“Năm 2024 là thời điểm các doanh nghiệp có thể cân nhắc đến việc đầu tư dài hạn”

Ngày 10-04-2024
VPPA-Với niềm tin vào năng lực của các doanh nghiệp (DN), sự điều hành của Chính phủ, ông Hoàng Trung Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Giấy Đồng Tiến cho rằng năm 2024, kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng tốt hơn năm 2023 và là thời điểm mà các doanh nghiệp có thể cân nhắc đến việc đầu tư dài hạn.

Đoàn công tác của Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam trong chuyến công tác tại Trung Quốc

Năm 2023, cộng đồng DN phải đối mặt với không ít khó khăn. Các DN ngành giấy nói chung và Công ty TNHH Giấy Đồng Tiến nói riêng đã vượt qua như thế nào, thưa ông?

Những khó khăn, thách thức mà các DN gặp phải không chỉ riêng trong năm 2023 mà thực sự đã bắt đầu từ giữa năm 2022. Trong khoảng thời gian dịch bệnh Covid-19 bùng phát mạnh từ đầu năm 2020 đến giữa năm 2022, nền kinh tế Việt Nam và thế giới vẫn phát triển khá tốt, đặc biệt là với ngành giấy.

Ông Hoàng Trung Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Giấy Đồng Tiến

Thời điểm các DN ngành giấy thực sự khó khăn là từ tháng 5/2022 cho đến nay, khi Trung Quốc thực hiện phong tỏa nghiêm ngặt toàn quốc để phòng chống đại dịch Covid-19 khiến hoạt động giao thương giữa Việt Nam và Trung Quốc gần như bị đóng băng. Bên cạnh đó cuộc chiến Nga – Ukraine rồi tiếp theo là Israel – Hamas khiến lạm phát tăng cao, nhu cầu tiêu dùng xuống thấp, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang hai thị trường chính là Mỹ và châu Âu sụt giảm mạnh, trong đó có những ngành hàng sử dụng bao bì rất nhiều như: Đồ gỗ, vật liệu xây dựng, may mặc, giày dép, hàng điện tử, thủy hải sản,… Đồng thời, giấy Việt Nam xuất sang Trung Quốc cũng giảm cả về giá cả lẫn sản lượng khiến các nhà máy giấy chạy không đủ công suất, giá giấy thành phẩm phải giảm tối đa để có đơn hàng, trong khi giá nguyên liệu và năng lượng lại tăng đã đẩy các DN ngành giấy Việt Nam gần như không còn lợi nhuận, thậm chí một số DN thua lỗ phải tạm dừng hoạt động.

Trong bối cảnh chung như vậy, Đồng Tiến cũng không tránh khỏi những tác động tiêu cực. Cụ thể là so với năm 2022, năm 2023 sản lượng của Đồng Tiến vẫn tăng, nhưng doanh thu lại giảm do giá bán sản phẩm giảm tới gần 30%. Dù vậy, tôi cho rằng năm 2023 vẫn là năm khá thành công của Đồng Tiến bởi Công ty đã duy trì được hoạt động thường xuyên, tạo được việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động.

Việc các DN duy trì được hoạt động trong lúc khó khăn thì cũng sẽ có cơ hội để bứt tốc khi thuận lợi, thưa ông?

Tôi hoàn toàn đồng ý. Các DN một khi đã đứng vững trong những thời khắc khó khăn thì hoàn toàn có thể tin tưởng vào tương lai tốt đẹp hơn, trước mắt là có cơ hội phát triển tốt hơn trong năm 2024.

Công ty Đồng Tiến, với những giá trị và năng lực cốt lõi, có đội ngũ gắn kết được hình thành, phát triển trong gần 30 năm qua và đang là đối tác chiến lược với Tetra Pak Việt Nam và Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam), tự hào là DN tiên phong và sẽ tiếp tục đóng vai trò tích cực trong hoạt động thu gom, tái chế vỏ hộp đồ uống giấy. Có thể nói, đây vừa là vai trò nhưng cũng là cơ hội phát triển của Đồng Tiến trong chuỗi kinh tế tuần hoàn, trong việc thực thi trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất theo quy định của Luật bảo vệ môi trường, có hiệu lực từ ngày 01/01/2024.

