Biến động giá bột giấy tại thị trường Trung Quốc

Các nhà sản xuất giấy đang kỳ vọng giá giấy sẽ tăng trong tương lai, sau khi các lệnh phong tỏa vì Covid-19 được nới lỏng và tồn kho giảm bớt.

Năm 2021, các nhà sản xuất lớn ở Trung Quốc đã khởi chạy nhiều máy xeo mới với tổng công suất 10,7 triệu tấn/năm, sản xuất giấy các loại làm từ bột giấy nguyên thủy, như bìa ngà tráng phủ, giấy cao cấp và giấy tissue.

Giá bột giấy kraft gỗ mềm tẩy trắng (BSK) giao sau đáo hạn tháng 9 tăng 12 NDT/tấn trong nửa đầu tháng 6/2022, đạt mức 928 USD/tấn sau khi trừ 13 % VAT và 120 NDT/tấn chi phí logistics.

Giá bột giấy kraft gỗ mềm tẩy trắng phương Bắc (NBSK) không thay đổi. Cụ thể, giá BSK Canada và Bắc Âu lần lượt ở mức 990-1.030 USD/tấn và 980-1.030 USD/tấn.

Giá trung bình của loại bột này ổn định ở mức 1.008 USD/tấn.

Tuy nhiên, giá bán lại bột BSK tăng 11 NDT/tấn, đạt 968 USD/tấn sau khi trừ VAT và 150 NDT/tấn chi phí logistics.

Nguyên nhân chính giá bột tăng là do nguồn cung giảm, khan hiếm bột BSK trên thị trường. Một số nhà cung cấp lớn như Ilim, Mercer cắt giảm sản lượng và chuyển đổi sản xuất bột BSK sang bột UKP.

Các nhà máy lớn đã tiếp tục mua một khối lượng lớn bột kraft gỗ cứng tẩy trắng (BHK) theo hợp đồng.

Nhờ đó, giá BHK Nam Mỹ đã tăng 30 USD/tấn, lên mức 830-840 USD/tấn. Giá BHK Nga ổn định ở mức 780-830 USD/tấn, sau khi tăng 30 USD/tấn cách đây hai tuần.

Theo RISI, một lượng lớn bột giấy đã cập cảng Trung Quốc khi tình trạng phong toả ở nước này giảm bớt. Tại cảng Thanh Đảo, bảy tàu lớn chở bột giấy đã được dỡ hàng vào cuối tháng Năm.

Tổng lượng bột giấy tại các kho ở cảng Thanh Đảo đã tăng từ 1,467 triệu tấn vào ngày 23/5 lên 1,545 triệu tấn vào ngày 6/6, tăng 78.000 tấn hay 5,3% chỉ trong hai tuần.

Tại cảng Changshu, tổng lượng bột giấy tồn kho đã tăng 99.000 tấn, tương đương 18,7%, lên 629.000 tấn./.

     >>> Thử nghiệm lớp bảo vệ thực phẩm làm từ sợi: Hướng tới kinh tế tuần hoàn ít phát thải

Theo Fastmarkets RISI

VPPA dịch

Thử nghiệm lớp bảo vệ thực phẩm làm từ sợi: Hướng tới kinh tế tuần hoàn ít phát thải

Thử nghiệm bảo vệ thực phẩm làm từ sợi, Tetra Pak đang tiến dần tới việc thẩm định giải pháp mới, hướng tới tạo ra vỏ hộp giấy sử dụng vật liệu tái tạo hoàn toàn và có thể tái chế với mục tiêu thực hiện cam kết trung hòa khí nhà kính.

Trong nỗ lực dài hạn hướng tới những đổi mới đột phá, thúc đẩy hoạt động thiết kế ra các sản phẩm có thể tái chế, việc gia tăng hàm lượng giấy của vỏ hộp là ưu tiên hàng đầu của Tetra Pak. Điều này cũng đáp ứng kỳ vọng của người tiêu dùng. Dựa trên nghiên cứu toàn cầu gần đây, khoảng 40% người tiêu dùng cho biết “các vỏ hộp được làm hoàn toàn từ giấy, không chứa nhựa hoặc nhôm” sẽ được họ ưu tiên phân loại để tái chế hơn nhiều lần.

