Ngành giấy trong định hướng phát triển bền vững ngành Công Thương

Ngày 30-08-2019
VPPA-Sáng ngày 29/8, Bộ Công Thương tổ chức Hội thảo khoa học về Phát triển bền vững (PTBV) ngành Công Thương nhằm thực hiện Chiến lược PTBV và Chương trình Nghị sự 2030 vì sự PTBV của Việt Nam. Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng cho biết, để […]

Sáng ngày 29/8, Bộ Công Thương tổ chức Hội thảo khoa học về Phát triển bền vững (PTBV) ngành Công Thương nhằm thực hiện Chiến lược PTBV và Chương trình Nghị sự 2030 vì sự PTBV của Việt Nam.

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng cho biết, để thực hiện Chiến lược PTBV và Chương trình Nghị sự 2030 vì sự PTBV của Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã thành lập Ban chỉ đạo PTBV và Văn phòng PTBV của Bộ Công Thương để triển khai các nhiệm vụ được giao, đồng thời ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Chương trình nghị sự 2030 (tại Quyết định số 4917/QĐ-BCT ngày 29 tháng 12 năm 2017) để thực hiện. Trong đó, 15 mục tiêu về PTBV của Chính phủ giao đã được Bộ Công Thương cụ thể hóa thành các nhiệm vụ và phân công cho 20 đơn vị thuộc Bộ thực hiện.

Thông qua Hội thảo khoa học này, với tinh thần cầu thị, lãnh đạo Bộ Công Thương mong muốn được tất cả chuyên gia quốc tế, các nhà khoa học và toàn thể đại biểu tham dự chia sẻ, đóng góp ý kiến, tư vấn cho Bộ Công Thương xây dựng Kế hoạch hành động PTBV ngành Công Thương giai đoạn 2020 – 2030 nhằm thực hiện hiệu quả.

Chủ trì hội thảo, bà Nguyễn Thị Lâm Giang – Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) khẳng định, “xương sống” của đề án PTBV luôn gắn với tái cơ cấu ngành, bao gồm các lĩnh vực truyền thống như công nghiệp, năng lượng, thương mại,… Vì vậy, trong bối cảnh thế giới đang hiện đại hóa mỗi ngày, sự thay đổi liên tục về khoa học công nghệ, ngành Công Thương luôn mong muốn được lắng nghe quan điểm của các chuyên gia về mối tương quan giữa phát triển PTBV và kinh tế tuần hoàn – xu hướng tăng trưởng của toàn cầu hiện nay.

Tại sự kiện, nhiều tham luận được trình bày nhằm xây dựng, tư vấn nhằm phát triển ngành. Như, bà Võ Băng Nga, Vụ Khoa học, giáo dục tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chia sẻ về Chính sách phát triển bền vững của Việt Nam với 5 yếu tố của Chương trình nghị sự 2030 là: Con người, Đối tác, Hòa bình, Thịnh vượng, Hành tinh.

Đại diện Văn phòng Phát triển bền vững, Bộ Công Thương, TS Đinh Văn Châu đã chia sẻ tại Hội thảo định hướng phương pháp và nội dung xây dựng đề án phát triển bền vững lĩnh vực công nghiệp Việt Nam.

Bà Lê Thanh Thảo, Đại diện quốc gia văn phòng Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hiệp quốc (UNIDO) đề cập đến nền kinh tế tuần hoàn. Trong đó, giá trị sản phẩm, vật liệu và tài nguyên được duy trì trong nền kinh tế càng lâu càng tốt, và giảm thiểu việc tạo chất thải ra môi trường.

Đại diện UNIDO nhấn mạnh, để thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn, cần quyết định tập trung vào sản phẩm/ ngành/ nguyên, vật liệu quan trọng. Chỉ ra các bên và hệ thống đổi mới liên quan; Tạo ra và khuyến khích công tư… Trong đó, Nhà nước cần đưa ra các chính sách, ưu đãi, khuyến khích thúc đẩy sử dụng nguyên liệu tái sản xuất…

2 vấn đề cần thay đổi để phát triển ngành giấy

Tại Hội thảo, ông Đặng Văn Sơn, Phó Chủ tịch – Tổng thư ký, Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam cho rằng, nước ta đang trong giai đoạn dịch chuyển sản xuất của các nước, ngành giấy đang đứng trước cơ hội phát triển rất lớn và trở thành một trong những ngành phụ trợ quan trọng cho các ngành khác trong giai đoạn phát triển sắp tới.

