiện của cơ quan PCCC địa phương, dẫn đến có trường hợp mất hơn 50 ngày mới được cấp phép…”, KorCham nêu vướng mắc.

Trong danh sách khuyến nghị gửi tới VBF 2023, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tiếp tục kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành rà soát, tối ưu hóa quy trình thủ tục hành chính liên ngành, hướng tới việc tạo lập và kết nối liên thông giữa các cơ quan quản lý nhà nước về cơ sở dữ liệu doanh nghiệp; tiếp tục cải cách quy định về điều kiện kinh doanh… VCCI cho biết, theo phản ánh từ doanh nghiệp, thì sự phiền hà vẫn còn trong các lĩnh vực đất đai, xây dựng, giao thông, PCCC, môi trường, kho bạc và lao động…

Hiệp hội Doanh nghiệp Anh tại Việt Nam (BritCham) thêm một lần nữa khuyến nghị tăng cường cơ chế phối hợp liên ngành và ban hành quy trình xin giấy phép rõ ràng, bao gồm khung thời gian thực hiện cụ thể, thông tin về đường dây khiếu nại.

“Thủ tục xin giấy phép thành lập, vận hành các cơ sở giáo dục còn kéo dài, phức tạp. Các đơn vị quản lý chưa hành động phối hợp, ảnh hưởng đến sự phát triển và độ mở của lĩnh vực này với doanh nghiệp quốc tế”, BritCham nhận định.

VBF năm 2023

Diễn ra vào ngày 19/3/2023, tại Hà Nội.

Theo lịch trình, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ tham dự và phát biểu chỉ đạo Diễn đàn.

Đồng chủ trì: Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, Giám đốc khu vực IFC và Chủ tịch VBF.

Nguồn: Baodautu

Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất điều hành từ ngày 15/3

Theo đó, lãi suất tái cấp vốn giữ nguyên ở mức 6%/năm, lãi suất tái chiết khấu giảm từ 4,5%/năm xuống 3,5%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với TCTD giảm từ 7,0%/năm xuống 6,0%/năm.

Đồng thời, NHNN cũng quyết định giảm lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của TCTD đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế quy định tại Thông tư số 39/2016/TT-NHNN từ 5,5%/năm xuống 5,0%/năm; lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của Quỹ tín dụng nhân dân và Tổ chức tài chính vi mô đối với các nhu cầu vốn này giảm từ 6,5%/năm xuống 6,0%/năm.

Ngân hàng Nhà nước cho biết, bám sát nghị quyết của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng chắc chắn, chủ động, linh hoạt, hiệu quả, phối hợp hài hòa, hợp lý, chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ, phấn đấu giảm lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp, người dân để hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế.

Thời gian qua, triển vọng kinh tế toàn cầu còn nhiều bất định, lạm phát nhiều nước tiếp tục duy trì ở mức cao; tăng trưởng kinh tế trong nước còn nhiều khó khăn, nhiều chỉ số kinh tế vĩ mô tăng thấp hơn cùng kỳ. Tuy nhiên, trong bối cảnh đó lạm phát trong nước được kiểm soát, đồng thời hệ thống tổ chức tín dụng cũng đã nỗ lực tiết giảm chi phí, giảm mặt bằng lãi suất huy động, do đó để tiếp tục thực hiện chủ trương của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, giảm lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp và người dân, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quyết định điều chỉnh các mức lãi suất, có hiệu lực từ ngày 15/3/2023.

Nguồn: Cafef

Thủ tướng làm Trưởng ban Chỉ đạo cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng

Theo quyết định, Thủ tướng Phạm Minh Chính làm Trưởng ban Chỉ đạo cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng. Hai phó trưởng ban gồm Phó thủ tướng Lê Minh Khái và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng. Các thành viên là lãnh đạo một số bộ, ban, ngành.

Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo triển khai các giải pháp cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn liền với xử lý nợ xấu theo các mục tiêu, định hướng nêu tại Quyết định 689/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn liền với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 – 2025 và các văn bản sửa đổi, bổ sung.

Nghiên cứu, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ phương hướng, giải pháp xử lý những vấn đề quan  trọng, xử lý các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Quyết định 689 và các vấn đề vượt thẩm quyền bộ, ngành.

Giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, đôn đốc các bộ, ngành và địa phương xử lý các vấn đề trong phạm vi Quyết định 689 thuộc chức năng, nhiệm vụ của các bộ, ngành và địa phương. Thực hiện các nhiệm vụ khác theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu…

Trước đó, tháng 6.2022, Phó thủ tướng Lê Minh Khái đã ký Quyết định 689 phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 – 2025”.

Mục tiêu tạo bước chuyển rõ rệt, thực chất trong cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu; đến năm 2025 giảm số lượng các tổ chức tín dụng, xử lý cơ bản các ngân hàng yếu kém, không để phát sinh những ngân hàng yếu kém mới.

Cùng với đó, đẩy mạnh xử lý nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng, ngăn ngừa, hạn chế tối đa nợ xấu mới phát sinh; nâng cao năng lực tài chính của tổ chức tín dụng; ngăn ngừa tình trạng đầu tư chéo, sở hữu chéo và sở hữu có tính chất thao túng, chi phối trong các tổ chức tín dụng có liên quan.