Hợp tác chặt chẽ với một số khách hàng của mình, Tetra Pak thử nghiệm một lớp màng bảo vệ làm từ sợi dành cho các vỏ hộp giấy tiệt trùng. Lô thử nghiệm đầu tiên gồm các sản phẩm dùng thử hiện đang được bày bán trên kệ để người tiêu dùng trải nghiệm. Việc thẩm định công nghệ này dự kiến được thực hiện vào cuối năm 2022.

Phó Chủ tịch phụ trách Khí hậu & Đa dạng sinh học, Tetra Pak – Gilles Tisserand – cho biết: “Kết quả ban đầu cho thấy vỏ hộp có màng bảo vệ từ sợi sẽ giúp làm giảm đáng kể lượng phát thải CO2 so với các vỏ hộp giấy tiệt trùng truyền thống, đồng thời đảm bảo thời hạn sử dụng và đặc tính bảo vệ thực phẩm tương đương.

Hướng tới mô hình kinh tế tuần hoàn ít phát thải carbon, Tetra Pak đang nỗ lực để sử dụng nguyên liệu tái sinh và giảm phát thải trong toàn bộ chuỗi giá trị của mình. Đích đến mà công ty hướng tới là tăng tỷ lệ sử dụng nguyên liệu tái sinh lên tới 100%.

    >>> Đề xuất đưa tái chế thành ngành công nghiệp ưu tiên

Theo báo Công thương

VLA: Cần tạo điều kiện tối đa cho vận tải thủy nội địa phát triển

Đó là một trong hai đề xuất của Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) Hội đồng nhân dân TP Hồ Chí Minh trình nhằm hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục và phát triển sản xuất, giảm chi phí logistics, thúc đẩy phát triển vận tải đường thủy nội địa.

Mới đây, VLA vừa có văn bản trả lời Sở GTVT TP. Hồ Chí Minh góp ý sửa đổi, bổ sung khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều 1 Nghị quyết số 10/2020/NQ-HĐND ngày 9/12/2022 (dự thảo Nghị quyết) về vận tải thủy nội địa với mục tiêu giảm dần sự phụ thuộc vào vận tải đường bộ, giảm ùn tắc, tai nạn giao thông và cải thiện môi trường trên địa bàn Thành phố.

Cụ thể, trong khoản 1 Điều 3 dự thảo Nghị quyết có điều khoản “Miễn thu phí đối với hàng hóa tạm nhập tái xuất, hàng gửi kho ngoại quan, hàng hóa quá cảnh, hàng chuyển khẩu, hàng xuất nhập khẩu vận chuyển hoàn toàn bằng đường thủy nội địa qua Campuchia”. Ở đây, VLA bỏ từ “hoàn toàn” để tránh gây khó khăn, vướng mắc cho đơn vị tổ chức triển khai thực hiện trong việc xác định đối tượng miễn, giảm phí, đồng thời vẫn đảm bảo tính rõ ràng về mặt nội dung chính sách trong Nghị quyết của HĐND.

Đặc biệt, trong văn bản góp ý này, VLA đề nghị giảm 94,2% thay vì 50% đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu được vận chuyển hoàn toàn bằng phương tiện thủy nội địa như dự thảo Nghị quyết đề cập. Lý giải điều này, Hiệp hội cho biết, mức giảm 50% không phù hợp với thực tiễn, đồng thời đưa ra căn cứ pháp lý và thực tiễn của hoạt động vận tải thủy nội địa để lý giải đề xuất giảm 94,2%.

Hiện nay phương tiện thủy nội địa vận chuyển hàng xuất khẩu, nhập khẩu chủ yếu sử dụng 03 tuyến vận tải thủy nội địa đi qua địa bàn của Thành phố Hồ Chí Minh, gồm: Tuyến Campuchia (S.Thị Vải – Đồng Tranh – S.Lòng Tàu – S.Soài Rạp – Rạch lá – Tắc Sông Trà – Kênh Chợ Gạo – Sông Tiền – CPC); Tuyến Cái Mép – ĐBSCL (S. – Đồng Tranh – S.Lòng tàu – S.Soài Rạp – Rạch lá – Tắc Sông trà – Kênh Chợ gạo S.Tiền – Kênh Măng Thít – S.Hậu); Tuyến Cái Mép – TP Hồ Chí Minh (S.Thị Vải – S.Đồng Tranh – S.Lòng tàu – S.Soài rạp – S.Đồng Nai – Rạch Bà Cua ( CLGN ) – S.Sài Gòn (ICDs).