Hầu hết các sản phẩm giấy đều có thể tái chế (trừ một số loại giấy vệ sinh). Giấy có thể tái chế tối đa 7 lần, sử dụng giấy tái chế làm nguyên liệu sản xuất có thể giảm rất nhiều năng lượng, nước sạch, phát thải… đặc biệt là giảm đi phần xơ sợi nguyên thủy từ cây gỗ mà cần phải trồng 5-7 năm mới có.

Vai trò của ngành giấy không chỉ tính bằng giá trị thực tế hiện hữu, mà còn phải tính cả giá trị ở phần phụ trợ cho các ngành khác, đặc biệt là xuất khẩu. Do đó, việc đưa ngành giấy vào diện ưu tiên phát triển trong tổng thể nền kinh tế tuần hoàn trong đề án phát triển bền vững Ngành Công Thương là rất quan trọng.

Trong vấn đề này, ông Đặng Văn Sơn cho rằng, có rất nhiều việc cần làm nhưng quan trọng nhất là nhận thức. Không chỉ cần thay đổi nhận thức của người dân mà ngay cả các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan xây dựng pháp luật và truyền thông.

Như, người ta thường nghĩ rằng sản xuất giấy là phá rừng để lấy cây gỗ, nhưng cần nhấn mạnh rằng, không thể lấy gỗ từ rừng tự nhiên. Bởi giấy chỉ sản xuất được từ một số loại cây từ rừng trồng mà các rừng sản xuất hiện nay thường phải có chứng chỉ phát triển bền vững (FSC).

Đáng nói, trong cơ cấu nguyên liệu sản xuất của ngành giấy thì hơn 70% nguyên liệu đầu vào của ngành giấy đều là giấy tái chế. Do vậy, nguyên liệu tái chế rất quan trọng. Nhưng ở nước ta, cả người dân lẫn các cơ quản lý vẫn nhận thức giấy tái chế là phế liệu.

“Ở thế giới người ta không nhận thức giấy qua sử dụng là phế liệu. Họ xem đó là nguyên liệu thứ cấp, một loại tài nguyên. Như ở Mỹ, châu Âu và Nhật Bản… phân loại rõ từng loại giấy đã qua sử dụng. OCC (old corrugated container) tức giấy hòm hộp cũ, ONP (Old News Paper) tức giấy báo cũ… Còn chúng ta nhận thức là phế liệu nên tất cả các các văn bản pháp luật đều dùng chung một từ là giấy phế liệu. Điều này gây nên sự lãng phí trong nước và khó khăn trong quản lý”.

Ông Đặng Văn Sơn nêu ra hai vấn đề để nâng cao nhận thức, có các chính sách ưu tiên tái chế.

Đó là, cần xem xét lại việc phân loại về nguyên liệu thứ cấp và phế liệu để phân biệt rõ “nguyên liệu thứ cấp” và “phế liệu”. Các văn bản pháp luật đang được xây dựng cần lưu ý vấn đề này, tránh như hiện nay vẫn đang dùng từ phế liệu chung cho tất cả nguyên liệu thứ cấp.

Cần khuyến khích, tăng cường thu gom tái chế và tái sử dụng, việc này cần có sự vào cuộc khẩn trương của toàn xã hội, cần một hành lang pháp lý. Các nước phát triển, điển hình Nhật Bản có bộ luật về thu gom, tái chế, tái sử dụng. Còn Luật Môi trường của chúng ta hiện nay chỉ một điều về khuyến khích hoạt động thu gom, tái chế nhưng dưới luật chưa  có các văn bản dưới luật để thực hiện.

“Muốn phát triển bền vững ngành, thì hai vấn đề trên cần được thực hiện. Đây là vấn đề rất cụ thể, có lợi ích thiết thực và điển hình mà thế giới đã làm được, trong khi nước ta lại chưa thực hiện!”, ông Sơn nhấn mạnh.

VPPA

Bình luận của bạn

Tin liên quan

Tin đã đăng