Nguồn: baothanhnien

TIN VẮN THỊ TRƯỜNG GIẤY TRUNG QUỐC 2023.3.13

Kế hoạch ngừng hoạt động mới nhất được công bố vài ngày trước, công ty Quanzhou có hai máy giấy lớn từ tuần này sẽ dừng để bảo trì, theo tính toán công suất thiết kế, dự kiến ​​sẽ giảm sản lượng giấy sóng hòm hộp 15.000 tấn. Trước khi Quanzhou Nine Dragons đưa ra thông báo ngừng hoạt động, Dongguan Nine Dragons và Chongqing Nine Dragons đã dừng hoạt động và hai cơ sở này dự kiến ​​sẽ cắt giảm sản lượng gần 146.000 tấn vào tháng Hai và tháng Ba.

Các công ty giấy hàng đầu đã thực hiện các biện pháp để dừng máy, đối phó với giá giấy bao bì liên tục thấp kể từ năm 2023.

Theo thông tin của Zhuochuang, kể từ ngày 8 tháng 3, giá trung bình của thị trường bìa giấy phế liệu là 1576 nhân dân tệ/tấn, thấp hơn 343 nhân dân tệ/tấn so với giá cuối năm 2022, giảm 29% so với cùng kỳ năm ngoái, và cũng là mức giá thấp nhất trong năm năm qua.

Về tình hình chung của ngành vào năm 2023, Theo Xu Ling, sản lượng giấy sóng vẫn tăng 2,05 triệu tấn sản xuất mới vào năm 2023. Do đó, vẫn còn áp lực lớn đối với tổng cung. “Về phía cầu, trong bối cảnh lạm phát kinh tế toàn cầu, cùng với những yếu tố bất ổn trên thị trường quốc tế, sự phục hồi tổng thể của nhu cầu thị trường nội địa Trung Quốc vẫn cần một quá trình và dự kiến giá thị trường giấy bao bì sẽ vẫn thấp vào năm 2023.”

Nguồn: Securities Daily; Nine Dragons Paper & Thành viên Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam

Lãi suất ngày 14/3: Thêm 2 ngân hàng giảm sâu, mức 9%/năm ngày càng hiếm

Cả 2 ngân hàng này đều điều chỉnh mạnh lãi suất huy động xuống dưới 9%/năm.

NCB và Kienlongbank vừa công bố biểu lãi suất huy động mới và điều chỉnh giảm khá mạnh ở nhiều kỳ hạn.

Tại NCB, lãi suất cao nhất hiện nay chỉ còn 8,65%/năm, áp dụng cho hình thức tiết kiệm online kỳ hạn từ 15-30 tháng. Đồng thời, ngân hàng giảm 0,1%/năm kỳ hạn 6 tháng xuống 8,5%/năm. Lãi suất kỳ hạn 12 tháng cũng giảm 0,2 điểm % xuống 8,55%/năm. Lãi suất kỳ hạn 60 tháng giảm sâu xuống còn 8,2%/năm, thấp hơn trước khoảng 0,5 điểm %.

Tại Kienlongbank, lãi suất tất cả các kỳ hạn đã xuống dưới 9%/năm. Trong đó, kỳ hạn 6 tháng giảm 0,2 điểm % xuống 8,9%/năm. Kỳ hạn 12 tháng giảm 0,4 điểm % xuống 8,9%/năm. Kỳ hạn 24 tháng giảm 0,3 điểm % xuống 8,4%/năm.

Như vậy, hiện chỉ còn số ít ngân hàng niêm yết lãi suất cao nhất từ mốc 9%/năm trên thị trường.

Tại kỳ hạn 6 tháng, chỉ còn 3 nhà băng còn niêm yết mức lãi suất tiết kiệm là 9%/năm gồm VietBank, SCB, HDBank. Ngoài ra, một số nhà băng niêm yết 8,8%/năm có thể kể đến BaoVietBank, VietABank, BacABank,…

Hiện có trên 10 ngân hàng áp dụng lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 năm ở quanh mức 9%/năm. Trong đó, VietBank cao nhất với (9,2%), tiếp đến là ABBank (9,1%). SCB, BaoVietBank, OceanBank, VietABank cùng mức 9%/năm.

Kỳ hạn 24 tháng có lãi suất tiết kiệm cao nhất thị trường hiện nay. Trong đó, VietCapitalBank đang áp dụng mức 9,5%/năm cho hình thức tiết kiệm online. Ngoài ra, DongABank niêm yết 9,2%/năm cho tiền gửi dưới 200 triệu đồng, và có thể lên 9,44% nếu gửi từ 1 tỷ trở lên. Nhiều ngân hàng niêm yết trên 9%/năm cho kỳ hạn 2 năm như VietBank, OCB, ABBank, PVCombank, BacABank,…

Nhìn chung, các ngân hàng nhỏ vẫn đang dẫn đầu về lãi suất huy động trên thị trường. Trong khi ở nhóm ngân hàng lớn, hầu hết lãi suất đã điều chỉnh sâu xuống dưới 9%/năm.