Trong 3 tuyến vận tải thủy chính trên, phương tiện thủy nội địa vận chuyển hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu chỉ sử dụng tổng cộng 21,6 km hạ tầng đường thủy TP Hồ Chí Minh là: Tắc Sông Trà (dài 1,3 km), Rạch Lá (dài 13,9 km) và Rạch Bà Cua (dài 6,4 km). Theo dự thảo tờ trình gửi HĐND TP. Hồ Chí Minh, Sở GTVT đã nêu hạ tầng kết nối cảng biển TP Hồ Chí Minh bao gồm 361,25 km (trong đó 185 km đường thủy và 176,25 km đường bộ).

Tuy nhiên vận tải đường thủy nội địa chỉ sử dụng 21,6 km (chiếm tỷ trọng 5,98%) trong tổng số 361,25 km hạ tầng kết nối đến cảng biển của thành phố. Như vậy, mức giảm phí đối với hàng hóa được vận chuyển bằng phương tiện thủy nội địa phải là 94,02% mới đảm bảo phù hợp với quy định của Luật Phí, lệ phí và mức độ sử dụng của vận tải đường thủy nội địa.

Bên cạnh đó, tình hình giá dầu thế giới hiện nay đang tăng cao, diễn biến phức tạp, là một khó khăn rất lớn cho sự phục hồi sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Vì vậy, việc xem xét của Sở về đề xuất giảm tối đa chi phí vận tải thủy đối với hàng hóa xuất nhập khẩu rất có ý nghĩa trong hoàn cảnh hiện tại.

Đánh giá về những nỗ lực của TP.Hồ Chí Minh trong việc kết nối với các Hiệp hội, doanh nghiệp góp thêm tiếng nói để hoàn thiện Nghị quyết HĐND, VLA nhấn mạnh: Sở GTVT TP Hồ Chí Minh đã thực sự cầu thị, quan tâm xem xét các kiến nghị, đề xuất chính đáng của cộng đồng doanh nghiệp nói chung cũng như các doanh nghiệp dịch vụ Logistics tại Việt Nam nói riêng. Đề xuất này của Sở phù hợp với cam kết của Chính phủ Việt Nam tại Hiệp định tạo thuận lợi về vận tải đường thủy ký với Chính phủ Hoàng gia Campuchia ngày 17/12/2009, đúng với tinh thần chỉ đạo của Chính phủ và phù hợp với mong muốn của cộng đồng doanh nghiệp.

     >>> Bản tin ngành Giấy tháng 5/2022

Theo báo Diễn đàn Doanh nghiệp

“Ma trận” thanh tra và điểm nghẽn của môi trường kinh doanh

Đại biểu Quốc hội Vũ Tiến Lộc (Hà Nội) nhấn mạnh tại phiên thảo luận về dự án Luật Thanh tra (sửa đổi), ngày 13/6.

Theo đại biểu Vũ Tiến Lộc, vấn đề được cộng đồng doanh nghiệp phản ánh rất nhiều. Hiện tượng có nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra, thậm chí có đến hàng chục đoàn đến cùng một địa điểm trong một năm và cùng một vấn đề thì không phải là chuyện lạ.

Những năm gần đây, thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, đặc biệt là Nghị quyết 35 hay là Chỉ thị 20 hay gần đây là Chỉ thị 11, thì công tác thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp đã có nhiều chuyển biến, đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp.

Tuy nhiên, đại biểu Vũ Tiến Lộc cho rằng các quy định pháp luật trong lĩnh vực này vẫn còn bất cập. Cho nên, yêu cầu xóa bỏ sự chồng chéo, trùng lặp và nâng cao chất lượng các hoạt động thanh tra, kiểm tra vẫn còn là một vấn đề và chưa được giải quyết tận gốc, vừa gây áp lực đối với cơ quan thanh tra, kiểm tra, lại vừa gây khó dễ cho người dân và doanh nghiệp.

