Chiến tranh Nga-Ukraine và ảnh hưởng đối với ngành công nghiệp giấy và bột giấy của châu Âu
Kể từ khi cuộc tấn công quân sự của Nga vào Ukraine bắt đầu, mọi thứ đã thay đổi nhanh chóng và đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế, xã hội nói chung và đối với ngành công nghiệp giấy và bột giấy ở Ukraine, Nga, châu Âu và thế giới nói riêng. Xung đột vũ trang sẽ gây nên hậu quả to lớn về kinh tế vĩ mô và địa chính trị, khiến cho các nước tại khu vực sẽ gặp căng thẳng về kinh tế và tình hình xã hội.
Chiến tranh kéo dài, sẽ gây tác động lớn đến kinh tế, tăng trưởng kinh tế suy giảm. Các biện pháp trừng phạt ngày càng tăng đối với Nga sẽ tác động mạnh đến nhiều nền kinh tế trên toàn cầu, đặc biệt là châu Âu. Ước tính ban đầu cho thấy tổng sản phẩm quốc nội của Nga giảm tới 5%, và có thể sụt giảm hơn nữa khi có nhiều lệnh trừng phạt hơn được áp dụng.
Ở Ukraine, theo Hiệp hội các nhà sản xuất giấy và bìa của Ukraine (Ukrpapir), ngành công nghiệp giấy và bìa (P&B) của Ukraine đã đi vào bế tắc. Hầu như tất cả các nhà sản xuất đã phải dừng hoạt động do chiến tranh.
Hơn nữa, các công ty vận tải biển lớn đang tránh xa các cảng của Ukraine và nhiều công ty trong số họ cũng đang tránh cả cảng Nga. Bao gồm One Network, MSC, Hapag-Lloyd và Maersk, cùng chiếm khoảng một nửa năng lực vận chuyển container toàn cầu, tiếp tục bóp nghẹt chuỗi cung ứng trong khu vực.
Chiến tranh đang ảnh hưởng đến mọi lĩnh vực sản xuất tại Ukraine. Danh sách các công ty ngừng hoạt động ở Ukraine đang tăng lên mỗi ngày, bao gồm các công ty như Japan Tobacco Inc, Coca Cola, Nestle, Carlsberg, Ferrexpo Plc, AB InBev và ArcelorMittal, cùng nhiều công ty khác.
Đối với sản xuất và thương mại giấy và bìa, ảnh hưởng của Ukraine đối với thị trường toàn cầu sẽ khá nhỏ, ngay cả đối với châu Âu. Ukraine có công suất khoảng 1,2 triệu tấn – bao gồm khoảng 750.000 tấn giấy bao bì hòm hộp (containerboard) – chiếm chưa đến 2% công suất giấy và bìa ở châu Âu. Hầu hết sản lượng của Ukraine phục vụ thị trường nội địa, xuất khẩu chỉ chiếm một lượng nhỏ.
Về khía cạnh thương mại, Nga là nước xuất khẩu lượng lớn giấy in báo, kraftliner và giấy từ bột hóa không tráng phủ. Tuy nhiên, kể từ năm 2014, thương mại sản phẩm giấy giữa Nga và Ukraine đã giảm đi rất nhiều.
Hàng năm, Nga nhập khẩu từ khoảng 800.000-900.000 tấn giấy và bìa (phần lớn từ EU), trong đó chủ yếu là bìa gấp hộp 30% và giấy in cao cấp 25%, so với nhu cầu sử dụng. Trong khi đó, hàng năm Nga xuất khẩu một lượng tương tự sang EU (chủ yếu là giấy kraftliner, giấy in báo và giấy từ bột hóa không tráng phủ).
Giả định rằng các hạn chế thương mại sẽ dẫn đến việc loại bỏ giấy và bìa từ Nga, thì EU có thể bị thiếu hụt giấy trong ngắn hạn ở một số phân khúc – đặc biệt là kraftliner (khoảng 180.000-200.000 tấn kraftliner mỗi năm). Tuy nhiên, lượng thiếu hụt này có khả năng sẽ được bù đắp bởi các dự án khác tại châu Âu (Stora Enso Oulu), Bắc Mỹ hoặc Brazil.
Các hạn chế thương mại cũng sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu của châu Âu sang Nga, mặc dù Nga chỉ chiếm một tỷ trọng nhỏ trong tổng xuất khẩu của EU, nhưng bìa gấp hộp (boxboard) là loại sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất vì Nga chiếm tới 20% xuất khẩu của EU.
Về mặt bột giấy, cùng với các yếu tố giá năng lượng tăng cao, mức tăng trưởng GDP giảm sút và đồng đô-la Mỹ mạnh lên (gây tiêu cực cho bột giấy do giao dịch bằng đô-la Mỹ).
Thị trường xuất khẩu bột giấy chính của Nga là Trung Quốc (gần 60% trong năm 2021) và dự báo không có tác động nào đến khu vực này. Nga chiếm khoảng 4% xuất khẩu bột giấy toàn cầu. Tuy nhiên, Nga chiếm tới 22% thị phần thương mại toàn cầu đối với gỗ ván xẻ từ gỗ mềm và gỗ tròn sản xuất bột giấy, có thể sẽ trở thành một vấn đề lớn đến nguồn cung gỗ.
Hiện nay, tác động lớn nhất đối với nền kinh tế châu Âu và ngành công nghiệp giấy và bột giấy của EU liên quan chính đến giá năng lượng và tỷ lệ lạm phát. Về mặt năng lượng, châu Âu hiện nhập khẩu khoảng 35-40% lượng khí đốt tự nhiên từ Nga, do đó, cuộc chiến ở Ukraine có thể sẽ gây rủi ro cho nguồn cung khí đốt cho EU.
Nhất là đối với các nước phụ thuộc nhiều vào khí đốt của Nga hiện nay, chẳng hạn như Bắc Âu, Ba Lan, Cộng hòa Séc, Ý và Đức. Kể từ khi cuộc xung đột xảy ra, giá khí đốt tự nhiên ở châu Âu đã tăng nhanh chóng, đạt gần 160/megawatt-giờ, một trong những mức cao kỷ lục trong năm qua (https://tradingeconomics.com/commodity/eu-natural-gas).
Xét về khía cạnh lạm phát, bên cạnh chi phí vận tải tăng do giá khí đốt tự nhiên và giá dầu cao, có thể sẽ có một làn sóng lạm phát đối với các mặt hàng như thép, nhôm và ngũ cốc. Ukraine là nhà cung cấp ngũ cốc lớn thứ hai thế giới… Hơn nữa, xung đột kéo dài, các biện pháp trừng phạt gia tăng đối với Nga sẽ tiếp tục thúc đẩy giá hàng hóa cao hơn. Nga là nhà cung cấp chính dầu thô, khí đốt tự nhiên, lúa mì, ngô, lúa mạch, hướng dương, phân bón và kim loại như nhôm…/.
>>> Nhu cầu và giá cả OCC nhập khẩu tại Đông Nam Á tiếp tục tăng cao
Theo Fastmarkets RISI
Đăng nhập để bình luận.