Được biết, thời gian qua ông đã dành nhiều tâm huyết cho Hiệp hội Giấy và Bột Giấy Việt Nam và đang tích cực góp phần để tái cơ cấu ngành giấy, ông nhận định như thế nào về những thách thức của ngành?

Đại hội toàn thể Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam (VPPA) được tổ chức vào tháng 03/2023 vừa qua đã xác định 4 thách thức lớn đối với ngành giấy Việt Nam hiện nay. Bản thân tôi với vai trò Chủ tịch Hiệp hội cùng với các ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội đang rất nỗ lực để giải quyết các thách thức đó.

Thách thức đầu tiên, đó là sự bất cân đối trong đầu tư sản xuất. Như chúng ta biết, giấy bao bì thông thường chiếm khoảng 45 – 50% nhu cầu, còn lại là các loại giấy khác như giấy in, giấy viết, giấy vệ sinh, giấy báo,… Song ở Việt Nam hiện nay, đầu tư tập trung chủ yếu vào giấy bao bì (chiếm tới hơn 85% tổng năng lực sản xuất). Trong khi, hầu hết những loại giấy chất lượng cao và có giá trị cao thì Việt Nam chưa sản xuất được. Do đó, Hiệp hội đang kêu gọi các DN quan tâm đầu tư vào sản xuất các loại giấy này cũng như khuyến cáo cần hạn chế đầu tư vào sản xuất giấy bao bì.

Thách thức thứ hai là sự thiếu hụt và mất cân đối về nguồn nguyên liệu chính cho phát triển bền vững của ngành giấy, cụ thể là bột giấy và giấy thu hồi. Việt Nam đang là cường quốc xuất khẩu dăm gỗ (nguyên liệu thô để sản xuất bột giấy) với lượng xuất khẩu hàng năm lên tới 17 đến 18 triệu tấn nhưng lại đang phải nhập khẩu khoảng 400 ngàn tấn bột giấy và hàng triệu tấn giấy thu hồi (Recover paper) làm nguyên liệu sản xuất mỗi năm. Theo số liệu thống kê, năm 2023 Việt Nam nhập khẩu khoảng 2,8 triệu tấn và dự kiến từ năm 2025 sẽ phải nhập khẩu khoảng 5 đến 7 triệu tấn giấy thu hồi hàng năm làm nguyên liệu sản xuất giấy, trong khi nguồn xuất khẩu chính là từ châu Âu và Bắc Mỹ ngày càng hạn chế và có nguy cơ bị kiểm soát bởi các tập đoàn, công ty giấy lớn. Thêm vào đó, giấy thu hồi lại đang bị các cơ quan quản lý xem là “phế liệu” với nhiều hạn chế và các quy định kiểm soát phức tạp trong nhập khẩu. Hiệp hội đang kiến nghị Nhà nước cần xem giấy thu hồi là hàng hóa thông thường được nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất như nhiều nước khác đã làm và có chính sách khuyến khích, ưu đãi về thuế đối với các hoạt động thu gom, tái chế giấy; đồng thời kêu gọi và khuyến khích các DN quan tâm đầu tư vào sản xuất bột giấy với thiết bị, công nghệ tiên tiến.

Thách thức tiếp theo là vấn đề thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao và công nghiệp phụ trợ cho ngành giấy. Việt Nam hiện vẫn rất thiếu các chuyên gia, kỹ thuật viên cao cấp có kiến thức, kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất giấy và bột giấy, đặc biệt là trong nghiên cứu, sản xuất các loại giấy chất lượng cao. Công nghiệp phụ trợ chưa theo kịp nhu cầu tăng trưởng nhanh của ngành giấy trong thời gian qua cũng là một hạn chế không nhỏ trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững của ngành.

