Các khuyến nghị sửa đổi Luật Doanh nghiệp

Một số ngành vẫn áp dụng kiểm soát, hạn chế đáng kể quyền tự do kinh doanh, như: dịch vụ pháp lý, tài chính, ngân hàng và một số dịch vụ khác.

Nhằm tổng kết, đánh giá 20 năm thi hành Luật Doanh nghiệp, những thành tựu đạt được, bài học kinh nghiệm và nhận diện các vấn đề cần tiếp tục cải cách, sáng 18/11, trong khuôn khổ Chương trình cải cách kinh tế vĩ mô/Tăng trưởng xanh do Chính phủ Đức tài trợ qua Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ), Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) phối hợp với GIZ tổ chức Hội thảo 20 năm Luật doanh nghiệp: Thành tựu, bài học và yêu cầu cải cách.

Luật Doanh nghiệp ra đời năm 1999 nhằm bảo vệ quyền tự do kinh doanh; giảm chi phí tuân thủ đối với doanh nghiệp; đảm bảo an toàn, quyền và tài sản trong kinh doanh được pháp luật bảo vệ; giảm, thu hẹp và loại bỏ rủi ro từ chính sách, thể chế và thực thi pháp luật.

Qua 20 năm, Luật Doanh nghiệp đã trải qua 2 lần sửa đổi, thay thế (năm 2005 và 2014) và hiện đang xin ý kiến sửa đổi tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV.

Theo ông Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Luật Doanh nghiệp sau nhiều lần sửa đổi đã có những cải cách theo hướng tốt hơn, như: quy định cụ thể danh mục ngành nghề cấm kinh doanh, ngành nghề có điều kiện; bỏ ghi ngành nghề kinh doanh; bỏ yêu cầu bắt buộc có con dấu…

Tuy nhiên, ông Cung cho rằng, một số ngành vẫn áp dụng kiểm soát, hạn chế đáng kể quyền tự do kinh doanh, như: dịch vụ pháp lý, tài chính, ngân hàng và một số dịch vụ khác. Quyền tự do kinh doanh mới chủ yếu trong phạm vi “kinh doanh cái gì”, còn kinh doanh như thế nào và bao nhiêu vẫn phải xem xét thêm.

Bên cạnh đó, về chi phí tuân thủ có giảm đáng kể, nhưng vẫn còn cao. Việc giảm chi phí tuân thủ chủ yếu thực hiện theo từng đợt cải cách thủ tục hành chính, chưa có thể chế, định chế phù hợp để giảm một cách có hệ thống.

Việc tăng an toàn và giảm rủi ro trong kinh doanh so với trước đây cũng có cải thiện, nhưng ghi nhận thực tế, ông Cung cho hay, đầu tư kinh doanh chưa an toàn, rủi ro chính sách, pháp luật và thực thi còn cao, phức tạp. Các doanh nghiệp thiếu công cụ đáng tin cậy để bảo vệ lợi ích của mình.

Một vấn đề khác được chỉ ra là Luật Doanh nghiệp đang làm “lỏng” quản lý và kiểm soát đối với doanh nghiệp nhà nước, cũng như chưa hình thành khung quản trị đối với doanh nghiệp nhà nước; việc quản trị chưa có xu hướng tuân thủ các thông lệ quản trị tốt…

Cùng quan điểm trên, ông Phạm Đức Trung, Trưởng ban Ban Nghiên cứu cải cách và phát triển doanh nghiệp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, nếu so sánh thực trạng quản lý doanh nghiệp nhà nước tại Việt Nam với 39 nguyên tắc quản trị của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) dù đã làm, đã nỗ lực nhưng chưa được thực hiện đầy đủ, trọn vẹn.

Có thể kể đến như, mục tiêu sở hữu nhà nước còn chưa rõ ràng, nhất quán; thực hiện chức năng chủ sở hữu nhà nước chưa tách bạch với chức năng quản lý nhà nước, kể cả đã thành lập Ủy ban Quản lý vốn nhà nước; doanh nghiệp nhà nước chưa hoạt động đầy đủ theo cơ chế thị trường; vẫn còn các biểu hiện ưu đãi tiếp cận nguồn lực; chưa đảm bảo quyền của các bên có lợi ích liên quan (nước, điện…); thực thi pháp luật về công bố thông tin còn yếu…

Nói rõ về vấn đề này, ông Phạm Đức Trung cho hay, vấn đề chính là chưa có đầy đủ quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trên thực tế, nên doanh nghiệp nhà nước khó áp dụng các chuẩn mực quản trị hiện đại. Doanh nghiệp nhà nước có chủ sở hữu nằm ngoài doanh nghiệp và là cơ quan hành chính nhà nước nên phải xin phép cơ quan nhà nước về các vấn đề quan trọng của quản trị doanh nghiệp.

Ông Trung cho rằng, trong luật sửa đổi Luật Doanh nghiệp cần có quy định đổi mới, tăng cường nhân lực và bộ máy của các cơ quan đại diện chủ sở hữu. Cụ thể, cần quy định về quyền tự chủ của hội đồng thành viên doanh nghiệp nhà nước, theo hướng quyết định là thuộc quyền và trách nhiệm cuối cùng của hội đồng thành viên, không phải của cơ quan bên ngoài.

Bên cạnh đó, dự thảo luật cũng cần hoàn thiện về hệ thống giám sát, tiêu chí đánh giá mức độ an toàn, hiệu quả hoạt động, xếp loại doanh nghiệp; phòng ngừa, phát hiện và xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật, tiêu cực, tham nhũng, lãng phí.

Ngoài ra, doanh nghiệp nhà nước phải công bố thông tin theo thông lệ quốc tế những chính sách, chi phí, tiêu chuẩn và quy trình lựa chọn hội đồng thành viên, quản trị; các thông tin về giao dịch, rủi ro và biện pháp quản lý rủi ro, đặc biệt là việc sử dụng các khoản vay lớn. Đây là vấn đề khó khăn nhưng cần phải thực hiện, ông Trung nói.

Theo Luật sư Nguyễn Quang Hưng, để sửa đổi, bổ sung Luật Doanh nghiệp, cần chú ý tới các vấn đề về tính ổn định của pháp luật doanh nghiệp. Tính ổn định sẽ tạo sự thống nhất trong quy định và tránh sự lạm quyền. Ngoài ra tính ổn định thường được quy định trong các hiệp định đầu tư quốc tế. Để thu hút đầu tư và đảm bảo các cam kết quốc tế về đầu tư, pháp luật của nước tiếp nhận đầu tư thường phải cam kết với nhà đầu tư nước ngoài khi thay đổi pháp luật thì không gây ảnh hưởng cho nhà đầu tư.

Luật sư Hưng chia sẻ, để đảm bảo tính ổn định của Luật Doanh nghiệp thì cần xây dựng một số nguyên tắc cốt lõi, giúp các quy định dễ dàng thống nhất, phù hợp với nhau, như: Luật Chứng khoán, Luật Đầu tư… Cụ thể, như xem xét giữ ổn định và có thể hình thành các vấn đề về sở hữu doanh nghiệp, quyền và nghĩa vụ doanh nghiệp, mô hình tổ chức, quản trị doanh nghiệp…/.

Theo TTXVN