Tại Techcombank, lãi suất ở tất cả các kỳ hạn từ 6 tháng trở đi đều có một mức chung. Chẳng hạn, khách VIP gửi tiền kỳ hạn 6 tháng là 8,2%/năm, và gửi 12 tháng cũng 8,2%/năm.

VPBank có lãi suất tiết kiệm cao nhất là 8,8%/năm, áp dụng với khách hàng gửi online kỳ hạn 12 tháng. Lưu ý khi gửi tiết kiệm tại VPBank, ngân hàng huy động các kỳ hạn ngắn với lãi suất cao hơn. Chẳng hạn, gửi kỳ hạn 6 tháng có lãi suất 8,4%/năm, nhưng gửi kỳ hạn 2 năm, 3 năm chỉ có lãi suất 7,3%/năm.

Tại ACB, lãi suất kỳ hạn 12 tháng là 8,6%/năm cho khách hàng gửi trên 5 tỷ đồng hình thức online. Đối với kỳ hạn 13 tháng, lãi suất là 8,7%/năm và có thể lên 9,5%/năm nếu khách hàng gửi từ 100 tỷ đồng.

Trong nhóm Big 4 (Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank), lãi suất tiền gửi cao nhất khi gửi trực tuyến là 8,2%/năm. Trong khi gửi tại quầy, cả 4 nhà băng này đều áp dụng 7,2%/năm cho kỳ hạn 12 tháng.

Nguồn: Cafef

Cuộc đua thu hút FDI: Thêm đối thủ nặng ký

Cạnh tranh thu hút FDI ngày càng gay gắt

Một thông tin quan trọng được đề cập trong Báo cáo thường niên FDI 2022, do Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) công bố mới đây, đó là Chính phủ các nước phát triển đang có xu hướng hạn chế FDI ra ngoài để tập trung nguồn lực ứng phó với tình trạng suy thoái kinh tế, gia tăng số người thất nghiệp, bảo đảm an ninh quốc gia đối với công nghệ nguồn.

Khi trình bày nội dung Báo cáo, GS-TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp FDI, cũng đã viện dẫn một loạt thông tin quan trọng để chứng minh điều này.

Chẳng hạn, Mỹ đã giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từ 25% xuống còn 21%; đồng thời cải cách thủ tục cấp phép đầu tư; đưa ra các tiêu chuẩn linh hoạt hơn nhằm nâng cao tính cạnh tranh của một số ngành công nghiệp Mỹ, như năng lượng, ô tô, nhôm, thép, áp thuế cao với hàng nhập khẩu. Thậm chí, Mỹ còn thúc đẩy “mạng lưới kinh tế thịnh vượng” nhằm kết nối các quốc gia đồng minh trong một số chuỗi cung ứng bán dẫn, dịch vụ 5G.

Trong khi đó, theo GS-TSKH. Nguyễn Mại, các nước EU đang thúc đẩy kinh tế “tự chủ chiến lược” thông qua kiểm soát nguồn vốn đầu tư ra nước ngoài. “Đức, Italia quy định kiểm soát chặt chẽ hơn đối với FDI trong các ngành quan trọng. Pháp triển khai chiến lược ‘sản xuất tại Pháp’ nhằm thúc đẩy sản xuất trong nước các ngành có giá trị gia tăng cao, như ô tô, hàng không, công nghệ số”, GS-TSKH. Nguyễn Mại cho biết.

Không những thế, cả Nhật Bản, Hàn Quốc – hai đối tác đầu tư lớn của Việt Nam – cũng đang áp dụng nhiều biện pháp quan trọng. Nhật Bản dành 2 tỷ USD hỗ trợ doanh nghiệp Nhật Bản đưa nhà máy sản xuất từ Trung Quốc về nước và khoảng 200 triệu USD để hỗ trợ doanh nghiệp Nhật Bản di chuyển nhà máy từ Trung Quốc sang nước thứ ba đối với một số ngành ưu tiên. Hàn Quốc cũng ban hành luật thu hút các doanh nghiệp đã đầu tư ở nước ngoài quay về sản xuất – kinh doanh trong nước…

“Như vậy là, dường như chúng ta đang đặt ra cả vấn đề cạnh tranh với các nước xuất khẩu đầu tư”, ông Đặng Xuân Quang, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), người có nhiều năm làm Phó cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, đã nói như vậy.

Có thể, sẽ hơi quá khi nói rằng, đây chính là những “đối thủ nặng ký” mới, nhưng rõ ràng, đó là một thực tế mà Việt Nam phải đối mặt, nhất là trong bối cảnh dòng đầu tư toàn cầu, trước mắt là trong năm 2023, được Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) dự báo tiếp tục suy giảm.

Cơ hội nào cho Việt Nam?