Thách thức cuối cùng, đó là: Thực trạng hiện nay, ngành giấy đang bị coi là ngành công nghiệp có nguy cơ ô nhiễm cao, các địa phương nghe đến đầu tư sản xuất giấy và đặc biệt là bột giấy thì đều rất e dè, không khuyến khích và không có các chính sách hỗ trợ đầu tư cả về đất đai lẫn tài chính. Trong khi về bản chất, ngành giấy là ngành kinh tế xanh, phù hợp tự nhiên với kinh tế tuần hoàn do nguồn nguyên liệu chính cho sản xuất bột giấy có thể tái tạo (dăm gỗ được sản xuất từ rừng trồng) và nếu xét góc độ phát thải khí nhà kính thì ngành giấy là ngành cân bằng tốt nhất bởi sự hấp thu khí nhà kính của rừng trồng nguyên liệu, năng lượng cho sản xuất chủ yếu từ nguồn nhiên liệu Biomas, tỷ lệ thu gom tái chế cao, sản phẩm giấy dễ phân hủy trong môi trường tự nhiên và với công nghệ xử lý hiện nay, nước thải từ quá trình sản xuất hoàn toàn đáp ứng tốt tiêu chuẩn xả thải. Chính vì thế, toàn thế giới đang khuyến khích sử dụng sản phẩm giấy thay thế hoàn toàn cho các sản phẩm nhựa dùng một lần.

Theo số liệu thống kê của Hiệp hội, trong 10 năm qua tiêu dùng giấy tăng trung bình hơn 6%/năm, sản xuất tăng trung bình hơn 10%/năm và xu hướng tăng này vẫn tiếp tục ổn định trong 10 năm tới. Nếu giải quyết được các thách thức trên, chắc chắn ngành giấy Việt Nam sẽ phát triển nhanh, bền vững, đóng góp tích cực vào tăng trưởng của nền kinh tế nước nhà.


Ông Hoàng Trung Sơn được bầu làm Chủ tịch Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam nhiệm kỳ VII (2023 – 2028)

Ngành giấy Việt Nam nói chung đã có những bước phát triển rất tốt, nhưng nhiều ý kiến cho rằng “miếng bánh lớn” vẫn đang nằm trong tay các DN FDI?

Ở Việt Nam hiện có khoảng 500 DN sản xuất giấy nhưng chỉ có khoảng 20 DN có quy mô lớn. Trong đó, chỉ với 6 DN FDI đã chiếm sản lượng hơn một nửa năng lực sản xuất của toàn ngành. Toàn bộ các DN FDI được đầu tư dây chuyền sản xuất với thiết bị, công nghệ hiện đại, hệ thống quản trị tiên tiến và còn có thêm nhiều lợi thế vượt trội so với các DN Việt Nam. Tôi nghĩ rằng, muốn DN Việt Nam phát triển, rút ngắn khoảng cách với các DN FDI thì ngoài sự nỗ lực tự thân của các DN Việt Nam, rất cần có các chính sách khuyến khích, hỗ trợ phù hợp từ các cơ quan quản lý nhà nước và hệ thống ngân hàng.

Ngoài ra, Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam cũng đang có những thay đổi trong các hoạt động cũng như sinh hoạt của Hiệp hội như tổ chức cơ cấu lại bộ máy nâng cao hiệu quả hoạt động, tăng cường trao đổi thông tin, giao lưu, hợp tác, gắn kết giữa các DN với nhau và với các DN FDI. Vừa qua, Hiệp hội đã tổ chức họp Ban Chấp hành mở rộng ở phía Nam có mời đại diện các DN FDI tham dự và kết quả đạt được trên cả mong đợi, các DN FDI rất nhiệt tình tham gia đóng góp ý kiến xây dựng và sẵn sàng hợp tác, hỗ trợ cùng với các DN Việt Nam. Nhờ đó, thông qua hiệp hội, các DN Việt Nam và các DN FDI có cơ hội kết nối, hợp tác, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm giúp nhau cùng phát triển.