Mặt khác, việc chuyển trọng tâm của công tác quản lý và chuyển phương thức quản lý từ tiền kiểm sang hậu kiểm cũng đặt ra thay đổi trong tư duy của công tác thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp thời gian tới.

“Trong bối cảnh đó, tôi rất hoan nghênh Chính phủ đã trình ra Quốc hội dự thảo Luật Thanh tra lần này theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phân định rạch ròi hơn trách nhiệm của các cơ quan thanh tra, kiểm tra. Đặc biệt là tăng cường sự phối hợp để có thể giảm được sự chồng chéo. Đây là điểm rất quan trọng và tôi rất hy vọng Quốc hội sẽ thông qua luật này trong kỳ họp sau để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân, doanh nghiệp và cũng nâng cao chất lượng công tác của chúng ta trong lĩnh vực này”, đại biểu Vũ Tiến Lộc nói.

Bên cạnh việc đánh giá cao cách tiếp cận tổng thể và những thiết kế cụ thể của dự luật theo các hướng nêu trên, đại biểu Vũ Tiến Lộc cũng có một số băn khoăn.

ma-tran-thanh-tra-va-diem-nghen-cua-moi-truong-kinh-doanh
Đại biểu Quốc hội Vũ Tiến Lộc (Hà Nội).

Thứ nhất, về tên của Luật Thanh tra. Năm 2010 chúng ta gọi là Luật Thanh tra, trong Luật Thanh tra bao gồm Thanh tra Nhà nước và Thanh tra nhân dân. Thế nên, bây giờ vẫn giữ nguyên tên là Luật thanh tra, nhưng lại chuyển nội dung về thanh tra nhân dân sang một dự luật khác là thực hiện dân chủ ở cơ sở. Như vậy tôi nghĩ không phù hợp.

Giả sử, chúng ta có định đưa sang như vậy thì trong dự luật này cũng phải nói riêng quy định về thanh tra nhân dân sẽ được quy định tại Luật thực hiện dân chủ cơ sở. Nhưng tôi vẫn nghĩ là không nên, vì Thanh tra nhân dân cũng là một chế định rất quan trọng, phát huy vai trò làm chủ của nhân dân cùng với Thanh tra Nhà nước trong lĩnh vực này.

Thứ hai, trong khi đưa ra Luật Thanh tra, đề cập đến khái niệm Thanh tra Nhà nước chúng ta lại nói luật này quy định thanh tra nhà nước. Nhưng khái niệm chúng ta nói rằng đây là xem xét, là đánh giá, là xử lý việc thực hiện chính sách pháp luật và việc thực hiện quyền hạn, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật, của cá nhân, tổ chức.

Nhưng ở đây chủ yếu nói thanh tra trong hệ thống hành chính, thanh tra của các cơ quan chính quyền. Như vậy, có thanh tra trong các cơ quan lập pháp và tư pháp hay không? Bởi vì thanh tra định nghĩa ở đây bao gồm xem xét, đánh giá và xử lý thì tôi cho rằng trong cả hai nhánh kia cũng có những nhiệm vụ này.

Thứ ba, trong khi đưa ra định nghĩa về thanh tra nhà nước, chúng ta nói xem xét, đánh giá, xử lý, nhưng nói thanh tra nhà nước bao gồm thanh tra chuyên ngành và thanh tra hành chính.

Nhưng trong thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành lại bỏ đi chữ “xử lý”. Nó chỉ còn là xem xét và đánh giá. Tôi thấy có sự mâu thuẫn giữa nội hàm của khái niệm mà chúng ta đưa ra ở đây. Cho nên tôi đề nghị nên xem xét lại điều chỉnh các khái niệm này, càng chính xác, càng nhất quán, càng minh bạch thì càng tốt.

Thứ tư, tôi rất hoan nghênh bỏ thiết chế về thanh tra thường xuyên. Bây giờ chỉ còn thanh tra theo kế hoạch và thanh tra đột xuất. Tôi đề nghị trong bối cảnh mới, một trong những chủ trương quan trọng của cải cách hành chính là thực hiện nguyên tắc quản lý rủi ro.