Cạnh tranh thu hút FDI đúng là đã ngày càng gay gắt hơn, và các “đối thủ” của Việt Nam đều đã đạt được những thành tựu quan trọng. Chẳng hạn, Indonesia năm 2022 đã thu hút được 45,6 tỷ USD vốn FDI, tăng 44,2% so với năm 2021. Đây là mức tăng trưởng FDI cao nhất thế giới vào năm ngoái. Nên nhớ, đây là số vốn giải ngân, chiếm 54,2% tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Indonesia năm 2022.

Còn Trung Quốc, mặc dù đóng cửa nền kinh tế vì Covid-19, nhưng vẫn thu hút được ngân khoản khổng lồ, lên tới 1.200 tỷ nhân dân tệ, tăng 6,3% so với năm 2021. Ấn Độ, trong tài khóa 2021 – 2022 cũng đã thu hút được 83,6 tỷ USD vốn FDI…

Việt Nam cũng đạt được con số tích cực trong năm 2022, đó là thu hút được 27,7 tỷ USD vốn đăng ký, 22,39 tỷ USD vốn giải ngân. Tuy nhiên, dòng vốn FDI vào Việt Nam đang có xu hướng chậm lại.

Dẫn lại nhận định của HSBC, Báo cáo thường niên FDI 2022 cho biết, Việt Nam là “một ngôi sao trong chuỗi cung ứng toàn cầu, chiếm được thị phần đáng kể trong nhiều lĩnh vực, bao gồm dệt may, giày dép, điện tử tiêu dùng” và cũng đã tiến lên trong chuỗi cung ứng sản phẩm, trở thành trung tâm sản xuất các sản phẩm điện tử trong hai thập niên gần đây.

Nhưng, khi mà cuộc đua thu hút FDI ngày một căng thẳng hơn, không chỉ đến từ các đối thủ truyền thống, mà còn cả các “đối thủ nặng ký” mới, Việt Nam buộc phải hành động quyết liệt hơn.

“Trong cuộc khảo sát của chúng tôi, 100% doanh nghiệp phản hồi cho rằng, Chính phủ Việt Nam cần nhanh chóng rà soát, điều chỉnh kịp thời chính sách đầu tư nước ngoài cho phù hợp, theo kịp biến động của kinh tế toàn cầu và những thay đổi trong chiến lược thu hút FDI của các nước trên thế giới”, GS-TSKH. Nguyễn Mại cho biết.

GS-TSKH. Nguyễn Mại nhấn mạnh, để cạnh tranh thu hút FDI, hàng loạt vấn đề Việt Nam phải cải cách, như vấn đề về tham nhũng, cải cách thủ tục hành chính, chất lượng cơ sở hạ tầng, chất lượng cung cấp dịch vụ công…

Chưa kể, trọng tâm chính sách cũng phải điều chỉnh. Nếu muốn thu hút nhiều hơn các tập đoàn đa quốc gia trong các lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ tương lai, thì theo GS-TSKH. Nguyễn Mại, cần đề ra các quy định mới về chính sách ưu đãi, thủ tục đầu tư, phương thức tiếp cận nhà đầu tư để thích ứng với yêu cầu của từng đối tác và từng dự án….

“Chính sách ưu đãi đầu tư cần được sửa đổi, bổ sung để thích ứng với định hướng thu hút FDI mới và cuộc cạnh tranh trong khu vực… Bên cạnh đó, cũng cần sửa đổi, bổ sung pháp luật có liên quan đến cơ chế thuế tối thiểu toàn cầu – một vấn đề cấp bách hiện nay, để ứng phó có hiệu quả, vừa tăng nguồn thu ngân sách, vừa tạo môi trường pháp lý hấp dẫn đối với nhà đầu tư quốc tế”, GS-TSKH. Nguyễn Mại khuyến nghị

Trong khi đó, bà Delphine Rousselet, Giám đốc điều hành EuroCham đề cập đến 3 điểm gây cản trở dòng vốn đầu tư từ châu Âu vào Việt Nam. Đó là thiếu rõ ràng trong các quy định, thủ tục hành chính, và visa cho người nước ngoài.

“Nếu Việt Nam có thể cải thiện tốt hơn về thủ tục hành chính, sẽ thu hút được nhiều nhà đầu tư nước ngoài hơn”, bà Delphine Rousselet nói.

Còn ông John Rockhold, Chủ tịch AmCham Hà Nội thì cho rằng, cần tháo gỡ các vấn đề về lãi suất vay vốn đối với đầu tư cho tăng trưởng xanh, để các nguồn lực tỷ USD từ Mỹ có thể đầu tư vào các lĩnh vực năng lượng xanh, logistics, kết cấu hạ tầng ở Việt Nam.

Hiện nay, theo ông John Rockhold, lãi suất lên tới 2 con số là “không thuận lợi” cho các nhà đầu tư.

Hậu Covid-19, kinh tế toàn cầu khó khăn, các vấn đề về xung đột địa – chính trị, Nga – Ukraine, tỷ suất lợi nhuận giảm và xu hướng nhiều nước tiếp tục tăng cường các biện pháp nhằm sàng lọc FDI để bảo vệ các doanh nghiệp chiến lược thoát khỏi sự thâu tóm của nước ngoài… chính là điều được Báo cáo thường niên FDI 2022 chỉ ra như là những nguyên nhân cơ bản khiến dòng đầu tư toàn cầu đi chậm lại trong những năm vừa qua.

