Chủ tịch Agribank: Có những doanh nghiệp đang được vay với lãi suất thấp hơn lãi suất huy động

Ngày 20-03-2024
VPPA-Chủ tịch HĐTV Agribank cho biết hiện các ngân hàng đang cạnh tranh gay gắt để cho vay, có những doanh nghiệp được vay với lãi suất thấp hơn lãi suất huy động, không loại trừ có doanh nghiệp đang vay ngân hàng này để gửi vào ngân hàng khác.

Ông Phạm Đức Ấn, Chủ tịch HĐTV Agribank.

Nguyên nhân khiến tín dụng tăng chậm

Phát biểu tại Hội nghị Hội nghị triển khai nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ năm 2024 tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô do Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phó thủ tướng Lê Minh Khái chủ trì hôm nay (14/3), Chủ tịch HĐTV Agribank Phạm Đức Ấn cho biết, tín dụng 2 tháng đầu năm của Agribank đang giảm mạnh hơn mức giảm bình quân của toàn hệ thống ngân hàng, bất chấp lãi suất giảm sâu và ngân hàng đã đưa ra hàng loạt giải pháp để “kích” tín dụng.

Theo Chủ tịch Agribank, thực tế đang diễn ra hiện nay là giữa các ngân hàng thương mại đang cạnh tranh rất quyết liệt, giảm lãi suất cho vay rất thấp đối với các khoản vay mới để thu hút khách hàng tốt, thậm chí cho vay để trả nợ ngân hàng khác. Vì vậy, khả năng doanh nghiệp đang chuyển dịch từ vay ngân hàng này sang ngân hàng khác, hoặc đảo nợ cũ thành nợ mới có lãi suất thấp hơn. Điều này cũng lý giải cho việc, mặc dầu doanh số cho vay tăng nhưng dư nợ vẫn giảm.

“Hiện nay, đã có những doanh nghiệp đang được vay với lãi suất thấp hơn cả lãi suất huy động và không loại trừ có doanh nghiệp đang vay ngân hàng này để gửi vào ngân hàng khác”, ông Phạm Đức Ấn nêu lên thực tế.

Theo lãnh đạo Agribank, ngay từ đầu năm, ngân hàng này đã liên tiếp giảm lãi suất cho vay,  trieenrkhai nhiều giải pháp khuyến khích tăng tín dụng song chênh lệch thu chi của Agribank sau gần 3 tháng đầu năm 2024 vẫn giảm tới 2.000 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2023.

Lý giải tín dụng giảm dù ngân hàng nỗ lực giảm lãi suất và thực hiện nhiều giải pháp thúc đẩy tín dụng, ông Phạm Đức Ấn chỉ ra một số nguyên nhân.

Thứ nhất là do yếu tố mùa vụ đặc thù. Đơn cử, với Agribank, khách hàng đến vụ thu hoạch bán sản phẩm trả nợ ngân hàng, vay bán hàng phục vụ cho dịp Tết nguyên đán có tiền bán hàng trả nợ, thậm chí gửi tiền vào ngân hàng và chưa vào vụ gieo trồng nên chưa có nhu cầu về giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật nên chưa có nhu cầu vay vốn.

Thứ hai, với sức cầu yếu cả trong và ngoài nước, người dân thận trọng, thắt chặt chi tiêu, ảnh hướng đến sản xuất và tiêu thụ hàng hoá, từ đó tín dụng cũng không tăng trưởng được.

Thứ ba, đâu đó còn có yếu tố nguyên nhân chủ quan từ ngân hàng thương mại như Ngân hàng Nhà nước đã đề cập, liên quan đến thủ tục cho vay thiếu cởi mở, mạnh dạn trong cho vay, hoặc yêu cầu về tài sản bảo đảm. Tuy nhiên, đây không phải là nguyên nhân trọng yếu.

