Lợi thế nào cho doanh nghiệp hoà nhập nhanh vào chuỗi cung ứng toàn cầu?

Ngày 17-02-2024
VPPA-Xu hướng dịch chuyển nguồn cung gần thị trường tiêu thụ để giảm thiểu rủi ro ngày càng rõ nét; nhất là trong việc đa dạng hóa nguồn cung của các thị trường mà sản phẩm phụ trợ Việt Nam hướng đến

Doanh nghiệp tìm cơ hội hợp tác kinh doanh. Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Theo các chuyên gia kinh tế, xu hướng dịch chuyển nguồn cung về gần thị trường tiêu thụ để giảm các rủi ro đang ngày càng rõ nét; đặc biệt trong việc đa dạng hóa nguồn cung của các thị trường mà sản phẩm phụ trợ của Việt Nam hướng đến. Các tập đoàn đa quốc gia hiện cũng đang có chiến lược chuyển dịch chuỗi cung ứng, sản xuất đến gần với thị trường tiêu thụ và đa dạng hóa chuỗi cung ứng, thay vì chỉ tập trung nhà máy sản xuất ở một số nước như trước đây. Và Việt Nam là một trong những điểm đến đầu tư hấp dẫn của nhiều doanh nghiệp và các tập đoàn đầu tư trên thế giới.

Ông Phùng Anh Tuấn, Phó Giám đốc công ty CP Manutronic Việt Nam. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Ông Phùng Anh Tuấn, Phó Giám đốc công ty CP Manutronic Việt Nam cho biết: Sự chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu tạo ra cả cơ hội và thách thức. Không chỉ Manutronic, các doanh nghiệp khác trong ngành điện tử cũng có cơ hội tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, mở rộng thêm hoạt động sản xuất kinh doanh đáp ứng nhu cầu của khách hàng, tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động.

Tuy nhiên, sự chuyển dịch cũng đặt doanh nghiệp công nghiệp phụ trợ trong nước trước một số thách thức. Các tập đoàn dịch chuyển từ những nước có cơ sở hạ tầng bài bản, có bề dày kinh nghiệm trong nhiều năm cũng sẽ đòi hỏi doanh nghiệp tham gia chuỗi phải đáp ứng một số yêu cầu cao.

Cụ thể, doanh nghiệp trong nước sẽ phải đáp ứng những yêu cầu cao từ phía đối tác như sản phẩm tích hợp công nghệ cao, có chất lượng và tối ưu; yêu cầu chi phí hợp lý phù hợp với tính chất và cạnh tranh của thị trường; yêu cầu tốc độ tiếp nhận và tiến độ giao hàng nhanh. Đáp ứng với yêu cầu này, Việt Nam cần có nguồn nhân lực chất lượng, có năng lực để tiếp nhận và chuyển giao khoa học công nghệ các tập đoàn chuyển dịch sang Việt Nam.

Bà Trương Thị Chí Bình, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Bà Trương Thị Chí Bình, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam bày tỏ, trong lĩnh vực chế tạo, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, cung cấp linh kiện phụ tùng cho ngành ô tô, điện tử và xe máy. Doanh nghiệp nắm rất rõ quy định, yêu cầu của chuỗi cung ứng về chất lượng, thời gian giao hàng… Tuy nhiên, làm cho xe máy sẽ dễ hơn điện tử và điện tử dễ hơn ô tô.

Chẳng hạn, công nghiệp hàng không là lĩnh vực cao cấp và một số doanh nghiệp Việt Nam có khả năng làm được những linh kiện nhỏ đơn chiếc cho các nhà cung cấp lớp dưới của tập đoàn Boeing, song để tham gia được vào chuỗi cung ứng của doanh nghiệp hàng không toàn cầu như không phải đơn giản. So sánh với các đối thủ cạnh tranh, Việt Nam có một số điểm kém hơn trong vận hành, gia công linh kiện hoàn toàn bằng máy.

Lợi thế của doanh nghiệp Việt Nam nằm ở những công đoạn sản xuất sản phẩm cần sự kết hợp giữa máy móc và kỹ năng tay nghề của công nhân, kỹ sư. Minh chứng là Việt Nam xuất khẩu rất tốt cụm dây điện ra thị trường toàn cầu và sang Hoa Kỳ bởi sản phẩm này là sự kết hợp giữa máy móc và kỹ năng tay nghề của con người.

Dây chuyền sản xuất quần áo xuất khẩu của một doanh nghiệp FDI ở Đồng Nai. Ảnh: TTXVN

Để trở thành một mắt xích cho lĩnh vực hàng không nói chung, Boeing nói riêng, theo kinh nghiệm của nhiều nước cần phải có sự chuẩn bị dài hơi. Đơn cử như Ấn Độ, Malaysia, từ 30 năm trước quốc gia này đã xác định và xây dựng chiến lược ưu tiên phát triển công nghiệp hàng không vũ trụ, bắt đầu từ đào tạo kỹ sư đến nghiên cứu xu thế công nghệ trong lĩnh vực này.

Bà Nguyễn Thị Vân Anh, Giám đốc cung ứng Công ty cổ phần Công nghệ và Thương mại Systech cho hay, Việt Nam ngày càng thu hút được lượng lớn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước có thêm cơ hội cung ứng hàng hóa cho nhiều tập đoàn lớn trên thế giới, đặc biệt ngành điện tử, lắp ráp. Nhưng, hiện tỷ lệ nội địa hoá đối với các ngành điện tử, gia dụng hay ô tô và xe máy chỉ đạt khoảng 30-40% cho thấy những thách thức không nhỏ với các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam.

Hiện nay, Systech đang tận dụng các chính sách ưu đãi về hoàn thuế, các chính sách thúc đẩy sản xuất. Nắm bắt được xu thế tự động hóa và yêu cầu độ chính xác cao, công ty cũng đầu tư thêm nguồn lực để học hỏi, nghiên cứu và sản xuất các hệ thống tự động hóa hữu ích, có hàm lượng công nghệ cho các công ty sản xuất ngành dây. Sắp tới đây, Systech tiếp tục đầu tư và mở rộng nhà máy sản xuất bao bì chống tĩnh điện, chống ẩm cho ngành điện tử, dược phẩm yêu cầu công nghệ cao, kiểm soát khắt khe hơn về tĩnh điện và môi trường phòng sạch…

Ông Nguyễn Hoàn Vũ, Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn KORI Beauty. Ảnh Ngọc Quỳnh/Bnews/TTXVN

Ông Nguyễn Hoàn Vũ, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn KORI Beauty cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, muốn tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, các doanh nghiệp Việt Nam cần thay đổi mạnh mẽ về tư duy để đáp ứng nhu cầu khách hàng. Doanh nghiệp cần đầu tư nguồn lực từ 10-20% cho việc nghiên cứu và phát triển thì mới có thể sản xuất ra các sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao, cạnh tranh được với các quốc gia Nhật Bản, Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ…; đặc biệt như trong ngành dệt may và phụ kiện thời trang.

Đồng thời, các doanh nghiệp cũng nên triển khai và áp dụng nhuần nhuyễn các công cụ quản lý theo tiêu chuẩn quốc tế như ISO9001, ISO14001,… để nâng cao tính chuyên nghiệp và mức độ tin tưởng đối với các tập đoàn lớn từ nước ngoài, để họ tin tưởng và lựa chọn các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng chính của họ.

Nguồn: Bnews.vn

Bình luận của bạn

Tin liên quan

Tin đã đăng