Khi “miếng bánh” nhỏ lại, cạnh tranh hẳn nhiên ngày càng gay gắt hơn. Nhất là khi, theo GS-TSKH. Nguyễn Mại, bên cạnh Trung Quốc, thì Ấn Độ, Indonesia đang nổi lên là “đối thủ” đáng gờm trong thu hút FDI của Việt Nam.

Nguồn: Baodautu

Lãi suất ngày 13/3: Thêm ngân hàng giảm lãi suất cho vay, gửi tiền kỳ hạn 6 tháng tại HDBank lãi cao nhất thị trường

Lãi suất huy động kỳ hạn 6 tháng

Hiện chỉ còn một số ít ngân hàng gồm VietBank , SCB , HDBank cùng mức 9%/năm.

Đáng chú ý tại HDBank, lãi suất kỳ hạn 6 tháng cao hơn nhiều kỳ hạn 7-9 tháng dù những kỳ hạn này phải gửi tiền lâu hơn. Cụ thể, lãi suất kỳ hạn 7-9 tháng của HDBank chỉ 6,9%/năm, tức thấp hơn tới 2,1% so với kỳ hạn 6 tháng.

Có khá nhiều ngân hàng đang niêm yết lãi suất kỳ hạn 6 tháng ở mức 8,8%/năm như BaoVietBank , OceanBank , BacABank , DongABank .

Thấp hơn một chút sẽ có sự xuất hiện của một vài ngân hàng lớn, chẳng hạn như VPBank và ACB cùng mức 8,4%/năm.

Lãi suất ngày 13/3: Thêm ngân hàng giảm lãi suất cho vay, gửi tiền kỳ hạn 6 tháng tại HDBank lãi cao nhất thị trường - Ảnh 1.

Lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng

Có khá nhiều ngân hàng đang niêm yết lãi suất kỳ hạn 12 tháng cao nhất trong tất cả các kỳ hạn. Hiện có trên 10 ngân hàng áp dụng lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 năm ở quanh mức 9%/năm. Trong đó, VietBank cao nhất với (9,2%), tiếp đến là ABBank (9,1%). SCB, BaoVietBank, OceanBank, VietABank cùng mức 9%/năm.

Các ngân hàng có lãi suất cao tiếp theo vẫn chủ yếu là ngân hàng nhỏ như Saigonbank , BacABank, NamABank, VietCapitalBank,….Ngoài ra có sự xuất hiện 2 ngân hàng tư nhân lớn là HDBank và VPBank, với lãi suất niêm yết ở mức 8,8%/năm ở kỳ hạn này.

Các ngân hàng có lãi suất cao tiếp theo có thể kể đến ACB (8,6%), SHB (8,5%), MSB (8,4%),…

Nhóm Big 4 (VietinBank, Vietcombank, BIDV, Agribank) và MB, Eximbank thấp nhất thị trường, áp dụng dưới mức 8%/năm.

Lãi suất ngày 13/3: Thêm ngân hàng giảm lãi suất cho vay, gửi tiền kỳ hạn 6 tháng tại HDBank lãi cao nhất thị trường - Ảnh 2.

Lãi suất huy động kỳ hạn 24 tháng

Ngân hàng có lãi suất huy động cao nhất ở kỳ hạn này đang là VietCapitalBank, niêm yết 9,5%/năm cho hình thức tiết kiệm online. Ngoài ra, DongABank niêm yết 9,2%/năm cho tiền gửi dưới 200 triệu đồng, và có thể lên 9,44% nếu gửi từ 1 tỷ trở lên.

Nhiều ngân hàng niêm yết trên 9%/năm cho kỳ hạn 2 năm như VietBank, OCB, ABBank, PVCombank, BacABank,…

Ở nhóm quy mô lớn, những ngân hàng có lãi suất tiền gửi cao nhất kỳ hạn 2 năm có thể kể đến SHB (8,5%), Sacombank (8,5%), Techcombank (8,2%), MB (8,2%),…

VPBank đứng top trong nhóm ngân hàng lớn về kỳ hạn 12 tháng nhưng kỳ hạn 24 tháng lại thuộc nhóm thấp nhất. Lãi suất kỳ hạn 2 năm của nhà băng này chỉ ở mức 7,3%/năm, nhỉnh hơn một chút so với nhóm Big 4.

Lãi suất ngày 13/3: Thêm ngân hàng giảm lãi suất cho vay, gửi tiền kỳ hạn 6 tháng tại HDBank lãi cao nhất thị trường - Ảnh 3.

Lãi suất huy động kỳ hạn 36 tháng

Tại kỳ hạn 36 tháng, DongABank có lãi suất cao nhất thị trường với 9,44%/năm, áp dụng cho khách hàng gửi từ 1 tỷ đồng trở lên. VietBank, VietCapitalBank và OCB cùng niêm yết 9,3%/năm.