Chúng ta thực hiện thanh tra, kiểm tra hay bất cứ hoạt động tiền kiểm nào đều được thực hiện theo nguyên tắc rủi ro, chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm, chuyển mạnh sang nguyên tắc quản lý rủi ro. Trong trường hợp như vậy chúng ta nên có những quy định để thanh tra theo kế hoạch phải tìm cách hạn chế đến mức cần thiết để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.

Chúng ta có đủ các cơ chế, đủ cách thức để thực hiện kiểm tra hậu kiểm và kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm. Cho nên, việc thực hiện một cách triệt để nguyên tắc quản lý rủi ro và chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm phải là một tư tưởng xuyên suốt trong khi chúng ta thiết lập hệ thống thanh tra cũng như là thực hiện các chương trình thanh tra, kiểm tra ở mọi cấp.

Tôi đề nghị tăng cường việc phối hợp giữa cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán trong bộ máy nhà nước để có thể sử dụng những kết quả của nhau, đặc biệt là thông qua việc xây dựng các cơ sở dữ liệu, thực hiện được kinh tế số và quản trị số trong nền kinh tế hiện nay, để làm sao cơ quan thanh tra, kiểm tra khi đến các đơn vị là đã nắm được tất cả các số liệu cũng như kết luận của các cơ quan đã có trước.

Chúng ta có nguyên tắc để các cơ quan đến sau phải chấp nhận theo những nguyên tắc nào đó những kết quả các cơ quan khác đã đưa ra. Còn họ được đi sâu vào lĩnh vực này, làm thêm lĩnh vực khác, đưa ra những quyết định khác thì cũng cần phải chế định rõ trong các quy định trong luật cũng như văn bản khác, để đảm bảo rằng công tác thanh tra, kiểm tra vừa đảm bảo nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước lại tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp trong việc tiến hành các hoạt động sản xuất, kinh doanh.

    >>> Bản tin tháng 5/2022

Theo báo Diễn đàn Doanh nghiệp

Tăng lương tối thiểu vùng cho người lao động từ 1/7/2022

Nghị định này quy định mức lương tối thiểu tháng và mức lương tối thiểu giờ áp dụng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động.

Đối tượng áp dụng gồm:

1- Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động theo quy định của Bộ luật Lao động.

2- Người sử dụng lao động theo quy định của Bộ luật Lao động gồm: Doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp; cơ quan, tổ chức, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân có thuê mướn, sử dụng người lao động làm việc cho mình theo thỏa thuận.

3- Các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến việc thực hiện mức lương tối thiểu quy định tại Nghị định này.

Tăng tiền lương tối thiểu vùng thêm 6%

Về mức lương tối thiểu tháng, Nghị định quy định các mức lương tối thiểu tháng theo 4 vùng: Vùng I tăng 260.000 đồng, từ 4.420.000 đồng/tháng lên 4.680.000 đồng/tháng. Vùng II tăng 240.000 đồng, từ 3.920.000 đồng/tháng lên 4.160.000 đồng/tháng. Vùng III tăng 210.000 đồng từ 3.430.000 đồng/tháng lên 3.640.000 đồng/tháng. Vùng IV tăng 180.000 đồng từ 3.070.000 đồng/tháng lên 3.250.000 đồng/tháng.

Mức lương tối thiểu nêu trên tăng bình quân 6% (tương ứng tăng từ 180.000 đồng – 260.000 đồng) so với mức lương tối thiểu hiện hành.

Về mức lương tối thiểu giờ, Nghị định cũng quy định các mức lương tối thiểu giờ theo 4 vùng: vùng I là 22.500 đồng/giờ, vùng II là 20.000 đồng/giờ, vùng III là 17.500 đồng/giờ, vùng IV là 15.600 đồng/giờ.

Việc áp dụng địa bàn vùng được xác định theo nơi hoạt động của người sử dụng lao động.

