Phát triển thị trường nguyên liệu thứ cấp (Kỳ I): Cần bức tranh cơ sở dữ liệu tổng thể
Ngày 19-09-2019
VPPA-Tro bụi từ các nhà máy, phụ phẩm từ nông nghiệp, nhựa đã qua sử dụng đều có thể trở thành nguyên liệu sản xuất chính nhờ kết quả hợp tác của các doanh nghiệp lớn với nhau. Theo đó, các nhà đầu tư rất quan tâm và ủng hộ việc sử dụng nguyên vật […]
Tro bụi từ các nhà máy, phụ phẩm từ nông nghiệp, nhựa đã qua sử dụng đều có thể trở thành nguyên liệu sản xuất chính nhờ kết quả hợp tác của các doanh nghiệp lớn với nhau.
Theo đó, các nhà đầu tư rất quan tâm và ủng hộ việc sử dụng nguyên vật liệu thứ cấp để tái chế, tái sử dụng trở thành nguồn nguyên liệu chính trong hoạt động của doanh nghiệp. Bởi, việc đầu tư vào các sáng kiến của kinh tế tuần hoàn như nguyên liệu thứ cấp, giúp các nhà đầu tư “khoả lấp” được những khoảng trống tài nguyên dư thừa. Tuy nhiên, cần phải xác định rằng, đâu là những lĩnh vực, ngành nghề cần thiết ưu tiên đầu tư phát triển trước tiên?
Đó là chia sẻ của ông Andrew Thomas Mangan – Giám đốc Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Hoa Kỳ khi trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp về những điều kiện để phát triển nguồn nguyên liệu thứ cấp tại Việt Nam và kinh nghiệm đầu tư thành công của doanh nghiệp Hoa Kỳ.
3 cấp độ của thị trường nguyên liệu thứ cấp
Cũng theo ông Andrew Thomas Mangan, việc đầu tư, xây dựng và phát triển thị trường nguyên vật liệu thứ cấp là một quy trình gồm nhiều bước để hướng tới một thị trường nguyên liệu thứ cấp hoàn thiện hơn.
Xây dựng thị trường nguyên liệu thứ cấp là một trong những sáng kiến nhằm hiện thực hoá nền kinh tế tuần hoàn vì sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.
Theo đó, quy trình này bao gồm nhiều cấp độ, cấp độ đơn giản nhất là tạo ra một sàn giao dịch nguyên vật liệu thứ cấp, nơi các bên liên quan có thể trao đổi nguồn nguyên liệu với nhau. Tiếp đó, ở cấp độ cao hơn đó là tiến hành phân tích về cơ hội của nguồn nguyên liệu thứ cấp đó là gì? Tận dụng nguồn nguyên vật liệu đó ra sao? Để từ đó kết nối với các đơn vị cung cấp dịch vụ. Cấp độ cao nhất trong quy trình mà ông Andrew Thomas Mangan nhắc tới đó là những cơ hội mới hoàn toàn để tái sử dụng nguồn nguyên vật liệu thứ cấp.
Minh chứng cho cấp độ cao nhất này trong quy trình đầu tư, phát triển thị trường nguyên liệu thứ cấp Việt Nam, ông Andrew Thomas Mangan có nhắc đến việc mới đây, Công ty TNHH Dow Chemical Việt Nam và Công ty TNHH Deep C đã ký kết thoả thuận hợp tác về việc đầu tư xây dựng một dự án đường giao thông từ rác thải nhựa tái chế.
Được biết, rác thải nhựa được sử dụng trong dự án này chủ yếu là bao bì nhựa dẻo đã qua sử dụng, chẳng hạn như màng nhựa polyethylen. Sau khi làm sạch, sấy khô, nghiền nhỏ nhựa được trộn với nhựa đường ở nhiệt độ khoảng 150-180oC. Ở nhiệt độ này, nhựa bị nóng chảy hoàn toàn, hoà với nhựa đường, giúp nâng cao độ bền cho con đường. Đường giao thông được làm từ nhựa tái chế còn có khả năng giảm khí phát thải nhà kính bằng cách thay thế một phần chất nhựa bitum cần có trong nhựa đường.