Nhìn chung, TOP 15 ngân hàng có lãi suất cao nhất ở kỳ hạn này đều là các ngân hàng nhỏ. Nếu xét trong nhóm ngân hàng quy mô lớn, Sacombank và SHB có lãi suất cạnh tranh nhất, lần lượt 8,6%/năm và 8,5%/năm.

Lãi suất ngày 13/3: Thêm ngân hàng giảm lãi suất cho vay, gửi tiền kỳ hạn 6 tháng tại HDBank lãi cao nhất thị trường - Ảnh 4.

Thêm ngân hàng giảm lãi suất cho vay

Lãi suất huy động hạ nhiệt, có thêm một số ngân hàng công bố gói cho vay ưu đãi thời gian gần đây. Ngoài ra, các ngân hàng cũng đang rục rịch điều chỉnh lãi suất cơ sở cho các khoản vay.

Từ ngày 10/3, Saigonbank triển khai Gói vay ưu đãi hạn mức 1.000 tỷ với mức lãi suất thấp hơn đến 1,5%/năm so với lãi suất cho vay thông thường dành cho khách hàng là doanh nghiệp xuất khẩu.

Sacombank thay đổi biểu lãi suất cơ sở từ ngày 6/3. Trong đó, lãi suất kỳ hạn trung dài hạn là 10%/năm, lãi suất 4-6 tháng là 9,3%/năm, kỳ hạn 1-3 tháng là 6,3%/năm.

Nguồn: Nhịp sống thị trường

Chính phủ giao NHNN xem xét chỉ đạo giãn nợ, điều chỉnh hệ số rủi ro trong lĩnh vực BĐS

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.

Tại Nghị quyết này, Chính phủ đã giao Ngân hàng Nhà nước (NHNN) một số nhiệm vụ quan trọng nhằm hỗ trợ thị trường bất động sản.

Theo đó, Chính phủ yêu cầu NHNN khẩn trương nghiên cứu xây dựng báo cáo Chính phủ trình Quốc hội hồ sơ xây dựng dự án Luật Tổ chức tín dụng (sửa đổi) theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp tại Công điện số 1156/CĐ-TTg ngày 12/12/2022 của Thủ tướng Chính phủ nhằm cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế, góp phần tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững, tập trung tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng kinh tế, trong đó có nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.

Bên cạnh đó, Chính phủ yêu cầu NHNN điều hành chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt, hiệu quả, tăng trưởng tín dụng hợp lý, đảm bảo thanh khoản cho hệ thống ngân hàng trong mọi trường hợp, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế.

Xem xét chỉ đạo các tổ chức tín dụng rà soát, phân loại dự án bất động sản để có các biện pháp xử lý phù hợp (như giãn nợ gốc, lãi vay, cơ cấu lại nhóm nợ…) theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng, đồng thời nỗ lực tiết giảm chi phí hoạt động để có dư địa giảm lãi suất cho vay đối với nền kinh tế, trong đó có người mua nhà và các dự án bất động sản, góp phần tháo gỡ khó khăn về vốn tín dụng cho doanh nghiệp.

Chỉ đạo các tổ chức tín dụng tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ đầu tư dự án bất động sản, người mua nhà tiếp cận nguồn vốn tín dụng; tiếp tục dành vốn tín dụng cho các dự án bất động sản đủ điều kiện pháp lý, có khả năng tiêu thụ sản phẩm và đảm bảo kế hoạch trả nợ; nhất là các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở phù hợp với thu nhập của người dân và các loại hình bất động sản phục vụ mục đích sản xuất, kinh doanh, an sinh xã hội có hiệu quả cao, có khả năng trả nợ và phát triển theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 1164/CĐ-TTg ngày 14/12/2022 về tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản và phát triển nhà ở.

Chỉ đạo các tổ chức tín dụng đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, tiềm năng của từng dự án và loại hình phân khúc bất động sản như bất động sản nhà ở phù hợp thu nhập người dân, nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; bất động sản công nghiệp, du lịch, văn phòng,…để xem xét điều chỉnh các điều kiện cho vay mà không đánh đồng chính sách với các dự án có những rủi ro.

Đồng thời, Chính phủ cũng giao NHNN xem xét điều chỉnh phù hợp hệ số rủi ro đối với các phân khúc bất động sản khác nhau; rà soát các quy định liên quan đến cho vay, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp cho đồng bộ, phù hợp với chính sách phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp của Chính phủ.

Nguồn: Nhịp sống thị trường

Lãi suất huy động giảm nhiệt liệu lãi suất cho vay có giảm tương ứng?

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 31 phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2023, trong đó Chính phủ yêu cầu cần giảm mặt bằng lãi suất cho vay, tăng khả năng tiếp cận vốn của người dân, DN, bảo đảm lãi suất hợp lý, hiệu quả và phù hợp với yêu cầu kiểm soát lạm phát. Trong khi đó, ngày 6/3, các ngân hàng thương mại (NHTM) đã đồng loạt giảm lãi suất huy động tiền đồng từ 0,2 – 0,6%/năm ở các kỳ hạn, trong khi thị trường chờ đợi ngân hàng giảm lãi vay xuống nhanh hơn.

