Mất nhiều tỷ đồng lưu bãi, không có nguyên liệu sản xuất, doanh nghiệp giấy lao đao

Ngày 10-07-2018
VPPA-Từ cuối tháng 6/2018 đến nay Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam (VPPA) đã nhận được rất nhiều đơn kiến nghị từ các doanh nghiệp nhập khẩu giấy phế liệu (cho sản xuất) đề nghị tháo gỡ khó khăn, ổn định nguồn nguyên liệu cho sản xuất. Nguyên nhân của thực trạng được […]

Từ cuối tháng 6/2018 đến nay Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam (VPPA) đã nhận được rất nhiều đơn kiến nghị từ các doanh nghiệp nhập khẩu giấy phế liệu (cho sản xuất) đề nghị tháo gỡ khó khăn, ổn định nguồn nguyên liệu cho sản xuất.

Nguyên nhân của thực trạng được đề cập trong nhiều đơn kiến nghị gửi đến VPPA là do quy trình thực hiện công văn số 3738/ TCHQ-GSQL (ngày 26/6/2018) của Tổng cục Hải quan về quản lý phế liệu nhập khẩu đã làm cho tình hình sản xuất của các doanh nghiệp ngành giấy vướng phải rất nhiều khó khăn. Cụ thể hiện nay, nhiều doanh nghiệp ngành giấy đang bị lưu bãi tại cảng hàng ngàn công-ten-nơ với nhiều nghìn tấn nguyên liệu là giấy phế liệu nhập về Việt Nam. Phải nói thêm là giấy phế liệu nhập khẩu (thế giới gọi là giấy thu hồi hay giấy tái chế) là nguồn nguyên liệu chính trong sản xuất bao bì trong nước.

Theo Nghị định 41/2015/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên Môi trường, để được nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất, các doanh nghiệp đều phải tuân thủ các quy định: Có Giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường (do Bộ Tài nguyên – Môi trường cấp); Ký quỹ trước khi làm thủ tục thông quan; Cung cấp chứng thư chứng nhận hàng phế liệu đáp ứng đủ yêu cầu về môi trường theo quy chuẩn QCVN33:2010/BTNMT, phù hợp với Quyết định 73/2014/QĐ-TTg; Kiểm hóa 100% lô hàng tại cảng nhập khẩu, theo quy định của Tổng Cục Hải quan

Tình trạng trên đã gây thiệt hại không hề nhỏ cho các doanh nghiệp, làm thời gian lưu bãi của các lô hàng bị kéo dài, gia tăng chi phí, đồng thời làm cho các doanh nghiệp không chủ động được sản xuất do thiếu nguyên liệu, gây đình trệ hoạt động sản xuất kinh doanh tệ hơn nữa làm cho doanh nghiệp không đảm bảo thời hạn giao hàng với đối tác nước ngoài.

Thống kê nhanh trong kiến nghị của các doanh nghiệp gửi đến Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam, tính đến ngày 10/7/2018 chỉ riêng phí lưu công-ten-nơ ,ước thiệt hại của các doanh nghiệp nhập khẩu giấy phế liệu (chưa thể thống kê hết) đã lên đến gần 30 tỷ đồng (đấy là chưa kể đến những thiệt hại trong sản xuất do phải dừng máy, hay phạt hợp đồng do giao hàng không đúng hẹn… )

Ngoài ra sau 5 đến 7 ngày nữa theo kế hoạch thì số lượng công-ten-nơ sẽ tăng gấp đôi khi tàu về cập cảng. Với số lượng lưu kho lớn và mức chi phí lưu kho là 1tr/1cont./ngày thì mức thiệt hại sẽ đội thêm nhiều con số.

Để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam đã có nhiều động thái, trao đổi, kiến nghị đề xuất biện pháp tháo gỡ với các đơn vị chức năng như: Tổng Cục Hải quan, Cục Giám sát quản lý về Hải quan nhưng đến nay tình trạng này vẫn chưa được giải quyết.

Một lần nữa, VPPA khẩn thiết đề nghị Tổng cục Hải quan, Cục Giám sát quản lý hải quan, sớm có giải pháp để nhanh chóng xử lý kiểm hàng, thông quan và giải phóng lưu kho, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp nhập khẩu giấy phế liệu để kịp thời ổn định sản xuất, đáp ứng thời hạn giao hàng.

Anh: baohaiquan

Bình luận của bạn

Tin liên quan

Tin đã đăng