Nhắc đến những sáng kiến về việc triển khai nền kinh tế tuần hoàn, có lẽ không thể không kể đến Sáng kiến P4G do Thủ tướng Đan Mạch sáng lập với sự tham gia không chỉ của các cơ quan quản lý Nhà nước mà còn có cả các nhà đầu tư. Theo đó, mục đích của sáng kiến này đó là ủng hộ tối đa các ý tưởng, giải pháp, khuyến khích tối đa trong việc sử dụng nguồn nguyên vật liệu thứ cấp trong hoạt động của doanh nghiệp.
Phải xây dựng được bức tranh cơ sở dữ liệu tổng thế
Theo quan điểm của ông Andrew Thomas Mangan, hiện nay tại Việt Nam cũng đã có nhiều sáng kiến về việc biến nguồn nguyên vật liệu thứ cấp thành nguồn nguyên liệu chính. Tuy nhiên, những sáng kiến này hiện nay vẫn đang rời rạc.
Trong khi đó, một trong những điểm mấu chốt để đầu tư, phát triển thị trường nguyên liệu thứ cấp đó là làm thế nào để có thể liên kết, tập hợp được những sáng kiến đó vào trong một nền tảng thống nhất? Phải có nền tảng dữ liệu cho các bên liên quan có cơ sở để ra quyết định trong việc có nên sử dụng nguồn nguyên liệu thứ cấp đó thành nguyên liệu đầu vào chính hay không?
Để có được cơ sở dữ liệu làm nền tảng cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp có thể đưa ra quyết định của mình, ông Andrew Thomas Mangan cho biết, trước tiên việc cần làm đó là thu thập dữ liệu từ các doanh nghiệp, nhà đầu tư, từ các đơn vị tái chế, cơ quan quản lý Nhà nước, đồng thời khảo sát, phỏng vấn các bên có liên quan, từ đó tập hợp tạo nên một bức tranh cơ sở dữ liệu toàn diện về thị trường nguyên vật liệu thứ cấp Việt Nam, đặc biệt là rác thải nhựa.
Theo đó, có thể ưu tiên xây dựng cơ sở dữ liệu cho một số ngành, lĩnh vực có tiềm năng phát triển trước, ví dụ như rác thải nhựa và ngành giấy.
“Chúng tôi bắt đầu với giấy và rác thải nhựa trước, sau đó mở rộng ra các chất thải khác, từ những ngành mẫu này sẽ góp phần giúp cho các bên liên quan hiểu được rằng nguyên liệu thứ cấp đó là gì? Có thể tái chế như thế nào? Tận dụng ra sao? Đâu là nguồn cung? Khối lượng cung là như thế nào? Bên cạnh đó, số lượng nhập khẩu là bao nhiêu để có thể đáp ứng được cho nhu cầu thị trường trong nước”, ông Andrew Thomas Mangan, nhấn mạnh.
Khi đã có cơ sở dữ liệu, các nhà đầu tư, doanh nghiệp sẽ dễ dàng hơn trong việc đưa ra quyết định của mình.
Với kinh nghiệm đầu tư và phát triển sản xuất thị trường nguyên vật liệu thứ cấp tại Hoa Kỳ và Thổ Nhĩ Kỳ cách đây nhiều năm, ông Andrew Thomas Mangan chia sẻ kinh nghiệm của doanh nghiệp Mỹ: “Cần phải hợp tác với doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp công nghiệp có quy mô lớn để xem nhu cầu thực sự của họ là gì? Khuyến khích họ thay đổi, hành động và đưa ra quyết định”.
Ngoài ra, để phát triển thị trường nguyên vật liệu thứ cấp, phải có đội ngũ kết nối các bên có liên quan, đặc biệt là như Hội đồng Doanh nghiệp vì sự Phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI). Theo ông Andrew Thomas Mangan: “Đây là những chủ thể quan trọng để thúc đẩy sự phát triển của thị trường nguyên vật liệu thứ cấp. Đây cũng chính là đầu mối giải quyết những khó khăn, thắc mắc của các doanh nghiệp khi doanh nghiệp tham gia đầu tư, phát triển thị trường nguyên vật liệu thứ cấp”.
Chiến thắng của ông Donald Trump lập tức khiến chứng khoán, tiền số hưng phấn nhưng giới chuyên gia nói kinh tế toàn cầu còn thách thức trong trung hạn.
Đăng nhập để bình luận.