Đòi nợ khó, ngân hàng e ngại cho vay doanh nghiệp thua lỗ, không tài sản thế chấp

Một trong những nguyên nhân khiến các ngân hàng chưa dám cởi mở thủ tục, mạnh dạn cho vay, dẫn tới tín dụng tăng chậm, theo lãnh đạo Agribank là việc đòi nợ khó khăn. Quyền chủ nợ chưa được bảo vệ đầy đủ là một trong các nguyên nhân khiến các ngân hàng thận trọng khi cho vay, đòi hỏi phải có tài sản đảm bảo, không dám cho vay doanh nghiệp lỗ.

“Các ngân hàng thương mại vẫn e sợ khi không có được sự bảo đảm nào từ cơ quan bảo vệ pháp luật nếu không thu được nợ mà lại thiếu tài sản bảo đảm hay giải ngân cho doanh nghiệp đang lỗ. Vấn đề này các ngân hàng thương mại cũng đã trải nghiệm trên thực tế, dẫn tới tâm lý “cho vay có thiếu sót nhưng thu hồi được nợ còn hơn cho vay đúng mà không thu hồi đủ nợ”, Chủ tịch Agribank cho biết.

Lãnh đạo Agribank cho hay, theo tính chất hoạt động của ngành ngân hàng, khó khăn của ngành ngân hàng sẽ có độ trễ so với khó khăn của khách hàng vay. Điều này đang thể hiện trong số liệu nợ xấu của các ngân hàng.

Thực tế, tỷ lệ nợ xấu ngân hàng đã tăng từ mức 2,03% cuối năm 2022 lên 4,55% cuối năm 2023. Với tình hình sức khỏe của doanh nghiệp và nền kinh tế hiện nay, nếu Thông tư 02/2023/TT-NHNN về cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nwoj không được kéo dài, tỷ lệ nợ xấu toàn ngành sẽ còn tăng cao hơn nữa.

Nợ xấu tăng, áp lực trích lập dự phòng tăng kéo theo lợi nhuận ngân hàng sụt giảm. Trong khi đó, việc cơ cấu nwoj cũng phải dựa trên khả năng cho phép của mỗi ngân hàng thương mại.

Tăng tín dụng, không chỉ dựa vào ngân hàng 

Chủ tịch Agribank cho rằng, mặc dầu kết quả kinh tế vĩ mô 2 tháng vừa qua có nhiều điểm sáng, tuy nhiên với tình hình thế giới diễn biến phức tạp nhiều mặt và khó đoán định như hiện nay, trong những tháng tới khó khăn trong xuất khẩu vẫn chưa thể cải thiện nhiều.

Do đó, động lực cho tăng trưởng căn bản vẫn là giải quyết những vấn đề từ bên trong, đó là vấn đề đầu tư công và chính sách tài khoá, từ đó tạo động lực cho sản xuất kinh doanh. Đồng thời, qua đó kỳ vọng về thu nhập của người dân tăng lên cũng sẽ làm giảm tâm lý phòng thủ, kích thích tiêu dùng, từ đó nhu cầu tín dụng mới tăng lên.

Ngoài ra, để thuc đẩy tín dụng cần phải giải quyết các vướng mắc về pháp lý liên quan đến bất động sản và thủ tục đầu tư xây dựng cũng như giải quyết vấn đề trách nhiệm và đạo đức công vụ.

“Để xử lý triệt để thì cần có những cuộc khảo sát trực tiếp những vướng mắc điển hình để xử lý, từ đó đưa ra được những giải pháp chung nhằm giải quyết nhanh các bất cập, làm tăng cơ hội giải ngân của hệ thống ngân hàng”, ông Phạm Đức Ấn đề nghị.

Cũng theo lãnh đạo ngân hàng này, Nhà nước cần sớm có chính sách hỗ trợ, khuyến khích đầu tư phát triển sản xuất đáp ứng yêu cầu cạnh tranh và tiêu chuẩn môi trường ngày càng nghiêm ngặt của các nước nhập khẩu hàng hoá. Agribank sẽ đồng hành, có chính sách tín dụng ưu đãi cho các doanh nghiệp để chuyển đổi xanh thành công.

 

Nguồn: Báo Đầu tư

Bình luận của bạn

Tin liên quan

Tin đã đăng