Sức hút tăng trưởng của ngành bao bì giấy tại Việt Nam

Ngày 24-09-2021
VPPA-Doanh nghiệp ngành bao bì giấy đang có lợi nhuận liên tục bứt phá song hành với nhu cầu thị trường tăng trưởng mạnh.

suc-hut-tang-truong-cua-nganh-bao-bi-giay-tai-viet-nam

Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam (VPPA) đánh giá, sự phát triển của ngành hàng thực phẩm là yếu tố chính tác động đến ngành bao bì tại Việt Nam

Mới đây, Công ty Tetra Pak công bố sẽ đầu tư thêm 5 triệu euro cho nhà máy sản xuất vỏ hộp giấy trị giá 120 triệu euro tại tỉnh Bình Dương. “Khoản đầu tư thêm trị giá 5 triệu euro này thể hiện niềm tin của chúng tôi vào sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam sau đại dịch. Nó sẽ giúp chúng tôi phục vụ khách hàng tốt hơn khi công suất được tăng thêm, cung cấp các loại hộp giấy hấp dẫn hơn, đồng thời giảm thiểu tác động môi trường”, ông Eliseo Barcas, Tổng Giám đốc Tetra Pak Việt Nam, cho biết.

Lực đẩy từ ngành hàng thực phẩm

Dự kiến, khoản đầu tư mới sẽ giúp tăng sản lượng hằng năm của nhà máy Tetra Pak từ 11,5 tỉ vỏ hộp hiện tại lên 16,5 tỉ vỏ hộp. Ngoài ra, nhà máy sẽ được trang bị thêm để có thể sản xuất các loại vỏ hộp giấy cao cấp thay thế hàng nhập khẩu. Có thể thấy, Tetra Pak đang hiện thực hóa tham vọng của mình tại thị trường Việt Nam sau khi đầu tư xây dựng nhà máy tại Bình Dương từ năm 2019 trên diện tích 10 ha với công suất 20 tỉ hộp bao bì/năm. Đây là nhà máy thứ 4 của Tetra Pak trong khu vực châu Á, sau 3 nhà máy đang hoạt động tại Singapore, Nhật và Ấn Độ. Các đối tác tại Việt Nam của Tetra Pak là Vinamilk, Milo, TH true Milk và TTC…

Ông Trần Quang Trung, Chủ tịch Hiệp hội Sữa Việt Nam, nhận định: “Việc mở rộng này sẽ giúp cho các nhà sản xuất có thể yên tâm về nguồn cung và chất lượng nguyên liệu bao bì, đặc biệt trong giai đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu đang bị đứt nghẽn như hiện nay. Việc có nguồn nguyên liệu đóng gói ngay tại địa phương như ở nhà máy Tetra Pak Bình Dương là một lợi thế lớn không chỉ cho các nhà sản xuất sữa mà cả ngành thực phẩm đồ uống nói chung”.

suc-hut-tang-truong-cua-nganh-bao-bi-giay-tai-viet-nam

Việt Nam hiện là thị trường quan trọng nằm trong Top 10 thị trường phát triển nhất của Tetra Pak toàn cầu. Đặc biệt, tại Việt Nam, Tetra Pak cung cấp hầu như gần hết các loại bao bì cho các công ty sữa. Chi phí bao bì chiếm khoảng 10-20% giá thành sản phẩm, nên với quy mô thị trường sữa (gồm sữa uống, sữa bột trẻ em, sữa chua ăn và sữa chua uống, phô-mai, bơ và các sản phẩm từ sữa khác) khoảng 135.000 tỉ đồng trong năm 2020 (số liệu của SSI), thì chi phí bao bì mang lại nguồn thu lớn cho Tetra Pak.

Nhiều năm qua, mức tăng trưởng doanh thu cao nhất ở mảng đóng gói thực phẩm tại Việt Nam thuộc về các chế phẩm từ sữa, gạo, mì, mì sợi, nước sốt và gia vị, dầu ăn, đồ khô… Riêng thị trường thực phẩm dạng lỏng đang phát triển mạnh mẽ với tỉ lệ tăng trưởng hằng năm 6% trong 3 năm vừa qua và được dự đoán tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng tương tự trong 3 năm tới, so với tỉ lệ 4%/năm tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương và 3%/năm trên toàn cầu.

Theo Euromonitor International, nhu cầu bao bì thực phẩm tại Việt Nam giai đoạn 2015-2020 tăng trưởng 38-40%, từ 3,92 triệu tấn lên xấp xỉ 5,4 triệu tấn (cao gấp 2,5 lần so với mức tăng trưởng 13% toàn cầu trong cùng giai đoạn). Chiếm thị phần lớn nhất trong ngành bao bì thực phẩm, đồ uống ở thị trường nội địa là Tetra Pak, theo sau là New Toyo, Tín Thành…

Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam (VPPA) đánh giá, sự phát triển của ngành hàng thực phẩm là yếu tố chính tác động đến ngành bao bì tại Việt Nam. Nhu cầu tiêu dùng của người dân ngày một tăng, đòi hỏi các bao bì an toàn, thân thiện hơn. Ngoài ra, ngành thương mại điện tử cũng đang bùng nổ, dẫn đến nhu cầu đóng gói bưu kiện tăng mạnh.

