Dệt may lại “nóng” với quy định xuất nhập khẩu tại chỗ

Ngày 19-01-2024
VPPA-Hiệp hội Dệt may Việt Nam mới đây lại đề xuất liên quan đến quy định về xuất nhập khẩu tại chỗ nhằm không ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Dệt may lại “nóng” với quy định xuất nhập khẩu tại chỗ. Ảnh minh họa

Tại Lễ ra mắt Sách Trắng 2024 và Hội nghị đối thoại cùng doanh nghiệp về thủ tục hành chính do Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam tổ chức gần đây, ông Trương Văn Cẩm – Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho hay, ngành dệt may có độ mở lớn với 80-85% sản lượng dành cho xuất khẩu. Chính phủ cũng đã ban hành nhiều chính sách tốt, trong đó có việc hình thành nên chuỗi cung ứng trong nước nhằm tối đa hóa chi phí và lợi nhuận của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, ông Trương Văn Cẩm cũng cho hay, có một số quy định đang gây khó cho quá trình này như quy định về xuất nhập khẩu tại chỗ. Cụ thể, theo Nghị định 18/2021/NĐ-CP (Nghị định thay thế cho Nghị định 134/2016/NĐ-CP) quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, doanh nghiệp nội địa xuất khẩu tại chỗ sản phẩm cho doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu phải nộp thuế xuất khẩu cho sản phẩm xuất ra. Đồng thời, doanh nghiệp nhập khẩu sản phẩm tại chỗ cũng phải nộp thuế nhập khẩu cho sản phẩm nhập tại chỗ. Như vậy, một đối tượng hàng hóa cả 2 doanh nghiệp đều phải nộp thuế.

Thực tế hàng nhập khẩu tại chỗ sử dụng để sản xuất xuất khẩu sau cùng cũng xuất ra nước ngoài, không tiêu thụ trong thị trường Việt Nam thì theo quy định phải được miễn thuế.

Vấn đề nộp thuế ngay sau đó được hoàn lại khi chứng minh là thực sự xuất khẩu rất khó khăn,doanh nghiệp phải huy động một số tiền lớn để đóng thuế và mất rất nhiều thời gian để hoàn thành các thủ tục nộp và hoàn thuế sau đó.

Mặt khác, gây ra sự bất bình đẳng giữa hàng gia công xuất khẩu và hàng sản xuất xuất khẩu. Hàng nhập khẩu tại chỗ để gia công xuất khẩu được miễn thuế mà hàng nhập tại chỗ để sản xuất xuất khẩu lại không được miễn thuế.

Đai diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam cũng cho hay, Bộ Tài chính cũng đã đề nghị đóng góp ý kiến về việc sửa đổi bổ sung điều 35 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP của Chính phủ về xuất nhập khẩu tại chỗ, trong đó đưa ra đề xuất sẽ bãi bỏ mục c, khoản I, điều 35: “Hàng hóa mua bán giữa doanh nghiệp Việt Nam với tổ chức, cá nhân nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam và được thương nhân nước ngoài chỉ định giao, nhận hàng hóa với doanh nghiệp khác tại Việt Nam”.

Với đề xuất này, đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho rằng sẽ gây ra xáo trộn rất lớn, các doanh nghiệp đã khó khăn càng khó khăn hơn. Về phía Nhà nước cũng phải sửa đổi luật pháp liên quan như Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, Luật Thương mại, Luật Quản lý Ngoại Thương và các văn bản hướng dẫn thi hành…

Đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, ông Trương Văn Cẩm đề nghị: Giữ nguyên, không bỏ điểm c, khoản 1, điều 35 của Nghị định 08/2015/NĐCP và cho phép làm thủ tục hải quan xuất nhập khẩu tại chỗ thực hiện bình thường với hoạt động mua bán hàng hóa giữa doanh nghiệp Việt Nam với các tổ chức, cá nhân nước ngoài (có hiện diện hoặc không hiện diện tại Việt Nam) và được thương nhân nước ngoài chỉ định giao, nhận hàng hóa với một doanh nghiệp khác tại Việt Nam.

Bỏ quy định doanh nghiệp phải nộp thuế giá trị gia tăng, thuế nhập khẩu tại chỗ cho hàng hóa nhập khẩu phục vụ sản xuất xuất khẩu (cần bình đẳng với quy định đối với hàng hóa nhập khẩu tại chỗ để gia công xuất khẩu) tránh tình trạng đọng vốn của doanh nghiệp khi chờ hoàn thuế.

Với đề nghị này của Hiệp hội Dệt may Việt Nam, đại diện Bộ Tài chính bày tỏ sự chia sẻ, đồng thời thông tin, việc đề nghị giữ nguyên quy định tại điểm c khoản 1 Điều 35 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP là không phù hợp với pháp luật về thương mại, pháp luật về quản lý ngoại thương và bản chất của giao dịch này. Khi bỏ thủ tục Hải quan đối với hoạt động mua bán hàng hóa quy định tại điểm c khoản 1 Điều 35 Nghị định số 08/2015/NĐCP, doanh nghiệp sẽ bớt được một thủ tục hành chính trong hoạt động mua bán, giao nhận hàng hóa của doanh nghiệp và từ đó cũng sẽ góp phần giảm chi phí cho doanh nghiệp.

Đối với các phản ánh, vướng mắc khó khăn của doanh nghiệp, liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu tại chỗ, Bộ Tài chính sẽ nghiên cứu trong quá trình thực hiện sửa đổi điều 35 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP.

 

Hải Linh
Báo Công Thương
Bình luận của bạn

Tin liên quan

Tin đã đăng