Nghị định cũng nêu rõ mức lương tối thiểu tháng là mức lương thấp nhất làm cơ sở để thỏa thuận và trả lương đối với người lao động áp dụng hình thức trả lương theo tháng, bảo đảm mức lương theo công việc hoặc chức danh của người lao động làm việc đủ thời giờ làm việc bình thường trong tháng và hoàn thành định mức lao động hoặc công việc đã thỏa thuận không được thấp hơn mức lương tối thiểu tháng.

Mức lương tối thiểu giờ là mức lương thấp nhất làm cơ sở để thỏa thuận và trả lương đối với người lao động áp dụng hình thức trả lương theo giờ, bảo đảm mức lương theo công việc hoặc chức danh của người lao động làm việc trong một giờ và hoàn thành định mức lao động hoặc công việc đã thỏa thuận không được thấp hơn mức lương tối thiểu giờ.

Đối với người lao động áp dụng hình thức trả lương theo tuần hoặc theo ngày hoặc theo sản phẩm hoặc lương khoán thì mức lương của các hình thức trả lương này nếu quy đổi theo tháng hoặc theo giờ không được thấp hơn mức lương tối thiểu tháng hoặc mức lương tối thiểu giờ.

Nghị định trên có hiệu lực từ ngày 1/7/2022.

    >>> HSBC Việt Nam cấp tín dụng xanh cho Đông Hải Bến Tre

Theo Báo mới

HSBC Việt Nam cấp tín dụng xanh cho Đông Hải Bến Tre

Ngân hàng HSBC Việt Nam vừa cấp khoản tín dụng thương mại xanh dành cho Công ty Cổ phần Đông Hải Bến Tre (DOHACO). Đây là một bước đi nhằm hiện thực hóa cam kết của ngân hàng trong việc hỗ trợ thu xếp đến 12 tỉUSDtài trợ trực tiếp và gián tiếp cho các dự án bền vững của Việt Nam và doanh nghiệp tại Việt Nam đến năm 2030.

Ngành giấy Việt Nam có rất nhiều triển vọng vì châu Á, thị trường xuất khẩu giấy chính của Việt Nam, đang được xem là trung tâm sản xuất – tiêu dùng của thế giới với nhu cầu ngày càng tăng cao. Tăng trưởng sản lượng giấy năm 2021 là 8%, đạt 5,45 triệu tấn, trong khi tổng tiêu dùng giấy đạt 5,242 triệu tấn và xuất khẩu giấy đạt 1,532 triệu tấn.

Bà Stephanie Betant, Giám đốc toàn quốc Khối Dịch vụ Ngân hàng doanh nghiệp, HSBC Việt Nam, chia sẻ: “Hoạt động tái chế giấy và tiêu thụ các sản phẩm làm từ giấy tái chế đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ ngành công nghiệp giấy giảm lượng khí thải carbon. Ngành công nghiệp này tại Việt Nam có tiềm năng kinh tế rất to lớn, và HSBC rất tự hào có thể hỗ trợ chuỗi cung ứng của ngành trong hoạt động thu mua giấy tái chế”.

Khoản tín dụng thương mại ngắn hạn trị giá 200 tỷ đồng đánh dấu sự hợp tác đầu tiên giữa HSBC Việt Nam và DOHACO, một doanh nghiệp đã niêm yết chuyên sản xuất giấy carton và bao bì carton. Khoản tín dụng này đã vượt qua quy trình xét duyệt tín dụng xanh vô cùng nghiêm ngặt của HSBC và sẽ giúp DOHACO nhập khẩu hoặc mua giấy thải từ các nhà cung cấp trong nước để làm nguyên liệu chính cho quá trình sản xuất các sản phẩm làm từ giấy.

Ông Lương Văn Thành, Chủ tịch HĐQT DOHACO, phát biểu: “DOHACO vô cùng hoan nghênh chính sách hỗ trợ của HSBC đối với những doanh nghiệp “xanh”. Hy vọng rằng DOHACO và HSBC Việt Nam sẽ tiếp tục đồng hành cùng nhau trong thời gian tới, vì mục tiêu chung nâng cao ý thức bảo vệ môi trường và phát triển bền vững”.