Theo như thỏa thuận trước đó giữa các ngân hàng, kể từ ngày 6/3, các NHTM cổ phần sẽ giảm toàn bộ 0,5%/năm lãi suất huy động so với bảng lãi suất hiện hành. Riêng nhóm 4 NHTM Nhà nước giảm lãi suất vào khoảng 0,2% so với mức lãi suất hiện hành tính từ ngày 27/2. Các kỳ hạn giảm áp dụng ở 6 – 12 tháng. Đây là “làn sóng” giảm lãi suất huy động lần 2 của các ngân hàng. Trước đó, các ngân hàng đưa ra mức lãi suất huy động tối đa không quá 9,5%/năm. So với cuối năm 2022, lãi suất huy động tiết kiệm của các ngân hàng hiện nay giảm từ 1 – 2%/năm.

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Tổng giám đốc Ngân hàng Vietcombank đánh giá, việc hạ lãi suất lần này căn cứ vào nhiều yếu tố khách quan, như mặt bằng lãi suất trên thế giới khá cao và lạm phát hiện nay khá lớn, chưa hết nhịp tăng, do vậy so với năm ngoái có tăng thêm vài % vẫn thấp hơn nhiều so với thế giới.

“Thị trường lãi suất hiện là thị trường cạnh tranh, khách hàng có thể chịu được mức lãi suất đó và đảm bảo các ngân hàng hoạt động có hiệu quả. Vì vậy, trong nửa đầu năm mức lãi suất có thể vẫn ở mức cao, đến cuối năm khi tình hình thế giới dịu bớt, lãi suất có thể bắt đầu giảm xuống”, ông Tùng cho biết.

Theo báo cáo của các NHTM, trong tháng 2/2023, mặt bằng lãi suất đã ổn định và thực tế lãi suất trên thị trường đã có xu hướng giảm, đã có 22 NHTM giảm lãi suất cho vay bình quân. Mặt bằng lãi suất giảm dần và lãi huy động có xu hướng đi xuống thế nhưng lãi cho vay hiện nay giảm khá chậm. Lãi suất cho vay phát sinh mới đã giảm bình quân khoảng 0,4%/năm so với cuối năm 2022, duy trì từ 10 – 15%/năm tùy theo khoản vay. Đặc biệt, những khách hàng vừa tính lại lãi suất cho vay từ đầu năm 2023 thì gần như bị “treo” ở mức 15 – 16%/năm.

Ông Từ Tiến Phát, Tổng Giám đốc Ngân hàng Á Châu ACB cho rằng, lãi suất huy động và cho vay sẽ có xu hướng giảm trong quý I hoặc quý II năm nay. “Theo nhận định chung, lãi suất bắt đầu giảm từ quý I và quý II có thể sẽ nhiều hơn, tuy nhiên vẫn có những yếu tố bên ngoài bất ngờ sẽ ảnh hưởng đến tỷ giá và lãi suất huy động. Tuy nhiên các ngân hàng vẫn có niềm tin trong thời gian tới lãi suất huy động sẽ giảm, dẫn tới lãi suất cho vay sẽ giảm”, ông Phát nhận định.

Chứng khoán Vndirect phân tích, kỳ vọng lãi suất huy động sẽ đạt đỉnh trong quý I và sau đó giảm dần kể từ quý II, dựa trên những dự báo Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) sẽ ngừng tăng lãi suất điều hành sau quý II, theo đó áp lực lên tỷ giá đồng Việt Nam có thể hạ nhiệt đáng kể trong nửa sau của năm 2023. NHNN tích cực hỗ trợ thanh khoản thị trường thông qua các kênh thị trường mở, mua dự trữ ngoại hối, nhu cầu tín dụng chậm lại trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế giảm tốc và thị trường bất động sản ảm đạm.

Ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó Tổng giám đốc, Công ty CP Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam nhận định, trong thời gian tới, áp lực từ FED tăng lãi suất không còn quá lớn, kể từ quý II trở đi có thể mặt bằng lãi suất sẽ giảm dần. Thanh khoản trong hệ thống được cải thiện, hoạt động kinh doanh chung của các DN trong nước cũng như thế giới được phục hồi và đó sẽ là thời điểm để tình hình lãi suất giảm.

Theo các chuyên gia, lãi suất huy động có thể giảm nhẹ trong năm nay. Tuy nhiên, kinh tế, tiết kiệm vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn nhất, ít nhất là cho hết quý I/2023. Bởi lẽ, với mức tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa (GDP) hơn 8%, chỉ số giá tiêu dùng cả nước (CPI) kiểm soát dưới 4% trong năm 2022, trong khi lãi suất huy động có ngân hàng lên tới trên 9%/năm, người gửi tiết kiệm vẫn có lãi thực dương.

Tiến sĩ Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách Tài chính, Tiền tệ quốc gia đánh giá, với những diễn biến trong nước và thế giới như hiện nay, các DN cần bình tĩnh, yên tâm hơn vì theo dự báo sắp tới FED tăng lãi suất nhưng sẽ dịu dần.