Qua thực tế cạnh tranh trên thị trường, chúng tôi nhận thấy rằng, các DN Việt Nam muốn tồn tại, phát triển thì phải quyết tâm đầu tư và quản trị doanh nghiệp như các DN FDI. Nghĩa là cũng phải đầu tư bài bản, chuyên nghiệp, xây dựng hệ thống quản trị và nhân lực tốt, thích nghi trong điều kiện mới. Nếu không thể đi một mình thì có thể cùng đi với các DN lớn bằng cách tham gia vào chuỗi cung ứng để cùng “win – win” chứ không phải cạnh tranh theo hướng triệt tiêu lẫn nhau.


Ông Hoàng Trung Sơn tại Đại hội Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam năm 2023

Ông có nhận định gì thêm và kỳ vọng gì trong năm 2024 này?

Tôi có niềm tin năm 2024 kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng tốt hơn năm 2023. Dù các xung đột địa chính trị như cuộc chiến Nga – Ukraine, xung đột Israel – Hamas sẽ không sớm kết thúc, thậm chí có nguy cơ lan rộng, nhưng kinh tế thế giới cũng đang dần vượt qua giai đoạn khủng hoảng và thích nghi với tình hình mới, lạm phát đang có xu hướng giảm, kinh tế Mỹ và châu Âu (những thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam) sớm hồi phục, phát triển giúp cho nhu cầu tiêu dùng tăng. Khi đó, các ngành truyền thống của nước ta như: Đồ gỗ, vật liệu xây dựng, may mặc, da giày, linh kiện điện tử, thủy hải sản,… sẽ có nhiều cơ hội hồi phục, phát triển trở lại, cùng với thu hút đầu tư FDI vào Việt Nam tăng cao. Do đó, theo cá nhân tôi, đây cũng là thời điểm các DN nếu có điều kiện có thể cân nhắc đến việc đầu tư dài hạn.

Trân trọng cảm ơn ông!

Một số cột mốc quan trọng trong hành trình 30 năm phát triển của Đồng Tiến
1994: Thành lập bởi một nhóm kỹ sư chuyên ngành giấy (Đại học Bách khoa Hà Nội) có nhiệt huyết, yêu nghề và nhiều hoài bão với người dẫn đầu là ông Hoàng Trung Sơn, nay là Tổng Giám đốc Công ty.
2004: Xây dựng thêm nhà máy tái chế giấy mới tại huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương với dây chuyền máy móc thiết bị nhập khẩu.
2007: Tiếp tục đầu tư thêm dây chuyền sản xuất thứ 2 tại nhà máy Bình Dương.
2011: Hợp tác với Công ty Tetra Pak Việt Nam, thành viên của Tập đoàn Tetra Pak – DN chuyên sản xuất bao bì giấy đựng đồ uống lớn nhất thế giới, đầu tư dây chuyền tái chế vỏ hộp sữa giấy đồng bộ đầu tiên, trở thành DN
tiên phong trong lĩnh vực thu gom, tái chế bao bì giấy đựng đồ uống tại Việt Nam.
2012: Tiếp tục lắp thêm dây chuyền sản xuất thứ 3 mua từ Hàn Quốc với hệ thống xử lý bột giấy tái chế đồng bộ, tự động hoàn toàn của hãng Andritz (Áo).
2017: Mua lại một nhà máy sản xuất giấy bao bì tại Long An, với sản lượng giai đoạn 1 là 20.000 tấn/năm.
2021: Mua bán sáp nhập (M&A) Công ty TNHH Giấy Vĩnh Cơ, chuyên sản xuất giấy Tissue tại Bình Dương. Qua đó, Đồng Tiến đã chính thức tham gia vào lĩnh vực sản xuất – kinh doanh giấy tiêu dùng.
Hiện Công ty đang tiếp tục đầu tư nâng cao năng lực sản xuất và chất lượng sản phẩm với tầm nhìn tiếp tục tiên phong trong lĩnh vực tái chế giấy đặc chủng và mục tiêu đến năm 2026 đạt tổng sản lượng 180.000 tấn/năm.

 

Trọng Trinh (Vietnam Business Forum) vccinews

Bình luận của bạn

Tin liên quan

Tin đã đăng