Cả DOHACO và HSBC đều có chiến lược chuyển đổi rõ ràng trong việc chuyển đổi sang cân bằng phát thải, đồng thời chia sẻ tầm nhìn và định hướng trong chiến lược phát triển bền vững. Khoản tín dụng xanh này ghi dấu nỗ lực của HSBC Việt Nam trong việc hỗ trợ đa dạng cho các lĩnh vực khác nhau trong toàn bộ nền kinh tế, cũng như khuyến khích các doanh nghiệp trong nước tham gia nhiều hơn vào hoạt động xanh hóa ngành sản xuất và nền kinh tế Việt Nam.

    >>> Nghị Quyết của Hội nghị lần thứ VII Ban chấp hành Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam

Theo báo Nhịp cầu Đầu tư

Hội nghị lần thứ VII Ban chấp hành Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam

Tham dự Hội nghị lần thứ VII gồm có Ban Chấp hành nhiệm kỳ VI (2018-2023) bao gồm các Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội, một số Ủy viên Ban Chấp hành Chi hội I và Chi hội II và khách mời của Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam.

Ông Đặng Văn Sơn – Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam báo cáo sơ kết hoạt động của Văn phòng Hiệp hội năm 2021, phương hướng hoạt động năm 2022 và một số nội dung thảo luận tại hội nghị như: Tình hình thị trường, hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư của các doanh nghiệp trong nước, công tác chuẩn bị cho tổ chức các Hội thảo chuyên ngành; Hội nghị toàn thể và Hội thảo kỹ thuật Ngành giấy năm 2022; Chương trình xây dựng chiến lược Ngành giấy giai đoạn 2025-2030 và tầm nhìn đến năm 2045…

Mặc dù do ảnh hưởng của dịch covid kéo dài, nhưng Văn phòng Hiệp hội vẫn hoạt động bình thường và thực hiện các công tác thường xuyên, duy trì đều đặn công tác thông tin, truyền thông, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho hội viên. Các ấn phẩm như Bản tin kinh tế Ngành, Tạp chí, Website của Hiệp hội vẫn được phát hành đều đặn. Thực hiện tốt vai trò làm cầu nối giữa doanh nghiệp với các cơ quan quản lý nhà nước. Văn phòng Hiệp hội tích cực hỗ trợ, tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn cho các hội viên trong hoạt động sản xuất kinh doanh, như: tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong bối cảnh dịch covid; góp ý kiến nghị đối với Luật Bảo vệ môi trường 2020; kiến nghị gia hạn giấy phép nhập khẩu giấy phế liệu làm nguyên liệu sản xuất; gia hạn lắp đặt hệ thống quan trắc môi trường tự động; kiến nghị đơn giản trình tự thủ tục kiểm tra, giám định chất lượng và thông quan phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất; thay đổi quy định về mức xả thải và cơ quan giám định; loại bỏ các chỉ tiêu dioxin và fural ra khỏi danh mục xét nghiệm đối với nước thải của các nhà máy sản xuất giấy từ nguyên liệu giấy thu hồi và bột giấy nguyên sinh… và nhiều nội dung khác.

Ban Chấp hành Hiệp hội đã nhất trí việc thực hiện tổ chức sự kiện lớn của Ngành Giấy trong năm 2022 đó là: Hội nghị toàn thể hội viên và Hội thảo kỹ thuật Ngành Giấy (tháng 9/2022). Văn phòng Hiệp hội sẽ sớm gửi nội dung chương trình và thư mời tới các Hội viên và các tổ chức quan tâm.

Tại hội nghị lần này, Ban Chấp hành cũng thảo luận về thời điểm và công tác chuẩn bị để tổ chức Đại hội toàn thể hội viên nhiệm kỳ VII trong năm 2023. Phân công công tác chuẩn bị cho các Bộ phận trù bị cho Đại hội nhiệm kỳ VII.