Cũng nhiều ý kiến cho rằng, lãi suất khó có thể giảm mạnh khi NHNN khả năng cao sẽ phải giữ nguyên lãi suất điều hành do áp lực tỷ giá và lạm phát vẫn hiện hữu, tăng trưởng tín dụng được định hướng ở mức cao 14% đòi hỏi các ngân hàng sẽ phải cân đối nguồn vốn./.

Nguồn VOV

Chấn chỉnh ngay tình trạng thanh tra, kiểm tra quá mức cần thiết với doanh nghiệp

Theo nội dung Nghị quyết số 31/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2023, Chính phủ cho biết, năm 2022 và những tháng đầu năm 2023, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt việc tháo gỡ rào cản, khó khăn, vướng mắc đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh với tinh thần đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân; tiếp tục duy trì các chương trình cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh. Trên một số bảng xếp hạng quốc tế năm 2022, thứ hạng của Việt Nam tiếp tục được cải thiện so với năm trước, chất lượng môi trường kinh doanh chuyển biến tích cực hơn.

Tuy nhiên, một số chỉ tiêu về môi trường đầu tư, kinh doanh của nước ta được cải thiện nhưng chưa bền vững, chất lượng, thứ hạng còn thấp hoặc không được cải thiện, thậm chí suy giảm; còn nhiều quy định của pháp luật chưa thống nhất, phù hợp và khả thi, còn nhiều điều kiện kinh doanh vẫn là rào cản đối với doanh nghiệp, làm cho các nguồn lực chưa được khơi thông, sử dụng hiệu quả.

Để tiếp tục thúc đẩy cải cách, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao tổ chức triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp được Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị tại Báo cáo 1463/BC-BKHĐT nêu trên; trong đó chú trọng một số nội dung sau:

1. Tiếp tục xác định cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh là nhiệm vụ trọng tâm, phải được tiến hành thường xuyên, liên tục, có trọng tâm, trọng điểm; tập trung hoàn thiện chính sách, pháp luật về đầu tư, kinh doanh, trong đó chú trọng vào các quy định liên quan đến đầu tư nước ngoài, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số doanh nghiệp nhỏ và vừa, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, chống biến đổi khí hậu.

2. Tích cực rà soát, kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, cắt giảm các thủ tục hành chính rườm rà, không cần thiết để giảm chi phí tuân thủ, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính của người dân và doanh nghiệp; đề xuất cắt giảm danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh theo đúng chủ trương của Chính phủ. Không quy định thêm các điều kiện tạo rào cản cho đầu tư, kinh doanh. Nghiêm cấm các cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức đưa ra các yêu cầu bổ sung về hồ sơ, giấy tờ thực hiện thủ tục hành chính trái hoặc không có quy định.

3. Đẩy mạnh tiếp nhận, giải quyết và nâng cao chất lượng, triển khai thực chất các dịch vụ công trực tuyến. Nhanh chóng áp dụng dịch vụ công trực tuyến toàn trình đối với các thủ tục hành chính có tần suất sử dụng cao và đủ điều kiện. Tích cực hỗ trợ, khuyến khích, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến.

4. Cập nhật, công khai chính xác, đầy đủ, kịp thời quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh trên Cổng tham vấn và tra cứu quy định kinh doanh, phục vụ người dân, doanh nghiệp; bảo đảm 100% dự thảo văn bản quy phạm pháp luật có quy định liên quan hoạt động kinh doanh được tham vấn, lấy ý kiến và phản hồi ý kiến của hiệp hội, doanh nghiệp trên Cổng. Đề nghị các hiệp hội, doanh nghiệp, người dân chủ động, tích cực tham gia phản biện, đóng góp ý kiến, phản ánh các vấn đề vướng mắc, khó khăn, đề xuất kiến nghị chính sách để bảo đảm hiệu quả quản lý nhà nước, đồng thời tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.

5. Đẩy mạnh tuyên truyền với cộng đồng doanh nghiệp trong nước và nước ngoài về đường lối, chủ trương, chính sách và những thành tựu phát triển kinh tế – xã hội và những cam kết mạnh mẽ của Việt Nam về duy trì, cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh để thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài, củng cố niềm tin của các nhà đầu tư.

6. Chấn chỉnh ngay tình trạng thanh tra, kiểm tra chồng chéo, quá mức cần thiết khi không có dấu hiệu vi phạm với mục tiêu hướng dẫn để doanh nghiệp thực thi pháp luật tốt hơn, không gây khó cho doanh nghiệp.

7. Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư theo dõi, đôn đốc tình hình thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; hằng quý thực hiện báo cáo về tình hình và kết quả thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về vấn đề này; hằng tháng cập nhật các thông tin liên quan (nếu có).

8. Giao Văn phòng Chính phủ hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, triển khai cơ chế một cửa, một cửa liên thông; phát huy hiệu quả cao hơn nữa các trung tâm phục vụ hành chính công trong giải quyết thủ tục hành chính và dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia; phát huy vai trò của Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ trong đối thoại, nắm bắt các khó khăn, vướng mắc của người dân, doanh nghiệp để chủ động, kịp thời báo cáo, đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giải pháp tháo gỡ.

Nguồn: Baodautu