Cơ hội trong chuỗi cung ứng

Bên cạnh đó, những ngành hàng sử dụng nhiều bao bì giấy đặt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu cao trên 10% trong năm 2021 như nhóm hàng nông, lâm, thủy sản và nhóm hàng công nghiệp chế biến gồm dệt may, giày dép, đồ gỗ, điện thoại các loại và linh kiện, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, phương tiện vận tải và phụ tùng… VPPA cho biết năm 2020, tổng tiêu dùng giấy bao bì đạt 4,286 triệu tấn, tăng trưởng 0,9% so với năm 2019.

Vì vậy, nhiều công ty nước ngoài đã quyết định chọn Việt Nam làm thị trường mở rộng phát triển ngành sản xuất bao bì. Nhất là vào thời điểm có sự sự dịch chuyển của các doanh nghiệp từ Trung Quốc, Đài Loan, Nhật về gia công bao bì giấy xuất khẩu do thách thức mức thuế suất 25% của Mỹ đối với Trung Quốc từ cuối năm 2019 đến giữa năm 2021 bắt đầu có tác dụng lớn.

Các khoản đầu đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào ngành bao bì giấy Việt Nam đã tăng trưởng nhanh chóng và đang chiếm hơn 50% sản lượng giấy các loại của Việt Nam. Đáng chú ý, nhà đầu tư Thái Lan SCG Group đã chi hàng ngàn tỉ đồng để sở hữu những công ty bao bì lớn của Việt Nam như Kraft Vina, Bao bì AP, Bao bì Alcamax, Packamex, Tân Á, Bao bì Biên Hòa…

Hiện tại, trong nước có trên 300 doanh nghiệp giấy nhưng đa phần là doanh nghiệp quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu. Các sản phẩm giấy bao bì cao cấp tráng phủ, các loại giấy đặc biệt vẫn chưa sản xuất được và phải nhập khẩu số lượng lớn, trên 1,3 triệu tấn/năm. Mặc dù Việt Nam là quốc gia hàng đầu về xuất khẩu dăm gỗ để sản xuất bột giấy, nhưng ngành công nghiệp sản xuất giấy lại phụ thuộc nhiều vào nguồn bột giấy nhập khẩu.

Đặc biệt, doanh nghiệp đang đối mặt với thách thức về thiếu nguyên liệu sản xuất và giá duy trì mức cao trong 6 tháng đầu năm do nguồn cung chính giấy thu hồi là Bắc Mỹ, châu Âu và Nhật vẫn đang bị ảnh hưởng mạnh do dịch COVID-19. Đây cũng là yếu tố gây khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất bao bì nội địa, khiến mức độ tập trung ngành lại phân tán, chưa có doanh nghiệp có quy mô lớn về thị phần.

Tuy nhiên, nắm bắt xu hướng tăng trưởng mạnh của thị trường, nhiều doanh nghiệp bao bì nội nỗ lực mở thêm nhà máy và nâng cao chất lượng sản phẩm. Theo VPPA, cuối năm 2020, đầu năm 2021, có 8 nhà máy sản xuất giấy bao bì công nghiệp đưa vào vận hành với tổng công suất thiết kế khoảng 1,4 triệu tấn/năm. Tiêu biểu, Công ty Cổ phần Đông Hải Bến Tre lên kế hoạch đầu tư 75 tỉ đồng vào máy móc thiết bị và xây dựng cơ bản cho nhà máy giấy Giao Long và đầu tư 2,3 tỉ đồng cho nhà máy bao bì. Nhà máy Giao Long PM2 đã đi vào hoạt động ổn định, giúp tăng sản lượng giấy của Công ty. Doanh nghiệp này cũng đầu tư Công ty Cổ phần Bao Bì Đông Hải với tổng vốn khoảng 250 tỉ đồng, dự kiến hoạt động vào năm 2024.

Dự báo thị trường bao bì giấy sẽ tiếp tục khởi sắc hơn khi Việt Nam và nhiều nước mở cửa nền kinh tế trở lại, tạo cơ hội cho doanh nghiệp trong ngành tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.

   >>> Thống kê bột giấy thế giới: Tồn kho nhà sản xuất tăng, tiêu thụ đạt 82% mức công suất

Theo Nhịp cầu Đầu tư

Bình luận của bạn

Tin liên quan

Tin đã đăng