    >>> Nghị Quyết của Hội nghị lần thứ VII Ban chấp hành Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam

Một số hình ảnh của buổi họp:

VPPA

Bản tin tháng 5/2022

Trong bản tin số 5 – tháng 5/2022 bao gồm:

1. Giá xuất – nhập khẩu bột giấy và giấy

2. Tình hình sản xuất – kinh doanh ngành giấy trong nước

3. Tin tức đầu tư 

APP Trung Quốc cắt giảm công suất giấy tissue và giấy đồ họa

Giấy Mỹ Hương khởi động máy xeo duplex tráng lưng xám ở Việt Nam

Công ty B&B Triplewall của Ấn Độ khởi chạy máy xeo giấy đầu tiên vào năm 2023

    >>> Xem BẢN TIN VPPA tháng 5/2022

Thị trường bột giấy Trung Quốc, giá BHK tăng

Giá bột BSK giao ngay và giao sau trong tháng 6 vẫn ổn định. Tuy nhiên, đối với bột BHK, thì các công ty Suzano, Arauco và Ilim Group đã tăng 30 USD/tấn, mức giá niêm yết lần lượt là 865 USD/tấn và 830 USD/tấn.

Giá bột BSK giao sau tháng 9 (sp 2209) giảm 211 NDT/tấn, chốt ở mức 942 USD/tấn vào ngày 26/5, sau khi trừ 13% thuế giá trị gia tăng và 120 NDT/tấn chi phí hậu cần.

Giá bán lại bột NBSK đã giảm 63 NDT/tấn xuống mức 964 USD/tấn. Tuy nhiên, giá bột NBSK nhập khẩu vẫn không thay đổi.

Cụ thể, giá NBSK của Canada và Bắc Âu lần lượt đứng ở mức 990-1.030 USD/tấn và 980-1.030 USD/tấn, và giá trung bình ở mức 1.008 USD/tấn.

Với mức giá nhập cao như vậy, nên các công ty sẽ bị lỗ nếu muốn bán lại NBSK.

Giá bột gỗ thông Radiata ổn định ở mức 980-1.010 USD/tấn. Ilim Group (Nga) đã lại chào bán bột giấy hóa học cho tháng 6 sau khi tạm dừng chào hàng trong tháng 5.

Giá bột BSK của Ilim chào bán ở mức 1.000 USD/tấn. Giá ròng của NBSK không đổi ở mức 940-980 USD/tấn. Mặc dù giữa tháng 4/2022, giá bột BHK Nam Mỹ bán lại đã giảm xuống còn khoảng 772 USD/tấn, nhưng các công ty lớn đã mua một khối lượng lớn bột thương phẩm nên đã đẩy giá thị trường tăng. Giá bán lại BHK Nam Mỹ hiện ở mức 862 USD/tấn, sau khi trừ VAT và 150 NDT/tấn chi phí hậu cần. Giá BHK Nam Mỹ do đó được định giá ở mức 800-840 USD/tấn, tăng 30 USD/tấn. Giá BHK của Nga tăng 30 USD/tấn lên 780-830 USD/tấn./.

    >>> Mỹ duy trì thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp

Theo Fastmarkets RISI

VPPA dịch

Mỹ duy trì thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp

Các sản phẩm bị áp thuế là giấy tráng phấn dạng tờ, có độ sáng GE từ 80 trở lên và định lượng không quá 340 g/m² trừ giấy đã in nội dung hoàn chỉnh hoặc đồ họa.

Loại giấy tráng nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ vẫn phải chịu mức thuế chống bán phá giá dao động từ 3,64% đến 135,84% và thuế chống trợ cấp từ 19,46% đến 202,84%.

Các nhà xuất khẩu Indonesia sẽ tiếp tục phải chịu mức thuế chống bán phá giá 20,13% và thuế chống trợ cấp 17,94%.

Quyết định của ITC được đưa ra sau đợt rà soát lần thứ hai kéo dài 5 năm về thuế quan đối với giấy tráng phấn nhập khẩu từ Trung Quốc và Indonesia được đưa ra vào tháng 12 năm ngoái.

Lần đầu tiên Mỹ áp đặt thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp đối với giấy tráng phấn nhập khẩu từ Trung Quốc và Indonesia vào năm 2010.

Lần xem xét đầu tiên về các thuế này bắt đầu vào tháng 10 năm 2015. Các lệnh áp dụng chính thức được gia hạn vào tháng 1 năm 2017 thêm 5 năm nữa./.

    >>> Đông Hải Bến Tre: CEO đăng ký mua 475.000 cổ phiếu, muốn nâng sở hữu lên 8,71%

Theo Fastmarkets RISI

VPPA dịch